Tại sao phải giết Nguyễn Văn Chưởng?

Tử tù Nguyễn Văn Chưởng (MXH)

Cách đây vài ngày gia đình tử tù Nguyễn Văn Chưởng nhận được giấy thông báo về việc sẽ thi hành án đối với Chưởng và nếu gia đình muốn nhận xác hay tro hỏa táng thì làm thủ tục. Câu chuyện 16 năm trước lập tức trở lại với gia đình và cả cộng đồng mạng gần như cùng chung tiếng nói: Hãy trả tự do cho Nguyễn Văn Chưởng.

Ngày 3 Tháng Tám 2007 Nguyễn Văn Chưởng, Đỗ Văn Hoàng và Vũ Toàn Trung bị công an Hải Phòng bắt vì tội giết Thiếu tá Cảnh sát hình sự Nguyễn Văn Sinh, CA phường Đông Hải 2, Quận Hải An, Hải phòng.

Em trai của Chưởng, nay đã chết, là Nguyễn Trọng Đoàn xin được giấy xác nhận của một số nhân chứng khẳng định họ đã gặp Chưởng trong buổi tối 14 Tháng Bảy 2007 tại quê ở Hải Dương (tức là Chưởng không có mặt tại hiện trường vụ án ở Hải Phòng vào thời điểm xảy ra án mạng – hai địa điểm cách xa nhau khoảng 40 km).

Sau khi nộp giấy tờ chứng nhận của các nhân chứng, Nguyễn Trọng Đoàn bị công an Hải Phòng bắt giam với tội danh “che giấu tội phạm” vì đã “viết đơn, giấy xác nhận để khai báo gian dối và cung cấp tài liệu sai sự thật, che giấu hành vi phạm tội để cho Chưởng được ngoại phạm”. Nguyễn Trọng Đoàn bị giam giữ hai năm sau đó được thả về. Báo Lao Động lúc ấy có bài viết về những khúc mắc này khi phỏng vấn một số nhân chứng khẳng định Chưởng có mặt ở quê Hải Dương vào buổi tối diễn ra vụ sát hại Thiếu tá Sinh. Nhân chứng Trần Quang Tuất cho biết: Trước đó, anh bị cơ quan điều tra dọa nên sợ hãi và viết lại lời khai là “không nhớ chính xác”.

Cả hai nhân chứng Trần Quang Tuất và Trịnh Xuân Trường đều khai là bị công an bức cung, tra tấn và vì vậy phải sửa lại lời chứng. Nguyễn Văn Chưởng viết thư về gia đình khai từng chi tiết bị công an tra tấn bắt phải nhận tội.

Trương Hòa Bình từng giữ nhiều vị trí quan trọng: Phó Thủ tướng, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Thứ trưởng Bộ Công an (ảnh: Lao Động)

Vụ án đóng lại với án tử hình cho Nguyễn Văn Chưởng khi ra tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó. Bản án được mang ra Giám đốc thẩm vì các bị can đồng loạt kêu oan vì bị nhục hình bức cung. Thế nhưng Tòa án Nhân dân Tối cao gồm 11 thành viên do Chánh án Trương Hòa Bình làm chủ tọa, mở phiên tòa giám đốc thẩm, bác kháng nghị của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Ông Phó viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hải Phong khẳng định quan điểm của lãnh đạo Viện KSND tối cao:

“Qua xem xét hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy chưa đủ căn cứ vững chắc để kết luận Chưởng là người chủ mưu, cầm đầu vụ giết người”.

Thời điểm lúc đó ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận được đơn xin ân xá nhưng không có bất cứ ý kiến gì cho tới năm nay thì đơn vị thi hành án chính thức thông báo cho gia đình Nguyễn Văn Chưởng về việc xử tử phạm nhân.

Việc điều tra xét hỏi căn cứ trên những chứng cứ tại hiện trường bị những luật sư bảo vệ cho các bị can chỉ ra là quá nhiều sai sót, thiếu bằng chứng thuyết phục, chỉ riêng việc bức cung cũng đủ để Tòa án Nhân dân Tối cao phải xem xét lại nhưng ông chánh án Trương Hòa Bình không để ý gì tới điểm quan trọng này, vì nếu xác định được có bức cung, nhục hình thì bản án xem như bất hợp lệ. Chỉ cần yếu tố quan trọng này cũng chỉ ra được tính cách tra hỏi của cơ quan điều tra luôn tận dụng cách làm này hầu mau chóng kết thúc vụ án, vì họ biết nếu tiếp tục điều tra thì thời gian sẽ kéo dài mà cái chết của một công an không cho phép không tìm ra thủ phạm.

Cùng thời điểm Nguyễn Văn Chưởng bị bắt một thời gian ngắn sau đó là Hồ Duy Hải, cũng nhục hình bức cung, cũng tang vật ngụy tạo và nhiều vấn đề khác khiến cho dư luận phẫn nộ và gia đình của những nạn nhân này tán gia bại sản vì cầu cứu hết cơ quan này tới cơ quan khác nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu bất lực.

Xã hội Việt Nam từng theo dõi những vụ án nhục hình bức cung khác được giải hàm oan như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Trần Văn Chiến…, khi cơ quan điều tra chọn biện pháp tra tấn để nạn nhân nhận tội bị báo chí công khai như vết nhơ trong ngành tư pháp, riêng Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng tuy gia đình liên tục kêu oan nhưng quyết định của thẩm phán Trương Hòa Bình trong vụ Nguyễn Văn Chưởng và Nguyễn Hòa Bình trong vụ Hoàng Duy Hải làm cho bản án tử hình của hai nạn nhân này không ai giải quyết được.

Trương Hòa Bình bị cộng đồng nhìn dưới ánh mắt nghi ngờ sự trong sạch của ông ta khi cùng cả Hội đồng xét xử đồng thanh phớt lờ sự tố cáo nhục hình bức cung của nạn nhân mà xuống tay giết một thanh niên chưa bao giờ có tiền án, tiền sự. Dư luận có quyền đặt dấu hỏi cho cái mà ông Trương Hòa Bình cho rằng “đúng người đúng tội” vì từ đó mọi bản án oan do nhục hình bức cung sẽ trở thành tiền lệ cho những kẻ lấy sự tra tấn làm phương tiện để lập thành tích phá án.

Lần này có khác với lần trước, khi ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang làm ngơ trước những lá đơn xin ân xá của gia đình và nhiều Luật sư bảo vệ cho nạn nhân. Ngay khi nhận được tin Nguyễn Văn Chưởng sẽ bị thi hành án, nhiều người gửi tin nhắn vào số điện thoại của đương kim Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, yêu cầu ông xem xét mà ký lệnh ân xá cho phạm nhân. Tin nhắn nhiều đến nỗi số điện thoại này bị khóa trong khi ông Thưởng chưa chính thức đưa ra ý kiến của mình.

Có người cho rằng chỉ một chữ ký sẽ cứu được một con người tại sao mấy ông Chủ tịch nước lại hà tiện như thế? Thật ra ký một lệnh ân xá chung chung cho phạm nhân ngày 2 Tháng Chín hằng năm là một việc làm vô thưởng vô phạt vì trong cả ngàn phạm nhân ấy không có ai được dư luận chú ý như trường hợp của Hoàng Duy Hải hay Nguyễn Văn Chưởng. Hai vụ án này có tình tiết quan trọng là bức cung nên nếu bỏ qua thì nhân dân kết án, còn nếu lật lại vụ án thì… công an không vui. Niềm tự hào về “điều tra không bỏ sót tội phạm” bị coi thường đó là chưa nói đến việc sẽ có hàng ngàn đơn thư nộp lên đòi điều tra lại những vụ án tương tự. Việc “tập thể kêu gào” này sẽ là một tiền lệ xấu cho ngành công an, vốn được xem là thanh kiếm bảo vệ chế độ.

Thực tế này cho thấy việc Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dám vượt qua ông Trọng để ký lệnh ân xá là một câu hỏi đánh đố. Khi nào ông Trọng còn cần công an để chiếc lò của ông tiếp tục cháy thì khi đó mọi áp lực lên ngành này phải được tháo dỡ. Vậy thì ông Thưởng có lý do gì để đặt bút ký một lệnh tha nhưng đồng nghĩa với nhiều lệnh bắt khác?

_____________

Nguyễn Văn Chưởng đã từng nhận tội, có oan không?

Một đêm rất dài của cha mẹ ‘tử tù’ Nguyễn Văn Chưởng

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: