Trước lằn ranh của thảm họa chực chờ

Không lâu trước đây, tôi có viết một status với đại ý rằng các tỉnh, các thành phố khác cần lên kế hoạch từ trước để tránh thảm cảnh như Thành Hồ hiện nay. Vì nếu có thời gian chuẩn bị mà không làm, là có tội.

Tất nhiên, nói là việc của mồm, là chuyện của kẻ “dại”. Bao nhiêu ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, của những người có chuyên môn, có tâm huyết còn không được lắng nghe và áp dụng, huống hồ cái phận nhãi nhép là tôi. Thậm chí, những người như tôi có khi còn không được coi là “nhân dân” hay “công dân” để được bình đẳng với gần 100 triệu đồng bào còn lại, vì vẫn bị liệt vào thành phần “phản động cộm cán”, đối tượng “chống chế độ có thâm niên” theo mô tả của cả công an lẫn cánh báo chí quốc doanh. Biết rằng nói chẳng ai nghe, chẳng được gì, không khéo rước hoạ vào thân mà sao vẫn nói? Ừ thì thế mới bảo là DẠI – chữ “dại” viết hoa hẳn hoi. Nhưng nói thật, chả anh hùng gì đâu. Không giỏi nhịn thì nói. Vậy thôi. Nhịn cũng là một biệt tài chứ chẳng đùa.

Cho nên lại nói tiếp. Cách chống dịch của “nhà nước ta” thì rõ mồn một rồi, chỉ thị có rồi, nghị quyết sẵn rồi, nhân dân chúng mình không cần bàn thêm. Việc của chúng mình là phải chấp hành. Muốn hay không, vui hay buồn, tự nguyện hay phẫn nộ, đồng tình hay phản đối vẫn phải chấp hành. Thôi thì nói riêng trong khuôn khổ dân đen chúng mình nghe với nhau, chứ còn cái thể loại chống dịch bằng nghị quyết, bằng âm nhạc cách mạng, bằng quyết tâm chính trị và bằng tư tưởng của ai đó, thì thôi chả tính.

Tức là vầy, nếu lỡ các tỉnh, các thành phố khác mà “bung” và “toang” như Sài Gòn, xin thưa với các đồng chí nhân dân là hậu quả sẽ thảm khốc hơn nhiều đấy.

Vì một vài lẽ có thể nói nhanh như thế này. Khí hậu, thời tiết Miền Nam nói chung, tại Sài Gòn nói riêng khá ôn hoà, không mấy khi có bão lũ nên ít xảy ra tình trạng bị cúp điện trên diện rộng hoặc kéo dài. Hệ thống y tế của Sài Gòn đứng nhất nhì cả nước nhưng suốt mấy tháng nay cũng đứng trước tình trạng quá tải. Ở miền Bắc và miền Trung thì ngược lại, nếu đại dịch bùng phát, hệ thống y tế chắc hẳn sẽ sụp đổ nhanh chứ không thể “trụ” được như tại Sài Gòn.

Thêm nữa, đang chuẩn bị vào mùa mưa bão, lụt lội, các đập thuỷ điện sẽ thay nhau xã lũ, do vậy, việc cúp điện là điều không tránh khỏi. Tình trạng này không ảnh hưởng nhiều đến các sinh hoạt gia đình, cùng lắm là hơi bất tiện một chút. Nhưng nếu là ở các bệnh viện, các khu cách ly, thì mệt đấy. Hậu quả của mưa bão, lụt lội, xã lũ thuỷ điện thế nào, chắc không cần nhắc lại ai cũng biết. Không có dịch bệnh, không bị “giãn cách xã hội” thì người dân còn cứu trợ được cho nhau, lỡ trong tình cảnh ấy, chả lẽ chịu chết và chờ chết? Chưa kể nhiều loại bệnh tật sẽ phát sinh sau các đợt thiên tai và nhân tai như thế.

Và nếu thảm cảnh xảy ra ở các thành phố khác, liệu người dân có đủ khả năng và lòng quảng đại để sẻ chia, nâng đỡ, nấu cơm nuôi nhau như những hình ảnh đẹp đẽ, cảm động đã diễn ra trên đất Sài Gòn suốt mấy tháng nay không? Đừng ai nói tôi chia rẽ hay kỳ thị vùng miền nhé. Tôi là dân Bắc, dân Hải Phòng “ăn sóng nói gió” chính hiệu đấy. Suốt mấy tháng nay, ai cũng nhìn thấy tấm lòng, sự yêu thương, đùm bọc của người dân sống trên đất Sài Gòn dành cho nhau.

Xin chú ý câu chữ, tôi dùng cụm từ “người dân sống trên đất Sài Gòn”, chứ không nói riêng người Sài Gòn đâu nhé. Nói thế mới chính xác và công bằng. Vì tôi biết, những người làm thiện nguyện, các chuyến hàng cứu trợ, các siêu thị 0 đồng… không chỉ là của dân Sài Gòn gốc. Nhiều người trong số họ là dân nhập cư từ khắp nơi đã nhận Sài Gòn làm miền quê thứ hai để gắn bó và sống chết với mảnh đất hiền hoà này. Họ đến từ Miền Bắc, Miền Trung, có người đến từ Miền Tây. Người dân sống trên đất Sài Gòn không chỉ cho đi hạt gạo, miếng cơm bằng tấm lòng quảng đại, mà có người còn cho đi cả mạng sống của mình khi tình nguyện xông pha vào những nơi chết chóc để cứu người.

Cho nên, ngay từ bây giờ (ít ra là với gia đình và bạn bè, người quen của tôi) cần chuẩn bị sẵn lương thực như gạo, mì ăn liền, mắm muối, dầu mỡ. Ngay cả chất đốt, thuốc men, đèn nến thắp sáng… cũng rất cần thiết. Xin đừng chụp mũ tôi xúi người khác đầu cơ tích trữ nhé. Cứ nhìn gương to tày liếp ở Sài Gòn mà liệu. Đừng sợ “ế” hay hư đồ vì xung quanh chúng ta, người nghèo khổ nhiều lắm. Chỉ sợ lòng người hạn hẹp, chứ khi cần, san sẻ cho những người hàng xóm khó khăn cũng là điều nên làm.

Mấy hôm trước Hải Phòng mưa to lắm. Nghe nói cả thành phố nơi nào cũng bị ngập lụt. Nhìn những hình chụp người nhà gửi, tôi không khỏi lo lắng. Mấy đứa cháu tôi còn mang cả phao, cả hồ bơi trẻ em ra làm du thuyền đi ngoài sân. Nhà tôi ở khu Phương Lưu, thuộc diện ít ngập lụt mà hôm qua nước còn tràn vào tận trong bếp. “Nếu ngoài ấy xảy ra đại dịch như ở Sài Gòn thì sao?” Ý nghĩ bất chợt ấy khiến tôi lo lắng và viết vội những dòng này rồi đăng Facebook. Vội đến nỗi không nghĩ rằng cần phải viết thành một bài nghiêm túc, hoàn chỉnh.

Sáng nay, tôi đọc được ý kiến của cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành khi chia sẻ bài của tôi lên trang Facebook của cha. Quả thật, với đề tài này và để trở thành một bài viết hoàn chỉnh, thì cần phải có những ý kiến mà cha Vinh Sơn đưa ra. Xin phép trích nguyên văn ý kiến của cha Vinh Sơn như một sự vay mượn để hoàn chỉnh bài viết còn vụn vặt, khiếm khuyết này của con.

“Tôi trân trọng những lời chia sẻ chân tình của cô Phạm Thanh Nghiên.

Văn phong “ăn sóng nói gió” nhưng sòng phẳng và chân thành cùng với tầm nhìn xa chính xác.

Sắp tới nếu: bão, lũ, lụt, mưa, cộng với đại dịch COVID-19 xảy ra thì không biết anh chị em đồng bào của chúng ta sẽ ra sao. Bài học kinh nghiệm từ Sài Gòn mấy tháng qua đã giúp cho chúng ta hiểu rõ chúng ta sẽ phải làm gì cho việc chuẩn bị đối phó với tình trạng khốc liệt.

Nếu thảm họa xảy ra (cầu mong không xảy ra), tôi ước mơ những “siêu thị 0 đồng” những ATM lương thực hoạt động hiệu quả bằng cách chuẩn bị ngay từ bây giờ, dĩ nhiên do đường xá có thể bị chia cắt vì bão lũ nên các “siêu thị 0 đồng” sẽ chia nhỏ ra trên nhiều địa bàn. Những nhóm y tế thiện nguyện với các “túi thuốc an sinh”, các trạm Oxy, các số điện thoại tư vấn v.v… sẽ hoạt động hữu hiệu, cứu người ngay khi phát bệnh. Các bài thuốc truyền thống như xông bằng xả, gừng, tỏi, … cần phổ biến. Các biện pháp tăng cường sức đề kháng, xúc họng bằng nước muối và rửa xoang mũi cần loan truyền rộng khắp cho mọi người.

Xin nhìn thảm họa tại Sài Gòn với con số người chết quá nhiều (đến mức thiêu không kịp) mà chuẩn bị ứng phó, đó là Sài Gòn trong những ngày qua không bão lũ, không lụt lội, không giông tố, không cắt đường cắt điện, …

Hãy chuẩn bị ngay từ bây giờ những gì có thể, đừng để quá muộn”.

Hy vọng sẽ không nơi nào trên mảnh đất hình S này phải chịu thảm cảnh như Sài Gòn đang chịu. Và nếu không may xảy ra, mong rằng người dân chúng mình ở đâu cũng đủ tình yêu thương và lòng bác ái để đùm bọc, nấu cơm nuôi nhau vượt qua cơn khổ nạn như Sài Gòn đã và đang.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Tướng phu thê
Dân gian Việt Nam thường dùng từ “tướng phu thê” khi thấy các cặp vợ chồng có nét mặt giống nhau. Nhưng về khoa học, chuyện này cũng được minh…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: