Trong 10 tháng: Hơn 1,000 doanh nghiệp bất động sản giải thể

10 tháng 2023, Việt Nam có 1,067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, là ngành có số doanh nghiệp giải thể cao nhất – Ảnh: Tiền Phong

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho biết trong 10 tháng của năm 2023, Việt Nam có 1,067 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 9.5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là ngành có số lượng doanh nghiệp giải thể lớn nhất, ngay cả số doanh nghiệp mới thành lập cũng giảm 50.2% so với cùng kỳ 2022.

Ông Nguyễn Văn Đính, phó Chủ tịch Hiệp Hội bất động sản Việt Nam nhận định: Trung bình mỗi tháng có khoảng 107 doanh nghiệp bất động sản rời khỏi thị trường. Riêng với các sàn giao dịch bất động sản, 20% sàn đối diện nguy cơ giải thể, phá sản; 40% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì, chỉ còn hoạt động với một vài nhân sự nòng cốt, “sống bằng niềm tin” thị trường bất động sản sẽ hồi phục (?)

Các doanh nghiệp bất động sản còn lại thì mạnh tay cắt giảm nhân sự, từ vài chục người đến hàng ngàn nhân sự mỗi doanh nghiệp.

Số lượng nhà rao bán toàn loại “cao cấp” với giá trên trời nên ế là phải – Ảnh: Tiền Phong

Theo khảo sát của Tiền Phong, tính đến ngày 30 Tháng Chín, công ty Tập đoàn Đất Xanh (mã chứng khoán DXG) đã giảm gần 1,300 nhân sự so với đầu năm, hiện chỉ còn 2,480 người.

Kết quả kinh doanh chín tháng, DXG báo lãi sau thuế đạt 149.5 tỷ đồng, giảm 83.8% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 129.2 tỷ đồng, giảm 76.7% so với cùng kỳ 2022.

Cũng trong “họ” Đất Xanh, công ty Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh (mã chứng khoán DXS) cũng giảm 1,091 nhân sự so với đầu năm. Trong quý III, lợi nhuận ròng DXS lao dốc 97%, còn vỏn vẹn hơn 3 tỷ đồng.

Tương tự DXG và DXS, đến cuối Tháng Chín, công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán PDR) có 254 nhân sự, giảm hơn 100 người; còn công ty Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền (mã chứng khoán KDH) có 306 nhân sự, giảm 36 người.

Bên cạnh việc cắt giảm lao động, có doanh nghiệp bất động sản còn công bố tạm ngừng kinh doanh để sắp xếp tổ chức lại, tìm hướng kinh doanh mới, chẳng hạn như công ty Đầu tư PVR Hà Nội (mã PVR) thông báo đã nhận được giấy xác nhận của Sở Kế hoạch & Đầu tư TP.Hà Nội về việc doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, vì không có kinh phí để duy trì hoạt động.

Thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh vì không còn là kênh đầu tư hấp dẫn dẫn đến thiếu dòng tiền, thiếu nguồn cung nhà ở theo nhu cầu của đại đa số người lao động – Ảnh: Tiền Phong

Đưa ra dự báo về thị trường bất động sản cuối năm nay và nửa đầu năm 2024, TS.Nguyễn Văn Đính cho biết, một số doanh nghiệp đã kiệt sức, do phải chống chọi trong suốt thời gian dài vừa qua, sẽ tiếp tục biến mất khỏi thị trường.

Ngày 15 Tháng Sáu, Tiền Phong phỏng vấn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố (HoREA), về những thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lên tới hàng tỷ đô la Mỹ, trong đó bên bán là các doanh nghiệp trong nước và bên mua là doanh nghiệp nước ngoài, ông Châu cho biết:

– Từ Quý II/2022 trở về trước, tôi khẳng định thị trường bất động sản là sân chơi của doanh nghiệp trong nước. Doanh nghiệp Việt Nam làm chủ thị trường, nắm quỹ đất lớn, bán hàng tốt, đóng thuế cho nhà nước rất lớn.

Tuy nhiên, từ Tháng Bảy 2022, doanh nghiệp bất động sản sẽ phải “bán mình” để tồn tại. Việc bán dự án với giá hời tạo lợi thế cho các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh, trong đó nhà đầu tư nước ngoài có cơ hội thôn tính thị trường, làm mất đi lợi thế thống lĩnh thị trường của doanh nghiệp nội địa.

Và ông Châu kết luận đó là điều bất bình thường nhưng không thể ngăn được tình trạng “bán mình” này.

“Hiện các doanh nghiệp bất động sản lại phụ thuộc vào hai dòng vốn chính là tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng”- ông Châu nhận định – Ảnh: Tiền Phong

Ngoài ra, ông Châu thừa nhận, hiện tại, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại. Cụ thể, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO); tinh giản tối đa bộ máy, giảm lực lượng lao động (thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50% lực lượng lao động).

Mặt khác, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, nguồn vốn huy động từ khách hàng nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro. Cách khác là các doanh nghiệp này phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu lên đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Cuối cùng, ông Châu nhận định: Bất động sản cần nguồn vốn đầu tư trung và dài hạn, tuy nhiên, hiện các doanh nghiệp bất động sản lại phụ thuộc vào hai dòng vốn chính là tín dụng ngân hàng và nguồn vốn huy động trước từ khách hàng. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả doanh nghiệp và ngân hàng.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản nhưng lại chưa có nguồn vốn khác thay thế, khi mà thị trường chứng khoán chưa thực sự trở thành kênh dẫn vốn cho thị trường bất động sản.

Các quỹ đầu tư bất động sản, quỹ đầu tư tín thác ở Việt Nam chưa phát triển như kỳ vọng… và ông Châu cho rằng những yếu tố này khiến thị trường bất động sản không thể bền vững.

Hẳn rồi, những ông chủ giàu lên nhờ đất (lấy của dân) đã phải gánh biết bao lời oán than, thậm chí đẩy nhiều thế hệ trong một gia đình phải sống khốn khổ khốn nạn thì làm sao mà giàu bền được.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: