Tấm lòng người miền Nam với ký ức VNCH vẫn âm ỉ sục sôi

Ngôi miếu vừa được dựng lại ngày 11 Tháng Hai 2023.

Ngay sau khi có tin ngôi miếu nhỏ thờ các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa trên đồi Charlie bị phá hỏng, rồi đến ngày 11 Tháng Hai được người của chính quyền huyện Sa Thầy, Kontum đến kiểm tra và cho dựng lại, số người đi đến đồi Charlie để viếng tăng đột ngột.

Bà chủ quán nước, đối diện với đường vào đồi Charlie cũng ngạc nhiên và nói số người đi lên đồi bằng xe máy nhiều đến bất thường. “Người đi viếng nhiều, thường là vào Tháng Tư, nhưng không hiểu sao từ đầu Tháng Hai, đã có rất nhiều nhóm đi viếng chỗ thờ ông Bảo”, bà nói.

Đường đi phức tạp. Mùa khô dẫn lên núi có nhiều đoạn cát trượt, ngoằn ngoèo, xe chạy không quen là dễ té và gây tai nạn. Nhiều khách đi viếng phải nhờ đến các thanh niên người Sedan, vốn vẫn lên núi làm rẫy, phát hoang cho chủ đất chở lên giùm. Dù những thanh niên sắc tộc thiểu số này chạy đã quen tay, thì lên đến nơi có miếu, cũng mất gần một tiếng rưỡi.

Thông tin từ phía các viên chức địa phương lên kiểm tra chỗ miếu bị hư hại, chỉ nói đơn giản là do xe chở keo đi qua, quẹt vào miếu thờ và làm gãy đổ. Theo giải thích là khi quẹt đổ, những người làm công có xếp các mảnh vỡ lại và đặt vào trong mé đất sâu. Tuy nhiên, thông tin này chỉ là truyền miệng, không có thông báo chính thức của huyện nên người quan tâm cũng còn vài thắc mắc là “xe keo” – xe chở cây keo hay xe chở các loại keo dán công nghiệp (?) – và vì sao chính quyền điều tra được chính xác như vậy, bởi đường lên các miếu thờ rất heo hút, khó đoán được điều gì xảy ra.

Chính quyền huyện Sa Thầy cho chở lên bốn miếng gạch lớn, cùng loại với miếu thờ đã có, và dựng lại. Dĩ nhiên, biểu tượng của Lữ đoàn Dù và tiêu ngữ Vị quốc vong thân trước đây không còn nữa. Tượng Phật Thích Ca đứng chung với Mẹ Quan Âm trên đồi, cạnh miếu thờ cũng bị lấy đi, chỉ còn lại một tượng.

Sự kiện miếu thờ bị đập phá đã làm dấy động sự quan tâm khắp nơi. Đặc biệt là ở Việt Nam, nhiều người lâu nay vẫn im lặng hay không bày tỏ chính kiến đã không kềm chế được, buông ra rất nhiều lời chỉ trích chính quyền hiện tại. Trên các trang Facebook cá nhân và diễn đàn khép kín, hàng ngàn biểu tượng ủng hộ bản tin xuất hiện cùng hàng trăm bình luận. Trong đó, có những người của thế hệ tiếp nối, năm nay mới chỉ chừng hơn 30-40 tuổi, nói họ đã khóc khi thấy cảnh ấy.

Cô Lina Phan, một người Úc gốc Việt về thăm quê, nhờ một người dân địa phương chở lên thắp hương, khi chứng kiến miếu không còn, mảnh vỡ xếp chồng một góc đã vừa đi nhặt lại, khóc và nói: “Ác quá, sao người chết rồi mà còn bị như vậy”. Bản video của cô quay lại cảnh tượng miếu đổ đã trở thành tin tức lan đi khắp nơi vào đầu Tháng Hai này.

“Nếu biểu tượng Dù hay chữ Vị Quốc Vong Thân không còn nữa, thì chẳng lẽ là người chết hoang, vô chủ?”, một người dùng Facebook bình luận. Ý tưởng này đã khiến một số nhóm người trẻ, thế hệ thứ ba của miền Nam VNCH bàn với nhau trên Facebook rằng họ sẽ sớm trở lại đó, mang theo hình ảnh và tiêu ngữ in sẵn và dán lại trong miếu thờ để mọi thứ được chính danh.

Trên đồi Charlie, nhà cầm quyền hiện nay cũng cho xây một nhà tưởng niệm rộng và quy mô, dành cho quân đội Bắc Việt, nhưng đìu hiu vì ít người viếng. Thỉnh thoảng các nhóm leo núi chọn ở đó làm chỗ cắm trại qua đêm vì bằng phẳng. Ấn tượng về những người lính VNCH ở đồi Charlie rất lớn, đến mức khi hỏi đường đến chỗ thờ ông Bảo, hầu như người dân địa phương nào – kể cả người sắc tộc thiểu số – đều biết. Điều lạ là nơi thờ không đề rõ tên Đại tá Nguyễn Đình Bảo bao giờ (nhiều người vẫn gọi là Trung tá Nguyễn Đình Bảo, tuy nhiên, sau trận Charlie anh dũng đó, lễ truy điệu đã phong Đại tá cho vị sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù được mệnh danh là Song Kiếm Trấn Ải).

Một người may mắn chứng kiến buổi dựng lại miếu, nghe một viên chức của huyện Sa Thầy nói “làm lại cho nhanh, chứ ngày nào cũng nghe điện thoại gọi hỏi miết mà phát mệt”. Sự quan tâm của người dân ở mọi nơi thật sự là một áp lực với những người cầm quyền địa phương.

Có sự kiện miếu đổ, mới thấy tấm lòng người dân miền Nam tự do dành cho chế độ VNCH vẫn luôn âm ỉ. Người dân luôn theo dõi, tìm đến và cùng nhau âm thầm bảo vệ những gì còn lại của nước Việt Nam tự do hôm qua. Chế độ đã mất, nhưng con người vẫn còn, và dường như truyền qua các thế hệ, niềm kiêu hãnh và gìn giữ các giá trị của Việt Nam Cộng Hòa, là điều vẫn được nuôi giữ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: