Không biết bao nhiêu lần người Sài Gòn cứu trợ, cưu mang nạn nhân chiến cuộc, đồng bào lũ lụt, thiên tai, nhân tai miền Trung, miền Bắc, miền Tây. Những tháng ngày bình thường không Covid, người Sài Gòn cũng hào phóng mở lòng với bao số phận bà con mình ngay trên đất Sài Gòn. Nhiều đến mức việc này đã trở nên quen thuộc, quá bình thường với mọi người: từ hàng chục, hàng trăm ngàn phần ăn 2,000 đồng của hệ thống quán Nụ Cười, Vui Vẻ… cho đến vô số bạn trẻ đêm nào cũng đi lòng vòng trên mọi nẻo đường thành phố để trao cơm hộp, mì xào, bánh mì thịt, bánh mì sandwich…
Những ngày này, rất nhiều tình cảm, quà bánh bạn bè khắp nơi gửi về Sài Gòn. Sài Gòn vốn tình nghĩa nên sẽ không quên. Nhưng như bao thế kỷ nay, trong khó khăn, người Sài Gòn không ỷ lại mà ngay lập tức vận hành cỗ máy bác ái – sẻ chia khổng lồ của mình, theo cách Sài Gòn của mình. Và có lẽ lần đầu tiên chính người Sài Gòn trải nghiệm cỗ máy nhân bản của mình khổng lồ, vĩ đại ra sao khi nó vận hành sống động suốt hơn hai tháng nay, không chần chừ, không mệt mỏi…
Đâu đâu cũng cơm nhân ái, thịt nghĩa tình, rau chia sẻ… Tôi tin hôm nay và sau này không ai có thể thống kê được có bao nhiêu tấm lòng mở tình ra với chính đồng bào Sài Gòn của mình những ngày này. Không một đường phố, hẻm hóc, chung cư… nào của Sài Gòn không tìm thấy những “miếng khi đói bằng gói khi no” thời Covid.
Cỗ máy khổng lồ của bao trái tim nhân bản ấy vận hành ngay lập tức từ những con hẻm, khu vực bị phong tỏa đầu tiên. Hẻm Tư Lì/An Tôn xứ Nghĩa Hòa – Ông Tạ vừa giăng dây, bà con trong hẻm đã nhận mỗi nhà một bao quà của giáo xứ gồm dầu ăn, nước mắm… và một con gà làm sẵn. Xứ Tân Sa Châu – Ông Tạ mở ngay ATM lướt ống. Cha phó đẩy xe rau đến từng nhà bà con gởi tặng, lương cũng như giáo.
Cha xứ Mẫu Tâm ngay từ ngày Sài Gòn thực hiện Chỉ thị 15 tới nay còn tất bật, vất vả hơn những ngày không Covid. Thay bộ áo hành lễ nghiêm trang, cha mặc áo thun, quần đùi… ra phát hàng chục ngàn phần ăn, phần quà cho mọi người, đổi món liên tục để bà con bớt ngán. Khi các sư nữ chùa Thích Ca trên đường Lê Văn Sỹ thiếu rau, anh Vinh, một giáo dân được “lệnh” nhà xứ đưa rau tới ngay. Anh cung kính, để quà trước chùa, đứng xa xa theo đúng yêu cầu chống dịch và “đảnh lễ” với các ni sư lấy rau: “Các sư mạnh khỏe. Con chào sư cô con về” – dù anh còn lớn tuổi hơn các vị ni sư mà anh trầm trồ: “Gương mặt các sư cô thật là thánh thiện”…
Các vị sư thầy Tổ đình Vĩnh Nghiêm áo nâu sòng bày bàn ngoài đường cung kính trao quà cho bất cứ ai cần trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Các sư thầy Tường Nguyên thiền tự trong một hẻm nhỏ quận 4, chùa nhỏ Khuông Việt – Tân Bình… suốt ngày đêm lo hàng vạn phần cơm chay cho bà con lẫn anh em chống dịch, bất kể lương giáo… Mở hộp, từng phần cơm Tường Nguyên Thiền Tự hiện ra, đẹp đẽ như cơm nhà hàng. Từ ba giờ sáng đến tận 23 giờ khuya, bếp ăn từ thiện của Tường Nguyên Thiền Tự ở quận 4 tất bật những tấm lòng từ bi như vậy…
Thay thảy tấm lòng Sài Gòn như đợi dịp để mở ra, từ một nhà ven đường bày một cái bàn nho nhỏ xếp một chục, hai chục hộp cơm đến nhà hàng sang trọng Bò Lế Rô đầu đường Cao Thắng – quận 3, mỗi phần ăn như một công trình bày biện các món đẹp lộng lẫy như bán cho khách VIP. Ngó phát thèm, đến mức có bà cụ lượm rác đừng ngoài không dám vô: “Cái này phải cho không vậy tụi con?!”. Mấy em gái ăn mặc lịch sự như tiên chạy ra đưa cho bà một phần: “Ngoại lấy một phần nha ngoại”.
Một người cha, anh Đinh Hiền chở con đi dọc đường Hoàng Sa gởi quà, dạy con đưa quà phải khoanh tay lễ phép. Và anh rộn hạnh phúc trong lòng khi thấy con mình, “thằng bé biết cúi đầu khi trao quà cho người già”. Một nhà dân gởi quà như năn nỉ người nhận: “Kính mời quý ông bà, anh chị xa quê – bán vé số – khuyết tật nhận phần cơm mang về của tấm lòng chúng con”. Của cho không bằng cách cho. Bà con nhận quà dù nghèo bạc nghèo tiền nhưng không nghèo lòng tự trọng. Người Sài Gòn kính trọng cả người khó khăn, yếu thế.
Một buổi sáng giữa Tháng Bảy 2021, tôi nghe được lời “năn nỉ” của một chị “đứng quầy” cơm từ thiện chia sẻ khó khăn thời Covid với một chị lượm ve chai dáng khắc khổ sáng 5 Tháng Bảy 2021 trên đường Cách Mạng Tháng Tám: “Chị ráng lấy về ăn, mai ghé tiếp ủng hộ em nha”. Chả là món thịt ram chị làm hôm nay bỏ vô từng hộp cơm để trên chiếc bàn lúp xúp bên vỉa hè “có vẻ hơi mặn nha chị” – một anh chạy Grab tuổi đôi mươi ăn xong góp ý.
“Má thấy chưa, con nói mặn mà!” – Đứa con gái khoảng 10 tuổi phụng phịu nói nho nhỏ với mẹ. Bà mẹ trẻ, khoảng chừng 30 tuổi, cười méo mó: “Ờ, để má rút kinh nghiệm”; rồi quay sang nói chị lượm ve chai: “Thịt ram hơi mặn, chị ráng lấy về ăn, mai em hứa đổi món ngon hơn đó nha chị”.
Nghe dễ thương gì đâu, như chị em một nhà!
Rồi hàng vạn, hàng chục vạn bịch rau, phần quà người Sài Gòn gởi cho bạn bè, người quen… mình những ngày này. Nhà nào có đủ, họ lễ phép xin không nhận khi quà bánh, rau trái ngày nào cũng gõ cửa trao.
Hơn hai tháng nay, không ai có thể tính nổi triệu triệu sẻ chia như vậy từ hàng vạn gia đình, cửa hàng, nhà thờ, ngôi chùa… chia sẻ cho bà con mình, bất kể Bắc-Trung-Nam.
Dịch Covid-19 ở Sài Gòn vẫn trong cao điểm. Cỗ máy sẻ chia có từ hơn ba trăm năm ấy vẫn vận hành liên tục, dù có nhà hàng đã bị phạt mấy chục triệu khi trao cơm từ thiện vô tình vi phạm quy định giãn cách; dù quán Nụ Cười đã mấy lần bị phường nhắc nhở: “Không được tập trung quá hai người” (!)… Có em gái đã ra đi vì nhiễm Covid khi phát quà không mệt mỏi cho bà con mình…
Không chỉ tôi, có lẽ nhưng ngày Covid tơi tả này, ai cũng cảm thấy ngòi bút mình bất lực trước thực tế đẹp đẽ vô cùng này. Sài Gòn của tôi, của chúng ta, của cả nước đẹp ngời ngời nét nhân bản cả trong lúc khó khăn, thắt ngặt như vậy.