LTS: Ngày 25 Tháng Hai Âm lịch, tức ngày 03 Tháng Tư Dương lịch vừa rồi, đạo Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy bị công an bao vây, không cho kỷ niệm ngày Đức Thầy – người sáng lập đạo vắng mặt, nói rõ hơn, là bị Việt Minh gài bẫy mưu hại Thầy. Trong suốt mấy mươi năm nay, Phật Giáo Hòa Hảo Thuần Túy (PGHH) luôn bị sách nhiễu, ngăn chận, các thành viên của Giáo Hội bị bắt bớ, bỏ tù, đánh đập vô cớ… chỉ vì một lòng muốn giữ đạo không trở thành tay sai của chế độ.
Câu chuyện về ông Nguyễn Văn Điền, thành viên Ban Trị Sự Trung Ương PGHH, dưới đây, sẽ cung cấp thêm những chi tiết về cuộc đối đầu không ngừng của các tín đồ trung kiên của PGHH với sự đàn áp man rợ của CSVN.
Ông Nguyễn Văn Điền sinh ngày 18.4.1939 tại làng Long Hưng, huyện Lai Vung, tỉnh Sa Đéc. Gia đình thuộc diện trung nông. Cả nhà ông, mấy đời chịu không biết bao nhiêu trận đàn ápcủa công an CSVN, vì là tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Cha là ông Nguyễn Văn Hiệp, sinh năm 1898 tại Sa Đéc. Ông Nguyễn Văn Hiệp và vợ có 6 người con-3 trai, 3 gái, trong đó ông Nguyễn Văn Điền là con út.
Gia đình từ đời ông bà nội theo Đức Phật Thầy Tây An ở núi Sam, An Giang – vị Giáo tổ khai sáng tông phái Phật Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Sau này, khi Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ khai đạo Phật giáo Hòa Hảo và đi khuyến nông tại 107 vị trí ở đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Hiệp đã trực tiếp quy y với Đức Thầy vào dịp rằm tháng 6 năm 1945.
Ngày 21.9.1946 Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ thành lập Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng. Ông Nguyễn Văn Hiệp trở thành Cố vấn Ban Chấp hành Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng huyện Lai Vung.
Bản thân ông Nguyễn Văn Điền cũng theo truyền thống của gia đình là theo Phật giáo Hòa Hảo từ năm lên 7 tuổi. Vùng Sa Đéc và một số tỉnh thành thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc đó theo Phật giáo Hòa Hảo rất nhiều.
Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng là một tổ chức kháng Pháp. Tổ chức Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội, thành lập năm 1941) của những người cộng sản cũng giương ngọn cờ kháng Pháp, nhưng đường hướng, lý tưởng khác nhau, nên có xung đột, kể cả đụng độ bạo lực đẫm máu. Trước đường lối, lý tưởng khác nhau và ảnh hưởng của Phật Giáo Hòa Hảo ở miền Nam, cụ thể là miền Tây Nam Bộ, Việt Minh quyết định phải sát hại Đức Huỳnh Phú Sổ.
Ngày 16/4/1947 nhằm ngày 25/2 Âm lịch năm Đinh Hợi, Việt Minh mời Đức Huỳnh Phú Sổ tham dự một phiên họp để hàn gắn sự rạn nứt giữa hai bên tại Đốc Vàng, xã Tân Phú, huyện Thanh Bình, tỉnh Kiến Phong (nay là tỉnh Đồng Tháp), thực chất là lừa Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đến dự cuộc họp trá hình đó để ám hại.
Sau khi ám hại Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, Việt Minh tiếp tục ra tay tàn sát các tín đồ Phật giáo Hòa Hảo, có đến hàng chục ngàn người.
Ông Nguyễn Văn Hiệp phải bỏ xứ vì sự truy sát của Việt Minh, sống bềnh bồng trên sông nước rày đây mai đó. Gia đình cũng tứ tán khắp nơi và giai đoạn này sống rất cực khổ. Người anh thứ đi theo nghĩa quân của ông Thiếu tướng Lê Quang Vinh (biệt danh Ba Cụt, một thủ lĩnh Quân sự của Giáo phái Hòa Hảo), là Đại đội trưởng của nghĩa quân Ba Cụt. Những người còn lại trong gia đình có người ở Sa Đéc, có người bỏ xứ tha phương cầu thực. Là con út, cậu bé Nguyễn Văn Điền sống với mẹ.
Như vừa nêu, giai đoạn này Việt Minh thẳng tay tàn sát các tín đồ của Phật giáo Hòa Hảo. Còn nhỏ, không được chứng kiến nhiều, nhưng ông Điền được nghe kể lại rất nhiều chuyện, từ làng này sang làng khác.
Và có vài sự kiện ông Nguyễn Văn Điền tận mắt thấy và vẫn còn bị ám ảnh cho tới tận bây giờ. Đó là những thây ma bị giết trôi trên sông-cứ nhìn cái xác nào để tóc dài búi lại, để râu ba chòm dài là biết tín đồ Phật giáo Hòa Hảo. Có lần cậu bé Nguyễn Văn Điền lội ra giữa sông vớt một cây tre đang trôi để mang về nhà dùng, cậu cứ ôm cây tre như vậy mà bơi vào bờ, khi đến bờ bên kia sông giở cây tre lên thì phía dưới là 8 cái đầu lâu tóc búi, râu dài của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo dính chùm vào nhau. Đến giờ nhớ lại vẫn còn cảm thấy rợn người. Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo của địa phương hay được, liền đem đến 8 cái hũ sành, bỏ 8 cái đầu lâu vào đem đi chôn. Một lần khác, một người em họ của cậu Nguyễn Văn Điền bị Việt Minh tra tấn, đánh đập (tiếng là em họ nhưng người này lớn hơn cậu Nguyễn Văn Điền 15 tuổi). Có đến một chục tay Việt Minh dùng chày giã gạo đánh vào ngực, vào thân thể người em họ này, khiến anh ta tiểu tiện luôn tại chỗ, những người thân nhìn thấy ngất xỉu luôn.
Sự đàn áp của Việt Minh đối với Phật giáo Hòa Hảo kéo dài tới năm 1949, 1950, thậm chí đến năm 1955 là thời Đệ Nhất Cộng Hòa nhưng Việt Minh vẫn còn tìm giết tín đồ Phật giáo Hòa Hảo.
Cơ sở Phật giáo Hòa Hảo tan tác. Ông Nguyễn Văn Điền kể, ông còn nhớ sau 8 năm kể từ khi Phật giáo Hòa Hảo khai đạo, tức là năm 1948, ông Trần Văn Soái tự Năm Lửa, là Trung tướng của Lực lượng Vũ trang Giáo phái Hòa Hảo, cho phép mọi người cử hành Lễ Khai đạo lần thứ 9, ngày 18.5 Âm lịch. Tất cả Ban Trị sự kéo nhau về chuẩn bị làm lễ thì ông Ngô Hùng Xuyến, đại đội trưởng tiểu đoàn 307 ở Trà Vinh tới cho bắt trói hết mọi người. Nếu người nào nói muốn gặp ông Năm Lửa là biết tín đồ Phật giáo Hòa Hảo thật, liền dụ sẽ dẫn vô thăm ông Năm xong rồi thả. Mọi người tưởng thật. Nhưng rồi chỉ thấy người được dẫn vô có đi mà không có về. Lần đó tín đồ, chức sắc của Phật giáo Hòa Hảo bị sát hại có đến cả 100 người, chôn trong một cái hầm mộ tập thể tại xã Tân Phước. Bây giờ nhà nước chôn lấp xong xây trường học lên trên, xóa đi dấu tích ngôi mộ này.
Những ngôi mộ tập thể chôn tín đồ Phật giáo Hòa Hảo như vậy rất nhiều, ở Tân Thành, Hồng Ngự, Long An, Cờ Đỏ, Thới Lai, Lai Vung-Đồng Tháp…mỗi cái mồ chôn ít nhứt cũng cả trăm người cho tới vài trăm người. Có chỗ bị phá, bị lấp, có chỗ vẫn còn, như tại huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, vẫn còn một mồ chôn tập thể 467 tử thi nhưng 468 oan hồn vì trong đó có một người phụ nữ đang mang thai 7 tháng.
Trở lại người cha của ông Nguyễn Văn Điền là ông Nguyễn Văn Hiệp bỏ xứ đi lang bạt cho đến năm 1963, sau khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa sụp đổ, ông mới trở về quê hương, làm nông, sinh sống với các con, đến năm 1969 thì ông Hiệp qua đời.
Còn ông Nguyễn Văn Điền đi học đến hết lớp Đệ Tứ thì phụ mẹ làm ruộng. Ông lập gia đình năm 33 tuổi, có 2 người con, một trai một gái, cũng theo Phật giáo Hòa Hảo.
Nhận xét về chính sách tôn giáo dưới chế độ VNCH và chế độ Cộng sản bây giờ, ông cho biết, dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa, tuy Phật giáo Hòa Hảo không được phép phát triển, quân đội của PGHH hay các nhóm tôn giáo khác đều bị chính quyền gây khó khăn, bản thân tướng Lê Quang Vinh – một trong những thủ lĩnh ly khai của Quân đội Hòa Hảo vì chống lại Chính quyền Thủ tướng Ngô Đình Diệm và Quân đội Quốc gia Việt Nam nên bị bắt, bị tử hình, nhưng ngoài ra đời sống của tín đồ PGHH vẫn bình thường, vẫn theo đạo, tiến hành lễ lạc, tụ họp… không ai để ý. Còn bây giờ thì khắc nghiệt không thể tưởng tượng. Nhà cầm quyền có trăm mưu ngàn kế để tiêu diệt PGHH dưới mọi hình thức: diệt giáo chủ, diệt giáo lý, diệt giáo đồ, diệt giáo sản (tài sản). Tất cả mọi cái gì thuộc về PGHH gốc, PGHH thuần túy đều bị tiêu diệt.
Từ sau 30/4/1975: 5 lần ông Điền bị tù không giam giữ và giam giữ
Tiếp theo biến cố lịch sử ngày 30/4/1975 là những tháng ngày đen tối cho đất nước nói chung và cho các tôn giáo nói riêng. PGHH không là ngoại lệ. Tất cả các chức sắc của PGHH đều phải đi “học tập cải tạo” ít nhất là 3 tháng, tưởng đâu sau đó được yên ổn nhưng không.
Bản thân ông Nguyễn Văn Điền là cán bộ truyền giáo của PGHH, phải đi “học tập cải tạo” ở huyện Lấp Vò cùng với nhiều chức sắc PGHH khác.
Sau giai đoạn này, ngày 30/7/1975 ông Điền bị đưa vào diện tù không giam giữ suốt 3 năm–tù không giam giữ có nghĩa là họ để ông ở trong một mảnh ruộng, sinh hoạt ăn ngủ tại đó không được đi đâu hết, họ cũng không cần canh giữ vì gần đó có đồn công an. Lúc này một số chức sắc cao cấp của PGHH như cụ Lê Quang Liêm, bị đưa đi giam giữ ở Sài Gòn, rồi đưa đi Cà Mau.
Sau 3 năm, công an, chính quyền địa phương thả ông Điền về. Nhận thấy PGHH bị chìm lắng, gần như không ai dám hoạt động gì cũng không ai đi truyền đạo, ông Điền cảm thấy đau xót, nghĩ mình cũng là một trong những hạt nhân của giáo hội đã được đào tạo, ông không đành lòng, nên quyết định phải đi truyền đạo. Và ông bị bắt khi đang ở Lai Vung với tội danh “tuyên truyền mê tín dị đoan, truyền đạo phản động, truyền đạo trái phép”. Đó là vào cuối tháng 6 năm 1978. Nhà cầm quyền địa phương đưa ông về Lấp Vò giam 2 năm. Bây giờ thì là tù giam thực sự. Mỗi căn buồng nhỏ hẹp giam tới mấy chục người, chật đến nỗi tối phải nằm nghiêng mà ngủ, ban ngày thì đi cắt lúa, phá rừng, trồng cây, đốn củi…đủ thứ việc nặng nhọc.
Trại giam lúc đó có ông Phạm Tấn Thum, trưởng phòng Công an và một nhân vật tên là Trần Văn Bé Hai, biệt danh “Bé mủ” vì gương mặt lúc nào cũng sưng lên như có mủ bên trong. Tay này tính tình tàn ác, thích hành hạ tra tấn tù nhân. Đánh đập bằng tay hay dùi cui, làm nhục xỉ vả, mắng chửi bằng lời nói thì là chuyện nhỏ, còn nhiều “trò” khác mà hắn bày ra. 36 kiểu tra tấn thì bản thân ông Điền đã “nếm” qua khoảng chừng 10 kiểu. Nào trói giật chân tay ra phía sau treo rút lên trần nhà chúc đầu xuống đất, khi nào tù nhân ngất xỉu thì hạ xuống xối nước lạnh cho tỉnh rồi lại treo lên. Hoặc trại có cái hồ gọi là hồ Cá Vồ, rộng khoảng 1 công đất tức khoảng 1000 mét vuông, phía dưới bùn, chất bẩn dày cả thước. Tay Bé mủ gọi trò hành hạ này là “tàu lặn xuyên lục địa”. Tù nhân phải lặn xuống dưới bùn lầy, khi ngộp quá ngoi đầu lên thở thì ở trên y lấy roi đánh xuống, lại phải lặn xuống, ngoi lên lại bị đánh xuống…Cứ thế. Một trò khác: đầu của tù nhân bị cạo trọc trên chỏm gần bằng cái chén ăn cơm, tù nhân bị còng tay chân, còng đầu vào cái ghế, phía trên cao họ treo một thùng nước lạnh cỡ 6 lít rồi cho nước chảy nhỏ giọt xuống đỉnh đầu tù nhân, tù nhân cứ thế ngất, chết hồi nào không hay. Khi tỉnh lại ê ẩm cả đầu, cả thân người, không đi đứng nổi. Một trò khác: bỏ tù nhân vô trong một cái thùng phuy đựng đầy nước, ở ngoài họ lấy cây đánh vô thùng. Khi làm trò này với tù nhân này thì bắt tù nhân khác phải chứng kiến và ngược lại. Ông Điền còn nhớ khi họ bỏ ông vô thùng thì bắt anh Trần Minh Thiệu là một tu sĩ của PGHH phải đứng ngó, đến khi họ bỏ anh Trần Minh Thiện vô trong thùng phuy, đánh gậy mấy cái thì nghe có tiếng động giãy cái bùm rất lớn bên trong, lát sau kéo ra anh Trần Minh Thiện đã ngất, máu từ mũi, mắt, tai, mồm đều rỉ ra trông rất đau lòng.
Hành hạ tra tấn tù nhân chưa đủ, đám công an, cai tù còn làm nhục tù nhân. Ví dụ như nam nữ bắt lột truồng hết quần áo, lựa ra từng cặp gọi là “ếch bắt cặp”, bắt phóng trên ruộng lúa mới cắt. Cây lúa sắc lẻm xợt vô ngực, vô thân thể máu chảy ràn rụa. Hoặc họ bắt những con cua, gọi là cua đỏ, loại cua to, kẹp không nhả, sau đó bỏ vô quần tù nhân lấy dây thun siết lại, ở trong quần con cua kẹp cắn tù nhân tơi tả.
Ông Điền ra tù năm 1980. Ông lại tiếp tục đi truyền giáo, vì đó là bổn phận ông phải làm. Năm 1989-1990 ông Điền bị bắt lần 2 khi đang dẫn anh em đồng đạo đi thuyết giảng trên núi, cũng với tội danh cũ “truyền bá mê tín dị đoan, truyền đạo phản động”. Ông bị giam giữ một năm ở kênh Ông Cò, rồi một năm ở Tà Đãnh, tỉnh An Giang, sâu trong núi. Bị bắt đi khai hoang, phá rừng. Lần này thì công khai hóa, khắc nghiệt hơn. Ông Điền bị buộc phải viết và đọc cho họ thu âm những bài “phản tỉnh”. Ông viết rất cẩn thận từng câu chữ nhưng họ cắt xén, sửa lời hết. Ví dụ ông nói Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ thì họ cắt hai chữ “Đức Thầy” thành ra giống như ông hỗn xược, ông nói “giáo lý PGHH không phải là mê tín dị đoan” thì họ cắt hai chữ “không phải” thành ra “giáo lý PGHH là mê tín dị đoan” v.v…cuối cùng thành ra sai lạc hết. Rồi họ cho phát tán những cuộn băng đã cắt sửa đó đi cả nước, khiến anh em đồng đạo hoang mang, hiểu lầm ông Điền rất nhiều. Mãi cho tới bây giờ vẫn còn có người hiểu lầm, gặp ông là chửi.
Lần thứ 2 này ông Điền cũng bị tra tấn nhưng chỉ bị đánh đập, không bị hành hạ đủ trò như lần trước. Nhưng ông đã chứng kiến có người bị đánh chết. Có một anh tên Nguyễn Văn Hùm. Anh này bị bắt tội làm bạc giả, không liên quan đến PGHH nhưng anh cũng là một tín đồ của PGHH.
Giai đoạn 1980-1989 tình hình tôn giáo rất khó khăn, các chức sắc của PGHH không sao gặp được nhau, Nhưng hàng năm những ngày đại lễ thì cũng cố gắng tổ chức được ở Thánh Địa Hòa Hảo.
Mãi tới năm 1995 ông Điền mới có cơ hội đi về Thánh Địa Hòa Hảo, mới gặp được cụ Lê Quang Liêm. Cụ Liêm kêu gọi mọi người rằng PGHH đã bị đàn áp quá sức đau thương, cho nên chúng ta phải đứng lên đòi hỏi, đấu tranh để phục hoạt PGHH. Cụ viết các thỉnh nguyện thư gửi nhà cầm quyền đòi hỏi phải cho PGHH được hoạt động trở lại, tín đồ phải được tự do tôn giáo. Nghe lời kêu gọi, ông Điền hợp tác với cụ, đấu tranh cho PGHH cho đến tận bây giờ.
Vì đấu tranh đòi tự do tôn giáo ông Điền lại bị bắt lần thứ 3, vào năm 2000. Lại bị giam không giữ 2 năm tại một nơi giống như một nông trại ở xã Vĩnh Thạnh, huyện Lấp Vò. Ông Điền bị giam lỏng có một mình ở đây, không lao động, gia đình cũng không đến thăm được, chỉ đi loanh quanh trong phạm vi khoảng hơn ngàn mét vuông, không biết làm gì chỉ biết ngồi chờ thời gian trôi qua. Kinh sách cũng không có để đọc, không có gì tiêu khiển, thật không khác gì ở tù dù không bị giam trong buồng.
Năm 2005 ông lại bị bắt lần thứ 4, lần này có ra tòa, có án: 7 năm. Tội “gây rối trật tự công cộng”! Tính cả lần tù không giam giữ lần đầu tiên thì ông Điền bị 2 lần tù không giam giữ, 3 lần tù bị giam giữ, tổng cộng 5 lần.
Lần này ông Điền bị bắt tại nhà vào giờ sáng, khi ông đang lễ lạy Phật thì bị chích roi điện vào lưng ngất xỉu. Ông Điền kể: – Sau đó họ cởi cả chiếc áo cà sa mà tôi đang mặc để cúng, họ lấy chiếc áo đó họ trói, rồi lấy còng số 8 còng tay tôi lại sau lưng, dồn 2 quả chanh vào miệng, khiêng ra thảy trên chiếc xe ba gác là chiếc xe chở heo. Bà vợ tôi đang bị bệnh, thấy vậy la lên kêu cứu hàng xóm và cũng bị đánh bầm mặt, bị dồn chanh vô trong miệng mà nhà tôi thì rụng răng hết xài răng giả, nhồi như vậy nó sút răng giả nuốt vô tới cần cổ tưởng chết, may mắn là có một cô y tá cùng đi theo với đoàn công an biết cách cấp cứu thành ra nhà tôi thoát nạn. Họ bắt bà nhà tôi trói bỏ nằm dưới đất như con heo, còn tôi thì bị đưa đi. Năm đó tôi 67 tuổi. Đến bắt một ông già 67 tay không tấc sắt mà họ đem khoảng 500 người tới bao vây, làm rầm rộ, không biết tại sao phải làm dữ vậy. Ông Điền kết luận.
Ông Điền còn nhớ rất rõ ngày bị bắt là ngày 5/8/2005 nhằm ngày mùng 1 tháng Bảy Âm lịch.
Công an đưa ông Điền lên xe bít bùng chạy thẳng về Long Xuyên, đưa về khám lớn An Giang, rồi đưa qua khám lớn Bằng Tăng, Long Xuyên, tiếp tục điều tra, suốt cả ngày. Họ dùng cái cách gọi là “luân xa chiến”, người bị tra hỏi không có thời gian nghỉ ngơi còn người hỏi thì cứ tiếp tục thay đổi người, chỉ trừ phi vào ban đêm là người bị tra hỏi được cho nghỉ ngơi thôi. Họ dùng hết cách này đến cách khác đủ thứ hết.
4 tháng sau họ đưa ra tòa xử. Nói là phiên tòa công khai nhưng thân nhân, gia đình chẳng ai được dự. Cũng chẳng có luật sư, trong thời gian tạm giam thì gia đình không ai được phép liên lạc, thăm nuôi. Phiên tòa xử ông Nguyễn Văn Điền và những người khác, như ông Võ Văn Thanh Liêm, Võ Văn Thanh Long, Võ Văn Bửu, Mai Thị Dung, Tô Văn Mãnh, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Thị Ngọc Hà… Tất cả đều là PGHH. Phiên tòa kết thúc hết sức chóng vánh, ông Điền bị kết án 7 năm tù giam, Võ Văn Bửu 7 năm, Mai Thị Dung 9 năm, Võ Văn Thanh Liêm 6 năm 6 tháng, Tô Văn Mãnh 6 năm, Nguyễn Thanh Phong 6 năm, Nguyễn Thị Ngọc Hà 4 năm…Trừ ông Nguyễn Văn Điền là chức sắc của PGHH, ông Võ Văn Thanh Liêm trụ trì của ngôi chùa Quang Minh Tự, Chợ Mới, An Giang, những người khác chỉ là đồng đạo, tín đồ mà cũng bị án nặng như vậy.
Nguyễn Thanh Phong và Nguyễn Thị Ngọc Hà thật ra chỉ vì tình lối xóm đến can ngăn khi công an bắt Võ Văn Bửu mà cũng bị bắt luôn với tội danh “chống người thi hành công vụ”.
Đó là phiên tòa sơ thẩm, nhưng mọi người không yêu cầu phúc thẩm, nói như ông Nguyễn Văn Điền: – Chúng tôi chấp nhận, không yêu cầu gì cả, không yêu cầu giảm án mà cũng chẳng nói lên lời nào cả, tùy tòa án muốn xử bao nhiêu đó thì xử, xử bao nhiêu chúng tôi chấp nhận ở bấy nhiêu.
Khi đã thành án thì họ chuyển các tù nhân ra Xuân Lộc, Đồng Nai, chia ra mỗi người một khu. Tù nhân phải đi lao động, cuốc đất, trồng sắn, trồng mì, trồng lúa…nhẹ nhất thì mỗi người một ngày phải cạo 30 ký lô hạt điều.
Giai đoạn sau này thì không tra tấn nhưng cán bộ sử dụng lời nói để nhục mạ, gây cho tù nhân sự khó chịu, ức chế. Thứ hai, cán bộ công an không đánh đập tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị nhưng cho tù hình sự gây hấn, đánh đập vô tội vạ, lổ máu đầu cũng có. Và nếu tù nhân lương tâm bị đánh mà thưa với cán bộ để “xử lý” thì họ chẳng xử lý gì cả.
Năm 2012 ông Điền ra tù, ở đủ 7 năm không thiếu một ngày. Ông kể: – Thậm chí đến ngày 5/8/2012, xe ở nhà lên đón chúng tôi về, xe chờ ở ngoài mà còn 10 phút nữa họ cũng không cho về, chờ đúng 8 g họ mới mở cổng cho về.
Ông Điền cho biết ông không bị thêm thời gian quản chế nhưng ở địa phương họ cho người đến quấy rối thường xuyên, rồi họ đóng hai cái chốt ở hai đầu đường canh giữ suốt, đi đâu làm gì cũng bị giám sát. Đến năm 2018 vì ông già yếu, con gái qua rước cha mẹ về Cần Thơ ở, khi ông rồi lúc đó họ mới dỡ chốt. Về Cần Thơ thì không có chuyện giám sát kiểu đó nhưng trong những ngày lễ của đạo, ví dụ như ngày lễ Khai đạo 18 tháng 5 AL, ngày Đản sinh Đức Giáo chủ 25 tháng 11 AL, ngày thọ nạn của Đức Giáo chủ bị VM sát hại là ngày 25 tháng Hai A, ngày biến cố lịch sử 30 tháng Tư Dương lịch hay ngày 2 tháng 9 Dương lịch…thì công an đều đến canh, theo dõi, bám sát coi mình có hành động gì không.
Không chỉ gần nửa thế kỷ qua bản thân ông Điền hết bị giám sát, giam lỏng hoặc bị đi tù, cuộc sống của gia đình, việc học hành, tương lai của con cái ông cũng hết sức khó khăn, vì “lý lịch đen”.
Các con ông chán nản, thấy không có tương lai nên tới lớp 9 là nghỉ hết. Sau này cả hai người đều làm nghề tự do, đời sống cũng khá vất vả. Người con trai ở Sài Gòn, có một cơ sở bỏ gas cho người ta nấu, sống qua ngày. Người con gái thì bán thức ăn bỏ mối, giao hàng tận nhà, cũng chỉ sống qua ngày…
Đau lòng vì PGHH bị đàn áp và ưu tư về tương lai của đạo giáo
Nhìn lại tình hình PGHH trong gần nửa thế kỷ qua, ông Điền nhận xét: Sau biến cổ lịch sử 30/4/1975 tình hình đất nước đen tối như thế nào thì các tôn giáo cũng phải chịu chung như vậy. Những người có đạo như chúng tôi mà ngồi lại với nhau chừng 3 người là công an tới bắt ngay chứ không cần phải hỏi cái gì hết. Uống rượu nhậu nhẹt thì họ bỏ qua mà ngồi uống trà nói chuyện đàng hoàng thì lại bắt. Khó khăn vô cùng.
Giai đoạn mà ông Nguyễn Văn Linh gọi là “mở cửa”, nhân dân người ta mừng nhưng còn đối với tôn giáo chúng tôi thì cũng chẳng có gì mà thoải mái cả. Họ không kểm kẹp trên phương diện hình sự hay chuyện này chuyện kia thì họ kềm kẹp trên phương diện tư tưởng. Lúc nào cũng vậy. Những cơ sở giáo sản thì họ đập hết không trả lại, cũ thì họ đập cho trở thành phế tích còn một đống ngói vụn rồi đem đi bán nền bán đất hết không còn gì để phuc dựng lại, mà hễ tiêu diệt không được thì họ lợi dụng, họ cho được tự do tôn giáo, tự do truyền bá nhưng truyền bá theo đường hướng, sự chỉ đạo của ban tôn giáo chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc địa phương. Tới bây giờ cũng vậy thôi.
Chính quyền có đủ thủ đoạn, lúc nào họ cũng sử dụng tôn giáo này để khích bác, gây chia rẽ với tôn giáo kia. Ví dụ như bên Phật Giáo Việt Nam họ đào tạo một số nhà sư bên ngoài là sư bên trong thực chất là người của công an, có cấp bậc từ thiếu tá trở lên; dưới danh nghĩa là nhà sư, thượng tọa, hòa thượng, họ mạ lỵ PGHH, nói xấu PGHH từ trong nước ra ngoài nước.
Từ năm 1999 trở đi thì các chức sắc cao cấp cũng có gặp gỡ nhau, nhưng những ấn tượng thê thảm của những năm 1945-1947 trở về sau tín đồ PGHH bị giết vô tội vạ nên các cụ rất sợ, rất cẩn thận, không có dám làm gì sợ bị lừa vô cạm bẫy của nhà cầm quyền.
Thời cụ Lê Quang Liêm làm Hội trưởng Ban trị sự trung ương Giáo hội PGHH, sau năm 1999 cụ Liêm đòi tái phục hoạt giáo hội PGHH không theo hệ thống quốc doanh, nhưng nhà nước không cho, nên cụ Lê Quang Liêm, ông Nguyễn Văn Điền và các chức sắc trung kiên với đạo mới hợp tác thành lập Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần Túy (để phân biệt với Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo là tuân thủ theo đường lối của nhà cầm quyền, của ban tôn giáo chính phủ). PGHHTT đưa ra 3 tiêu chí: củng cố giáo quyền, thống nhứt giáo hội, xiển dương giáo pháp. Tuy nhiên, ông Điền cũng thừa nhận, để lập trường hành đạo thôi chứ còn phần thực hiện thì chưa làm được, ví dụ chỉ có đi truyền bá giáo lý chứ chưa phải là xiển dương. Còn phía nhà cầm quyền, họ bắt bớ đàn áp nhưng họ cũng lợi dụng những hình thức đó để đưa ra với thế giới: Ai nói PGHH bị cấm đoán, bị đàn áp thì đó, bên PGHHTT như ông Nguyễn Văn Điền vẫn được đi truyền bá, chẳng hạn, nhưng ông Điền khẳng định, đó là họ lợi dụng những chuyện như vậy chứ không phải cho có tự do tôn giáo thực sự.
Sau khi cụ Lê Quang Liêm tạ thế thì ông Nguyễn Văn Điền là Hội trưởng Ban trị sự trung ương Giáo hội PGHHTT.
Ông Điền cho biết, theo năm tháng, PGHH cũng phần nào bị biến chất, biến tướng như Phật giáo quốc doanh, dù ở mức độ nhẹ hơn. Như chuyện phóng sanh, có những người nhẹ dạ, mê tín dị đoan thấy bên Phật giáo làm rồi bắt chước, đi mua cá mua chim để thả, nhưng những con chim đó dường như bị đầu độc bằng loại thuốc gì đó mà cứ thả ra một lúc lại bị bắt lại, thợ săn lại bắt những con chim, con cá đó tiếp tục bán…
Hoặc những kiểu “biến tướng” như sử dụng lòng tin của tín đồ để trục lợi. Ngày 18.5 Lễ Khai Đạo năm nay ở tại Tổ đình Thánh Địa Hòa Hảo họ dùng cái khay lễ thường được sử dụng để cung thỉnh chân dung Đức Thầy lên lễ đài làm lễ, họ đi rót nước mời tín đồ uống, khi tín đồ uống xong họ nói nhờ uống nước này mà hết bịnh, hết nhức đầu, đau bụng cho nên để tiền lên đó, đầy cả khay rồi họ đem cất đi, xong lại tiếp tục đi lòng vòng, đầy khay lại đem vô, cứ như vậy. PGHH từ trước tới giờ không hề có cái hình thức như thế này, năm nay lại bị “biến tướng” ở ngay tại Tổ Đình Thánh Địa Hòa Hảo. Trong khi những người như ông Nguyễn Văn Điền thì không có mặt ở tại chỗ đó được để mà can ngăn.
Về chuyện viết sách, xiển dương giáo pháp, ông Điền cho hay, trong thời gian gần đây chuyện viết sách thì có âm thầm, truyền đạo cũng kín đáo dẫn đi lên trên núi giống như đi tham quan du lịch rồi tập trung lại nghỉ mát một chỗ để truyền bá giáo lý vậy thôi chứ cũng chẳng làm được gì khác. Hoặc nhân trường hợp mỗi nhà có đám giỗ hay cúng kiếng gì đó thì tập trung 5,7 chục người giảng giải giáo lý của PGHH cho tín đổ lĩnh hội. Có khi Công An biết được đến giải tán, chủ nhà đứng ra can thiệp thì họ nói cúng kiếng, giỗ quảy thì được, phong tục tập quán thì không cấm nhưng mà cấm truyền đạo trái phép.
PGHH từ 1975-1999 bị triệt tiêu sát ván, không cho ngóc đầu nổi. Chính quyền cộng sản triệt cả giáo chủ, giáo lý, thanh danh của giáo chủ, giáo sản (cơ sở), giáo đồ…nhưng vẫn không tiêu diệt nổi. Đến năm 1999 tín đồ PGHH đấu tranh cực lực, năm đó họ mới cho được thành lập ban đại diện từ trung ương đến địa phương, họ cũng cho được truyền bá đạo, xây dựng chùa chiền giống như bên PGVN nhưng mà trên hình thức, còn thực chất những cán bộ cốt cán trong đó đều là đảng viên cả. Họ cho tự do nhưng không cho phát triển lớn mạnh, làm thì làm trong tầm ngắm, dưới sự giám sát của họ cho nên lại càng khắt khe hơn. Họ đào tạo những con người trong đạo rất là tha hóa, ví dụ như luật giới của đạo 8 điều răn cấm tuyệt đối phải giữ: Chẳng nên uống rượu, cờ bạc, á phiện, chơi bời đàng điếm, thì họ đào tạo những ông sư ngang nhiên chở gái đi về chùa, hoặc say sưa nghiện ngập ở trong các quán bia ôm, rồi những cô gái bia ôm chở các ông sư về chùa mà nghỉ qua đêm tại chùa. Biến tướng, biến chất đủ thứ hết, không một thủ đoạn gì mà họ không sử dụng được. Đau lòng lắm–ông Điền nói.
Sự đoàn hết giữa PGHHTT trong nước và bên ngoài cũng còn lỏng lẻo trong khi chính quyền Cộng sản thì thi hành chính sách đánh phá từ trong nước ra tới bên ngoài, hễ có tiền có quyền là họ làm được đủ thứ.
Mặc dù vậy, ông Điền vẫn tin tưởng rằng, từ kinh nghiệm trong những thời gian qua, tuy nhiều vị chức sắc của PGHH đã bị khống chế, tinh thần bị biến chất, sa đà như vậy nhưng trong hàng ngũ tín đồ cũng vẫn còn có rất nhiều người trung kiên, tận tụy, gọi là tận trung với đạo, tận hiến với thầy, chân tu tâm đạo, không chấp nhận gia nhập vào trong khối “sư quốc doanh” đó. Theo ông, một khi kiếp nạn này qua đi rồi thì vẫn có những người kế thừa nhiệm vụ, sứ mạng của đạo giáo, củng cố được giáo hội.
Ông Điền và những chức sắc của Giáo Hội PGHHTT cũng suy nghĩ từ nhiều năm nay về việc phải đào taọ, huấn luyện để có thế hệ kế thừa trong tương lai nhằm bảo tồn đạo pháp, giống như một sự “nối đuốc với nhau, cây đuốc này tàn thì nối mồi cây đuốc khác tiếp theo chứ không thể để tình trạng đạo giáo giống như ban đêm mà vắng bóng đuốc như thế này thì không thể được”.
Ông Điền lo ngại cho tuổi già 83 tuổi, biết bao nhiêu chuyện phải làm như cương quyết lấy lại cơ sở cho PGHH, hay tín đồ PGHH cũng đau đáu muốn khởi kiện vụ án Đốc Vàng Việt Minh ám hại Đức Huỳnh Giáo chủ, vụ án đó phải được làm cho sáng tỏ vấn đề v.v…nhưng lực bất tòng tâm. Nếu có sự hỗ trợ trong ngoài nước ông Điền và những chức sắc trung kiên của PGHH nhất định sẽ đương đầu với mọi hoàn cảnh để làm cho ra.
Biết bao nhiêu việc cần phải làm để làm sáng tỏ lịch sử, để giữ vững con đường đạo đi đúng với tinh thần, lý tưởng mà Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ đã vạch ra giữa một giai đoạn đen tối và vô cùng khó khăn của đạo giáo trong một chế độ độc tài toàn trị, ông Điền biết là như vậy nhưng chưa bao giờ mất lòng tin hay nản lòng.