Ngày 11 Tháng Giêng, các báo đồng loạt đưa tin ảnh thân nhân đón việt kiều về quê ăn tết ở phi trường Tân Sơn Nhất với cảnh chen chúc chờ đợi.
Hai tuần trước Tết nguyên đán là khoảng thời gian Phi trường Tân Sơn Nhất (Sài Gòn) đông đúc người chờ đợi đón thân nhân là việt kiều từ nhiều nước về quê ăn tết. Từ sáng đến khuya, các chỗ ngồi trong phi trường này đều chật cứng người chờ đợi, không ít trẻ em nằm vạ vật trong lòng thân nhân hoặc nửa nằm nửa ngồi trên ghế.
Theo nhận định của nhiều người, một gia đình người ở Sài Gòn đi đón thân nhân chỉ chừng hai đến ba người, còn dân tỉnh đi cả xe 16 chỗ lên thành phố để đón một người thân.
Chính điều này làm cho khu nhập cảnh chật cứng người và người.
Một độc giả của Vnexpress bình luận: “Một người về thì mười người đi đón không kẹt mới lạ”. Gia đình này đi đón thế còn đỡ, người khác cho biết: “Tôi đã gặp một người về 30 người đi đón”.
Một độc giả ở tỉnh đồng ý: “Ở quê tui, một người về, thuê luôn xe 16 chỗ – 25 chỗ thậm chí 45 chỗ đi đón cho ngầu!”
Một độc giả kể: “Như nhà tôi đi đón năm người về, phải đi ba xe ra chở về mới hết, một xe bảy chỗ chở mười va li hành lý, hai xe còn lại chia ra chở năm người và số người đón chỉ có ba ông biết lái xe!”.
Đi đón đông không chỉ thể hiện tình cảm nhớ nhung của thân nhân, mà đôi khi chỉ là dịp để cả nhà từ quê lên Sài Gòn chơi, ngắm đường phố, ngắm phi trường cho biết với người ta. Ngược lại, cũng có khi thân nhân đi đón phải mang theo xe nhiều chỗ vì kiều bào nào trở về quê cũng mang về rất nhiều hành lý, trong đó phần lớn là quà cho bà con, chòm xóm.
Một việt kiều bộc bạch: “Biết là tình cảm nhưng cũng là ‘áp lực’ đối với người được đón. Mấy lần về Việt Nam tui sợ nhất cảnh này. Trước sau gì cũng gặp nhưng một người về, mười người ra đón chẳng biết để làm gì! Bay mười mấy tiếng đã mệt, bước ra thấy biển người, mỗi người hai con mắt, mình chỉ muốn chạy nhanh ra khỏi phi trường! Tui thường nói bạn bè khỏi ra đón, tui tự kêu taxi về khách sạn, tắm rửa nghỉ ngơi rồi tui gọi bạn bè đi nhậu!”.
Việt kiều Hiền Nguyễn cũng có cùng suy nghĩ, chị chi sẻ: “Biết là lâu ngày gặp lại nhưng không hiểu nổi họ đang nghĩ gì, nhất là những gia đình mang cả trẻ con theo hành xác tụi nhỏ, nó có biết gì đâu. Đợi cả chục năm không gặp được vậy thêm có mấy tiếng đồng hồ có xá gì mà gấp gáp quá vậy chứ!”
Thực ra, nếu tìm hiểu sẽ thấy người miền quê chỉ muốn thể hiện tấm chân tình của họ qua cái “tay mặt mặt mừng” ở những giây phút đầu tiên. Họ cho rằng làm như thế là tôn trọng nhau. Thế nên không lạ gì khi thấy cảnh đón một việt kiều mà cả họ cãi nhau ỏm tỏi xem ai được đi, ai ở nhà, rồi người không được đi thì khóc lóc tủi thân!
Độc giả Tâm Phạm viết: “Chuyện người ta đi bao nhiêu người đón người thân là chuyện tự do cá nhân. Người ta muốn thể hiện tình cảm thì người ta đi, không thể vì đông nghịt người đón ở phi trường rồi ’lên lớp’ họ, nói đi ít thôi. Tại sao chúng ta không đặt vấn đề với lãnh đạo cảng vụ hàng không ở đây? Họ phải giải quyết vấn đề này chứ không phải những người đi đón”.
Báo Dân Việt dẫn lời đại diện lãnh đạo Cảng vụ hàng không miền Nam cho hay, lượng khách tăng cao phần lớn là kiều bào về quê đón Tết, số lượng chuyến bay quốc tế hầu hết từ khu vực Bắc Mỹ. Số hành khách đáp xuống phi trường Tân Sơn Nhất dịp Tết năm nay khoảng hơn 3.85 triệu lượt, tăng kỷ lục so với Tết 2019, trước đại dịch Covid-19.