Shop áo dài 0 đồng của hai chị em ở Thủ Đức

Bà Nguyệt (mặc áo dài) giữa nhóm khách hàng đặc biệt của bà tại cửa hàng áo dài 0 đồng – Ảnh cắt từ video Vnexpress

Trước và sau đại dịch Covid-19, Sài Gòn xuất hiện nhiều cửa hàng quần áo 0 đồng, như một cách chia sẻ với người nghèo trong cơn khốn khó. 

Thông thường các cửa hàng quần áo 0 đồng nhận hàng của bá tánh xong phân loại và treo lên để người dân có nhu cầu đến chọn lựa theo ý nhưng cửa hàng áo dài 0 đồng của hai chị em bà Đoàn Thị Nguyệt (46 tuổi) ở đường Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ, TP.Thủ Đức có sự chăm chút tỉ mẩn hơn. 

Vốn là thợ may hơn 20 năm, khi nhận áo dài được trao tặng, bà Nguyệt đã cùng nhóm thợ của mình phân loại theo màu và chất liệu, kiểm tra lỗi, chỉnh sửa, giặt ủi cho mới mẻ hơn, lại còn đính thêm thông tin về số đo ba vòng của áo để người có nhu cầu dễ tìm kiếm. Ngoài áo dài đã qua sử dụng từ các nơi gửi về, chị em và gia đình bà Nguyệt đã dành 80% số áo dài mình có để bổ sung vào cửa hàng, thậm chí còn tìm vải may tặng các bà các cô chưa tìm được bộ áo dài vừa vặn. 

Mỗi chiếc áo dài sau khi được làm mới còn được đính thêm thông tin số đo ba vòng để người có nhu cầu dễ chọn lựa – Ảnh: Thanh Niên

Ngày 8 Tháng Ba năm ngoái, cửa hàng áo dài 0 đồng của hai chị em bà Nguyệt khai trương. Tròn một năm, cửa hàng của bà Nguyệt đã trao tặng hơn 5,000 bộ áo dài cho những người cần, đa số là các bà bán vé số, phụ bán hàng, giúp việc nhà…. thích áo dài nhưng chưa đủ tiền may. Với người khác có thể đó chỉ là chiếc áo cũ, nhưng với họ, đó là món quà quý giá, bà Nguyệt chia sẻ với Vnexpress

Ấp ủ ý định trao tặng áo dài cho người nghèo bốn năm trước, khi bà Nguyệt tiếp hai mẹ con một cô bé khiếm thị và nghe người mẹ kể phải tích góp cả năm mới đủ tiền đi may cho con bộ áo dài.  Xúc động trước tâm tình của người mẹ, bà Nguyệt bàn với em gái về việc biến cửa hàng của mình thành nơi cung cấp áo dài miễn phí cho những người nghèo. Ngoài số áo dài đã sử dụng của chị em trong nhà, bà còn dành thời gian đi xin áo dài cũ của khách quen, bạn bè, họ hàng để tích trữ nhằm mở cửa hàng áo dài 0 đồng. Khi đủ số áo dài trao tặng thì dịch Covid-19 ập đến, đã ngăn bà khai trương cửa hàng sớm hơn. 

Vnexpress ngày 6 Tháng Ba dẫn lời bà Nguyệt: “Tôi muốn phụ nữ Việt dù là ai, ở hoàn cảnh nào cũng được mặc áo dài”.

Trong ngày khai trương đầu tiên vào năm ngoái, 300 bộ áo dài đã tìm được chủ nhân mới.  Bà Nguyệt cũng không ngờ nhiều người nghèo lại thích áo dài đến như vậy. Hôm đó có đôi vợ chồng đi từ Long An đến cửa hàng của bà để chọn áo dài được tặng, nhưng lựa mãi cũng không có bộ nào vừa nên bà Nguyệt quyết định may tặng người vợ một bộ mới và tặng họ sau hai ngày.

Tuy nhiên, sau nửa năm hoạt động, nhận thấy có người “thừa điều kiện” vẫn đến xin áo dài 0 đồng nên bà quyết định mở cửa hàng áo dài 0 đồng chỉ một ngày trong tuần.

Cửa hàng “Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho” của nhà thờ Tân Sa Châu – Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình – Ảnh: ZingNews

“Cách cho quan trọng hơn của cho” là phương châm của bà Nguyệt khi thực hiện chương trình, thế nên đón bất kỳ ai đến tìm áo dài 0 đồng, chị em bà Nguyệt và thợ đều tư vấn, trợ giúp để họ có được chiếc áo dài ưng ý nhất. 

Thanh Niên ngày 7 Tháng Ba năm ngoái khi viết về cửa hàng này đã nêu tên người em của bà Nguyệt là Đoàn Thị Trúc Linh và cho địa chỉ cửa hàng là 155 Đặng Văn Bi. Thanh Niên cũng mô tả bên cạnh áo dài, cửa hàng còn có kệ giày, dép, túi xách và những bộ đầm đã qua sử dụng được trao tặng miễn phí. Bà Linh chia sẻ với Thanh Niên nếu sau này có điều kiện, chị em của bà muốn tổ chức những chuyến trao “Áo dài 0 đồng” lưu động ở những vùng nông thôn xa xôi. 

Nơi đầu tiên mở gian hàng quần áo 0 đồng ở Sài Gòn là nhà thờ Tân Sa Châu (387 Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình), mang tên “Ai thiếu đến lấy, ai dư đến cho”, bắt đầu hoạt động từ giữa Tháng Bảy 2019, do linh mục Phó xứ và Hội đồng mục vụ của giáo xứ tổ chức. 

ZingNews ngày 19 Tháng Bảy 2019 mô tả: Nằm trong khuôn viên nhà thờ Tân Sa Châu, với 3-4 giá đỡ dựng lên từ thanh sắt căng ngang, quần áo được treo thẳng thớm bên dưới mái che, bên cạnh là các vật dụng khác như mũ nón, giày dép, đồ chơi… cũng được bày biện ngay ngắn chờ chủ nhân mới – là những người bán hàng rong, dân chạy xe ôm, sinh viên, học sinh… 

“Nguồn hàng” tại đây được nhập về từ khắp nơi, từ cá nhân đến cơ quan đoàn thể. Bên cạnh người đến “nhận” thì cũng có nhiều người đến “cho” bọc lớn bọc bé… làm “nhân viên” phải luôn tay sắp xếp bày biện trong “cửa hàng”.

Chiều 6 Tháng Ba 2023, khi liên lạc đến số điện thoại bàn duy nhất ghi trên trang web của nhà thờ Tân Sa Châu để hỏi xem cửa hàng này còn hoạt động không thì số này không liên lạc được. Thật tiếc. 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: