Bài ca “con cá sống vì nước” của ông nhà thầu này nghe rất quen: “Các anh cho em rút lui vì giờ kinh tế khó khăn quá, giá vật tư leo thang mỗi ngày, chúng em không kham nổi. Thêm nữa, mấy tay ngân hàng lại nâng lãi suất như muốn ‘bóp cổ’ chúng em. Nên chúng em xin trả lại quý anh lãnh đạo toàn bộ các công trình quý anh đã giúp tụi em thắng thầu trong thời gian vừa qua”.
Đại khái đó là “tâm tư” của công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ (đơn vị đang thi công 12 dự án ở tỉnh Quảng Nam) gởi Ban Quản lý (BQL) các dự án đầu tư và xây dựng TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), nhờ BQL trình bày riêng với lãnh đạo tỉnh.
BQL các dự án đầu tư và xây dựng TP Tam Kỳ cho biết công ty trên triển khai thi công tổng cộng 12 công trình tại TP. Tam Kỳ. Trong đó, đã có báo cáo thẩm tra phê duyệt quyết toán 3 công trình; đang triển khai thi công dở dang 8 công trình; 1 hợp đồng trúng thầu rồi nhưng chẳng biết lý do gì họ chưa động thổ.
Ngoài ra, Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ cũng trúng thầu nhiều dự án do Trung tâm Phát triển quỹ đất TP làm chủ đầu tư, như dự án Khu dân cư – tái định cư Thuận Trà; Dự án khớp nối hạ tầng khu Bắc đường Điện Biên Phủ (đoạn từ Bạch Đằng đến Phan Châu Trinh)…
Việc Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ xin dừng thi công các dự án khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn. Người thì nói “chơi kiểu gì đấu thầu cho một đống dự án, xong làm ‘trây trét’ rồi bỏ chạy? Cư xử y như con nít. Đâu có được!”
Có người đặt câu hỏi vì sao khi thuận lợi, công ty này nhào vào đấu thầu, bỏ giá rẻ để có dự án, nhưng khi khó khăn lại tìm cách “tháo chạy”. Vậy ai là người “hốt vỏ”? Từ đó đặt câu hỏi với BQL, tại sao một doanh nghiệp thiếu nguồn lực như Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ lại dễ dàng trúng thầu hàng loạt dự án của thành phố, để rồi thi công dở dang hàng loạt công trình?
Ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết đã chỉ đạo BQL dự án TP tập trung rà soát lại toàn bộ dự án do Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ trúng thầu thi công. Qua đó, làm việc riêng lẻ từng dự án, báo cáo đầy đủ cho UBND TP về nguyên nhân, những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, trách nhiệm thuộc về phía chính quyền hay nhà thầu để UBND TP xem xét, chỉ đạo với từng dự án cụ thể, theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Ánh nói không phải muốn dừng là được, còn phải căn cứ theo quy định của pháp luật nữa. Tuy nói thế, nhưng nhiều người nhận ra trong giọng nói của ông Chủ tịch TP. Tam Kỳ không cương quyết lắm trong việc xử lý vụ việc. Có lẽ ông có “tâm tư” riêng không bày tỏ được.
Theo báo Người Lao Động, cách xử lý chung của BQL các dự án đầu tư và xây dựng TP Tam Kỳ là sẽ cho bên thi công quyết toán phần đã làm, rồi tổ chức đấu thầu lại để thi công hoàn thiện các công trình dang dở.
Điều này khiến người dân TP. Tam Kỳ nghĩ rằng bao nhiêu phần “ngon ăn” đã được Công ty CP Giao thông công chính Tam Kỳ “ẵm” hết, giờ họ rút lui để lại toàn “xương xẩu” cho kẻ đến sau. Việc đấu thầu phần còn lại sẽ gặp nhiều khó khăn, và giá thi công sẽ tăng hơn nhiều, vì chẳng công ty thi công nào dại nhận lấy phần “xương xẩu” bằng cái giá bình thường cả.
Một người dân ở Tam Kỳ cho rằng “có vẻ như UBND TP. Tam Kỳ đang ‘kẹt cứng’ trong việc xử lý vụ việc này. Họ sợ làm căng quá sẽ ‘toang’ cả đám”.