Dư luận đang đặt dấu hỏi lớn về sự thay đổi trong đường lối đối ngoại của Tổng Bí Thư Tô Lâm, người từng được biết đến với hình ảnh một nhà lãnh đạo có tư tưởng cải cách, thậm chí được cho là “khác màu” với quỹ đạo Bắc Kinh.
Sự chuyển biến này không chỉ thể hiện qua lời nói, mà còn qua những hành động cụ thể, khởi đầu bằng một động thái tưởng như “cứng rắn” nhưng lại nhanh chóng dẫn đến những bước đi “thân thiện” khó hiểu.
Ban đầu, việc ông Tô Lâm đến thắp hương tại Nghĩa Trang Vị Xuyên, khiến mọi người hy vọng về lập trường mạnh mẽ hơn của Việt Nam trước Trung Quốc. Vị Xuyên, nơi tưởng nhớ những người lính Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến chống xâm lược biên giới từ phương Bắc, mang một ý nghĩa biểu tượng sâu sắc về tinh thần độc lập và tự chủ. Nhiều người đã lạc quan cho rằng ông Lâm đang phát đi thông điệp về một sự thay đổi, một thái độ dứt khoát hơn với người láng giềng phương Bắc. Nhưng không!
Sáng ngày 20 Tháng Ba 2025, ông Lâm bất ngờ đích thân tham dự chương trình “Gặp gỡ lưu học sinh, sinh viên Việt Nam – Trung Quốc” tại Cung Hữu Nghị Việt – Trung do chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam đảm nhiệm, cho thấy một sự coi trọng bất thường, một thông điệp chính trị rõ ràng. Tại đây, ông Lâm nhấn mạnh một cách đầy tự hào về “mối tình thắm thiết Việt – Hoa, vừa là đồng chí, vừa là anh em” do Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông xây dựng, cùng sự bày tỏ “tự hào và trân trọng” trước “công lao to lớn” của họ.
Câu hỏi được đặt ra là, liệu “công lao” mà ông Lâm ca ngợi có thực sự xứng đáng với sự tôn vinh đó, khi nhìn lại những hệ lụy tiêu cực mà “lối mòn ngoại giao” này đã mang lại cho Việt Nam trong lịch sử?
Những phát ngôn này khơi gợi những suy tư sâu sắc về “lối mòn ngoại giao” mà Việt Nam đã từng đi qua. “Lối mòn” ấy đã khiến Việt Nam phải trả một cái giá không hề nhỏ.
Công Hàm 1958 của Phạm Văn Đồng “dâng” Hoàng Sa, Trường Sa để rồi giờ đây Việt Nam gián tiếp làm suy yếu cơ sở pháp lý của Việt Nam trong vấn đề chủ quyền biển đảo trước sự bành trướng của Trung Quốc, đến cuộc chiến tranh xâm lược biên giới năm 1979 khi Đặng Tiểu Bình đưa hơn nửa triệu quân xâm lược và sát hại dân thường Việt Nam. Những sự kiện lịch sử đau thương này vẫn là những vết sẹo chưa lành, minh chứng cho cái giá đắt của một thứ “tình đồng chí, nghĩa anh em” trên danh nghĩa.
Thêm vào đó, trong suốt thời gian dài, việc Bắc Kinh luôn xem Việt Nam như một “vùng đệm” chiến lược, và tìm mọi cách ngăn cản Việt Nam xích lại gần các cường quốc phương Tây, đã gây ra những tổn thất không nhỏ cho lợi ích quốc gia và đời sống của người dân Việt Nam.
Sự chấp nhận vai trò “vùng đệm” này, đồng nghĩa với việc Việt Nam tự đặt mình vào thế phụ thuộc, phải tuân thủ những ràng buộc về thể chế chính trị, tạo điều kiện cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng. Con đường “xây dựng Chủ nghĩa xã hội” theo khuôn mẫu định sẵn, vì vậy, vô hình trung trở thành một sợi dây trói buộc, cản trở người dân Việt Nam chủ động định đoạt vận mệnh và thoát khỏi quỹ đạo ảnh hưởng của Trung Quốc.
Trước những hệ lụy lịch sử và thực tại địa chính trị phức tạp, câu hỏi về giá trị đích thực của “tình đồng chí, nghĩa anh em” càng trở nên mơ hồ. Liệu Tổng Bí Thư Tô Lâm có thực sự tiếp tục “trung thành” với một “lối mòn” ngoại giao đã bộc lộ nhiều hạn chế và gây ra những hậu quả tiêu cực cho đất nước? Hay chăng, đây chỉ là một sự “nhượng bộ” mang tính chiến thuật, một bước lùi cần thiết trong ván cờ quyền lực đầy toan tính?
Từ một người được kỳ vọng là mang tư tưởng “cởi mở”, hướng về phương Tây, động thái “ve vuốt” Bắc Kinh của ông Tô Lâm càng trở nên khó hiểu và đáng ngờ. Giữa những lời lẽ “hữu nghị” ngoại giao, giới phân tích đặt ra câu hỏi: Liệu đây là một sách lược đối ngoại khôn ngoan, nhằm đảm bảo lợi ích quốc gia trong thế giới đa cực đầy biến động, hay chỉ là một thủ đoạn chính trị thực dụng, phục vụ cho mục tiêu củng cố quyền lực cá nhân trong cuộc chiến thượng tầng đầy cam go?
Có ý kiến cho rằng, việc ông Lâm “quay ngoắt” sang thể hiện sự thân thiện với Bắc Kinh là một dấu hiệu của sự thay đổi chiến lược thực sự, một sự điều chỉnh để phù hợp với lợi ích quốc gia trong bối cảnh mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh nội bộ khi ông Lâm đang phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các phe phái bảo thủ, đặc biệt là những nhóm thân cận với cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng. Những phe phái này, được cho là có sự ủng hộ từ một bộ phận tướng lĩnh quân đội, đang thúc đẩy việc tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh, như một cách để đối trọng với sự trỗi dậy của phe ông Lâm.
“Chiến dịch chống tham nhũng” do ông Lâm khởi xướng, dù mang danh nghĩa làm trong sạch bộ máy, nhưng cũng đồng thời được xem là công cụ để loại bỏ đối thủ và củng cố quyền lực. Điều này đã tạo ra sự phản kháng mạnh mẽ, khiến các phe phái đối lập liên kết chặt chẽ hơn, và việc “hướng về Bắc Kinh” có thể là một chiến lược để tìm kiếm sự hậu thuẫn từ bên ngoài, gây sức ép ngược lại lên ông Lâm.
Vậy nên, hành động “ve vuốt” Bắc Kinh của ông Tô Lâm có thể không phải là một sự chuyển hướng chiến lược thực tâm, mà là một nước cờ mang tính chiến thuật, nhằm “nín thở qua sông” trong giai đoạn nhạy cảm trước Đại Hội Đảng 14. Cách ông Lâm khẳng định lại “mối tình thắm thiết Việt – Hoa” theo “lối mòn Hồ – Mao” có thể được xem là một thông điệp gửi đến Trung Nam Hải, một sự đảm bảo về sự “trung thành” và “ổn định” trong quan hệ song phương. Ông Lâm cần sự “yên ổn” từ bên ngoài để tập trung đối phó với những thách thức nội bộ. Sự thể hiện thân thiện với Bắc Kinh, dù có thể chỉ là hình thức, cũng là một cách để “mua thời gian” và củng cố vị thế trong cuộc đua quyền lực đang ngày càng gay gắt.
Liệu chiến lược “ve vuốt” Bắc Kinh này có thực sự mang lại lợi ích lâu dài cho Việt Nam, hay chỉ là giải pháp tình thế, một “hy sinh” lợi ích quốc gia để đổi lấy sự ổn định chính trị nhất thời?