Người dân giãy giụa  

“Thay vì bữa ăn hai chén cơm thì nay ăn một thôi..."
Bất luận Sài Gòn đang náo loạn khốn khổ, trang tin Thông tin Chính phủ hôm nay vẫn tuyên bố rằng Thành Hồ “đã vượt qua khó khăn ban đầu”!

1/ Mâu thuẫn trong việc vừa ngăn cấm người dân ra đường nhưng lại không cung cấp đủ thực phẩm cho họ

Từ đêm hôm qua, Sài Gòn đã râm ran lệnh phong tỏa mới sẽ gắt hơn, dân tình gọi là “CT 17”, tin đồn lan tỏa nội dung chính gồm hai điều mà ai cũng lo lắng: Đó là chỉ được ra đường một ngày trong một tuần để mua lương thực; và tất cả shipper giao hàng sẽ phải tạm ngưng.

Ngay lập tức sáng nay, những siêu thị còn mở cửa ở Sài Gòn đã rồng rắn xếp hàng có nơi cả dài vài trăm mét. Gần nhà tôi nhất có siêu thị Vinmart nhỏ khoảng chừng 300 mét vuông. Chị tôi đi từ 6g sáng xếp hàng đã thấy có hơn chục người, hỏi ra là họ đứng xếp hàng từ 5g. Mà 7g siêu thị mới mở cửa. Mỗi người chỉ được mua một vỉ trứng gà, rau thì mỗi loại được một hoặc hai bó. Thịt cũng tối đa 2-3kg, không được mua nhiều.

Ở những nơi khác, bạn bè tôi mua hành lá 100,000 đồng/ký mà cũng chỉ mua được một ít hành còn thì ai đi trễ sẽ không có hành lá nữa. Mà nhà nào khó khăn hay có thói tích cốc phòng cơ, mùa dịch bệnh nghĩ đơn giản chỉ ăn trứng chiên hành là ngon rồi. Nhà tôi không mua được hành nên tôi có sáng kiến lấy củ hành tím nào xấu mà ốm đem trồng vô cái chậu nhỏ để tuần sau có hành ăn. Hôm nay bạn tôi bên Mỹ nhắn về hỏi, tôi cũng kể vậy và đã làm vậy.

Thói quen lâu đời của dân Sài Gòn vẫn là chợ truyền thống. Trong khi đó, dịch bệnh đã khiến cho thành phố đóng cửa hầu hết các chợ. Siêu thị cũng giảm một nửa và chỉ còn có hệ thống cửa hàng tiện lợi với lượng hàng rất nhỏ thì việc cung cấp lương thực cho người dân dẫn đến rất nhiều bất cập, cho dù “lượng hàng hóa hiện nay vẫn dồi dào” như lời một quan chức. Việc kêu gọi và xử phạt người dân khi ra đường nhưng lại không đủ “lượng lương thực dồi dào” để cho người dân hạn chế ra ngoài là một giải pháp chứa mâu thuẫn từ bên trong. Ngay cả ngày bình thường, người dân cũng thường mua đồ ăn dự trữ cho 2-3 ngày để tủ lạnh.

Vắng lặng và… âu lo (ảnh: Ngân Hà)

Nhưng trong lúc căng thẳng bởi dịch bệnh, trong khi khuyến cáo người dân không ra đường, mà khi người dân tranh thủ đi mua hàng để dành ăn một tuần mà lại thi hành việc hạn chế ra đường! Làm sao ai có thể đủ sức mỗi ngày xếp hàng từ 5, 6 giờ sáng chờ hàng tiếng để mua một ít thịt rau cá cho đủ mỗi ngày ăn? Ngay cả việc cung ứng hàng sao cho lương thực dồi dào để người dân có thể mua như ngày thường tích trữ để dành ăn 2-3 ngày cũng không đáp ứng đủ. Vậy nên dù thế nào, phải thành thật mà nói với nhau: Việc tăng giá các mặt hàng vì khan hiếm và gây khó khăn cho việc đi lại của người dân đã là một thất bại trong quản lý dịch bệnh ở thành phố.

2/ Các khu phong tỏa là mối đe dọa bùng phát ổ dịch, và… đói

Điểm chung của người dân các khu phong tỏa là sự lo lắng cho từng bữa ăn hàng ngày và sợ hãi vì không biết làm sao để có thể tránh được F0, F1 – nếu cứ chung đụng trong một không gian bị rào kín. Bởi bị tách khỏi đời sống thường nhật, những gia đình chưa có người dương tính vẫn phải đi lại nhận thức ăn, thậm chí có xóm còn ngồi “tám” với nhau, ăn nhậu, hát ca… vô tình gây nhiễm chéo. Đã có con hẻm 100% dương tính. Có nhiều con hẻm bị phong tỏa xe cấp cứu đến hàng ngày. Việc cách ly F0, F1 tại nhà hiện đang “thí điểm”, nhưng song song việc đó, cần giải tỏa cho chính các hộ lân cận không bị sống chung trong cái không gian với các ca dương tính bằng hàng rào và dây nhợ.

Nếu hộ nào có ca F0, F1 thì hộ đó phải tự cách ly 100%, nghiêm ngặt tuân thủ ở nhà không bước ra khỏi cửa, sẽ có đồ ăn tiếp tế. Còn cư dân chung quanh vẫn sinh hoạt bình thường và tất nhiên cũng không ra khỏi nhà nếu không có việc gì cần. Tuyệt đối không tụ tập và giữ “5K” khi ra khỏi nhà hoặc tiếp xúc với người lạ. Có vậy mới tránh cho các khu cách ly bệnh viện dã chiến thu dung hiện nay quá tải, tránh cả tình trạng tăng ca dương tính mạnh vì nhiễm chéo trong khu cách ly như hiện nay.

Hôm nay, sáng một chuyến hàng, chiều một chuyến xe, Vòng Tay Việt đã đến trao quà cho khu cách ly phong tỏa lớn nhất Sài Gòn từ trước đến nay. Đó là: “Toàn bộ phường Tân Thuận Đông, một phần phường Tân Thuận Tây và Bình Thuận, quận 7 (không bao gồm phần diện tích thuộc Khu chế xuất Tân Thuận), bao gồm 16 khu phố, 187 tổ dân phố với diện tích 393ha, dân số 21,582 hộ và 91,477 nhân khẩu. Thời gian bắt đầu từ 18h ngày 8 Tháng Bảy đến khi có thông báo mới”.

Vòng Tay Việt chuyển hàng ngàn phần bánh cho Tân Thuận Đông, quận 7, nhưng chỉ là muối bỏ bể với 91 ngàn nhân khẩu đang bị phong tỏa khu vực này (ảnh: Ngân Hà)

Tiếp chúng tôi là anh Nghiêm, Chủ tịch MTTQ phường Tân Thuận Đông. Anh kể từ 2g sáng ngày 8 Tháng Bảy khi có lệnh phong tỏa, anh em tự vệ và công an phường đã ngay lập tức giăng dây, lập chốt, ngăn hàng rào. Không thể biết đã dùng bao nhiêu mét dây để giăng hết cả một phường có số dân đông nhất quận. Và dân ở đây đa phần là công nhân các khu công nghiệp đang ở trọ, mưu sinh bằng đồng lương ít ỏi, cơm rau chạy bữa thì làm gì có “của để dành”. Cho nên, chỉ mấy tiếng sau, đã nghe dân kêu đói.

Các đội tự vệ phường, nhóm thanh niên làm tình nguyện viên được vận động để tổ chức cứu trợ cho mấy chục ngàn nhân khẩu những ngày sắp tới sẽ kéo dài không biết khi nào mới được gỡ. Người ta kêu gọi người dân ở đây sống dè xẻn “thay vì bữa ăn hai chén cơm thì nay ăn một thôi; mọi bữa ăn hai củ khoai nay bớt lại một, dành cho bữa sau. Phải tiết kiệm thì mới sống sót được. Hồi trước có điều kiện thì ăn ngon, ăn cho thỏa thích. Bây giờ gặp nạn dịch thì phải làm cách nào để tồn tại đã rồi mới sống để tính tiếp được”, anh Nghiêm nói.

Nhưng liệu vài triệu người dân thành phố trong khu phong tỏa, các khu nhà trọ công nhân thất nghiệp không thể về quê cùng với hàng trăm ngàn y bác sĩ, nhân viên y tế ở tuyến đầu, ai cũng cần tiếp tế sẽ cầm cự được bao lâu khi dịch bệnh vẫn đang bùng phát; và những phần rau, phần gạo, phần bánh do các tổ chức, doanh nghiệp, các nhân góp sức từ đầu mùa dịch đến nay còn kham nổi đến chừng nào?

Còn tôi, trong lúc đang ghi lại những điều này, lại nhớ lời nhà văn Lê Minh Hà ở Đức mới gọi về hỏi thăm dân tình Sài Gòn. Chị nói: “Nhà nước điều hành phải quản lý tốt thì mới có thể lo được cho dân lâu dài, chứ tình người và lòng tốt chỉ cứu nhau được trong lúc ngặt thôi”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: