Nhà trưng bày đóng cửa vì không có sản phẩm trưng bày

Sau 3 năm đưa vào hoạt động, hiện nay nhà trưng bày phải thường xuyên đóng cửa – Ảnh: Thanh Niên

Nhà trưng bày của làng chuyên nghề rèn này có diện tích chỉ chừng 150m2, nằm trong khu đất rộng khoảng 1,000m2, có hẳn tường rào bao quanh để chống trộm. Nhưng giờ mấy tên trộm cũng chê không vào, vì trong đó, ngay cả sản phẩm cũng không có để trưng bày thì có gì đâu mà lấy!

Nhớ ba năm trước, cả phường Đập Đá (thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) hãnh diện khai trương nhà trưng bày lắm. Nó được đầu tư khoảng 2 tỷ đồng, từ nguồn hỗ trợ của tỉnh, thị xã, vốn đối ứng của địa phương và người dân đóng góp.

Theo kế hoạch (chẳng biết ai lập), dự án này sẽ góp phần phát triển làng nghề kết hợp phục vụ du lịch. Tuy nhiên, sau ba năm đưa vào hoạt động, hiện nay nhà trưng bày phải thường xuyên đóng cửa vì không có sản phẩm trưng bày. Vì lâu không được sử dụng, một số hạng mục như hệ thống điện, nước bên trong nhà trưng bày bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Ngoài ra, bên trong nhà bụi bặm phủ kín, bên ngoài cỏ dại mọc nhiều.

Giờ thì dân mới biết “mấy ông lãnh đạo xã bày ra xây cái nhà trưng bày này để ‘kiếm chút cháo xây dựng’ thôi, chứ hiện nay đâu còn mấy ai làm rèn nữa mà ‘trưng với chả bày’!”

Ừ thì ai chẳng biết, trung ương, tỉnh thành thì ăn nhiều, lãnh đạo xã phường thì cũng phải biết lợi dụng chủ trương, “xà xẻo” một chút cho vợ con nó nhờ. “Cũng chẳng bao nhiêu, tiếp đãi mấy sếp từ thị xã, tỉnh xuống cũng hao tốn lắm”, một ông từng là lãnh đạo xã Đập Đá nói thế.

Mà cái tên Đập Đá này cũng “hay hay”. Nó làm cho người ta cứ tưởng đến cả phường này là “dân nghiện”, nên đặt tên như thế cho đúng với thực tế.

“Nếu đúng vậy thì chết!..”, một ông sống lâu lên lão làng ở xã Đập Đá nói:

“Sở dĩ nó có tên như thế vì ở đây có cái đập bằng đá, chứ không phải có ‘dân đập đá’ (chơi ma túy đá)”.

Xưa đập được xây bằng đá, nay được làm lại bằng bê tông cốt thép – Ảnh: Facebook Quy Nhơn

Theo trang Facebook Quy Nhơn, vùng đất này có sông Thạch Yển xưa gọi là sông Bằng Châu, đập bổi mà hai bà Châu – Trần (tức hai bà Châu Thị Ngọc Mã và Trần Thị Ngọc Lân) đắp để dẫn nước vào ruộng. Trong Đại Nam Nhất Thống Chí gọi là “Bằng Châu giang Thạch Yển” (Đập Đá sông Bằng Châu).

Vì sao lại gọi là Thạch Yển (Đập Đá) trong khi đập đắp bằng bổi, thì trong “Đại Nam Nhất Thống Chí” có giải thích: Vì lòng sông có đá nên gọi tên ấy.

Theo lời kể của người dân nơi đây, hai bà Châu – Trần thuộc gia đình phú hào đã xuất tiền mua đất, đào và khơi dòng các nhánh sông, đắp hai đập bồi Cây Sung và Thạch Yển nhờ đó dân ba huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát chẳng những có đủ nước canh tác, mà nhiều cánh đồng trở nên phì nhiêu, màu mỡ.

Trở lại chuyện nhà trưng bày, ông Trương Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường Đập Đá, cho biết thời điểm xây dựng công trình này, nghề rèn còn đông đảo người làm nghề, nhưng giờ đang mai một. Trước đây, địa phương có trên 200 gia đình làm nghề rèn, hiện chỉ còn khoảng 50 – 60 nhà.

Tuy vậy ông Tâm nói chính quyền vẫn không bỏ cuộc, và hiện đang có kế hoạch phục hồi lại sinh hoạt của nhà trưng bày. Ông nói:

“Trong năm 2023, địa phương sẽ tiếp tục đầu tư nâng cấp thêm một số hạng mục, trong đó sẽ cho lát gạch lại mặt sân, vỉa hè xung quanh. Đặc biệt, sẽ tiếp tục tổ chức vận động người dân tham gia cung ứng sản phẩm để trưng bày, quảng bá sản phẩm truyền thống của địa phương”.

Văn phòng “Hội người cao tuổi đập đá” – Ảnh: Facebook Quy Nhơn

UBND thị xã An Nhơn cũng xác nhận, họ đã có ý kiến chỉ đạo UBND phường Đập Đá phải tìm cách khôi phục, phát triển mạnh trở lại đối với làng nghề rèn.

Việc này giống như bắt cán bộ phường Đập Đá “đội đá vá trời”. Làm sao bắt người dân theo cái nghề không đủ nuôi sống họ được? Một người dân nói:

“Chúng tôi cũng muốn giữ nghề truyền thống của ông bà để lại lắm. Chỉ cần ông nhà nước mua sản phẩm của chúng tôi cao chút đỉnh để chúng tôi sống được thì mới giữ được nghề. Cứ hô hào suông như vậy thì mấy ông đi mà làm”.

Người dân kể, thời hoàng kim ở đây, nhà nhà làm nghề rèn. Sản phẩm của làng rèn từ đó phát triển không ngừng kể cả số lượng và chất lượng. Năm 2020, làng nghề rèn này được UBND tỉnh Bình Định công nhận làng nghề truyền thống. Một người nói:

“Thế là kể từ đó làng nghề đi xuống luôn!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: