Cuối cùng, thi thể bé Hạo Nam, nạn nhân rơi xuống cọc bê tông sâu 35 mét ở dự án cầu Rọc Sen, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp), cũng được đưa lên mặt đất sau 21 ngày làm việc cật lực của lực lượng cứu nạn.
Báo VNExpress cho biết vào lúc 1h25 ngày 20 Tháng Giêng (29 Tết), hai cảnh sát cứu nạn Công an tỉnh Đồng Tháp đeo dưỡng khí, xuống độ sâu hơn 25 m trong lồng ống sắt bao quanh trụ bê tông – nơi bé trai 10 tuổi bị kẹt, dùng thiết bị chuyên dụng để đưa thi thể lên. Do trong ống vách nhỏ hẹp, thao tác khó khăn, từng nhóm hai người xuống phải lên để đổi nhóm khác. Sau nhiều lượt lên xuống, việc trục vớt mới hoàn thành sau gần hai tiếng thực hiện.
Báo chí cho biết, sau khi khám nghiệm pháp y, thi thể bé Hạo Nam được khâm liệm rồi giao cho gia đình tổ chức lệ an táng.
Trưa 31/12/2022, bé Hạo Nam lọt xuống cọc bê tông đường kính 25 cm, khi cùng bạn nhặt phế liệu ở công trường cầu cách nhà gần một cây số. Những ngày sau đó, tỉnh Đồng Tháp và các lực lượng huy động thiết bị, nhân sự, đưa ra nhiều phương án, nhưng việc cứu hộ không thành công do hạn chế máy móc, nhân lực… Tối 4 Tháng Giêng, tức sau 5 ngày xảy ra tai nạn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu tuyên bố bé Hạo Nam tử vong sau khi tiến hành hội chẩn dựa trên những dữ liệu thu thập.
Lời tuyên bố của ông Bửu mở ra một cuộc tranh luận gay gắt trên báo chí và mạng xã hội. Một số luật sư nói lời tuyên bố của ông Bửu không có giá trị về mặt pháp lý. Nhiều người cho rằng ông Bửu tuyên bố như thế để giảm trách nhiệm cho lực lượng cứu nạn, thay vì cứu người, giờ chỉ có nhiệm vụ đưa thi thể người chết lên.
Có người cũng không tin bé Hạo Nam, cho dù thiếu ăn, cũng không thể lọt vào ống có đường kính 25 cm được, nên đặt câu hỏi có thực sự lòng cọc bê tông này rỗng 25 cm hay hơn thế?
Nhiều người phân tích vấn đề này vì từ khi tai nạn xảy ra, không phóng viên nào chụp đường hình ống bê tông tại hiện trường để xác nhận đường kính thực sự của nó là bao nhiêu. Cho đến ngày 19 Tháng Giêng, một tấm hình được chia sẻ trên mạng xã hội lại càng làm cư dân mạng phân tích về chiều rộng lòng ống bê tông này.
Nhiều ý kiến cho rằng theo tấm hình này đường kính lòng ống phải lớn hơn 30 cm. Nếu nhận định này đúng, cho phép người ta lý giải được tại sao bé Hạo Nam lọt vào đường ống dễ dàng. Thế nhưng điều này cũng có nghĩa là đơn vị thi công có thể đã “ăn gian” vật liệu, điều mà nhiều người lại cho rằng rất khó xảy ra, vì “chẳng ai dại gì ăn gian vào kết cấu cả”.
Nói chung, sau khi thi thể bé Hạo Nam được đưa lên mặt đất để an táng, cơ quan chức năng sẽ bắt đầu xem xét trách nhiệm của các đơn vị liên quan, từ chủ đầu tư đến công ty nhận thầu, xuống tới đơn vị thi công.
Tết Quý Mão này không chỉ là cái Tết ảm đạm cho gia đình bé Hạo Nam, mà còn là cái Tết lo lắng, bồn chồn của những người để tai nạn thương tâm này xảy ra.