Chẳng ai có thể hình dung một thành phố hiện đại, văn minh nhất nước như Sài Gòn lại có con đường ngập đến nửa năm mà nước vẫn chưa rút!
Đó là “con đường đau khổ” An Phú Đông 35, tại quận 12.
Con đường này chỉ dài chừng 400m, nhưng lại là khu vực đông người dân sinh sống và qua lại. Theo người dân sinh sống tại đây, nước ngập, ứ đọng bắt đầu từ một trận mưa hồi Tháng Ba đến nay. Dân đã nhiều lần phản ảnh tình trạng con đường ngập nước hôi hám, hư hỏng lên UBND quận, nhưng chỉ nhận được những lời hứa ảo.
Thế là người dân đành phải sống với nước ao tù, và chịu đựng những cú bắn nước của người đi đường. Một người dân cho biết, nguyên nhân ngập là do hệ thống thoát nước bị xuống cấp, đường thấp và nhiều xe tải lưu thông qua đây.
Tại buổi họp báo về tình hình kinh tế – xã hội chiều 26 Tháng Mười, ông Đậu An Phú, Phó Chủ tịch UBND quận 12, đã “làm rõ” các nguyên nhân và giải pháp của địa phương sau khi người dân báo tin con đường ngập nửa năm nước chưa rút. Chắc nếu dân không báo tin thì chính quyền cũng không biết (?!)
Sau khi phân tích đủ mọi khía cạnh, ông Phú kết luận rằng, nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là thiếu kinh phí và các diễn biến bất thường của thời tiết.
Có người nói ông Phú cố gắng đưa vấn đề thời tiết vào đây để giảm nhẹ trách nhiệm của UBND quận 12 xuống tối đa. Ý nói, “thời tiết như thế thì phải chịu thôi, chứ còn thiếu kinh phí thì… lúc nào mấy ông lãnh đạo cũng than thiếu!” Ông Phú trình bày:
“Thời tiết thay đổi rất nhiều so với trước đây, lượng mưa, triều cường đều cao hơn. Điều này khiến nước trên đường An Phú Đông 35 không tiêu thoát kịp. Dù đã được bố trí máy bơm thoát nước nhưng tình trạng ngập nặng tại tuyến đường này chưa được giải quyết triệt để”.
Để giải quyết con đường này, ông Phú bèn đưa ra một phương án “tuyệt hảo”, đẩy phần trách nhiệm của chính quyền cho người dân gánh vác. Ông nói do kinh phí sửa chữa con đường này chưa được UBND TP.HCM cấp nên quận 12 đã “huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa”.
Một người dân am hiểu câu từ chính quyền sử dụng nói: “Khi các ông ấy (chính quyền) nói ‘huy động thêm nguồn vốn xã hội hóa’ có nghĩa một số công ty tư nhân sẽ bị ‘huy động’ tiền, mà họ rất khó từ chối đóng góp. Nhưng khi đã tự nguyện đóng góp rồi, họ cũng chẳng được thông báo số tiền ấy đi về đâu”.
Sau khi “huy động” công ty tư nhân địa phương đóng góp, chính quyền quay sang thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, bằng những lời ngon ngọt đến từng khu phố, gia đình.
Thế là một lần nữa, người dân phải “móc hầu bao” ra, cùng với công ty tư nhân làm đường, “nhà nước” không phải bỏ ra một đồng nào cả, chưa kể tiền “lại quả” của công ty sửa chữa đường.
Theo báo chí trong nước thì người dân sinh sống gần khu vực này “đồng thuận cao” với phương án đầu tư, duy tu, sửa chữa bằng hình thức “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Dự kiến, việc duy tu, sửa chữa con đường này sẽ bắt đầu từ đầu Tháng Mười Một.
Trước mắt, để xử lý tình trạng hư hỏng, xuống cấp của đường An Phú Đông 35, UBND quận 12 đã tăng cường các máy bơm giải quyết ngập, xử lý tạm thời các hố, ổ gà nguy hiểm để tạo thuận tiện cho người dân đi lại. Thế là chính quyền lại được tiếng “ban ơn mưa móc” đến cho người dân đã khổ cực suốt nửa năm qua!