Trường tiểu học Đại Kim (phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cấm không cho học sinh đi xe đạp đến trường, nhưng phụ huynh tỏ ra không hài lòng.
Thông tin cấm được giáo viên chủ nhiệm khối lớp 5 gửi vào nhóm chat chung của phụ huynh.
Trao đổi với Dân Việt ngày 30 Tháng Mười 2023, một phụ huynh cho hay: “Giáo viên chủ nhiệm cho biết thực hiện chỉ đạo của ban giám hiệu, học sinh tuyệt đối không đi xe đạp đến trường. Giáo viên chủ nhiệm cũng thông tin, giáo viên tổng phụ trách và giáo viên trực tuần sẽ theo dõi, ghi tên những học sinh không thực hiện đúng quy định của nhà trường.
Mới đây, các phụ huynh tiếp tục nhận được tin nhắn nhắc nhở từ giáo viên chủ nhiệm là vẫn còn một số học sinh đi xe đạp đến trường và gửi ở ngoài cổng trường”.
Phụ huynh này bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng đa số học sinh đi xe đạp thuộc khối 5, đã lớn nên phụ huynh mua xe đạp để con chủ động đi lại, khỏi phải mang vác cặp nặng vất vả, mặt khác cũng thuận tiện cho phụ huynh khỏi mất công đưa đón.
Tuy nhiên, nhà trường cũng có lý lẽ của mình. Trả lời Dân Việt, cô Nguyễn Thị Ký, Hiệu trưởng trường tiểu học Đại Kim, xác nhận nội dung trên và biện minh: “Học sinh của trường đa số đều sống ở gần trường nên có thể phụ huynh đưa đón hoặc các em đi bộ.
Việc đạp xe đạp không an toàn. Hơn nữa khuôn viên trường rất chật, không có chỗ để xe đạp của học sinh nên nhà trường đã có quy định này từ nhiều năm nay”.
Hiệu phó nhà trường là cô Trịnh Mai Chi, phụ họa: Nhà trường không cấm đoán, mà chỉ nhắc nhở các con không nên đi xe đạp đến trường để bảo đảm an toàn. Đa số học sinh của trường đều ở trong phường Đại Kim nên có thể đi học bằng xe đạp, nhưng thực tế đường sá lại rất đông xe, nguy hiểm cho các con, nên tốt nhất là các em nên đi bộ hoặc cha mẹ đưa đón.
Cô Chi cũng nói như cô Ký là sân trường rất hẹp, nhưng không rõ bao nhiêu mét vuông. Trên website của trường, phần giới thiệu cũng để trống, không rõ trường có diện tích bao nhiêu, bao nhiêu lớp học, khoảng sân ra sao?
Đại Kim là trường tiểu học công lập. Theo Dân Việt trường này đang có hơn 2,000 học sinh, trong đó khối 5 có tám lớp. Học sinh đi học bằng xe đạp rải rác ở các khối nhưng chủ yếu là khối 5.
VietnamNet dẫn lời bà Ký hiệu trưởng chi tiết hơn, cho biết đa số học sinh đi xe đạp đều có nhà gần trường, còn học sinh ở xa trường đều được cha mẹ đưa đón.
Mặt khác, do trong trường không có chỗ để xe, các em đi xe đạp đến trường đều khóa xe vào các cột, dây sắt ở khu vực xung quanh hàng rào nhà trường, vừa không đẹp mắt vừa ảnh hưởng đến trật tự giao thông.
Bà cũng mô tả sân trường rất chật, vào giờ chào cờ đầu tuần, các em còn không có chỗ ngồi, nên không có chỗ để xe đạp của học sinh.
Ngoài Đại Kim, phụ huynh trường tiểu học Văn Chương, quận Đống Đa, một trường tiểu học công lập của Hà Nội, cũng phản ảnh việc trường yêu cầu học sinh không được đi xe đạp đi học.
Theo giới thiệu trên website của nhà trường Văn Chương thì diện tích của trường lên đến 8,000 m2, với hơn 1,000 học sinh.
Trao đổi với Dân Việt, đại diện trường Văn Chương cho biết lý do cấm học sinh đi xe đạp là vì tại trường đã có vài trẻ đi xe đạp bị va quệt, trầy trụa tay chân. Mặt khác, ngành giáo dục không cho phép thu tiền trông giữ xe đạp của học sinh nên trường không có kinh phí trả công trông giữ xe cho nhân viên bảo vệ.
Mỗi ca trực của trường chỉ có hai nhân viên bảo vệ trông giữ hai cổng trường, không thể trông thêm xe đạp của học sinh ra vào (ngoài số lượng xe gắn máy của thầy cô), nên nếu mất mát thì thu nhập của các nhân viên bảo vệ sẽ không đủ đền bù.
Nói chung, cả phụ huynh lẫn nhà trường đều có lý của mình. Riêng vụ nhà trường lo ngại học sinh đi xe đạp đến trường không an toàn là điều có thật, vì Việt Nam làm gì có đường dành riêng cho người đi xe đạp?
Đi bộ còn bị “tống” xuống lòng đường vì lề đường bị chiếm dụng đậu xe gắn máy hoặc kinh doanh thì đi xe đạp chỉ có thể chen giữa dòng xe gắn máy, mà văn hóa đi xe của Việt Nam thì xe lớn chèn ép xe nhỏ, nên cho phép các em học sinh 10 – 11 tuổi đi xe đạp ở nội ô Hà Nội là vô cùng nguy hiểm.
Chưa kể, khi đi xe đạp, các em học sinh thường rủ rê nhau hàng đôi hàng ba thì càng dễ xảy ra tai nạn.