Những bài học khốc liệt trả giá cho sự phát triển Tây Nguyên

Vụ sạt lở đất tại đèo Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) vào cuối Tháng Bảy 2023 (ảnh: Tuổi Trẻ)

Chiều 30 Tháng Bảy 2023, đèo Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng xảy ra vụ sạt lở làm ba cảnh sát giao thông (CSGT) chết và một người dân tử vong, dưới chân một ngọn đồi bị cạo trọc để xây dựng công trình trạm CSGT và làm đồn điền trồng sầu riêng. Vụ sạt lở không chỉ gây tổn thất nhân mạng mà còn làm ách tắc tuyến đường huyết mạch trong nhiều ngày.

Cạo trọc đồi núi

Sự việc này nhận nhiều quan tâm của dư luận bởi qua hình ảnh thực địa cho thấy phần đất của vườn sầu riêng nằm giữa khu rừng phòng hộ đầu nguồn do một lâm trường quốc doanh quản lý. Rõ ràng, công trình trạm CSGT đã lựa chọn một vị trí không bảo đảm an toàn địa chất và quá trình xây dựng vi phạm các nguyên tắc kỹ thuật… Sự kiện trên chỉ là một trong vô số vụ sạt lở nghiêm trọng liên tiếp xảy ra khắp Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc trong vòng một tháng qua.

Ngày 1 Tháng Tám, đoạn đường chạy qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông xảy ra sụp lún. Các vết nứt tiếp tục rộng hơn 30-50cm, chỗ sụt lún sâu gần 3m. Chính quyền địa phương phải dời khẩn cấp hàng chục hộ dân sống trong khu vực sạt lở. Tình trạng sạt lở ở Đắk Nông tiếp tục đáng lo ngại khi hồ thủy lợi Đắk N’Ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk Glong) xuất hiện nhiều vết nứt đất lớn chạy dài. Áp lực đất từ quả đồi tác động gây nứt gãy, dịch chuyển tràn xả lũ của hồ chứa 1.2 triệu m3 nước, gây nguy cơ vỡ đập. Nếu xảy ra sự cố lớn ở hồ chứa này, thảm họa sẽ vô cùng tàn khốc.

Tại tỉnh Đắk Lắk, tuyến tránh trung tâm thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H’leo cũng xảy ra sạt lở, sụp lún nhiều vị trí. Trong đó có vị trí mặt đường bị sụp lún một bên dài khoảng 25m, tạo thành hố sâu. Tuyến tránh này dài hơn 23km, có tổng mức đầu tư hơn 503 tỉ đồng, do Ban Quản lý dự án đường HCM làm đại diện chủ đầu tư.

“Quân đội nhân dân” trong nhiều vụ là những thủ phạm phá rừng nhân danh phát triển kinh tế (ảnh: CAND)

Theo thông tin từ phía nhà cầm quyền, nguyên nhân của tai nạn, sạt lở, ngập lụt đều… do “trời mưa cực đoan”. Họ né tránh căn nguyên của vấn đề và chỉ thực hiện những biện pháp vá víu kiểu như vẽ sơ đồ, cắm biển báo những khu vực có khả năng sạt lở…

Tây Nguyên trong khoảng hai thập niên gần đây nhận được sự đầu tư không nhỏ để phát triển hạ tầng giao thông, điện lưới, trường trạm. Đây cũng chính là miếng bánh rất béo bở cho các nhà thầu và giới chức địa phương kiếm chác. Các công trình này bị “rút ruột” thậm tệ và cứ mùa mưa tới là lại sạt lở, hư hại. Nhà nước lại phải bỏ tiền để sửa chữa, tu bổ. Bài viết này tạm không nói tới đề tài tiêu cực, trục lợi ngân sách mà đề cập đến hai nguyên nhân lớn khiến tài nguyên rừng, đất và nước ngầm ở Tây Nguyên bị hủy hoại và tàn phá nặng nề. Đó là việc chuyển đổi đất rừng thành đất lâm nông nghiệp và việc áp dụng tràn lan “nông nghiệp kỹ thuật cao”.

Nếu như giờ đây ai chứng kiến thành phố ngàn hoa thơ mộng Đà Lạt, nằm trên cao nguyên Lang Biang có cao độ 1,500m so với mặt nước biển ngập chìm dưới dòng nước lũ đầy rác bẩn mỗi khi mưa thì đều hiểu rằng đó là hệ quả của quá trình đô thị hóa mất kiểm soát, dân số cơ học tăng nhanh, hạ tầng đô thị thiếu đồng bộ, phát triển vô tổ chức, phi khoa học. Rừng núi đại ngàn đã bị cạo trọc để biến thành đất nông nghiệp. Kiểu canh tác này là cách thức tàn phá môi trường tồi tệ. Chỉ sau một vài vụ mùa, lớp đất bề mặt bị rửa trôi, trở nên cằn cỗi, cứng như đá vào mùa khô và biến thành dòng lũ bùn nguy hiểm. Và chỉ vài năm sau, vùng đất sẽ trở thành đồi hoang núi trọc.

Rừng xơ xác (ảnh: NLĐ)

Với đặc điểm là vùng cao, là thượng nguồn của những con sông vùng Nam Bộ và Đông Nam Bộ, Tây Nguyên không tiếp nhận bất cứ nguồn nước nào từ bên ngoài mà hoàn toàn phụ thuộc vào vũ lượng hàng năm và khả năng hấp thụ nước mưa của thảm thực vật ở đây. Khi thảm thực vật mất đi, vào mùa khô, Tây Nguyên nhanh chóng trở thành hoang mạc. Vào mùa mưa, núi đồi sẽ sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ bùn sẽ tàn phá đường xá, cầu cống, công trình xây dựng, nhà máy… Cùng với đó, quá trình suy thoái tài nguyên đất, rừng và nước ngầm sẽ dẫn đến ảnh hưởng sinh thái trên qui mô lớn.

Vấn nạn chuyển đổi đất rừng thành đất nông lâm nghiệp tràn lan có nguyên nhân từ việc quốc hữu hóa đất và rừng Tây Nguyên, giao cho các binh đoàn quân đội làm kinh tế sau 1975. Những đơn vị này là tác nhân tích cực trong việc tàn phá môi trường và tài nguyên rừng Tây Nguyên trong suốt hơn bốn thập niên qua, song song với các vấn nạn nhức nhối khác như xây đập thủy điện và khai thác bauxite. Các đơn vị này khai thác tài nguyên gỗ rừng tự nhiên trên qui mô hàng trăm ngàn hecta, biến những cánh rừng nguyên sinh thành “rừng nghèo” rồi họ lại chuyển đổi “rừng nghèo” thành rừng trồng keo, bạch đàn, thành đất trồng cây công nghiệp. Một báo cáo của Viện tư vấn phát triển Việt Nam cho biết:

Sau 1975, do nhu cầu thiếu lương thực trầm trọng và nhu cầu khôi phục kinh tế sau chiến tranh, Tây Nguyên diễn ra tình trạng khai thác gỗ với qui mô lớn và khai phá đất rừng để canh tác nông nghiệp. Giai đoạn 1990 – 2000, diện tích cà phê đã tăng gấp năm lần (từ 85,600 ha lên tới 427,200 ha) và gấp 2.8 lần so với qui hoạch năm 2000. Tổng diện tích cây công nghiệp lâu năm năm 2011 đạt 1,130,500 ha, tăng gấp 1.33 lần so với năm 2005 và tăng gấp 1.73 lần so với năm 2000.

Tới năm 2010, diện tích riêng cây cà phê tăng gấp 1.15 lần so với năm 2000, và gấp 2.73 lần so với qui hoạch theo quyết định 184/QĐ-TTg (chỉ có 180,000 ha). Diện tích các cây trồng khác như sắn phát triển ồ ạt theo phong trào cũng góp phần tàn phá các cánh rừng tự nhiên và làm bạc màu đất nhanh chóng. Diện tích trồng sắn từ 38,000 ha năm 2000 đã tăng thêm tới 158,700 ha (gấp 4.17 lần).

Diện tích trồng cây cao su vốn trước kia người Pháp trồng với diện tích nhỏ (cây cao su chủ yếu được trồng ở vùng Đông Nam Bộ, còn ở Tây Nguyên bị hạn chế hơn cây cà phê) đã tăng nhanh chóng vì đem lại lợi nhuận lớn cho các nông trường quốc doanh. Trong vòng 12 năm, từ 2000 – 2012, diện tích cao su đã tăng gấp 2.5 lần từ 96,460 ha lên tới 243,000 ha…

Từ 1979 – 2000, có khoảng 136,000 ha đất rừng tự nhiên chuyển thành đất nông nghiệp. Theo như thống kê chính thức của nhà cầm quyền, từ 2005 – 2010, tổng diện tích rừng bị mất là 366,731 ha, trong đó chuyển sang đất nông nghiệp gần 217,000 ha, trở thành đất trống đồi trọc và mục đích khác gần 127,000 ha… Sự gia tăng nhanh diện tích cây công nghiệp vượt mức qui hoạch như cây cà phê, cao su, sắn… và tình trạng chuyển đổi đất rừng không kiểm soát đã xâm hại nghiêm trọng đến tài nguyên và môi trường sinh thái, gây hậu quả lâu dài trong việc duy trì nguồn nước ở Tây Nguyên. Kể từ 2010 đến nay, rừng Tây Nguyên tiếp tục bị tàn phá và chuyển đổi thành đất lâm, nông nghiệp với diện tích ước chừng từ 27,000 hecta – 54,000 hecta.

Những vụ sạt lở trên Tây Nguyên xảy ra ngày càng thường xuyên (ảnh: dangcongsan.vn)

“Nông nghiệp kỹ thuật cao” tàn phá Tây Nguyên

Bên cạnh việc chuyển đổi đất rừng thành đất lâm, nông nghiệp thì một vấn nạn nhức nhối nữa là việc áp dụng tràn lan hình thức canh tác trong nhà kính, nhà màng. Hiệu quả ban đầu của việc áp dụng nhà kính và các qui trình tự động hóa đã kích thích nông dân Lâm Đồng ồ ạt học hỏi và áp dụng. Nhưng vấn đề là việc bùng nổ diện tích nhà kính trên địa hình Tây Nguyên thiếu sự kiểm soát, qui hoạch và hạ tầng cần thiết kèm theo như hệ thống tiêu thoát nước đồng bộ…

Xây dựng hàng ngàn hecta nhà kính trên cao nguyên mà không hề tuân thủ bất cứ một qui hoạch, qui định thiết kế theo địa hình và không có đánh giá tác động môi trường thì quả thực chỉ có thể là… Việt Nam. Tất cả chỉ tập trung vào hiệu quả kinh tế trước mắt và giờ đây Đà Lạt là nạn nhân của lòng tham không đáy và sự thiển cận. Khi những cơn mưa nặng hạt trút xuống những khu canh tác “nông nghiệp kỹ thuật cao” này, một lượng nước khổng lồ không thể thấm xuống đất sẽ lan tràn, tích tụ và hình thành những cơn lũ. Ở đây, vấn đề qui hoạch quản lý đô thị, qui định về kỹ thuật và qui định nông nghiệp hoàn toàn bị bỏ qua.

Lục lại thư viện các qui định về yêu cầu kỹ thuật canh tác nông lâm nghiệp, có thể thấy chính các nhà quản lý, kỹ sư canh nông, lâm nghiệp của chế độ đã nhận thức được về vấn đề cần thiết phải bảo vệ tài nguyên đất, nước và vai trò giữ màu cho đất. Những chỉ thị, văn bản hướng dẫn của chính phủ những năm 1960 thế kỷ trước còn ghi rõ:

Chỉ thị số 15-TTg, 15/2/1964, về chống xói mòn, giữ đất, giữ nước, giữ màu:

– Trồng cây hàng năm phải chọn nơi dốc dưới 20 độ

– Trồng cây lâu năm chọn nơi dốc dưới 30 độ

– Cần chừa những vành đai rừng để giữ nước, giữ đất, giữ độ ẩm, chống gió bão…

– Phải có chế độ luân canh, bón phân hợp lý đối với từng loại đất và từng loại cây nhằm trả lại mầu mỡ và bồi dưỡng đất.

– Trong mọi trường hợp có thể trồng những loại cây có tác dụng phủ đất và bồi dưỡng đất, tranh thủ trồng nhiều những loại cây họ đậu, cây phân xanh xen vào giữa các cây lâu năm.

– Ở đất dốc, nhất thiết phải trồng cây theo hàng rào, thành vành nón (đường đồng mức) để giữ đất. Cầy, bừa, cuốc, xới cũng phải theo đường đồng mức.

– Phải xây dựng các hồ chứa nước: các bờ đập, mương, rãnh, hồ vây cá… để giữ nước, ngăn lũ, giữ độ ẩm.

Nhưng trên thực tế, tất cả nguyên tắc này đều bị bỏ qua. Người ta đã và vẫn tiếp tục cạo trọc những quả đồi nơi từng là những cánh rừng tự nhiên để trồng các loại cây công nghiệp, cây nông nghiệp ngắn ngày hoặc phủ kín bằng nhà kính, nhà màng “nông nghiệp kỹ thuật cao”. Diện tích nhà kính lớn thậm chí còn được coi như một tiêu chí đo lường mức độ phát triển kinh tế và ứng dụng khoa học công nghệ của địa phương. Hậu quả, những tấn thảm kịch sẽ vẫn tiếp tục diễn ra. Núi vẫn lở; đường xá, cầu cống tiếp tục sụp đổ; nhân mạng, nhà cửa sẽ tiếp tục bị cuốn trôi, nếu giới chức chính quyền cũng như người dân không thay đổi cách ứng xử với Thiên Nhiên, thay đổi cách khai thác cùng kiệt tài nguyên để phục vụ cho lợi ích trước mắt.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: