Trào lưu khoe khoang đến “hơi thở cuối cùng” của giới trẻ và sao Việt

Nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” quy tụ hơn 1 triệu thành viên là nơi khoe khoang không giới hạn của giới trẻ và sao Việt – Ảnh chụp màn hình

Nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” mới ra đời trên mạng xã hội Facebook đang trở thành “hot trend” truy cập của giới trẻ và sao Việt.

“Flex”, một từ lóng trong tiếng Anh, mang nghĩa khoe khoang quá mức, gây khó chịu, đang được giới trẻ và sao Việt sử dụng như một trào lưu đánh bóng hình ảnh cá nhân.

Những ngày vừa qua, nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” trở thành tâm điểm chú ý của dân mạng khi các bài viết đăng tải trên nhóm này thu hút lượng tương tác khổng lồ với hàng chục ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn lượt yêu thích, bình luận, chia sẻ.

Theo Thanh Niên ngày 17 Tháng Bảy 2023, nhóm này ra đời khoảng hơn hai tháng nay, với châm ngôn “Flex là cuộc sống, flex là hơi thở, flex là đam mê” đã nhanh chóng thu hút gần 1.3 triệu thành viên, do một Facebooker người Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) sáng lập và làm admin chính, danh tính Đặng Hữu Thịnh (29 tuổi).

Thịnh chia sẻ mục đích lập nhóm là để “truyền động lực, năng lượng tích cực đến với mọi người”. Theo Thịnh, bất kỳ ai khi vào nhóm, đọc được bài viết có nội dung “khoe” của thành viên khác sẽ cảm nhận được năng lượng lạc quan, có sự phấn chấn, từ đó có động lực để thúc đẩy sự nỗ lực, cố gắng của bản thân trong cuộc sống, học tập” (?)

Du học sinh khoe đang học trường xịn bên Mỹ – Ảnh chụp màn hình

Nhưng điều chính yếu là “Flex đến hơi thở cuối cùng” đáp ứng được nhu cầu của người trẻ và sao Việt là muốn khoe và muốn được sự công nhận của cộng đồng!

Thịnh còn khoe sự thành công mau chóng của nhóm đã giúp nhóm có giá trị, nhiều người ngỏ lời hỏi “mua” nhưng Thịnh không bán.

Vào nhóm này đọc một số dòng trạng thái, có thể thấy giới trẻ và sao Việt khoe khoang tất tần tật mọi thứ trên đời, từ giải thưởng trong học tập, biểu diễn, bằng khen trong các cuộc thi… đến bảng thành tích “kỷ lục” của một công ty; nhà/xe/người yêu xịn; những điều hay ho hay kỳ lạ, hiếm có của một cái tên, một dòng họ, dấu tích trên cơ thể…

Nếu bản thân chả có gì để khoe, thì họ khoe ông, khoe bà từng đi kháng chiến được nhiều huân chương (!), khoe được chụp hình chung và hát tặng Chủ tịch nước bị bãi nhiệm Nguyễn Xuân Phúc (!), khoe có rất nhiều chìa khóa xế hộp xịn và nhà xịn do cha mẹ để lại (!)

Người trẻ mà đem những hình ảnh này ra khoe thì thôi rồi… Lượm ơi, trông mong gì – Ảnh chụp màn hình

Trong vô vàn thành viên ấy, có cả những người nổi tiếng như: Hoa hậu Lương Thùy Linh, ca sĩ Hoàng Dũng, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, diễn viên Nguyễn Lâm Thảo Tâm… cũng đăng bài để Flex về bản thân. Nếu như nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung “than” bản thân không có gì ngoài 300 bài hát anh sáng tác cho thiếu nhi thì ca sĩ Hoàng Dũng “khoe” về concert thu hút được nhiều người xem và nghe trong hai năm vừa qua.

Còn hoa hậu Lương Thùy Linh (chả biết hoa hậu cái gì vì hoa hậu ở Việt Nam hiện nhiều như… lá úa mùa thu) tự hào cho rằng khi mới 19 tuổi đã trình diễn múa mâm giữa đại diện 100 quốc gia (phần thi tài năng tại Miss World 2019) và vào top 12 chung cuộc tại “đấu trường nhan sắc thế giới” (?!)

Một nghệ sĩ khác là ca sĩ – nhạc sĩ Ngô Lan Hương, lại tự hào chia sẻ về buổi giao lưu văn nghệ của mình cùng các chiến sĩ biển đảo tại Trường Sa. Nữ diễn viên Mắt biếc Nguyễn Lâm Thảo Tâm cũng khoe kỹ năng nói tiếng Anh như gió khi còn bé và hiện cộng tác với vai trò MC chương trình dạy tiếng Anh của đài VTV.

Chủ đề Flex lặp đi lặp lại trong nhóm này là bảng điểm tiếng Anh, thành tích cao trong học tập, sinh viên trường xịn ở Mỹ; thành công trong khởi nghiệp; có chồng ngoại đẹp trai học giỏi; được lên truyền hình; độ giàu có; được gặp gỡ thần tượng nổi tiếng; có gia phả hiển hách (con cháu của vua chúa, các vị anh hùng)…

Một bạn trẻ không có gì để khoe thì khoe đang đi vớt rác trên dòng kênh sình lầy hôi thối, đó mới là sự thật – Ảnh chụp màn hình

Cũng theo Thanh Niên, trào lưu “Flex” thu hút giới trẻ vì mang lại những câu chuyện hấp dẫn, cho người khác thỏa mãn sự tò mò, ngưỡng mộ, có động lực học hành, làm việc chăm chỉ hơn (?), đồng thời, là nơi các bạn trẻ có thể thoả mãn nhu cầu được công nhận, tán dương thành tích mà cuộc sống thực không thể làm được điều này! “Flex” còn là cơ hội để người trẻ có thể lan toả những điểm sáng của cá nhân, được giao lưu và học hỏi lẫn nhau (?) Từ đó tạo nên một bức tranh đa dạng màu sắc với những thành tựu đáng được ghi nhận (?)

Bên cạnh lời khen, Thanh Niên cũng dẫn lời thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An cho rằng khi không kiểm soát được bản thân, khoe khoang làm cho người ta tự cao hơn, dễ “ngủ quên trong chiến thắng” và trở thành người kiêu ngạo. Chưa kể, khi “flex” sẽ có những người vào phán xét bằng những ngôn từ không hay, từ đó gây tranh cãi, thị phi. Ngoài ra khi đọc nhiều nội dung về “flex” có thể khiến bạn trẻ bị áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân, quên mất mình cũng có những điểm tốt và đáng trân trọng.

Cô gái này đang khoe hay đang nổ? Sự thật bao nhiêu phần trăm? – Ảnh chụp màn hình

Cũng theo thạc sĩ Đặng Hoàng An, những điểm sáng cá nhân của mỗi người cần được ghi nhận, phát huy và bồi đắp để kiến tạo những giá trị bên trong. Điều quan trọng là mỗi người cần tập cách xử lý thông tin và nhìn nhận đa chiều vấn đề, bởi đôi khi những điều bạn cảm nhận từ “flex” chỉ là bề nổi về một ai đó”!

Điều bi hài là sau khi nhóm “Flex đến hơi thở cuối cùng” ra đời thì có những thành viên nhận ra họ chả có gì để khoe khoang, mà ngược lại, có quá nhiều thất bại, đau khổ trong cuộc sống, họ không thích hợp với nhóm này. Vì thế khoảng một tuần nay, nhóm: “Đáy xã hội – Bạn không thể flex, tôi cũng vậy!” ra đời, thu hút hơn 30,000 thành viên.

Câu chuyện này mới là thật, dù tác giả ẩn danh – Ảnh chụp màn hình

Trái ngược với sự khoe khoang có phần lố bịch và nổ (như pháo) bên nhóm kia mà chúng ta không thể biết được sự thật đằng sau, với mỗi dòng trạng thái đều có danh tính rõ ràng và ảnh đại diện đẹp lung linh thì bên nhóm “Đáy xã hội – Bạn không thể flex, tôi cũng vậy!” thì đa phần đều ẩn danh, nhưng câu chuyện thì là thật.

Có người thất bại chuyện học hành, không thể vào đại học; có người phải làm lụng vất vả để cưu mang đứa em dở điên dở khùng lại bị ai đó làm cho có bầu; có người bị áp lực học hành và kỳ vọng của người thân dẫn đến trầm cảm…

Một khoảng tối của xã hội. Cô gái này cũng ẩn danh và từ chối mọi đề nghị giúp đỡ – Ảnh chụp màn hình

Mục tiêu của nhóm “Đáy xã hội” đề ra khá hài hước nhưng lại ẩn chứa tính nhân văn: “Đáy xã hội được tạo ra nhằm mục đích cưu mang các thương binh, liệt sĩ bị vùi dập không thương tiếc từ chiến trường “Flex đến hơi thở cuối cùng” trở về. Ở đây chúng tôi tuy vừa nghèo, vừa ế nhưng được cái chẳng có gì ngoài tình cảm.

Thay vì flex để khiến nhau thêm tuyệt vọng, chúng tôi chọn chia sẻ hoàn cảnh để cùng an ủi, động viên nhau”.

Quả thật, trong nhóm “Đáy xã hội – Bạn không thể flex, tôi cũng vậy!” chúng ta có thể tìm thấy nhiều câu chuyện đang diễn ra trong đời thường của xã hội Việt Nam. Còn ở nhóm kia, dường như là một thế giới ảo.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: