Trong chín tháng của năm 2023, Việt Nam đã nhập cảng hơn 42,000 tấn cá hồi, cá tuyết, cua nâu, cua hoàng đế trị giá $142 triệu (khoảng 3,400 tỷ đồng) từ Na Uy.
Con số này gia tăng khoảng 8% về lượng và 23% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022, chiếm khoảng 10% tổng giá trị thủy hải sản của Na Uy xuất cảng trong chín tháng đầu năm.
Đó là thông tin được Hội đồng Thủy sản Na Uy công bố trong sự kiện “Học viện cá hồi”, nằm trong khuôn khổ hội chợ Vietfood & Beverage – Propack Vietnam 2023, diễn ra từ ngày 8 -11 Tháng Mười Một tại Hà Nội.
Ông Asbjørn Warvik Rørtveit, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Hội đồng Thủy sản Na Uy, còn cho biết riêng trong Tháng Chín 2023, Việt Nam đã chi khoảng $23.7 triệu để nhập gần 9,000 tấn thủy hải sản (cá hồi, cá tuyết, cua nâu, cua hoàng đế) từ Na Uy, tăng 28% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Việt Nam đang là thị trường tiêu thụ hấp dẫn đối với các nhà xuất cảng hải sản Na Uy, ông Asbjørn nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, trong chín tháng 2023, Việt Nam xuất cảng thủy sản (hàng đông lạnh) sang Na Uy chỉ đạt gần $4.8 triệu, theo Tuổi Trẻ.
Ngày 27 Tháng Chín 2023, Pháp Luật cho biết trong các mặt hàng thủy hải sản nhập cảng từ Na Uy, người Việt ưa chuộng nhất là cua hoàng đế đỏ, với giá trị nhập cảng năm 2022 khoảng 108 tỷ đồng ($4,433,400).
Trong năm 2019, Việt Nam nhập cảng 73 tấn cua hoàng đế đỏ Na Uy, tương đương khoảng 53 tỷ đồng. Đến năm 2020, tổng sản lượng mặt hàng này tăng 124%, lên đến 163 tấn, trị giá khoảng 121 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng lên đến 125%.
Hai năm sau đó, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên giá trị nhập cảng cua hoàng đế đỏ giảm nhẹ nhưng vẫn đạt mốc giá trị 100 tỷ đồng. Còn năm 2022, số lượng nhập cảng cua hoàng đế đỏ giảm 43% so với 2021 nhưng giá trị lại tăng 2%, đạt mốc 108 tỷ đồng.
Ông Asbjørn Warvik Rørtveit đánh giá, trong vài năm trở lại đây sức tiêu thụ hải sản của thị trường Việt Nam gia tăng nhanh chóng, nhất là cá hồi và cua hoàng đế đỏ.
Trong năm 2022, tổng sản lượng thủy hải sản từ Na Uy nhập về Việt Nam khoảng 50,000 tấn các loại, dẫn đầu khu vực Đông Nam Á, tuy nhiên về mặt giá trị thì xếp sau Thái Lan.
Nguyên nhân là do Thái Lan nhập cảng sản phẩm hải sản có giá trị cao hơn như cá hồi nguyên con, còn Việt Nam nhập cảng tỷ trọng cao về cá thu, còn cá hồi chỉ nhập cảng các sản phẩm phụ như đầu và lườn cá!
Như vậy, hãy xem lại xuất xứ của những đĩa cá hồi sashimi quảng cáo là nhập từ Na Uy trong các siêu thị và nhà hàng ở Việt Nam.
Với giá trị xuất cảng cao, ngư dân Na Uy bắt cua hoàng đế đỏ như thế nào? Ngày 4 Tháng Tám 2023, phóng viên Tuổi Trẻ đã tường thuật một lần theo chân những ngư dân ở TP. Honningsvåg đi bẫy những con cua hoàng đế ở biển nước sâu Barent.
Những ngày cuối tháng 7, Na Uy đang là mùa Hè, thời tiết ấm áp thuận lợi cho các ngư dân đánh bắt cua hoàng đế, họ sẽ đặt lồng bẫy cua với mồi câu là cá nục xanh hoặc cá tuyết xuống biển ở độ sâu khoảng 70m.
Vào mùa Đông, cua hoàng đế ở vùng biển Barent sẽ sinh sống ở những vùng biển nước nông hơn so với mùa Hè. Tháng Giêng hằng năm, băng tuyết phủ trắng phía Bắc Na Uy, cua hoàng đế tự bò lên bờ, ngư dân chỉ việc nhặt. Tuy nhiên, thời gian này là lúc lạnh nhất, ngư dân ra khơi bắt cua không cẩn trọng sẽ bị tai nạn.
Anh ngư dân Bjørn Ronald Johannessen (35 tuổi) chia sẻ: Mỗi năm, một ngư dân chỉ được bẫy cua hoàng đế dưới biển không quá 2 tấn. Nếu đánh bắt quá hạn ngạch, anh sẽ phải trả lại số tiền thu được và bị phạt khoảng $20,000 – $30,000.
Cả năm 2023, hạn ngạch tối đa mà chính phủ Na Uy cho phép ngư dân bắt cua hoàng đế là 2,495 tấn, trong đó bắt buộc phải có 2,375 tấn cua đực, còn lại 5% là số cua cái. Na Uy cấm ngư dân không bắt cua cái quá 5% số lượng cho phép, để trong tự nhiên vẫn còn đủ số cua cái duy trì nòi giống.
Cầm trên tay tờ phiếu đăng ký 40 ký cua hoàng đế với công ty Cape Fish, Bjørn Ronald Johannessen cho biết: “Mỗi lần trước khi ra khơi, tôi sẽ phải đăng ký với công ty thu mua xem dự tính hôm nay bắt được bao nhiêu. Khi đó chúng tôi được công ty xác nhận để xuất bến”.
Ngư dân này có con tàu sắt dài hơn 10m, một mình anh điều khiển con tàu, nhổ neo hướng ra vùng biển Barent. Vùng biển này chỉ có 800 ngư dân bản địa có giấy phép mới được bẫy cua hoàng đế.
Trong sáu năm kể từ khi được Tổng cục Hải sản (trực thuộc Bộ Công nghiệp – Thương mại và Hải sản Na Uy) cấp phép, năm nay Bjørn Ronald Johannessen được đặt tối đa 30 chiếc bẫy cua hoàng đế và khai thác không quá 2 tấn.
Hồi năm ngoái, trong hai tuần, Bjørn Ronald Johannessen đã đánh được 2 tấn cua hoàng đế. Do hết hạn ngạch khai thác nên anh phải đi đánh bắt cá ở vùng biển xa trong khoảng bốn tháng.
Thời gian còn lại trong năm, ngư dân Bjørn Ronald Johannessen là người đàn ông của gia đình, cùng vợ chăm sóc ba đứa con.
Sau chừng 20 phút rời cảng, con tàu thả neo tại vị trí đặt bẫy cách đất liền chừng 5km. Bjørn Ronald Johannessen tiến về phía mạn tàu, vớt dây phao và nối vào máy tời, kiểm tra những khu vực mình đặt mồi cua vài hôm trước và kéo lồng xem có con nào dính bẫy không.
Khi chiếc bẫy chừng 1.2m từ từ nhô lên khỏi mặt nước, những con cua hoàng đế bò lổm ngổm trong bẫy.
Bjørn Ronald Johannessen reo lên: “Chúng nhiều hơn tôi tưởng tượng, khoảng 70 ký, gần gấp đôi lượng tôi dự tính”, anh nối thêm một dây thừng để cẩu bẫy cua lên thuyền.
Sau khi đưa những con cua ra khỏi lồng bẫy, Bjørn Ronald Johannessen phải xem lại từng con cua, những con nhỏ chưa đủ kích thước vỏ (tối thiểu 130mm), chưa đủ cân nặng, hoặc bóp cảm thấy không đủ thịt sẽ được anh thả lại xuống biển.
Tàu cập cảng, toàn bộ số cua của Bjørn Ronald Johannessen sẽ được công ty Cape Fish mua.
Những con cua hoàng đế sẽ được công nhân phân loại theo trọng lượng, gắn mã truy xuất nguồn gốc và đưa vào những thùng nước biển lạnh được lấy trực tiếp từ khoảng cách 200m so với đất liền, để cua được sống như ở môi trường thật trước khi đưa đến các quốc gia.
Công ty mua mỗi ký cua hoàng đế của ngư dân khoảng $35. Khi đủ 2 tấn cua thì mỗi năm Bjørn Ronald Johannessen thu về $70,000, trừ tất cả các chi phí, anh lời gần $50,000.
Bẫy cua hoàng đế trên biển Barent là một nghề có thu nhập rất tốt nên ở Honningsvåg, hầu hết ngư dân bẫy cua hoàng đế là theo nghề cha truyền con nối.