Nhân viên ngân hàng lập ‘đường dây’ bán giấy tờ giả vay vốn

Nguyễn Hữu Hoàng (áo đen) tại cơ quan công an – Ảnh: Tiền Phong

Một nhân viên ngân hàng nhận thấy có nhiều người muốn vay vốn làm ăn nhưng gặp khó khăn trong việc làm hồ sơ vay, bên cạnh đó có những nhân viên ngân hàng vì muốn đạt chỉ tiêu đã tìm mọi cách trợ giúp khách hàng… đã lập đường dây chuyên cung cấp các giấy tờ giả.

Truyền thông trong nước ngày 9 Tháng Chín 2023 đã đưa tin Công an quận Đống Đa vừa khởi tố và tạm giam ông Nguyễn Hữu Hoàng (30 tuổi, ngụ tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh, Hà Nội) là nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở Hà Nội (không nêu tên ngân hàng nào), để điều tra về hành vi “Làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan tổ chức nhà nước”.

Ông Hoàng bị bắt vì lập nhóm Zalo với hơn 300 thành viên là nhân viên của các ngân hàng khác nhau, cùng có mục đích bán các giấy tờ vay vốn giả.

Trước đó, đầu Tháng Tư 2023, một người phụ nữ xưng là cán bộ ngân hàng đến trụ sở UBND phường Ngã Tư Sở (Đống Đa, Hà Nội) yêu cầu xác minh về một đơn xin xác nhận kinh doanh đề tên Trần Quốc D., trong đó có chữ viết, chữ ký đề tên một phó chủ tịch UBND phường Ngã Tư Sở, có dấu tròn của UBND phường.

Qua kiểm tra, UBND phường Ngã Tư Sở phát giác chữ ký, chữ viết và con dấu là giả mạo, nên đã báo cơ quan công an.

Làm việc với cơ quan điều tra, Trần Quốc D. khai do nhu cầu vay vốn kinh doanh, thông qua Zalo, người này liên hệ với Đinh Tiến C. (làm việc tại một ngân hàng) để tư vấn vay vốn. Lúc này, C. cho biết phải có giấy xác nhận kinh doanh và bản cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm.

Cuối Tháng Ba 2023, C. gửi mẫu đơn cho D. làm. Do chưa có đăng ký kinh doanh nên C. giới thiệu D. với Nguyễn Hữu Hoàng để làm giả giấy tờ với giá 2 triệu đồng. Sau đó, D. sử dụng giấy tờ này để làm hồ sơ vay vốn.

Các con dấu giả mà công an quận Đống Đa tịch thu ở nhà Hoàng – Ảnh: An Ninh Thủ Đô

Cơ quan điều tra đã triệu tập Nguyễn Hữu Hoàng và xác định nghi phạm này đã sử dụng các thiết bị in ấn, chế bản tại nhà để “chế” mẫu giấy xác nhận, sau đó tải hình ảnh dấu đỏ của UBND phường Ngã Tư Sở rồi cắt ghép vào mẫu đơn. Làm xong, Hoàng in giấy xác nhận và thuê shipper chuyển cho người có nhu cầu vay vốn.

Khám xét nhà Hoàng, lực lượng chức năng tịch thu một máy tính, một máy ép nhiệt, một máy in, 100 con dấu của các cơ quan tổ chức nhà nước khác nhau, trong đó có 67 con dấu tròn của UBND các phường, quận, công an, ngân hàng, văn phòng công chứng… và năm bộ tài liệu nghi bị làm giả của ngân hàng.

Hoàng khai đã lập nhóm Zalo có sự tham gia của hơn 300 thành viên là nhân viên các ngân hàng, nhằm kết nối, nhận làm các giấy tờ giả để các nhân viên ngân hàng này giúp khách hàng làm hồ sơ vay tiền.

Các giấy tờ giả này được Hoàng thu từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, trong đó có giấy sao kê ngân hàng giả với giá 3 triệu đồng.

Nhân viên ngân hàng tham gia lừa đảo khách hàng hoặc “bày” cách lừa đảo cho khách hàng giờ không hiếm.

Nguyễn Thị Uyên (áo kẻ caro) tại cơ quan công an – Ảnh: Công an Bắc Ninh

Ba ngày trước, ngày 6 Tháng Chín, truyền thông trong nước đưa tin về một nữ nhân viên đang thử việc tại một ngân hàng thuộc địa phận huyện Yên Phong (Bắc Ninh) đã lừa đảo và chiếm đoạt hơn 8.5 tỷ đồng của khách hàng, bằng cách mượn danh ngân hàng.

Ngày 6 Tháng Chín, Công an tỉnh Bắc Ninh cho biết vừa ra quyết định khởi tố và thực hiện lệnh khám xét chỗ ở đối với Nguyễn Thị Uyên (30 tuổi, ngụ tổ dân phố Trung Đồng, thị trấn Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Năm 2022, Uyên là nhân viên thử việc của một ngân hàng tại huyện Yên Phong, các báo không nói rõ ngân hàng nào. Dù không được ngân hàng giao nhiệm vụ đáo hạn nhưng Uyên vẫn lấy danh nghĩa là nhân viên ngân hàng để vay tiền của một số khách hàng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh với mục đích đáo hạn.

Sau khi lấy được tiền, Uyên đã trả nợ và tiêu xài cá nhân, các nạn nhân đã đến cơ quan Công an trình báo. Tại cơ quan điều tra, Uyên thừa nhận, với thủ đoạn trên, cô ta đã nhiều lừa đảo nhiều khách hàng chiếm đoạt hơn 8.5 tỷ đồng ($353,260).

Do Uyên đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi và mang thai nên hiện Công an tỉnh Bắc Ninh chỉ áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Uyên.

Bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 đồng phạm ra tòa cuối Tháng Mười Hai 2022 – Ảnh Tiền Phong

Hồi cuối năm 2022, có đến 17 lãnh đạo và nhân viên ngân hàng phải ra hầu tòa vụ “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” 433 tỷ đồng ($17,995,480), bên cạnh đó là tội “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” và “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”.

Phiên tòa sơ thẩm mở ở Hà Nội ngày 26 Tháng Mười Hai 2022, với bị can được truyền thông trong nước gọi là “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành (38 tuổi, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Để có thể lừa đảo và chiếm đoạt gần $18 triệu, bà Thành được sự giúp sức của 25 đồng phạm, trong đó có 17 người là cựu cán bộ, nhân viên của ba ngân hàng Quốc Dân (NCB), ngân hàng thương mại cổ phần Đại Chúng (PVcomBank) và ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (VietABank).

Nhóm cán bộ VietABank gồm một giám đốc chi nhánh, một trưởng phòng khách hàng cá nhân phòng giao dịch Đông Đô, một kiểm soát viên, một thủ quỹ và sáu nhân viên.

Nhóm cán bộ NCB gồm một phó giám đốc chi nhánh Hà Nội kiêm giám đốc điều hành NCB khu vực Tây Hồ, một trưởng bộ phận tác nghiệp tín dụng và ba nhân viên. Nhóm cán bộ PVcombank gồm một giám đốc phát triển khách hàng – khối doanh nghiệp và một nhân viên.

Nguyễn Thị Hà Thành (bên tay phải hình) ra tòa vì lừa đảo và chiếm đoạt gần $18 triệu với sự giúp sức của 17 cán bộ và nhân viên của ba ngân hàng – Ảnh: Tiền Phong

Tiền Phong ngày 26 Tháng Mười Hai 2022 dẫn cáo trạng cho biết, khoảng năm 2016 – 2018, Nguyễn Thị Hà Thành kinh doanh tự do nhưng thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân theo cách “vay người sau trả cho người trước”.

Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Nhờ quen biết rộng, Thành còn đưa được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các “Hợp đồng tín dụng”, vay các ngân hàng.

Cáo trạng viết các ngân hàng đều coi Thành là khách hàng “VIP” nhưng thực tế bà này không hoạt động kinh doanh mà “chỉ vay tiền người sau trả người trước”.

Từ ngày 5 Tháng Sáu 2018 –  26 Tháng Mười Một 2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn. Từ đó, bị cáo nhiều lần gian dối, chiếm đoạt gần $18 triệu của ba ngân hàng và các cá nhân.

Nói tóm lại, giờ khách hàng Việt Nam đến ngân hàng giao dịch thì cũng phải là “người thông minh, có kiến thức”, chứ hoàn toàn tin tưởng vào nhân viên ngân hàng hay tin tưởng ngay cả người có chức vụ là trưởng phòng giao dịch, giám đốc chi nhánh… thì cũng sẽ có ngày bay hết tiền ky cóp!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: