Những cái đầu gỗ

Nhà hát Quan họ Bắc Ninh (VOV)

Tướng Trần Độ trong tác phẩm “Nhật ký rồng rắn” có dùng một từ rất mới: “Lưỡi gỗ”. Nhằm ám chỉ cách nói lấy được của người cán bộ cộng sản, ông viết: “Nổi bật lên là một bộ máy độc đoán, độc tài toàn trị, đàn áp thẳng tay các ý kiến khác. Có một đội ngũ “lưỡi gỗ” rất đông đảo, chuyên “ngụy biện”, “nói lấy được”, “nói bừa bãi”, “nói trắng trợn”, bất chấp lẽ phải, đạo lý và cả luật pháp, và có lúc dùng thủ đoạn như “lưu manh”.

So với tình trạng này hàng ngày trong nước vẫn còn không ít những cái lưỡi gỗ lươn lẹo bằng ngôn ngữ nhằm che đậy chất xám quá ít ỏi của mình. Tuy nhiên “lưỡi gỗ” tuy khó chấp nhận nhưng chỉ là cách ngụy biện nên hậu quả có thể kiểm soát, nhưng nếu “gỗ” nằm sẵn trong đầu thì hỡi ơi, làm sao cứu?

Qua câu chuyện đang ầm ĩ trên mạng xã hội, người ta biết được Bắc Ninh đang xuất hiện những cái “đầu gỗ” qua cách bày biện trong Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh, cái nhà hát mà mới thoạt nghe đã thấy có gì đó sai sai, vượt tầm văn hóa và nhất là nét xa hoa phù phiếm của nó đã làm người dân vừa bất bình, vừa giận dữ.

Nhiều tờ báo được đặt hàng viết cho cái nhà hát này trước khi nó khai trương trình diễn đêm đầu tiên, trong đó có tờ VietnamNet: “Nếu như kiến trúc bên ngoài công trình mang dáng dấp hiện đại thì toàn bộ nội thất được tái hiện theo phong cách truyền thống. Sân khấu biểu diễn chính được cách điệu từ kiến trúc cổng làng để dẫn dắt cảm xúc cho khán giả đắm chìm vào trong không gian đậm chất quan họ.”

Dân ca Quan họ được UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể từ lâu và hình ảnh của nó vẫn không hề phai mờ trong lòng người dân Việt, nhất là tại miền Bắc, nơi Quan họ và chiếc áo tứ thân rực rỡ luôn là niềm tự hào của người Việt. Quan họ sống cùng và sinh hoạt với nhân dân Kinh Bắc như người miền Nam với câu vọng cổ, như người miền Trung với hát bà chòi hay nhạc cung đình Huế.

Bên trong nhà hát (VTC News)

Quan họ không phải chỉ hát với nhau mà còn gần gũi hơn trong những dịp làng này giao lưu với làng khác, mượn câu Quan họ để kết nối tình hàng xóm hay thậm chí tình yêu trai gái. Quan họ đặc sắc trong những dịp Hội Lim, giỗ đền Hùng hay lúc thu hoạch mùa màng trai gái trong làng rảnh rang việc đồng áng. Để bảo tồn và phát triển loại hình Quan họ không thể dùng nhà hát cầu kỳ, hiện đại, sang cả để trình diễn nó mà ngược lại có thể tiếp tay giết cái phần hồn, phần máu thịt của nó: Tính cách cộng đồng, quần chúng.

Thiếu cộng đồng và quần chúng, Quan họ sẽ nhạt nhẽo và trần trụi vì người dân miền Bắc từng yêu mến sống cùng với nó. Khó tưởng tưởng hát Quan họ “trên bến dưới thuyền” đậm chất làng xã được biểu diễn cho một tập thể đến xem chững chạc trong veston, đầm hay áo dài dạ hội.

Nhà hát Dân ca Quan họ Bắc Ninh mang dáng dấp của một nhà hát “cung đình” không dành cho quần chúng. Những chiếc ghế trong đó được làm bởi làng nghề mộc danh tiếng Đồng Kỵ. Những chiếc ghế lòe loẹt hoa văn thường thấy trong nhà các quan lớn của triều đình như Nông Đức Mạnh, Lê Khả Phiêu… Những chiếc ghế đại diện cho tầng lớp đại gia phải có trong phòng khách nhằm nói với người đến thăm sự thừa ăn thừa của của gia chủ. Những chiếc ghế như thế trong một nhà hát mang tính văn hóa thật không khác gì mặc áo the đi giày Italy, vừa hợm hĩnh lại không thiếu sự dốt nát văn hóa.

Nhưng những nhà thiết kế không nghĩ như thế vì trong đầu họ toàn gỗ với gỗ. Gỗ càng quý càng tốt. Gỗ định hình cho giá trị nội thất, gỗ tôn tạo giá trị của người ngồi lên nó, gỗ chứng minh tư cách đứng đắn của nhà đầu tư vì chỉ có gỗ mới quý giá và trường cửu. Những cái đầu chỉ biết có gỗ ấy không thể nghĩ xa hơn, chẳng hạn như muốn có những loại gỗ nhóm một như thế thì bao nhiêu hecta rừng bị phá hủy, bao nhiêu cơn lũ lụt sẽ xảy ra và sự phá hoại ấy có khiến cho khí hậu nóng lên trong những ngày sắp tới?

Tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm gì khi ký giấy cho phép dùng một số lượng thật lớn gỗ quý Đồng Kỵ trong thiết kế nhà hát này, đó là chưa nói tới tác dụng ngược của Nhà hát Dân ca Quan họ này.

Theo tờ VietnamNet bên cạnh những chiếc ghế Đồng Kỵ thì: “Hệ thống ghế ngồi điều chỉnh cách bố trí, đặt giữa hai ghế một bàn trà – đây là sự khác biệt trong cách thiết kế không gian nhà hát, rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, thay vì hệ thống ghế ngồi hiện đại”.

Tiếng là dân ca, nhưng nhà hát được thiết kế thêm một chiếc bàn nhỏ nằm giữa hai chiếc ghế Đồng Kỵ và chiếc bàn này dùng để đặt bình và chung uống trà trong khi khách ngồi thưởng thức dân ca Quan họ! Đúng là những cái đầu gỗ không thể nghĩ xa hơn những khúc gỗ trong đầu. Những chiếc bình và tách uống trà ấy lấy đâu ra trà mà uống? Không lẽ khi đi xem hát người ta mang cả bình và tách uống trà theo để tự phục vụ? Hay nhà hát sẽ thuê thêm đội ngũ vài trăm em vừa nấu vừa mang trà ra cho khách?

Quan họ không cần bàn đèn để tăng thêm hứng thú cho khách như khi nghe ca trù, hát nói. Quan họ cần sự tung tăng hồn nhiên chứ chưa nghe ai nói Quan họ cần những thứ trịnh trọng đáng ghét như cái nhà hát này nhét vào đầu quần chúng những thứ ngược lại với tinh thần Quan họ.

Nguy hiểm hơn nữa khi nhà hát này dùng những chiếc ghế gỗ Đồng Kỵ để mang vào đầu óc người Việt cái style dùng gỗ quý mới sang, mới bảnh. Cái cung cách ấy thâm nhiễm vào đầu những người nệ cổ quá lâu đến nỗi họ không thấy rằng văn hóa đồ gỗ không còn được xem là sang trọng trên thế giới ngày nay bởi nó phong kiến, phá hoại và nhất là lòe loẹt một cách quá đáng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: