Xin thưa cái tựa bài viết này hoàn toàn không có ý bôi nhọ tỉnh Thanh Hóa mà chỉ liên tưởng tới một hình ảnh khác: Hiệp hội nhà Vệ sinh Việt Nam.
Hổm rày người ta bực bội bàn tán nhiều về việc tỉnh Thanh Hóa bắt tay vào việc xây tượng đài với số tiền 125 tỷ, số tiền này so với những vụ tham nhũng, ăn cắp của công thì rất nhỏ nhưng nếu chịu khó tính kỹ một chút nó không hề nhỏ, so với đời sống nghèo nàn hiện nay của một bộ phận quần chúng khắp nước.
Mà lạ, Thanh Hóa là tỉnh nghèo, rất nghèo, mỗi năm khi có những biến cố như hạn hán, lũ lụt thì Thanh Hóa là một trong những nơi đâm đơn xin trung ương hỗ trợ trước nhất. Lạ hơn nữa, Thanh Hóa lại là tỉnh có số đơn xin cấp phát ngân sách xây dựng tượng đài cũng nhiều nhất nước. Không lẽ tượng đài có thể nuôi sống được người nghèo hay sao? Ai cũng biết chỉ một nơi không biết: UBND tỉnh Thanh Hóa.
Nếu nghèo khổ cần tiền đã đành, nghèo khổ như Thanh Hóa lại cần tượng đài thì không thể giải thích theo cách suy nghĩ thông thường. Chỉ có thể cho rằng Thanh Hóa dùng tượng đài để tưởng thưởng cán bộ, khuyến khích chúng khai dối dự án và nhất là rút ruột công trình như cách làm quen thuộc của các đồng chí “có trách nhiệm”. Đến khi cái tượng đài hoàn thành thì người dân được mời đếm xem như một cách thách thức sự kiên nhẫn của họ.
Điều đọng lại nhất trong những chữ ký từ trung ương là gì? Xem thường cả nước, trâng tráo làm ngơ trước những lầm than của người dân với những tượng đài bạc tỷ mọc lên nhắc nhở quần chúng về cái gọi là tinh thần “người cách mạng”. Chỉ có cách mạng mới có cách hành xử như thế này và chỉ có cách mạng mới khước từ những vấn đề bức thiết của người dân.
Một trong rất nhiều sự bức thiết ấy là nơi giải quyết những bức thiết của cơ thể: Nhà vệ sinh.
Vâng, Việt Nam vốn là đất nước chịu sự quản lý của nhiều chế độ, từ phong kiến tới thực dân, từ cộng hòa tới cộng sản. Chế độ nào cũng chú ý tới cái cao cả, đẹp đẽ hay hào nhoáng nhưng “chế độ ưu việt của ta” lại quên mất cái thứ mà khi con người vừa sinh ra đã vốn có: Bài tiết. Ở nhà quê thì ra đồng, ở ven đô thì cầu tõm. Ở trung tâm thành phố thì lấp ló vài cái gọi là nhưng chưa thấy ai lên tiếng kêu gọi chính quyền phải lo cho dân có chỗ bài tiết một cách văn minh lịch sự.
Đàn ông thì đứng dọc tường hay ven kênh rạch xả bầu tâm sự còn phụ nữ thì cố chịu cho tới khi về nhà. Trong cái khoảng thời gian dằng dặc ấy, họ không biết trách ai chỉ biết tự trách mình không tự thải trước khi ra khỏi nhà. Cái nhà vệ sinh trong mơ của nhiều thế hệ lặng lẽ trôi qua như khiêu khích sự chú ý của nhà nước của chính quyền hay của chính phủ, gọi cách nào cũng không ra cái nhà vệ sinh cho tươm tất.
Mới đây trên mạng xã hội lan truyền ý kiến của loạt du khách với nhận xét những nước họ đã du lịch trong vùng Đông Nam Á. Họ không ngại ngần gì khi thẳng thắn gọi Việt Nam là đất nước dơ bẩn nhất thế giới, khi mô tả những căn nhà vệ sinh họ dùng qua. Ban đầu là nỗi khổ của việc tìm cho ra cái nhà vệ sinh công cộng, tất cả đều nhận được một dấu trừ lạnh lùng cộng với comment không hề thương tiếc. Những người có kinh nghiệm về việc giải quyết vệ sinh bản thân không bao giờ quay lại đất nước mà trước đó họ tưởng tượng đầy những hình ảnh mỹ miều.
Không cần so sánh đâu cho xa, ai sang Thái Lan du lịch đều chứng kiến chính phủ nước này chú ý tới những căn nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ và tươm tất đến thế nào. Cây xăng nào khi xe ghé qua đều có hàng quán và khu nhà vệ sinh cho người đi đường sử dụng. Không có lấy một người đứng kiểm soát, thu tiền hay sẵn sàng làm vệ sinh. Khách ra vào tấp nập nhưng trong cái tấp nập ấy là sự nhường nhịn người trước kẻ sau và nhất là rất tự trọng trong khi giải quyết nhu cầu của mình. Cái nhà vệ sinh xem ra là gương mặt của một đất nước, nó thể hiện sự văn minh, lịch sự chứ không đơn giản chỉ là nơi giải quyết việc cấp bách của con người.
Việt Nam cũng chú ý tới nhà vệ sinh công cộng lắm chứ không phải bỏ rơi như chúng ta nghĩ. Thế nhưng sự quan tâm ấy lại đi quá đà làm thành trò cười cho người dân. Hơn một năm trước, một tổ chức mang tên Hiệp hội nhà Vệ sinh Việt Nam ra đời với trống giong cờ mở. Nhiều vị khăn áo chỉnh tề đứng xếp hàng ôm hoa chụp hình phía trước tấm bích chương lời lẽ rổn rảng về dự án mà Hiệp hội này sẽ thực hiện: Nhà vệ sinh công cộng!
Ôi dân chúng mừng như mở cờ trong bụng mặc dù có cạnh khóe về cái tên cũng như những con người can đảm đứng trước quần chúng tuyên bố việc làm đầy ý nghĩa của mình. Thế nhưng chỉ sau khi đọc một đoạn ngắn tường trình từ nhiều tờ báo, người dân chưng hửng khi biết rằng họ là cán bộ thuộc Bộ Xây dựng và kinh phí để xây lên những căn nhà vệ sinh thời thượng ấy sẽ được lấy từ xã hội hóa, tức là từ người dân đóng góp!
Tờ báo của Bộ Xây dựng viết thẳng ra rằng: Việc thiếu nhà vệ sinh công cộng là vấn đề bức xúc hiện nay tại các đô thị lớn, đặc biệt là các đô thị có ngành Du lịch phát triển như Bà Rịa – Vũng Tàu. Chính vì vậy, việc lập đề án xây dựng nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa là vấn đề tất yếu, khi mà ngân sách Nhà nước không thể “kham nổi”. Do đó, ngày 17/11/2022, Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam có Văn bản số 359/HHNVS-VP về tiếp tục thực hiện Đề án xây dựng nhà vệ sinh công cộng bằng nguồn vốn xã hội hóa.
Đâu cần phải hiệp hội chi cho to tát, chỉ cần nhà nước dừng cấp kinh phí tượng đài là không biết bao nhiêu nhà vệ sinh công cộng sẽ được mọc lên. Chỉ cần ngắt cái đơn xin của Thanh Hóa và quăng vào thùng rác là nhà vệ sinh sẽ hiên ngang thay cho tượng đài vốn bị nguyền rủa và căm ghét tới tận xương của nhân dân. Nếu chính sách này được thực hiện, nhà nước sẽ có hai cái lợi: Bớt nghe lời châm chọc và được thêm du khách nước ngoài. Chỉ có một cái bất lợi duy nhất: Những tượng đài sẽ không biết hướng về đâu khi nhà vệ sinh mọc đầy khắp nước.