Một người đàn bà khoảng hơn 30 tuổi đã hung hãn cầm cán chổi rượt đánh một bé trai khoảng 8 tuổi ngoài đường.
Điều đáng nói, bé trai bị lột sạch quần áo, trơ ra cơ thể gầy gò, vừa chạy vừa khóc lóc, van xin nhưng người đàn bà (mặc đầm, tóc dài xõa rũ rượi) vẫn hung hãn lao tới quất bé không chút nương tay.
Có một người đàn ông – hàng xóm dường như đã can ngăn người đàn bà, nhưng mụ vẫn mặc kệ, tiếp tục quất bé. Đó là video trên Dân Trí sáng 25 Tháng Tám 2023.
Còn video trên Tuổi Trẻ cùng ngày cho thấy mụ đàn bà trẻ tuổi hung ác này bắt bé trai dựa vào cột điện và dùng cán chổi quất bé liên tiếp. Trên người bé trai cũng bị lột sạch quần áo.
Chứng kiến cảnh đánh đập bé trai nhiều lần của mụ đàn bà này, người dân ở đường TX15 (khu phố 3, phường An Phú Đông, quận 12, Sài Gòn) đã tố cáo với nhà cầm quyền địa phương.
Truyền thông trong nước chiều 25 Tháng Tám đồng loạt đưa tin Công an quận 12 đã bắt khẩn cấp bà Lê Thị Diễm Trang (35 tuổi, ngụ quận 12) để điều tra về hành vi hành hạ trẻ em.
Bà Trang chỉ là người hàng xóm được cha bé trai (là ông Phạm Tiến Cường, 52 tuổi) gửi trông giúp vì ông phải đi làm ăn xa, trong khi mẹ cháu đã qua đời. Không rõ sao người cha lại “giao trứng cho ác”, gửi con trai bé bỏng của mình cho người đàn bà hung ác này?
Sự việc xảy ra chiều 23 Tháng Tám, người dân cư ngụ trên đường TX15 chứng kiến cảnh bà Trang dùng cán chổi đánh liên tiếp vào người bé trai tên T.P.C.T (8 tuổi) khiến bé khóc thảm thiết.
Bé trai bị bà bắt dựa vào cột điện trong tình trạng không mặc quần áo. Khi bé trai chạy khỏi cột điện, bà T. chạy theo và dùng cán chổi đánh liên tiếp vào vùng mông và chân cháu.
Thấy vậy, ông Phan Doãn Sáng (51 tuổi) chạy lại can ngăn nhưng bị bà Trang chửi bới. Phẫn nộ, ông Sáng và người dân gọi điện báo công an đến can thiệp.
Ông Sáng chia sẻ với Dân Trí: Tôi cùng nhiều người đã can ngăn và đích thân tôi gọi điện báo công an cũng như gọi tổng đài bảo vệ trẻ em 111. Bà Trang nhiều lần đánh bé trai và lần này bà hành động quá đáng nên chúng tôi phải lên tiếng. Thằng bé rất ngoan và dễ thương, không hiểu vì sao mà Trang đối xử với cháu như vậy.
Còn ông Trần Khương (51 tuổi, hàng xóm bà T.) cho biết, trước đó khoảng 20 ngày, ông can ngăn khi thấy bà Trang dùng dây thắt lưng đánh bé, người đàn bà này đã đe dọa gọi giang hồ chém ông!
Sau khi vụ việc xảy ra, Công an phường An Phú Đông nhanh chóng xuống nhà bà Trang và mời bà ta về trụ sở lấy lời khai, đồng thời đưa bé trai đi giám định sức khỏe.
Theo một lãnh đạo Ủy ban phường An Phú Đông, sức khỏe cậu bé hiện ổn định và phường đã phối hợp công an đưa bé đi giám định thương tật để có căn cứ xử lý bà Trang. Vị này nói thêm bà Trang khai là trong quá trình dạy kèm bé học đã nhiều lần đánh cháu vì cháu lỳ và không nghe lời.
Theo Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Năm 2023, trong bốn tháng đầu năm 2023, Sài Gòn có 65 trẻ em bị hành hạ, đối tượng hành hạ trẻ em ngày càng mở rộng, có cả người nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao và có địa vị xã hội.
Điều đáng nói là số trẻ em bị hành hạ ngày càng tăng lên: Năm 2021 có 114 trẻ, năm 2022 tăng lên 147 trẻ và tính trong bốn tháng đầu năm 2023 đã có 65 trẻ.
Phần lớn những người hành hạ trẻ em đều là nam giới và là người quen biết như họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình… Thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng sự tin tưởng hay sức ảnh hưởng của mình hoặc dùng “lòng tốt” nhằm dụ dỗ, đe dọa để thực hiện hành vi.
Đặc biệt, nếu như trước đây các vụ hành hạ trẻ em thường xảy ra ở những địa điểm vắng vẻ, khu vực ngoại thành, thì thời gian gần đây, các vụ hành hạ trẻ em lại xảy ra tại chung cư, trường học, công viên, đường phố.
Sài Gòn hiện có khoảng 1.8 triệu trẻ em (chiếm tỷ lệ 18.8% dân số thành phố), trong đó số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chiếm hơn 10,000, trẻ em có “nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt” khoảng 19,500 (không rõ chữ “hoàn cảnh đặc biệt” ở đây ám chỉ điều gì).
Một thống kê khác từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội hồi Tháng Tư 2020 cho hay, tính từ ngày 1 Tháng Giêng 2015 đến 30 Tháng Sáu 2019, Việt Nam có 8,442 vụ hành hạ trẻ em, với 8,709 trẻ em bị hành hạ. Trong số đó, có 6,432 trẻ bị xâm hại tình dục; 857 trẻ bị bạo hành; 106 trẻ bị mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt; 1,314 trẻ bị hành hạ bằng các hình thức khác.
Trong các vụ hành hạ trẻ em thì xâm tình dục chiếm 75.4% tổng số vụ. Nhiều địa phương có số vụ xâm hại tình dục trẻ em chiếm trên 90% như: Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Đồng Nai…
Ngoài ra, trong thời gian này, có gần 800,000 trẻ em lao động trái pháp luật; hơn 156,000 trẻ em bị bỏ rơi, bỏ mặc và khoảng 13,500 trẻ 15 tuổi bị ép lập gia đình sớm.
Vẫn theo báo cáo này, tại nhiều địa phương, trẻ em bị hành hạ bởi chính người ruột thịt, người thân thích chiếm tỷ lệ cao như: Hà Tĩnh 67.6%, Hà Nội 51.9%, Bà Rịa – Vũng Tàu 33%…
Theo thống kê của tổng đài 111 (nơi tiếp nhận cuộc gọi về hành hạ trẻ em) thì số vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em do người thân trong gia đình gây ra chiếm tới 65.88%.
Xếp thứ hai là số vụ bạo hành và xâm hại tình dục trẻ em tại trường học.
Đánh giá về tình trạng này, phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng những gì phát giác, xử lý qua số liệu trên chỉ mới là “phần nổi của tảng băng” chứ chưa phản ảnh hết thực trạng.
Ông Hiển thẳng thắn nhận định: “Tôi thấy công tác bảo vệ trẻ em của chúng ta chưa tốt. Có những vụ trẻ em bị bạo lực, kêu khóc hằng ngày mà chính quyền không biết, nhà trường không biết…”!