Những người yêu mến Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu đều hết sức đau đớn và phẫn nộ trước sự kiện được người dân truyền tin cho nhau vào ngày 1 Tháng Năm ở Việt Nam: Nơi an nghỉ của cả hai cụ đã bị kẻ gian xâm nhập và dùng chất bẩn đổ lên để hủy hoại. Những người đến quan sát tận nơi nói đây là loại nhớt đen bỏ đi của xe máy, mục đích để tổn thương những ai đến thăm viếng mộ phần.
Mộ của cụ Ngô Đình Nhu thì chưa kịp bị đổ chất bẩn. Theo lời kể thì có lẽ như khi đang lén lút vào thực hiện gian sự, chỉ vừa kịp làm ở phần mộ cụ Diệm, thì dường như có người nhìn thấy nên kẻ gian đã vội bỏ đi. Ngay sau đó, việc làm sạch đã diễn ra nhưng không hoàn toàn tẩy hết được hết các chất bẩn, màu nhớt đen vẫn còn lưu lại trên mộ phần.
Mục đích của kẻ gian rất rõ ràng: Chúng nhắm vào bia mộ, định làm đen cả tấm bia, vốn khiêm tốn chỉ có chữ Huynh và ngày mất. Có người hay tin đã khóc, và nói rằng hành hạ nơi yên nghỉ của người đã mất là vô cùng tàn nhẫn, và không hiểu vì sao lại có thể xảy ra sau hàng chục năm như vậy. Chưa nói đó là nơi tôn kính của hai cụ Diệm và Nhu, là nhân vật lịch sử của miền Nam Việt Nam, và là những người đặt nền móng cho nền Đệ nhất Cộng Hòa.
Cũng có ý kiến liên đới về việc miếu thờ của đại tá Nguyễn Đình Bảo và quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh trên ngọn đồi Charlie gần đây bị phá hoại. Dường như có một chiến dịch âm thầm hủy hoại các nơi mà người dân vẫn tự lập nên để thờ phượng, hay đến để thể hiện sự tôn kính mà không quan tâm đến sự tức giận của chính quyền. Một tin tức khác mới đến, mà Saigon Nhỏ chưa kịp kiểm chứng, là một số ngôi mộ quân nhân Việt Nam Cộng Hòa hy sinh chưa rõ hết tên họ ở Quảng Trị, khi người dân dọn và trồng hoa mới vừa tìm thấy, thì bị chính quyền hăm dọa là sẽ cải tạo đất và sớm cho phá đi.
Hai cụ Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu mất cùng ngày 2 tháng Mười Một năm 1963. Hai ông là những chính khách lỗi lạc của lịch sử Việt Nam. Ông Ngô Đình Diệm là Tổng thống Đệ nhất Việt Nam Cộng hòa từ năm 1955 cho đến khi bị lực lượng quân sự đảo chính vào năm 1963. Kẻ thù lớn nhất của hai cụ là cộng sản. Với tầm nhìn sáng suốt và quyết liệt, hai cụ đã xác định từ đầu, là những kẻ đem chủ nghĩa cộng sản vào đất nước tức đang gieo mầm tai họa cho dân tộc và tổ quốc.
Một trong những người lên tiếng về sự kiện này, Facebooker Thương Một Người viết rằng “trước mộ ông, tôi đã nói với ông, mong ông phù hộ cho nước Việt Nam ngày càng cường thịnh. Ông hãy bảo vệ những người con yêu nước đang bị giam cầm và giúp họ vượt qua sự dữ. Trăm năm trước, tổng thống chỉ mong người Việt Nam sẽ đoàn kết trong tình tự dân tộc. Đến nay, dẫu đất nước có thống nhất nhưng lòng người thì không. Con đường cái quan đã thống nhất trong thực địa nhưng sợi dây tình yêu quê hương dân tộc thì không. Tình tự dân tộc vẫn chỉ là ngôn từ.
Tổng thống Ngô Đình Diệm là người của dân tộc. Ông và gia đình ông luôn là một trong những gia đình Nho gia truyền thống mang niềm tin tôn giáo Công giáo La Mã như nhiều người Việt Nam khác.
Vì ông là người Việt Nam nên người yêu mến ông phải tưởng nhớ ông bằng tinh thần Việt Nam chứ không phải là sự nhầm lẫn như hiện nay”.
Nhiều năm nay, người dân Việt Nam dần nhận ra một chính sách đầy thâm độc của Hà Nội, là tìm mọi cách để xóa bỏ những hình ảnh biểu trưng, con người đại diện cho Sài Gòn và nền Cộng Hòa bị cưỡng chiếm. Các tượng đài như Trần Nguyên Hãn ở chợ Bến Thành bị mang đi, các tượng đài khác như Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Dương… thì bỏ mặc không tu sửa, chờ đến lúc hư hại thì đem đi nhân danh bảo vệ an toàn cho dân chúng. Nhiều tòa nhà kiến trúc cũ, cây xanh, đài phun nước… ở Sài Gòn thì dẹp đi, đôi khi sau nhiều năm nhận ra sự ấu trĩ hay sai lầm thì lén lút cho làm lại, như đài phun nước. Tuy vậy, sự quan tâm và sức sống với quá khứ của người dân miền Nam Việt Nam vẫn rất mãnh liệt và thường báo cho nhau, lên tiếng khi có những sự hủy hoại như vậy.