Những cơn địa chấn tham nhũng liên tiếp gần đây không chỉ làm rung chuyển dư luận mà còn phơi bày những rạn nứt sâu sắc trong hệ thống công quyền Việt Nam.
Vụ án Phúc Sơn, với mạng lưới quan chức vướng lao lý trải dài 5 tỉnh, cùng số tiền hối lộ được hé lộ lên tới 132 tỷ đồng, hay vụ cựu chủ tịch An Giang Nguyễn Thanh Bình bị truy tố vì cáo buộc nhận $300,000 từ công ty Trung Hậu 68 để doanh nghiệp này khai thác cát trái phép, đã không còn là những vết nhơ cá biệt, đang hiện rõ bức tranh u ám về một “quốc nạn” đã ăn sâu, lan rộng, nơi quyền lực công và lợi ích tư nhân đan xen, cấu kết thành những mạng lưới tinh vi, ngày đêm bào mòn niềm tin và nền tảng quản trị quốc gia.
Trước áp lực đó, chiến dịch chống tham nhũng, tiêu cực, với hình ảnh “lò lửa” được đốt lên rừng rực, tiếp tục chiếm sóng chính trường.
Dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí Thư Tô Lâm, một nhân vật đứng đầu ngành an ninh, ngọn lửa này dường như vẫn được thổi bùng, thiêu rụi thêm nhiều quan chức cấp cao trong tiếng reo hò cổ vũ. Tuy nhiên, đằng sau ánh lửa hào nhoáng và những lời tuyên bố đanh thép, một dòng chảy ngầm của hoài nghi vẫn cuộn trào. Liệu đây có thực sự là cuộc đại phẫu nhằm cắt bỏ khối u tham nhũng, hay chỉ là một vở tuồng được dàn dựng công phu để củng cố quyền lực và thanh trừng những “kẻ ngáng đường”?
Những con số từ Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) đang “tố cáo” hiệu quả thực sự của chiến dịch. Kể từ khi cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng “khai lò” năm 2013, Chỉ Số Nhận Thức Tham Nhũng (Corruption Perceptions Index – CPI) của Việt Nam vẫn lẹt đẹt ở mức trung bình chỉ hơn 30 điểm. Ngay cả mức cao nhất lịch sử năm 2022 cũng chỉ chạm ngưỡng 42 điểm, xếp hạng 83 trên khoảng 180 quốc gia và vùng lãnh thổ – một vị trí khiêm tốn đến đáng buồn. Điều này cho thấy, sau cả thập niên “đốt lò” không ngừng nghỉ, nhận thức của giới chuyên gia và doanh nghiệp về sự trong sạch của bộ máy công quyền vẫn giậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là bế tắc. Ngọn lửa ấy, dường như chỉ đủ sức nóng ở bề mặt và khiến dư luận hoài nghi hiệu quả thực chất của công cuộc “đốt lò.”
Sự hoài nghi càng có thêm trọng lượng khi những khuất tất nghiêm trọng trong các đại án vẫn còn đó, thách thức dư luận. Ai thực sự đứng sau 80% cổ phần của công ty Việt Á – kẻ đã trục lợi trên nỗi đau của cả dân tộc? Hay vai trò cụ thể của ông Tô Lâm, khi đó là bộ trưởng Công An, trong việc tham mưu, phê duyệt các tài liệu liên quan đến hồ sơ mật cho phép Mobifone mua AVG, thương vụ gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng, là gì? Việc những bí mật động trời này vẫn bị che giấu, như những “bí ẩn” không lời đáp, khiến người ta không thể không nghi ngờ về tính triệt để và sự công tâm của “lò lửa.” Phải chăng, có một giới hạn vô hình, một “lằn ranh đỏ” mà ngọn lửa này không bao giờ được phép vượt qua, để bảo vệ những ‘vùng cấm’ quyền lực?
Thêm vào đó, sự trùng hợp đến khó tin giữa thời điểm các vụ án lớn được “khui” ra với những giai đoạn chính trị nhạy cảm, hoặc việc nhắm vào những nhân vật được cho là thuộc các phe nhóm khác, càng tô đậm thêm giả thuyết về một cuộc thanh trừng nội bộ. Khi những “con hổ” từng một thời khuynh đảo chính trường hay những đại gia lắm tiền nhiều của lần lượt “ngã ngựa,” câu hỏi liệu đây là công lý được thực thi hay chỉ là màn loại bỏ đối thủ, vẫn luôn ám ảnh tâm trí người quan sát.
Trong bối cảnh đó, việc ông Tô Lâm đẩy mạnh các vụ án tham nhũng gần đây, dường như là một nỗ lực tái hiện chiến dịch “Đả Hổ Diệt Ruồi” của Tập Cận Bình, không chỉ để ghi “thành tích” mà còn như một cách tạo dựng hình ảnh quyết liệt, nhằm làm lu mờ đi những nghi vấn và “vùng tối” còn đeo đẳng từ quá khứ.
Khẩu hiệu “Đả hổ diệt ruồi” đã được Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sử dụng trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức năm 2012, đã trở thành thương hiệu cho một chiến dịch xử lý không khoan nhượng cả quan chức cấp cao (“hổ”) lẫn cấp thấp (“ruồi”). Hơn 500,000 viên chức cấp địa phương đã bị xử lý vì đủ loại tội danh, từ hối lộ đến sách nhiễu dân chúng.
Theo khảo sát của The Guardian, chiến dịch đã giúp củng cố niềm tin của người dân vào Đảng CS Trung Quốc, với 84% người dân cho rằng chính phủ đang làm tốt trong việc chống tham nhũng.
Tuy nhiên, việc “học theo” mô hình này về Việt Nam chưa chắc đã là “liều thuốc tiên.” Nhìn sang Trung Quốc, chỉ số CPI của họ suốt giai đoạn 2013-2024 vẫn loanh quanh mức trung bình khoảng 40 điểm, thậm chí có 3 năm (2014, 2015, 2018) tụt xuống dưới ngưỡng 40, bất chấp việc Bắc Kinh thẳng tay áp dụng án tử hình với những “con hổ” như Bạch Thiên Huy, Lại Tiểu Dân (quản lý chủ tịch Hội Đồng Quản Trị của China Huarong Asset Management, công ty quản lý tài sản thuộc nhà nước), Triệu Chính Vĩnh (Cựu Bí Thư Thiểm Tây), Vương Tam Nghị hay Lý Kiến Bình (cựu quan chức Nội Mông). Điều này cho thấy, sự hà khắc của hình phạt, kể cả mức cao nhất, cũng không đủ sức lay chuyển căn bệnh tham nhũng hệ thống.
Tại Việt Nam, án tử hình cho tội tham nhũng với số tiền lớn từ 500 triệu đồng trở lên cũng đã được áp dụng, như trường hợp cựu giám đốc OceanBank Nguyễn Văn Sơn năm 2017. Song, quy định cho phép giảm án nếu người phạm tội nộp lại ít nhất 75% tài sản tham nhũng lại đặt ra câu hỏi về tính răn đe thực sự, như trường hợp cựu Chủ Tịch tỉnh Lê Duy Thành trong vụ Tập Đoàn Phúc Sơn, người đã nộp lại số tiền lớn hơn số nhận hối lộ. Cùng với thực tế Chính Phủ Việt Nam thường trì hoãn việc thực thi án tử hình và không công khai số lượng tử tù, đã biến hình phạt này thành một thứ “gươm cùn,” làm giảm đáng kể tác dụng răn đe thực tế. Điều này có thể giải thích tại sao dù có án tử hình nhưng chỉ số CPI của Việt Nam không cải thiện.
Thay vào đó, nghiên cứu “Punishment of Public Corruption in China and the United States,” của Linjing Wang từ đại học Purdue University lại chỉ ra rằng yếu tố thực sự khiến kẻ tham nhũng chùn tay không nằm ở mức án tử hình treo lơ lửng trên giấy tờ, mà ở nỗi sợ bị phát hiện và tính chắc chắn của việc phải trả giá. Nói cách khác, một hệ thống giám sát còn nhiều lỗ hổng, nơi kẻ vi phạm tin rằng mình có thể dễ dàng ‘lách luật’ hay ‘lọt lưới’, sẽ vô hiệu hóa hoàn toàn sức mạnh răn đe, biến ngay cả án tử hình thành cũng trở nên vô nghĩa, như một con hổ giấy không hơn không kém.
Vì vậy, việc ông Tô Lâm có học tập ông Tập Cận Bình mở rộng chiến dịch nhắm vào quan chức cấp thấp, thậm chí là việc áp dụng hình phạt răn đe cao nhất như án tử hình, cùng lắm cũng chỉ mang lại hiệu ứng ‘ru ngủ’ dư luận ngắn hạn, chứ khó lòng lay chuyển được gốc rễ của vấn đề tham nhũng hệ thống. Đó chẳng khác nào việc tỉa lá sâu mà mặc kệ gốc cây đang mục ruỗng từ bên trong, một màn trình diễn vụng về nhằm che mắt thiên hạ.
Bởi để cuộc chiến chống tham nhũng không chỉ là những màn “diệt sâu bọ” hình thức mà thực sự hiệu quả, để lấy lại dù chỉ là chút niềm tin còn sót lại nơi người dân, những giải pháp căn cơ như giám sát độc lập, minh bạch quyền lực, trách nhiệm giải trình rõ ràng và thượng tôn pháp luật một cách công bằng, không có “vùng cấm” nào mới là con đường duy nhất. Nhưng thật mỉa mai thay, chính việc xây dựng và vận hành những cơ chế kiểm soát quyền lực thực chất này lại là một “nhiệm vụ bất khả thi” trong một thể chế độc đảng, nơi mà nỗi lo về một hệ thống “công an trị” đang được củng cố dưới bàn tay sắt của Tổng Bí thư Tô Lâm ngày càng hiện hữu.
Trong khi guồng máy quyền lực và tham nhũng vẫn tiếp tục vận hành theo những quy luật riêng của nó, ước mơ về một Việt Nam trong sạch, với những nhà lãnh đạo thực sự là “công bộc” của dân, vẫn chỉ là mơ ước.