“Vá đường từ thiện” đúng là việc làm giúp ích cho cộng đồng chỉ có ở Việt Nam.
Trong một bài báo hôm 3 Tháng Hai 2023, báo Lao Động đã ca ngợi người đàn ông chuyên vá đường từ thiện ở Cần Thơ. Đó là ông Nguyễn Hồng Dân (gần 60 tuổi, ngụ phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), tên thường gọi là “Ba Dân” hay “Ba vá đường” với hành trình hơn 10 năm âm thầm làm công việc nặng nhọc này.
Báo Lao Động mô tả: Ông Dân bị liệt chân trái từ nhỏ, chân khập khiễng, cuộc sống riêng còn vất vả, nhưng ông vẫn âm thầm tự vá đường mỗi khi thấy bất cứ đoạn đường nào bị bong tróc, gập ghềnh, nhằm đem lại sự an toàn cho người đi đường.
Lý do việc ông làm thật giản dị: Hồi còn trẻ, khi đi bán vé số, ông chứng kiến nhiều tai nạn giao thông, có người tử vong vì mặt đường có nhiều ổ gà, ổ voi, ông đã quyết tâm tình nguyện vá lại những đoạn đường hư hỏng mà ông đi qua và nhìn thấy. Bao nhiêu năm qua, ông vẫn hành nghề bán vé số, vợ ông bán tạp hóa đủ ăn qua ngày nhưng rồi bà qua đời trong đại dịch Covid-19 khiến ông càng chuyên tâm dốc sức vào việc vá đường, giúp mọi người đi lại an toàn hơn.
Với tổng các dụng cụ, máy móc, xe ba gác, vật liệu… khoảng 50 triệu đồng, do ông tự sắm bằng tiền góp nhặt và tiền của một số người ủng hộ, ông thường vá đường dưới trời nắng gắt buổi trưa vì vắng người qua lại và mặt đường sẽ mau khô.
Ông Dân đã từng nhận được giải thưởng “Sống đẹp” của KOVA năm 2018 và được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam tặng bằng khen năm 2021. Tuy nhiên, với sự thi công làm đường ẩu diễn ra phổ biến ở 63 tỉnh/thành Việt Nam mà các nhà thầu không bị xử phạt cho đích đáng thì việc làm vá đường của ông Dân hay bất kỳ cá nhân nào cũng chỉ như “muối bỏ bể”, chỉ thay đổi phần ngọn, còn phần gốc mục nát (vì tham nhũng trong xây dựng) vẫn y sì do không bị đụng đến.
Hồi đầu Tháng Sáu 2022, người dân dọc Quốc lộ 29, xã Sơn Thành Đông, huyện Tây Hòa, tỉnh Phú Yên bực bội về việc đơn vị sửa đường quốc lộ 29 “moi móc” những đoạn đường không bị hư hỏng để sửa chữa, tệ hơn là sau khi sửa còn gập ghềnh khó đi hơn. Phóng viên Lao Động phản ảnh trên đoạn đường khoảng 2km qua địa phận xã Sơn Thành Đông, có hơn 20 ô đường có đường kính dài khoảng 3m, rộng 1m hoàn toàn lành lặn đã bị cắt xẻ để thi công. Những phần đường sửa xong khoảng hơn 20 ngày sau liền bị nứt nẻ, gồ ghề, trông tệ hơn hồi chưa sửa!
Thạc sĩ Phạm Văn Chung, Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum nêu ý kiến trên báo Lao Động: Có những đoạn đường gây tai nạn chết người vì đơn vị quản lý không kịp sửa chữa cũng không có biển cảnh báo. Tai nạn liên quan đến công trình cầu đường hư hỏng vẫn xảy ra ở nhiều địa phương và sau các vụ tai nạn, nhà thầu, đơn vị thi công hoặc đơn vị quản lý cầu đường không phải chịu trách nhiệm chính mà chỉ bị xác định là liên quan, việc xử lý thường rất “nhẹ nhàng” như bồi thường ít tiền, xin lỗi, hứa sửa chữa… là xong.
Ông Chung đề nghị: Theo nguyên tắc pháp luật về quan hệ “nhân – quả” thì nguyên nhân nào dẫn đến hậu quả thì phải xử lý lỗi đối với các chủ thể có trách nhiệm để xảy ra hậu quả đó. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm điều tra, xác minh đối với các vụ tai nạn giao thông nguyên nhân do mặt đường hư hỏng do thiếu trách nhiệm của đơn vị quản lý cầu đường để xử lý nghiêm, quy trách nhiệm chính thuộc các đơn vị này. Như vậy mới chấn chỉnh tình trạng thiếu trách nhiệm khiến đường hư hỏng, bong tróc gây nguy hiểm cho người đi đường, đồng thời, hạn chế tối đa các tai nạn giao thông.
Đề nghị hợp lý, nhưng rồi ai nghe? Ai sửa?
Nhìn hình ảnh ông Dân lọ mọ đem đồ nghề tự sắm ra vá các ổ gà trên các con đường ở Cần Thơ, trông ông thật cô đơn, thật chả khác nào hành động nghĩa hiệp của “các hiệp sĩ đường phố” ra sức ngăn chặn những vụ cướp giật xảy ra trên đường ở Sài Gòn. Rõ là dân Việt đang cố sức giúp nhau là chính chứ trông mong gì vào trách nhiệm của nhà cầm quyền?