Thời kỳ quân phiệt mới: Tô Lâm Nam tiến, thôn tính thành Hồ

Tô Lâm bắt tay Lương Cường chia nhau hai thành phố lớn nhất Việt Nam. (Hình: Thông tấn xã VN)

Quan chức CSVN đang chia nhau chiếm lĩnh các tỉnh thành, cát cứ lãnh địa không khác gì các thế lực quân phiệt ngày xưa. Nên nhớ, thời kỳ quân phiệt là lúc đất nước bị chia rẽ nhất và chế độ dễ bị sụp đổ nhất.

Tô Lâm, Lương Cường phân chia lãnh địa

Trong nghị quyết Quốc hội hồi cuối tháng 10, cả hai ông Tổng Bí thư và Chủ tịch nước đều được chuyển đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Tô Lâm chuyển từ đoàn Hưng Yên qua đoàn ĐBQH TP.Hà Nội. Lương Cường chuyển từ Thanh Hoá qua đoàn ĐBQH Thành Hồ.

Động thái này cho thấy hai vấn đề. Thứ nhứt, bầu cử ở Việt Nam chỉ là trò hề. Ở các nước dân chủ, bầu cử thật thì làm gì có chuyện thắng cử ở tỉnh này, rồi chuyển qua tỉnh khác làm đại biểu. Dân ở tỉnh này có bầu cho nghị viên tỉnh kia đâu mà tuỳ tiện chuyển đổi như vậy. Điều này chứng minh rằng Bộ Chính trị CSVN nắm mọi quyền hành, còn Quốc hội chỉ là đám bù nhìn, mua quan bán chức chứ không có bầu cử gì ở Việt Nam hết.

Vấn đề thứ hai là Tô Lâm và Lương Cường đã có sắp xếp để phân chia lãnh địa ở hai thành phố lớn nhất cả nước. Căn cứ theo thông báo của Quốc Hội thì “Việc chuyển sinh hoạt đoàn ĐBQH này phù hợp với cơ cấu đã được Bộ Chính Trị quyết định.” Mà Tô Lâm và Lương Cường lại là hai người đứng đầu Bộ Chính Trị, tức là hai ông này lợi dụng chức tổng bí thư và chủ tịch nước để tự ký quyết định chuyển đoàn cho chính mình.

Hiện nay trưởng đoàn ĐBQH TP.Hà Nội là bà Bùi Thị Minh Hoài, kiêm bí thư Thành Ủy. Trưởng đoàn ĐBQH Thành Hồ là ông Phan Văn Mãi, kiêm chủ tịch Thành Phố. Với việc tổng bí thư đảng Tô Lâm và chủ tịch nước Lương Cường chuyển về, thì các trưởng đoàn đại biểu tại những thành phố này có lẽ chỉ còn là chức vụ hữu danh vô thực. Việc chuyển đoàn ĐBQH này cũng cho thấy Tô Lâm đang muốn Nam tiến, mở rộng địa bàn cát cứ cho thế lực quân phiệt của mình.

Các thế lực quân phiệt chia nhau cát cứ lãnh địa

Tình trạng các quan chức cộng sản chia nhau các địa bàn để “cát cứ,” như những thế lực quân phiệt tại Việt Nam, đã diễn ra mấy chục năm nay. Ví dụ ông Nguyễn Tấn Dũng nhiều năm qua vẫn được biết tới như là một lãnh chúa tại Cà Mau và Kiên Giang. Ông Dũng nắm toàn quyền chỉ định thân tín nào sẽ là bí thư, chủ tịch, giám đốc các sở-ban-ngành tại hai tỉnh này.

Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của ông Dũng cũng từng là bí thư tỉnh Kiên Giang từ 2015 tới 2020, và đang làm bộ trưởng Bộ Xây Dựng từ 2021 tới nay. Gia đình ông Dũng cũng kiểm soát luôn những chuyện mua quan bán chức, lập dự án, xây dựng, kinh doanh, phân bổ tài chính… ở Cà Mau và Kiên Giang mà không sợ ai thanh tra, xử lý. Dù rất muốn, nhưng các thế lực ở chóp bu cộng sản Hà Nội cũng không thể tác động vào những quyết định của cựu thủ tướng này trong khu vực cực Nam đất nước.

Tương tự ông Dũng thì cựu Chủ Tịch Nước Trương Tấn Sang là một lãnh chúa ở Long An. Cựu Chủ Tịch Nước Nguyễn Minh Triết thì không khác gì một thế lực quân phiệt ở tỉnh Bình Dương. Tại TPHCM, ông Lê Thanh Hải được coi là “ông vua không ngai” suốt hơn 20 năm nay. Tỉnh Ninh Bình thì nằm trong tay họ Trần của Trần Đại Quang, ông Quang chết thì để lại cho em trai tiếp quản, tức là thượng tướng Trần Quốc Tỏ, đương kim thứ trưởng thường trực Bộ Công An. Hà Tĩnh thì của thế lực Trần Cẩm Tú (thường trực Ban Bí thư, kiêm Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung ương).

Tỉnh Hà Giang là nơi cát cứ của gia tộc họ Triệu, từ đời cha là Triệu Đức Thanh làm chủ tịch tỉnh giai đoạn 1991, truyền tới đời con là Triệu Tài Vinh làm bí thư tỉnh suốt từ 2010 tới 2019. Sau đó, dù Triệu Tài Vinh bị kỷ luật, giáng chức làm Phó trưởng Ban Kinh tế, và hiện là Phó trưởng Ban Dân vận. Thì thế lực họ Triệu vẫn rất mạnh ở Hà Giang, với hàng chục người trong dòng họ Triệu đang nắm các vị trí quan trọng ở tỉnh này.

Đà Nẵng vốn là lãnh địa của Nguyễn Văn Chi, uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương giai đoạn 2003-2011. Nguyễn Văn Chi từng là Bí thư tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng từ 1986-1994. Ông Chi lui về vườn thì lên chức “thái thượng hoàng” ở Đà Nẵng, để con trai là Nguyễn Xuân Anh lên làm Phó Chủ tịch thành phố này từ năm 2011. Năm 2015 Nguyễn Xuân Anh lên chức Bí thư Đà Nẵng. Nhưng do liên quan tới vụ “Vũ Nhôm” nên năm 2017 Nguyễn Xuân Anh đã bị Nguyễn Phú Trọng kỷ luật, phế bỏ mọi chức vụ. Từ đó, gia tộc Nguyễn Văn Chi bị suy yếu tại Đà Thành.

Tô Lâm âm mưu Nam tiến mở rộng lãnh địa

Tô Lâm vốn đã thâu tóm mọi quyền lực ở hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương (tỉnh Hải Hưng cũ). Thậm chí ông tổng bí thư này đã hình thành cả một thế lực gốc Hải – Hưng ngay tại trung ương đảng. Trước khi ông Trọng chết thì phe Tô Lâm đã thôn tính thêm một địa phận nữa là thành phố Đà Nẵng, trung tâm của miền Trung. Cụ thể, hồi đầu tháng 7, thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký quyết định số 613 về việc “phân công thành viên chính phủ chủ trì làm việc với các địa phương về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư xây dựng và xuất nhập khẩu trên địa bàn”.

Theo đó, ông Lương Tam Quang, bộ trưởng Bộ Công An sẽ có toàn quyền chủ trì làm việc với hai địa phương là thành phố Đà Nẵng và tỉnh Hưng Yên. Ông Quang sẽ kiểm soát mọi kế hoạch thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, tháo gỡ khó khăn về nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính… và các vấn đề khác nổi lên trên địa bàn. Nghĩa là bộ trưởng Bộ Công an sẽ có quyền cai trị Hưng Yên và Đà Nẵng như một lãnh chúa. Mà Lương Tam Quang vốn là thuộc hạ thân tín của Tô Lâm, thì đất Hưng Yên, Đà Nẵng bây giờ khác nào là lãnh địa của Tô Lâm.

Kết hợp với chuyện ông Lâm tự điều chuyển về đoàn ĐBQH Thành Hồ, thì rõ là người đứng đầu đảng CSVN đang có ý đồ Nam tiến, xây dựng và mở rộng lãnh địa. Tại Thành Hồ hiện nay họ Tô cũng đã cài sẵn một thân tín gốc Hưng Yên làm phó giám đốc công an thành phố. Đó là thiếu tướng Mai Hoàng, sinh năm 1979.

Tô Lâm trao quyết định phong tướng cho Mai Hoàng – thứ 2 từ trái. (Hình: Bộ Công An)

Ông Hoàng vốn là phó cục trưởng Cục Cảnh Sát hình sự Bộ Công An (C02). Năm 2020, ông Lâm điều ông Hoàng từ Trung Ương vào miền Nam, làm phó giám đốc, kiêm thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành Hồ. Tới tháng 3 vừa qua thì, tướng Mai Hoàng được chỉ định tham gia ban chấp hành Đảng Bộ Thành Hồ khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Ông Lâm cũng từng bước làm suy yếu, đe doạ các thế thực sở tại, khi ông Lê Thanh Hải, lãnh chúa Thành Hồ, liên tục bị kêu tên răn đe, kỷ luật; còn bè phái ông Hải thì đã vào tù hoặc về vườn gần hết rồi. Cùng với việc đưa thân tín ông Hoàng vào xây dựng bè phái, có thể thấy ông Lâm chuẩn bị rất chu đáo cho con đường Nam tiến, từng nước cờ đã vạch sẵn, suốt 4-5 năm qua.

Trên con đường Nam tiến này có thể ông Lâm sẽ còn đối đầu nhiều đối thủ sừng sỏ phía Nam nữa. Nhưng bây giờ ông có sợ ai nữa, và cũng có ai đủ sức chống lại ông tổng bí thư, cựu bộ trưởng bộ công an. Tuy nhiên, trong lịch sử thì mỗi lúc xuất hiện tình trạng quân phiệt, các sứ quân chia nhau cát cứ lãnh địa là lúc đất nước rối ren, người dân lầm than nhất. Như thời Thập Nhị Sứ Quân (năm 944-968), thời nhà Mạc – vua Lê chúa Trịnh – chúa Nguyễn phân tranh suốt thế kỷ 16-17. Nhưng sau cảnh đen tối đó cũng là lúc một thời đại mới chuẩn bị ra đời, như câu nói truyền miệng của người dân lâu nay: “trời mau tối mau sáng!”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: