Sập nhà bốn tầng ở Bình Thạnh, hai công nhân bị thương nặng

Vị trí căn nhà đổ sập ở hẻm 133 Bình Quới – Đồ họa: VnExpress

Một ngôi nhà ở đường Bình Quới (phường 27, quận Bình Thạnh, Sài Gòn) bị đổ sập trưa ngày 24 Tháng Chín khi đang sửa chữa.

Căn nhà 133/4 Bình Quới có ba tầng, một trệt, diện tích 200m2 nằm trong hẻm 133 trên đường Bình Quới bất ngờ đổ sập lúc 13 giờ, khiến bảy người gặp nạn, trong đó hai nạn nhân mắc kẹt hơn hai tiếng đồng hồ, bị thương nặng.

Lúc căn nhà đổ sụp, có năm người thợ đang sửa nhà ở tầng trệt, còn hai người trong gia đình đang ở tầng một.

Bà Hoàng Thị Nhiên, hàng xóm, kể với VnExpress: “Tiếng động rất lớn, rất mạnh như bom nổ, mặt đất rung chuyển. Sau đó, khi nhiều người chạy đến thì mọi thứ im bặt, không nghe tiếng ai kêu cứu”.

Lực lượng cứu hộ sau đó lần lượt đưa năm người (trong đó có hai phụ nữ) ra ngoài trong trình trạng xây xát, chuyển đến bệnh viện quận Bình Thạnh.

Còn hai người bị mắc kẹt ngay giữa ngôi nhà, nơi nhà bếp, được cứu thoát lúc 14:30 và 15 giờ trong tình trạng đa chấn thương.

Thiếu tá Huỳnh Nguyên Thuận, phó đội công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, cho biết: “Họ bị kẹt sâu trong đống đổ nát nhưng may còn tỉnh táo. Khi chúng tôi hô lên “anh ở đâu” thì nạn nhân trả lời được, giúp chúng tôi xác định vị trí được nhanh chóng”.

Năm người nhanh chóng được lực lượng cứu hộ đưa ra khỏi căn nhà sập trưa 24 Tháng Chín – Ảnh: VnExpress

Bác sĩ Dụng Thị Kim Hạnh, trưởng khoa Cấp cứu bệnh viện quận Bình Thạnh, cho biết đơn vị tiếp nhận năm nạn nhân trong vụ sập nhà, có bốn nạn nhân xây xát nhẹ, đang điều trị, còn một người khỏe nhất đã được xuất viện.

Hai nam thợ xây bị mắc kẹt được cứu sau cùng bị đa chấn thương đã phải đưa đến bệnh viện Nhân Dân Gia Định cấp cứu. Được đưa đến bệnh viện lúc 15 giờ là một công nhân trẻ 23 tuổi, quê Sóc Trăng đã bị gãy xương đùi trái, dập phổi hai bên, chấn thương ngực, đầu, cổ.

Sau đó, khoảng 16 giờ, người công nhân 31 tuổi nhập viện trong tình trạng gãy hở xương cẳng chân hai bên. Cả hai bệnh nhân được cấp cứu và hội chẩn khẩn nhiều chuyên khoa như chấn thương chỉnh hình, ngoại thần kinh, ngoại lồng ngực mạch máu… và được chuyển lên khoa gây mê hồi sức để tiếp tục cấp cứu, phẫu thuật và điều trị tích cực.

Ông Nguyễn Thành Hải (45 tuổi) cho VnExpress biết, nhóm thợ có sáu người, lúc đó ông ra phía trước nhà nên thoát nạn. Theo lời ông thì một số thợ đang khoan cột ở tầng trệt để hạ nền thì nghe tiếng “rắc, rắc”, sau đó sàn nhà tầng trên đổ xuống trong vài giây.

Căn nhà sập hoàn toàn, chỉ còn đống đổ nát, nằm trong khu dân cư đông đúc, xung quanh có trụ sở công ty, khách sạn, nhà hàng, cách bờ sông khoảng 400m.

Hai công nhân xây dựng bị mắc kẹt hơn hai tiếng sau mới lần lượt được cứu thoát trong tình trạng đa chấn thương – Ảnh: VnExpress

Ông Đinh Khắc Huy, chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, cho biết, trước đó nhà bị nghiêng, chủ nhà có xin phép UBND phường 27 để sửa nhà, nâng nền trong khoảng một tháng. Nguyên nhân sự việc đang được điều tra.

Tuổi Trẻ chiều tối 24 Tháng Chín dẫn lời bà Đào Thúy Vân, phó chủ tịch UBND phường 27, căn nhà bị sập do phần móng yếu, trong lúc khoan để sửa chữa thì bị đổ sập.

Liên quan đến ngôi nhà bị sập, Dân Trí dẫn lời kể của bà Dung (khoảng 40 tuổi), bán nước giải khát đối diện chung cư Thanh Đa, phường 27: Lúc hơn 12 giờ bà đem sáu ly trà tắc vào cho thợ đang sửa nhà trong hẻm 133 Bình Quới uống giải khát, khi bà vừa quay ra tới quán thì căn nhà đổ sập, đúng là thoát nạn trong tích tắc.

Bà Dung còn kể khi bà đem trà tắc tới thì có hai người thợ ngồi phía cửa ra vào, bốn người còn lại đang hì hục đào móng ở khu vực cầu thang, móng đã đào từ phía trước ra sau nhà.

Khi giao nước xong, bà nán lại nói chuyện với những người thợ khoảng năm phút rồi mới về lại quán, bà rùng mình bảo: “Nếu ở lại nói chuyện thêm vài phút coi như tôi đã gặp nạn chung với những người thợ”.

Theo bà Dung, căn nhà trên sửa chữa phần móng nhà khoảng một tháng nay và ngày nào bà cũng mang trà tắc vào cho những người thợ uống giải khát.

Căn nhà bốn tầng bị đổ sập hoàn toàn khi thợ xây dựng đang chỉnh móng để chữa “bệnh” nghiêng của căn nhà – Ảnh cắt từ video của VnExpress

Còn bà hàng xóm Nguyễn Thị Hồng (60 tuổi, ngụ phường 27) cho biết, căn nhà bốn tầng vừa sập được chủ nhà xây dựng và sống hơn 20 năm nay, khoảng một năm nay, căn nhà có dấu hiệu lún, nghiêng sang một bên.

Thấy nguy hiểm, chủ nhà đã dọn ra ngoài ở và thuê thợ đến nâng móng để chống nghiêng, đang trong giai đoạn thi công thì căn nhà bị sập.

Theo bà Hồng, căn nhà bốn tầng đổ sập tạo ra tâm chấn mạnh, nhà bà ở cách đó 100m mà nghe tiếng động như bom nổ, ly thủy tinh để trên bàn bị rung rơi xuống đất vỡ toang.

Tương tự, ông Vũ Văn Hiếu (40 tuổi), hàng xóm ở kế bên nhà khi nghe tiếng ầm như bom nổ, ông cùng người con trai tháo chạy khỏi căn nhà trọ. Vài phút sau, khói bụi đã phủ kín cả con hẻm.

Ông Hiếu cũng kể đã thấy căn nhà bị sập nghiêng từ vài năm trước, nhưng nói với chủ nhà thì ông bảo hư đâu sửa đó.

Nền đất của căn nhà vốn trước là một ao thả cá, có lẽ vì vậy mà nền đất yếu, một người dân sống lâu năm trong hẻm 133 Bình Quới nhận xét.

Trước đó, ngày 17 Tháng Chín 2023, công trình xây dựng Nhà văn hóa huyện Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình) bất ngờ bị đổ sập giàn giáo khiến hai công nhân bị thương.

Thời điểm trên, một số công nhân đang đổ bê tông trên sàn tầng 1 thì giàn giáo đỡ bên dưới bất ngờ đổ sập. Vụ tai nạn khiến hai công nhân bị thương phải đưa đi cấp cứu, kết cấu của công trình cũng biến dạng.

Được biết, Nhà văn hóa huyện Tuyên Hóa được đầu tư 50 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, do UBND huyện Tuyên Hóa làm chủ đầu tư. Công trình này được khởi công xây dựng từ Tháng Mười Hai 2022 với tổng diện tích xây dựng gần 2,700m2.

Công trình Nhà văn hóa huyện Tuyên Hóa bị sập giàn giáo khi xây dựng làm hai người bị thương – Ảnh: Tuổi Trẻ

Công nhân xây dựng ở Việt Nam gặp tai nạn lao động nhiều nhất so với các ngành khác.

Trang tin điện tử của Công an tỉnh Kontum ngày 28 Tháng Năm 2021 cho biết: Theo thống kê của các bộ, ngành, chỉ tính riêng trong năm 2020 trên toàn quốc đã xảy ra 8,380 vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm 8,610 người bị chết và bị thương. Trong số các vụ TNLĐ đó, tai nạn trong công trình đang xây dựng chiếm khoảng 30% tổng số vụ.

VnEconomy ngày 7 Tháng Mười 2022 cho biết: Báo cáo của Bộ Lao động về tình hình TNLĐ sáu tháng đầu năm 2022 cho biết Việt Nam có 3,908 vụ TNLĐ (tăng 296 vụ, tương ứng với 8.19% so với sáu tháng đầu năm 2021), làm hơn 4,000 người bị nạn. Trong số đó, xây dựng là lĩnh vực xảy ra nhiều TNLĐ chết người nhất, chiếm 14.73% tổng số vụ tai nạn lao động và 15.26% tổng số người chết.

Thống kê số vụ TNLĐ ở Sài Gòn cũng tương tự. Theo trang tin điện tử của Đảng bộ TP.HCM ngày 17 Tháng Hai 2022, báo cáo của Sở Lao động TP.HCM cho biết trong năm 2021, Sài Gòn đã xảy ra 544 vụ TNLĐ, với 549 người lao động chết và bị thương.

Điều trùng hợp là trong 52 người chết vì TNLĐ trong năm 2021 ở Sài Gòn, có 16 người làm việc trong lĩnh vực xây dựng, chiếm tỷ lệ 30.7%.

Xây dựng luôn là ngành có số công nhân chết vì TNLĐ nhiều nhất, kể từ 2015, cho dù là thống kê của tỉnh/thành phố hay thống kê cả nước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: