Từ một cuộc thi ở Mỹ: Phơi bày nạn đạo văn ở Việt Nam

Nữ sinh tố giác nam sinh ăn cắp bài viết của mình dự thi Genius Olympiad 2023 – Ảnh: Gia đình cung cấp

Nhanh hơn mọi dự đoán, rạng sáng 11 Tháng Bảy (giờ Việt Nam) nữ sinh Lý Khánh Mai Chi đã nhận được thư trả lời của ban tổ chức Genius Olympiad.

Trước đó, Lý Khánh Mai Chi, cựu học sinh lớp 9 trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, quận Bình Thạnh (Sài Gòn), đã gửi thư cho ban tổ chức Genius Olympiad tố cáo nam sinh N.Q.U. (học sinh trường trung học phổ thông Gia Định, quận Bình Thạnh) “ăn cắp” bài dự thi của Chi và sau đó đoạt huy chương đồng Genius Olympiad.

Thông tin này cũng được Chi chia sẻ trên Facebook và đã tạo được làn sóng bình luận sôi nổi về nạn đạo văn ở Việt Nam ngày 7 – 8 Tháng Bảy.

Còn Genius Olympiad là cuộc thi quốc tế nhằm thúc đẩy nhận thức về các vấn đề môi trường thông qua các dự án Khoa Học (Science), Viết Sáng Tạo (Creative Writing), Kinh Doanh (Business), Robotics, Nghệ Thuật (Art), Âm Nhạc (Music), Làm Phim Ngắn (Short Film).

Cuộc thi được thành lập bởi Khoa học và Giáo dục Terra và do Viện Công nghệ Rochester (New York, Hoa Kỳ) tổ chức. Mỗi năm, cuộc thi nhận được sự tham gia của hàng chục ngàn học sinh trung học trên thế giới.

Ngày 11 Tháng Bảy, Mai Chi đã cung cấp lá thư của ban tổ chức Genius Olympiad cho Tuổi Trẻ và cùng ngày, tờ báo đã đưa tin “Ban tổ chức Genius Olympiad: Đã hủy kết quả bài thi gian lận”.

Trong lá thư trả lời Mai Chi, Chủ tịch Genius Olympiad Fehmi Damkaci cho biết “đã điều tra một vấn đề hệ trọng liên quan đến hoạt động gian lận trong các bài Viết Sáng Tạo gửi cho Genius Olympiad”.

Kết quả, ban tổ chức nhận thấy: “Một dự án gần đây gửi cho Genius Olympiad đã được phát giác có mức độ tương đồng cao với dự án ban đầu của một học sinh khác. Cả hai học sinh đều được giám sát bởi cùng một giáo viên. Sau khi tiến hành điều tra kỹ lưỡng, chúng tôi xác định rằng bài làm của học sinh nói trên có 3-4 câu giống hoàn toàn với tác phẩm gốc và có 3-4 câu rất giống, chỉ có điều sắp xếp lại từ ngữ”.

Bên cạnh đó, ban tổ chức đã dùng một công cụ so sánh văn bản, và xác định rằng “tác phẩm gian lận có 86% điểm tương đồng với tác phẩm gốc”.

Từ những kết quả trên, ban tổ chức cho biết đã thực hiện các bước cần thiết để thu hồi giải thưởng liên quan đến việc gian lận này.

Bên cạnh đó, ban tổ chức còn lên án hành vi của giáo viên giám sát (thầy N.M.T., giáo viên trường Trung học phổ thông Gia Định) với tư cách là người giám sát tài khoản dự thi của cả hai học sinh (Mai Chi và N.Q.U.). Với hành vi gian lận này, thầy N.M.T. sẽ không thể gửi bất kỳ dự án nào cho kỳ thi Genius Olympiad 2024 sắp tới.

Lá thư trả lời của ban tổ chức Genius Olympiad thông báo hủy bỏ huy chương đồng phần Viết Sáng Tạo – Ảnh chụp màn hình của Tuổi Trẻ

Trước đó, cả Tuổi Trẻ lẫn Thanh Niên đều phỏng vấn các nhân vật liên quan: Mai Chi, mẹ của Mai Chi, mẹ của N.Q.U., bà Nguyễn Ngọc Khánh Vân – Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Gia Định, thầy N.M.T. và bà Hoàng Thu Trang (Jenny Hoang), giảng viên trường Đại học Nebraska (Hoa Kỳ), người đã hướng dẫn Mai Chi.

Bà Jenny Hoang nhận thấy giữa bài viết ban đầu của M.C. trong vòng loại Genius Olympiad và nội dung poster của N.Q.U. trình bày trong vòng chung kết Genius Olympiad có nhiều điểm giống nhau, cấu trúc của hai bài viết tương đồng. Bà Jenny Hoang còn nhấn mạnh dù các câu trong bài của N.Q.U. có thay thế bằng một số từ đồng nghĩa nhưng dưới góc nhìn của bà, đó là đạo văn.

Trong cuộc trò chuyện, Mai Chi cũng thẳng thắn cho biết thầy N.M.T. chỉ là người đăng ký cho em dự thi, không hề đưa ý tưởng cho em viết cũng như không dạy em cách viết,  thế nên không thể nói Mai Chi và N.Q.U. được thầy N.M.T. hướng dẫn viết cùng một chủ đề.

Mai Chi cũng khẳng định thầy N.M.T. chỉ thông báo em đậu vòng loại hạng mục Âm Nhạc (Music) và rớt hạng mục Viết Sáng Tạo (Creative Writing). Khi Mai Chi tra cứu lại và thấy một bài khác trùng tựa, trùng chủ đề và tên mình đậu vòng loại hạng mục Viết Sáng Tạo, em hỏi thầy N.M.T. và được thầy trả lời rằng đó là một bài trùng hợp của một bạn ở trường Vinschool (?)

Sau đó, Mai Chi mới biết N.Q.U. được thế vào “chỗ” của mình, với mã số dự thi vòng chung kết giống nhau là 2190 và thầy N.M.T. hoàn toàn không hỏi ý kiến của em.

Trao đổi với Thanh Niên, thầy T.M.T. cho rằng mình gợi ý cho cả C. và U. cùng viết chung một đề tài, và biện minh: “Do có sự sai sót trên hệ thống tài khoản cá nhân, tôi chỉ nhận thấy đề tài âm nhạc của C. đậu, còn đề tài viết luận của C. không hiện trên hệ thống.

Vì vậy, tôi chỉ đăng ký cho C. thi dự án âm nhạc. Đến sau đó, hệ thống tài khoản cá nhân của cuộc thi được nâng cấp thì dự án viết luận của C. mới hiện lên. Nhưng khi đọc lại quy định của cuộc thi thì một học sinh chỉ được tham gia một lĩnh vực, mà trước đó, hệ thống đã đăng ký cho C. tham gia lĩnh vực âm nhạc nên C. không thể tham gia lĩnh vực viết luận”.

Vì lẽ đó, trong cùng một nhóm viết luận, tôi đã cử U. dự thi thay thế và nộp bài của U. Do trên hệ thống của cuộc thi vẫn sử dụng mã đề tài từ vòng loại cho dự án nên dự án viết luận của C. nộp vòng loại và dự án viết luận ở chung kết của U. cùng một mã số báo danh là 2190″ (?)

Bài viết trên Facebook của nữ sinh Mai Chi tố cáo N.Q.U. ăn cắp bài viết của mình và đoạt giải thưởng – Ảnh chụp màn hình của Thanh Niên

Thanh Niên cho biết tại Genius Olympiad 2023, Chi đạt Huy chương bạc trong lĩnh vực âm nhạc và trích dẫn lời bà Trần Hồng Điệp, mẹ của Mai Chi: “Nếu biết Chi đậu cả hai lĩnh vực âm nhạc và lĩnh vực viết sáng tạo thì chắc chắn Chi sẽ chọn thi chung kết lĩnh vực Viết Sáng Tạo. Vì lĩnh vực âm nhạc, bản thân Chi đã từng có giải thưởng”.

Cộng đồng mạng nghĩ gì về việc này? Xin trích bài viết của thầy giáo Lường Tú Tuấn, đăng trên Facebook ngày 11 Tháng Bảy: “Quốc nạn giả dối:… Vụ việc không chỉ là điều nhục nhã đối với các cá nhân “vừa ăn cắp, vừa la làng”, mà còn xấu hổ thêm cho cả ngành giáo dục lẫn thể diện của hai chữ Việt Nam trong mắt thế giới. Nhưng sự ăn cắp này có phải là cá biệt để khiến cộng đồng phải thảng thốt?

– Không.

Nền giáo dục từ lâu đã vận hành trên một sự dối trá được chấp nhận như một lẽ thường. Hãy hỏi giáo viên cả nước xem được bao nhiêu người tự soạn giáo án, hay là chỉ lên mạng tải về và thay tên đổi họ? Hãy hỏi giáo viên xem những cái “Sáng kiến kinh nghiệm” suốt vài chục năm nay họ lấy từ đâu? Rồi nội dung các bài học thực chất là gì nếu không phải là học thuộc và cho học sinh chép lại, đi thi thì ra rả viết lại thứ văn mẫu ấy với những cảm xúc giả tạo?

Rồi những giờ dạy “diễn” mỗi khi có người dự giờ kiểm tra mà trước đó học sinh đã được công khai bày cho sự sắp đặt giả dối. Bao nhiêu những giấy tờ vô bổ mà ai cũng biết là chẳng hơn gì mớ giấy lộn nhưng tất cả đều “thật lòng” làm láo, cốt để đủ hồ sơ.

Những kỳ thi học sinh giỏi và điển hình là cuộc thi Sáng tạo Khoa học kỹ thuật, phần lớn là sản phẩm của thầy (đấy là chưa nói đến việc thầy đã lấy chúng từ đâu), thế mà cứ đến hẹn lại lên, bày ra những sản phẩm “siêu trí tuệ” chỉ cốt làm cho đẹp bộ mặt của trường, của sở, của ngành GD.

Đối phó và đối phó, đó là hai chữ có thể khái quát tính chất của giáo dục hiện nay.

Tất cả đều đồng lòng nói dối. Nói dối riết thì “lộng giả thành chân”, họ tin luôn rằng đó là sự thật, là điều tốt đẹp cần duy trì. Nói dối từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, quanh năm suốt tháng miệt mài diễn với nhau như những diễn viên hạng A.

Như thế, một vụ ăn cắp bài thi và trâng tráo đáp trả đến cùng, nào đâu phải là cái gì cá biệt, phải không? Nó chỉ là sản phẩm tất yếu của một môi trường giáo dục mắc bệnh thành tích giả dối đã di căn vào xương tủy!”.

Nói dối đã thành quốc nạn, vì thế, thật dễ hiểu khi cả thầy T.M.T. và N.Q.U đều coi việc sao chép bài viết của Mai Chi để dự thi là điều bình thường.

Chỉ có bất thường là lần này, học sinh có bài viết bị đạo văn dám lên tiếng, và may cho em, ban tổ chức cuộc thi ở Hoa Kỳ, chứ không phải Việt Nam.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: