Việt Nam ngày càng xây dựng nhiều đường cao tốc, gọi tắt của đường tốc độ cao, nơi các loại xe bốn bánh được chạy với vận tốc 80 – 120km/giờ, rút ngắn khoảng cách giữa nhiều tỉnh/thành, đi lại thuận tiện hơn. Thế nhưng, đường cao tốc Việt Nam lại hay xảy ra tai nạn giao thông và luôn ẩn chứa sự nguy hiểm vì mỗi nơi làm một kiểu.
Kết quả khảo sát 11 tuyến cao tốc tại Việt Nam của Bộ Công an và Bộ Giao thông vận tải cho thấy có nhiều bất hợp lý ngay từ khi xây dựng cao tốc, danh sách lên đến 132 mục, theo bài viết của Tuổi Trẻ ngày 25 Tháng Mười 2023.
Trong 11 tuyến cao tốc được khảo sát, có bảy tuyến không bảo đảm an toàn (chiếm hơn 63%) như không có dải phân cách cứng, không có làn dừng khẩn cấp hoặc có nhưng chưa đủ bề rộng, không bảo đảm hệ thống chiếu sáng ban đêm, tầm nhìn hạn chế…
Trên bảy tuyến, đoạn cao tốc này từng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông kinh hoàng, cùng nhiều vụ va chạm khác, nhất là một số tuyến mới đưa vào khai thác.
Điển hình như tuyến Nội Bài – Lào Cai (đoạn từ km123 đến km262) chỉ có hai làn xe chạy, hai làn dừng khẩn cấp nhưng không có dải phân cách giữa, chỉ bố trí các đoạn vượt. Trong khi lưu lượng xe qua lại khoảng 33,000 lượt/ngày – đêm.
Các đoạn Cao Bồ – Mai Sơn – Quốc lộ 45 (từ km259 đến nút giao Quốc lộ 45), tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận (từ km39+750 đến km 1001+126), tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tuyến Nha Trang – Cam Lâm có bốn làn xe chạy, có dải phân cách giữa, nhưng lại không có làn dừng khẩn cấp.
Trong số các tuyến cao tốc không có làn dừng khẩn cấp thì đoạn Cao Bồ – Mai Sơn – Quốc lộ 45 (ngang qua địa phận hai tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa) có lưu lượng xe rất lớn, khoảng 60,000 lượt/ngày – đêm.
Còn tuyến Trung Lương – Mỹ Thuận (ngang qua tỉnh Tiền Giang) có khoảng 38,000 lượt xe/ngày – đêm, Tuyến Nha Trang – Cam Lâm khoảng 1,500 lượt xe/ngày – đêm…
Tuyến cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên (từ km26+100 đến km62+200) có lưu lượng xe khoảng 10,000 lượt/ngày – đêm nhưng chỉ có bề rộng làn đường xe chạy chỉ 3.5m, làn dừng khẩn cấp là 1.5m, không bảo đảm đúng chuẩn cao tốc là làn xe chạy phải rộng 3.75m, còn làn dừng khẩn cấp phải rộng tối thiểu 3m.
Riêng tuyến cao tốc La Sơn – Cam Lộ (ngang qua Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế) chỉ có hai làn xe chạy, bề rộng mặt đường 23m, không có dải phân cách giữa, không có làn dừng khẩn cấp, thế mà cứ 10km lại có một điểm vượt.
Tuyến cao tốc này được đánh giá chỉ tương đương đường cấp 3 đồng bằng, thế mà cho chạy tốc độ cao quá nguy hiểm!
Bên cạnh đó, việc tổ chức giao thông trên các tuyến cao tốc này còn nhiều thiếu sót như thiếu người trực chốt, hệ thống hàng rào hai bên đường chưa khép kín nên còn tình trạng người dân tự ý đi bộ vào, kể cả xe ba gác, gia súc… cũng chen vào cao tốc!
Có đoạn hàng rào thép trên cao tốc bị cắt bỏ, người dân trèo lên cao tốc để đón xe đò quá nguy hiểm như tuyến Pháp Vân – Mai Sơn, Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên.
Cá biệt, tuyến cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây từng xảy ra ngập sâu do mưa (ngày 29 Tháng Bảy), làm tắc nghẽn giao thông một đoạn đường dài.
Chưa hết, đoàn khảo sát còn phát giác một số tuyến cao tốc khi vừa đưa vào khai thác đã bị hằn, bị lún, xe chạy không êm, dễ hỏng hóc.
Theo nhận xét của đoàn khảo sát, những tuyến cao tốc không có dải phân cách cứng ở giữa rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Còn những tuyến, đoạn cao tốc không có làn dừng khẩn cấp, khi xảy ra sự cố hoặc tai nạn, lực lượng chức năng khó tiếp cận để xử lý sớm, dẫn đến tai nạn liên hoàn và tắc nghẽn giao thông.
Một số tuyến cao tốc không có trạm dừng nghỉ cho tài xế, không có trụ sở làm việc, bãi giữ phương tiện vi phạm… gây khó khăn cho lực lượng cảnh sát giao thông tuần tra.
Điển hình là vụ tai nạn giao thông xảy ra vào sáng 6 Tháng Tám trên cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, tại km199+100. Chiếc xe tải do tài xế Đoàn Minh Thành (25 tuổi) điều khiển, từ Vĩnh Hảo vào Phan Thiết, đã tông vào đuôi xe tải gắn cần cẩu đang dừng lại để sửa chữa ngay trên đoạn cao tốc không có điểm dừng khẩn cấp.
Cú tông khiến phần đầu bên phải xe tải của tài xế Thành găm chặt vào đuôi xe tải gắn cần cẩu, người đàn ông ngồi bên ghế phụ tử vong tại chỗ.
Ngoài ra, Tuổi Trẻ từng phản ảnh nhiều điểm tréo ngoe trên các tuyến cao tốc mới. Đơn cử như cao tốc từ Vĩnh Hảo – Dầu Giây dài 200km nhưng không có một trạm dừng nghỉ, gây bất tiện và nguy hiểm cao độ cho tài xế.
Người dân phải dựng “nhà vệ sinh 0 đồng” bên hông cao tốc để tài xế và khách giải quyết tại chỗ. Tệ hơn, nhiều đoạn trên cao tốc này mất sóng điện thoại, một khi xảy ra tai nạn hoặc xe bị hỏng hóc đột ngột, tài xế sẽ không biết xoay xở thế nào…
Ghi nhận mới nhất của Tuổi Trẻ cho biết trên hai tuyến cao tốc mới từ Vĩnh Hảo – Dầu Giây (khoảng 200km), nhiều thiếu sót tiềm ẩn sự nguy hiểm cho tài xế vẫn chưa được chủ đầu tư và nhà thầu khắc phục, chẳng hạn như tại các nút giao Chợ Lầu, Đại Ninh, Ma Lâm, Ba Bàu, Sông Phan, tỉnh lộ 720 (Bình Thuận), quốc lộ 1, tỉnh lộ 715, quốc lộ 56 (Đồng Nai) vẫn không có điện chiếu sáng.
Điều này khiến tài xế không thể quan sát lối ra vào cao tốc với các đường nhánh vào ban đêm.
Tuyến này dài 200km nhưng không có trạm dừng nghỉ, khiến vào ban đêm, có tài xế cho xe đậu vào làn dừng khẩn cấp ở các nút giao để ngủ, rất nguy hiểm.
Tại nút giao Ba Bàu (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận), ngay từ khi đưa vào khai thác đã xảy ra “xung đột” giữa hai luồng xe ra vào cao tốc, luôn trong tư thế “đối đầu”, gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông, chưa kể đụng độ giữa các xe.
Còn trên tuyến chính cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, nhiều điểm nhà thầu mở tôn hộ lan (hệ thống dải rào lượn sóng, thường được lắp đặt ở hai bên đường quốc lộ, đường đèo, tuyến cao tốc… để giảm bớt xung lực, tốc độ của xe hoặc ngăn trường hợp xe đổ ngã xuống đèo dốc), để trống không, nhưng lại không cảnh báo, chỉ thấy đất cát.
Nhiều đoạn tôn hộ lan, cọc tiêu phản quang bị cỏ cây hai bên che khuất. Sau vài cơn mưa, nhiều đoạn trên cao tốc này có mái ta luy xói lở, trôi đất cát ngập hết các rãnh thoát nước.
Trong nhiều khoảnh đất trống từ hàng rào dân sinh đến tuyến chính của cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, thậm chí người dân còn vô tư thả gia súc vào để chăn.
Chia sẻ với VnExpress ngày 21 Tháng Giêng 2022, một độc giả tên Nguyên Khoa đã viết: Đại diện công ty quản lý dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận cho rằng “do khó khăn tài chính” nên không xây dựng làn dừng khẩn cấp, là một lý do rất khó chấp nhận.
Đầu tiên, không có làn dừng khẩn cấp mà chỉ có các chỗ dừng khẩn cấp, cách nhau 4-5 km. Rồi, vậy nếu có một xe sôi két nước, bó máy, nổ bánh xe giữa đường, thì phải lết bao xa để đến chỗ dừng? Mà xe đã chết máy thì lết kiểu gì? Vậy xe đó chỉ còn cách dừng giữa đường – vì đâu có làn khẩn cấp, nơi chỉ có hai làn xe chạy. Nguy cơ tai nạn là rất cao vì các xe chạy rất nhanh, khó mà phản ứng kịp. Lúc ấy, ai chịu trách nhiệm?
Độc giả này hỏi: “Trách nhiệm thuộc hết về tài xế gây tai nạn, hay thuộc về đơn vị xây dựng, thiết kế đường cao tốc? Chưa kể, có khi chính tài xế của xe gặp sự cố cũng bị phạt, vì lỗi “dừng, đỗ trên đường cao tốc”. Ngang trái quá. Chúng ta không thể mang cái lý lẽ làm được con đường tốt hơn đường trước đây để bao biện cho việc xây một cái cao tốc “nửa nạc nửa mỡ” thế được!
Đây chỉ là một trong hàng loạt lỗi mà cao tốc ở Việt Nam mắc phải, thế thì nếu không thể làm ra một con đường cao tốc theo đúng tiêu chuẩn, thì tại sao chúng ta lại phải cố gán cho nó cái tên “cao tốc” để làm gì?”
Điều tức cười nhất là sau khi xây dựng rất nhiều tuyến cao tốc từ Nam chí Bắc, ngày 12 Tháng Chín 2023, ông Thủ tướng Phạm Minh Chính mới ban hành công điện về việc khẩn trương xây dựng quy chuẩn về đường cao tốc và tập trung triển khai các giải pháp bảo đảm tiến độ, phẩm chất của các dự án!
Sau khảo sát này của hai Bộ – chỉ rõ những sai phạm của các tuyến cao tốc hiện tại, liệu người dân có được an toàn khi đi lại trên các tuyến cao tốc không?