Sư Minh Tuệ, và quyền tự do ngôn luận

Sự đón tiếp sư Minh Tuệ một cách kính trọng từ dân Lào, cũng mở thêm suy nghĩ cho người Việt về vấn đề tự do tôn giáo trong nước. (Hình: Facebook)

Những ngày cuối tuần đầu Tháng Giêng 2024, không khí trên các trang mạng xã hội của Việt Nam như có một cuộc bừng tỉnh tập thể. Sự có mặt của giới truyền thông tự do trong cuộc du hành, đã thổi một luồng gió mới vào hình ảnh của sư Minh Tuệ và các tăng sĩ đi cùng, khi vừa bước vào Thái Lan.

Đúng như ông cựu công an viên Đoàn Văn Báu đã từng nói một cách đăm chiêu nhiều ngày trước đó, là “rất khó” về viễn cảnh của đoàn tăng sĩ y phấn tảo khi bước vào đất Thái. Người ta không biết “cái khó” là gì, vì ông Báu không nói rõ, nhưng “bài toán” sư Thích Minh Tuệ mà ông Báu tính toán trên một video, lúc chuẩn bị vào đất Thái, nay đã hiện ra trong sự bất lực của Báu, rõ là về quyền tự do tiếp cận thông tin trực tiếp của mọi người với sư Minh Tuệ.

Đúng như từ đầu, những người tỉnh táo quan sát cách ông Báu hành xử với sư Minh Tuệ, ông ta luôn giọng điệu chuẩn mực, nhã nhặn, nhưng hoàn toàn là vỏ bọc nhung của gọng kềm siết chặt mọi thứ, từ sự kết nối với Phật tử trên đường, cách chọn du hành theo ý riêng, và đặc biệt là cô lập, nhỏ giọt ngôn từ của sư Tuệ đến người hâm mộ trong nước.

Thủ thuật tuyên truyền 7-3 được Báu ứng dụng hữu hiệu, đúng theo tay nghề công an của Báu. Tức Báu luôn livestream làm thỏa lòng tự hào của người hâm mộ, cho thấy dân chúng mọi nơi kính cẩn đón sư Minh Tuệ, tạo hình ảnh đoàn người (có cả Báu) nhịp nhàng lên đường như hình ảnh hộ pháp đi thỉnh kinh truyền thống. Nhưng 7 phần để chiêu dụ đám đông, đôi lúc, có 3 phần Báu lại sử dụng để thao túng sự kiện và con người theo ý mình.

Việc thao túng lộ rõ, khi Báu mượn đám đông đang tin theo Báu để đấu tố các nhân vật Thái Tâm, hay Phước Nghiêm – những người muốn trực tiếp gặp sư Minh Tuệ để làm rõ những khúc mắc về chuyện có hay không sự cô lập truyền thông. Nhanh chóng, đám đông cũng gào hô theo lời Báu, tức giận về những kẻ bị gọi là đang “phá hành trình yên lành của sư Minh Tuệ.”

Nhưng rồi đến khi giới báo chí ngoài Việt Nam gần như phải “phá vòng vây” để tự do trò chuyện với sư Minh Tuệ, tất cả đều toát lên một ý, đó là vấn đề của tự do ngôn luận. Sự minh bạch và tự do tìm hiểu, trình bày đúng theo sự thật, đã phút chốc nhưng gáo nước lạnh, làm hàng triệu người Việt Nam bừng tỉnh và hỏi nhau, điều gì đang xảy ra với sư Tuệ vậy?

Sư Minh Tuệ trình bày chân thật, rằng người ta đã nhờ (hay ép) ông phải viết ba lá thư tay phát đi trên mạng xã hội, trước khi rời Việt Nam. Sự xác nhận của ông đơn giản, mà nghe xót xa khi nói “người ta muốn tôi viết thì tôi viết thôi.” Tức ông chiều theo mọi thứ để được yên, tự hy sinh quyền tự do ngôn luận của mình, cũng như phải chịu sự áp đặt của Báu trong suốt hành trình ra khỏi Việt Nam.

Tinh thần công an làm nhiệm vụ của Báu thể hiện rõ khi ông ta tức giận, vì đài RFA phỏng vấn mà Báu không kiểm soát được, cũng như Báu đã “ra giá” với BBC về việc “cho phép” phỏng vấn, nhưng không được hỏi liên quan chính trị. Nhiều lời bàn đã xuất hiện khi tin tức này lộ ra, Báu là ai mà có quyền ra điều kiện? “Chính trị” của sư Minh Tuệ là gì, dù sư đã bị sắp đặt phải nhận cờ đỏ và huy chương trong ngày Quân Đội Nhân Dân 22 Tháng Mười Hai?

Thì rõ, “chính trị” là việc thổ lộ có hay không chuyện o ép một nhà sư quyết tu độc lập, và không cần đến sự kiểm soát của giáo hội tay sai, và bên cạnh đó là Việt Nam có tự do tôn giáo hay không. Và dĩ nhiên, Báu kinh hãi khi nghĩ đến chuyện báo chí có thể hỏi ý kiến sư Tuệ về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội cũng chọn tự do, từ chối phục vụ cho chính quyền?

Suốt nhiều ngày, kể từ khi bước chân ra khỏi Việt Nam (12 Tháng Mười Hai), hàng triệu người Việt mới thật sự bắt đầu được nghe sư Minh Tuệ nói, nghe ông diễn giải bình thường về đời sống của mình. Từ các cửa ngỏ truyền thông tự do ngôn luận, bức màn che vụng về của Báu và cả nhà nước Việt Nam, lại thêm xộc xệch.

Số phận sư Minh Tuệ giờ đây cam go hơn những ngày ông lẳng lặng bộ hành xuyên Việt, bởi sự xuất hiện của ông, cùng lời nói với quyền tự do ngôn luận của mình, đã trở thành cơn ác mộng với nhiều ban ngành của nhà nước CSVN. Dĩ nhiên, họ phải nghĩ đến các phương thức triệt tiêu. Với đám đông đang dõi theo mình, sư Minh Tuệ đang thể hiện quyền trình bày ôn hòa của mình để nói về con đường tu học theo quan điểm riêng, nhưng điều đó, luôn bị coi là cấm kỵ với sợi chỉ đỏ xuyên suốt. Chính vì vậy, cuốn sách Hương Bay Ngược Gió chép lời sư Tuệ đã bị cấm theo lệnh của ban Tuyên Giáo, vì nội dung trong đó được coi là tương đương với cương lĩnh của sự khác biệt.

Nguyên tắc chung của hệ thống cai trị cộng sản là vậy. Chủ thuyết độc tài luôn vẽ ra mọi thứ trong thế giới cầm quyền của họ, mọi thứ giải nghĩa khác biệt bên ngoài, trên nền tảng sự mơ hồ nhưng không được phân tích, tựa như đường đến chủ nghĩa cộng sản. Bất kỳ ai trong sống trong guồng máy cai trị, nếu có công chúng riêng, và tạo ra những hình ảnh hay ý nghĩa khác biệt, nếu không thể lèo lái trở về con đường chung của đảng, sẽ là kẻ thù.

Trung Quốc đã có Jack Ma, khi có những suy nghĩ bị coi là lệch hướng, lập tức bị trừng trị và cô lập. Việt Nam cũng có hiện tượng Nguyễn Phương Hằng, dù thề trối chết là phục vụ đảng và nhà nước, nhưng xem chừng ngôn luận không thể kiểm soát được, lại có khuynh hướng dựng chuyện để tôn vinh cá nhân, nên Hà Nội cũng phải thanh toán. Còn Thiền Am Bên bờ Vũ Trụ quyết đi con đường khác biệt, nên đã bị tiêu diệt bằng chính giáo hội tay sai.

Ngay từ đầu, sư Minh Tuệ đã bị coi là “kẻ thù,” khi tuyên bố mình không thuộc về ai, tu tập là tự mình và cũng không tự coi mình là tu sĩ. Giáo hội tay sai đã chớp lấy cơ hội và ra văn bản phủ nhận sự tồn tại của sư Minh Tuệ. Nhưng rồi, truyền thống tín ngưỡng được nuôi dưỡng mạnh mẽ ở miền Nam, cùng sự nhìn nhận và ngưỡng mộ của đám đông bằng quyền tự do ngôn luận của mình, đã cứu sư Minh Tuệ khỏi những trò hãm hại, buộc chính quyền phải chọn một kế hoạch hành động khác.

Vấn đề của sư Tuệ, chỉ là phương án B của nhà cầm quyền trong việc triệt hạ sự khác biệt và quyền tự do ngôn luận. Đặt ra luật 331 và 117, bộ máy công an trị của Hà Nội đã dễ dàng điểm danh và bắt bớ, bỏ tù, trục xuất ra khỏi nước những người sử dụng tiếng nói và suy nghĩ khác biệt của mình. Nhưng với sư Tuệ, áp điều luật nào vào ông cũng không hợp, và vừa hỗn loạn lòng dân, tự hoại hệ thống tay sai tôn giáo, cũng như bị quốc tế chỉ mặt về đàn áp tín ngưỡng. Chuyện đưa ông đi khỏi nước là cách mà người cộng sản để cho tạm yên là một vế, còn chuyện để sư Tuệ ở lại xứ người, hay quay về, vẫn là một vế mà ắt Hà Nội đang căng óc toan tính.

Những diễn biến về sư Minh Tuệ sẽ còn nhiều điều hay. Nhưng đừng quên, khi được nói và nói với giới truyền thông tự do ngôn luận, sư Tuệ đã được BBC ghi nhận rằng “như anh Báu mà giữ được năm giới: không sát sanh, không tà dâm, không trộm cắp, không nói láo, người ta tới không gây khó khăn như trước, có một cái thay đổi thôi là con đã vui lắm rồi.” Báu đã làm gì mà sư Minh Tuệ phải nhắc là ‘đừng nói láo”?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: