Mấy ngày qua, phát biểu trong một hội nghị do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức của ông Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng “đất nước đang cần tiếng nói trung thực, quả cảm” đang viral trên mạng xã hội. Khắp nơi người ta đem lời ông ra để trích dẫn, bình phẩm. Ngặt nỗi, những comment toàn chê bai, giễu cợt chẳng có chút tôn trọng nào đến bậc “dân chi phụ mẫu” cả.
Dân tình bảo nhau “miệng quan trôn trẻ, dóc láo suốt 50 năm không thôi”. Một xã hội nhìn đâu cũng thấy bất công, quan chức nhũng lạm, hà hiếp người dân, tệ nạn nhức nhối; vậy mà ai lên tiếng phản đối, dù bằng đơn thư theo đúng luật pháp hay bằng mạng xã hội, xuống đường căng băng rôn gào khóc trước cơ quan công quyền… thì đều bị coi là phản động.
Với những điều luật mơ hồ như Luật an ninh mạng năm 2018 (cấm sử dụng không gian mạng để đăng tải, phát tán thông tin có nội dung xúc phạm lãnh tụ, danh nhân, tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng…); Điều 331, bộ Luật Hình Sự năm 2015 (Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân), thì chuyện nói lời trung thực ở Việt Nam là một việc nguy hiểm.
Chẳng phải cái bộ máy nhà nước do ông Thưởng đứng đầu đang giam gần 200 người dám nói lời trung thực đó sao? Những trí thức dấn thân như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Lê Dũng Vova, Nguyễn Lân Thắng… giờ đang ở đâu?
Dân đen như mấy ông thầy giáo “trói gà không chặt” như Đặng Đăng Phước, Nguyễn Năng Tĩnh ôm đàn nghêu ngao hát “Gánh xiếc to trên quê hương nhỏ”, “Chúng đi buôn” cũng bị kết án hàng chục năm tù giam; cho đến “tai to mặt lớn” như bà Nguyễn Phương Hằng, một đại gia có thế lực, quen biết rộng, nhưng khi “trung thực, quả cảm” phơi bày những góc khuất, scandal của ông Chủ tịch thành phố Phan Văn Mãi và cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, cũng chịu cảnh “ăn cơm cân, mặc áo số” suốt 18 tháng mới được đem ra xét xử ở một phiên tòa bỏ túi.
Chẳng riêng gì cá nhân, cơ quan báo chí nhà nước phản ánh đúng sự việc, đưa tin bài trung thực cũng có nguy cơ bị rút bài, bị phạt tiền, tổng biên tập bị kỷ luật. Mới đây, tờ vnexpress.vn đưa tin tỉnh Bình Thuận phá rừng làm hồ thủy điện Ka Pét, nhận được rất nhiều sự quan tâm của công chúng, đã bị Bộ Thông tin và Truyền thông và Ban Tuyên Giáo Trung ương tuýt còi.
Một xã hội không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, không gian xã hội dân sự bị bóp nghẹt thì khác nào một nhà tù lớn? Facebooker Hoàng Văn Tuấn có một comment rất đắt, được nhiều người chia sẻ và đồng tình:
“Thằng quản giáo ghé mồm nói vào buồng giam: Chúng tôi đang rất cần tiếng nói trung thực, quả cảm của các anh”. Chẳng phải là một so sánh rất chính xác với “lời vàng, ý ngọc” của ông Võ Văn Thưởng hay sao?
Trở lại với phát biểu của Thưởng. Tại Hội nghị đại biểu nhà văn lão thành Việt Nam lần thứ nhất ngày 30 Tháng Chín 2023, Võ Văn Thưởng nói rằng,
“Không dễ nhận diện kẻ thù nguy hiểm nhất của dân tộc trong thời bình. Đó là sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, là sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại. Chính vì thế, sứ mệnh, trách nhiệm của nhà văn Việt Nam hiện nay lại càng lớn lao và yêu cầu cao hơn”;
Rằng: “… Chủ tịch nước mong có một sự gắn kết đặc biệt hơn nữa giữa các nhà văn lão thành và các nhà văn trẻ, vì một sứ mệnh lớn lao chung là sáng tạo ra tác phẩm hay. Ông khẳng định nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” trên...” (trích báo Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Chín).
Ôi chao, thật là hay ho…
Hội Nhà văn Việt Nam với “bốn vạn chiến sĩ canh giữ mặt trận văn hóa” – như lời ông Hữu Thỉnh từng ví von, từ lâu không có nổi một tác phẩm, một gương mặt nào ra hồn. Những cái tên như Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Chu Lai… đã mòn cũ theo thời gian. Những tác phẩm của họ viết về một thời đại đã thực sự “xa vắng” và xa lạ với đại chúng hôm nay. Còn “bốn vạn chiến sĩ” được đảng nuôi bằng nguồn ngân sách dồi dào, ngày đêm ca ngợi công đức của đảng thì không có một tác phẩm nào đáng để gọi là tác phẩm văn học cả.
Giới trí thức Việt Nam hẳn ai cũng ít nhiều biết về vụ án Nhân Văn giai phẩm giữa thập niên 1950 tại miền Bắc. Nếu giờ đây xuất hiện những tên tuổi như Trần Dần, Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Quán, Thụy An… thì liệu đảng và nhà nước có một lần nữa “vùi con đỏ xuống hầm tai vạ” nữa hay không?
Những trí thức ưu tú từng tin tưởng và ủng hộ hết lòng cho sự nghiệp cách mạng vô sản, dám can đảm lên tiếng và trung thực góp ý nhưng kết cục của họ thật thê thảm. Người thì bị bức đến phải tự sát, người bị giam cầm trong những xà lim tăm tối cho đến chết, người thì tàn phế… Tất cả đều thân bại danh liệt, vì những vần thơ, áng văn chương mà tới nay hậu thế vẫn nghiêng mình kính phục. Ông Võ Văn Thưởng có biết, có đọc gì về những con người này và những tác phẩm của họ?
Thụy An, nữ văn sĩ duy nhất trong Nhân Văn giai phẩm, người chịu 15 năm tù đày và hỏng mất một mắt vì điều kiện giam giữ tồi tệ từng viết:
“Thế giới chỉ cần vài trăm người đàn ông, đàn bà quả cảm. Thực hành Quả Cảm đó là những người dám tin vào Chân Lý. Dám diễn đạt Chân Lý trong cuộc sống. Những người không run sợ trước cái chết. Hơn nữa còn chào mừng Cái Chết”.
Ở thời đại đó, có hàng trăm trí thức, văn sĩ, nghệ sĩ thực sự là những người Quả Cảm và dám tin, dám diễn đạt Chân Lý. Và rồi, đảng đã đưa họ vào tù, chôn vùi họ trong ô nhục. Cho đến nay nhà cầm quyền chưa một lần xin lỗi và sám hối trước sự bức hại tàn độc.
Trong bài phát biểu của ông Thưởng có nói về thực trạng “vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại, đang đặt ra trách nhiệm lớn lao với các nhà văn.” Vậy, cái phong trào “toàn đảng, toàn dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kéo dài hơn hai thập niên, tiêu tốn hàng trăm ngàn tỷ tiền thuế của nhân dân, kết quả ra sao rồi? Hay nó đã được hiện thực hóa bằng một xã hội băng hoại về đạo đức; cùng một bộ máy nhà nước nhũng lạm, thối nát chưa từng có trong lịch sử?
Và khi cái phong trào “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” hoàn toàn thất bại thì đảng quay sang đặt trách nhiệm cho những ngòi bút văn nô. Trong khi đó, Hội Nhà văn Việt Nam bấy lâu nay rặt toàn thành phần xôi thịt buôn danh bán tước, lấy đâu ra cây bút nào ra hồn, nói gì đến việc khai sáng một nền văn chương nhân văn, tử tế, từ đó góp phần khôi phục đạo đức xã hội? Họ chỉ biết ca tụng đảng theo văn mẫu mà thôi.
Nếu như ông Thưởng thực lòng muốn kêu gọi giới văn sĩ nói những tiếng nói “trung thực và quả cảm”, lãnh đạo đảng và nhà nước phải noi gương trước đã. Hơn nữa phải thành thật sám hối với những chính sách sai lầm đàn áp giới trí thức văn nghệ sĩ năm xưa, thực sự tạo ra một môi trường “dân chủ và tự do sáng tác nghệ thuật, văn chương”, thực sự coi trí thức dấn thân là những hạt mầm tốt cho xã hội phát triển.
Nói như triết gia Trần Đức Thảo “Ta chỉ có thể thanh toán những điều xấu của quá khứ bằng cách thẳng thắn lôi nó ra ánh sáng của hiện tại, để cùng nhau nhận diện nó, để vĩnh viễn không cho phép nó tái diễn. Mà quá khứ cách mạng của ta thì đã tích tụ quá nặng nề những di sản xấu ấy.” Đảng cộng sản Việt Nam liệu có đủ dũng cảm và trí tuệ để làm điều đó hay không? Đảng không chỉ đang bế tắc cả về đường lối lẫn tư tưởng mà ngay cả một lời nói “Trung Thực, Quả Cảm” cũng đã là điều xa xỉ.
______________
Phải thay mặt cả hệ thống để lừa dối, Thưởng có biết xấu hổ?