Việc Đại Tướng Tô Lâm, một nhân vật xuất thân từ lực lượng công an, trở thành tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo nên một sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử chính trị Việt Nam.
Bước ngoặt này không chỉ đơn thuần là sự thay đổi nhân sự cấp cao mà còn mở ra nhiều suy đoán về tương lai của hệ thống chính trị Việt Nam. Liệu Việt Nam có đang tiến tới một mô hình độc tài, tập trung quyền lực dưới sự lãnh đạo của Tô Lâm, theo con đường mà Tổng Thống Nga Vladimir Putin đã đi?
Điều đáng chú ý là Đại Tướng Tô Lâm hoàn toàn khác với người tiền nhiệm đã mất – Trần Đại Quang, ở Bộ Công An. Mặc dù đã rời khỏi vị trí bộ trưởng Bộ Công An để đảm nhận các vị trí quan trọng trong “tứ trụ,” ông vẫn duy trì được tầm ảnh hưởng đáng kể trong lực lượng này, tạo nên một “tam quyền hội tụ” trên thực tế: tổng bí thư, chủ tịch nước và người điều đạo Bộ Công An. Điều này đặt ra câu hỏi liệu ông Lâm sẽ tận dụng quyền lực này như thế nào để định hình lại bộ máy cầm quyền, thu hẹp vai trò của tập thể lãnh đạo và hướng tới mô hình tập trung quyền lực, tương tự như những gì Putin đã làm ở Nga.
Việc ông Lâm đồng thời giữ chức vụ bí thư Quân Ủy Trung Ương, nắm giữ quyền lực tối cao trong quân đội, càng củng cố thêm nhận định về tham vọng tập trung quyền lực của ông. Sự hiện diện của các tướng lĩnh đồng hương Hưng Yên với ông trong Bộ Quốc Phòng cũng là điểm đáng chú ý.
Điển hình là Thứ Trưởng Thượng Tướng Hoàng Xuân Chiến – ủy viên Trung Ương Đảng, người đứng thứ hai trong số các thứ trưởng, sau Thứ Trưởng Thường Trực Nguyễn Tân Cương. Để củng cố quyền lực của mình, ông Lâm có thể sẽ tìm cách sắp xếp để ông Chiến vượt qua ông Cương nhằm kế nhiệm vị trí bộ trưởng Bộ Quốc Phòng khi khả năng cao ông Lương Tam Quang lên làm chủ tịch nước, giống như Trần Đại Quang từng vượt qua Trần Quốc Tỏ ở Bộ Công An để trở thành bộ trưởng, sau đó là chủ tịch nước.
Một nhân vật quan trọng khác là Trung Tướng Nguyễn Hồng Thái – ủy viên Trung Ương Đảng, Tư lệnh Quân Khu 1. Sự xuất hiện của những người đồng hương nắm giữ các vị trí then chốt trong quân đội cho thấy tiềm năng Tô Lâm có thể từng bước thâu tóm cả lực lượng vũ trang, tạo nền tảng vững chắc cho những thay đổi chính trị sâu rộng.
Việc kiểm soát cả lực lượng công an và quân đội sẽ mang đến cho ông Lâm một quyền lực chưa từng có tiền lệ, tạo điều kiện để ông kiểm soát hoàn toàn Bộ Chính Trị và thực hiện các thay đổi trong hệ thống chính trị theo hướng tập trung quyền lực, thậm chí độc quyền cai trị như Putin.
Tuy nhiên, con đường dẫn đến việc tập trung quyền lực của ông sẽ phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Bất kỳ nỗ lực nào nhằm thu hẹp quyền lực của bộ máy Đảng, vốn đồng nghĩa với việc tước bỏ đặc quyền đặc lợi của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, chắc chắn sẽ vấp phải sự phản kháng quyết liệt, từ những lời chỉ trích ngấm ngầm cho đến hành động chống đối công khai.
Để đạt được tham vọng của mình, Tô Lâm cần phải có một chiến lược cực kỳ tinh vi và hiệu quả. Chiến lược này không chỉ đơn thuần là thu phục, lôi kéo các bên ủng hộ mà còn phải bao gồm việc khéo léo phân bổ lợi ích, cung cấp những đặc quyền, đặc lợi cho các phe cánh đối thủ trong bộ máy để đổi lấy sự ủng hộ, trung thành, sử dụng chiến thuật “chia để trị” để làm suy yếu các nhóm đối lập, đồng thời vô hiệu hóa các đối thủ chính trị tiềm tàng thông qua các biện pháp như thanh trừng “đốt lò,” kiểm soát truyền thông, hạn chế tự do ngôn luận…
Hệ thống chính trị lưỡng quyền Đảng và Nhà Nước với sự chồng chéo phức tạp đã tồn tại quá lâu tại Việt Nam, tạo ra vô số kẽ hở, bất cập. Chính hệ thống “vừa đá bóng vừa thổi còi” này đã tạo điều kiện cho các quan chức, từ cấp cao nhất đến cấp cơ sở, có thể lách luật, lạm quyền, tham nhũng mà vẫn dễ dàng trốn tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. Đây cũng chính là “bức tường thành” vững chắc bảo vệ cho các nhóm lợi ích trong hệ thống, khiến cho mọi nỗ lực cải cách, thay đổi đều gặp phải sự phản kháng quyết liệt.
Việc xóa bỏ hoàn toàn hệ thống chính trị lỗi thời này để ông Tô Lâm có thể tập trung quyền lực tối đa vào tay mình là một thách thức vô cùng to lớn, có thể nói là “khó như lên trời.” Để thâu tóm quyền lực một cách trọn vẹn, trước hết ông Lâm phải kiểm soát được những thành phần bảo thủ, những người được hưởng lợi nhiều nhất từ hệ thống hiện tại, và thậm chí, ông ta phải tìm cách kiểm soát toàn bộ Đảng. Ông ta cần phải vô hiệu hóa hoặc loại bỏ những tiếng nói phản biện, bất đồng quan điểm, xây dựng một hệ thống tuyên truyền hiệu quả để tạo ra sự ủng hộ từ quần chúng, đồng thời củng cố bộ máy an ninh, quân đội trung thành với cá nhân mình.
Nếu làm được điều dường như “bất khả thi” này, ông Lâm mới có thể thực hiện được giấc mơ “lật đổ” Đảng, xóa bỏ chế độ “lãnh đạo tập thể,” trở thành “vua” – một Sa Hoàng thời đại mới, cai trị đất nước bằng quyền lực tuyệt đối, giống như những gì Vladimir Putin đã và đang làm ở nước Nga. Khi đó, mọi quyết định quan trọng của đất nước sẽ chỉ phụ thuộc vào một người duy nhất – “Sa Hoàng” Tô Lâm.
Liệu ông Tô Lâm – với tham vọng to lớn và bản chất xuất thân từ lực lượng công an – có đủ sự tính toán, mưu mô, thủ đoạn và cả sự tàn nhẫn cần thiết để vừa tạo ra những thay đổi mang tính bước ngoặt trong hệ thống chính trị, vừa duy trì được sự kiểm soát tuyệt đối của mình đối với đất nước? Liệu ông ta có thể “hô biến” Việt Nam thành một nước Nga thứ hai, nơi mà quyền lực chỉ tập trung trong tay một người duy nhất? Câu trả lời chỉ có thể được tìm thấy trong thời gian tới, khi những nước cờ chính trị tiếp theo của ông được triển khai trên bàn cờ chính trị đầy biến động và khó lường của Việt Nam.