Phải thay mặt cả hệ thống để lừa dối, Thưởng có biết xấu hổ?

Võ Văn Thưởng ở hội nghị Hội nhà văn (ảnh chụp qua TV)

Hơn 200 ngày sau khi nhậm chức Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng đã có một phát ngôn đầu tiên mang tính “khiêu khích” các thành viên của Hội Nhà Văn – tức những nhân vật thuộc lực lượng chiến đấu trực tiếp bằng ngòi bút, được nuôi ăn của Đảng cộng sản Việt Nam, với lời kêu gọi chưa bao giờ khó như vậy đối với họ, dù chưa biết thật giả ra sao.

Trên báo Tuổi Trẻ ngày 30 Tháng Chín 2023, ông Võ Văn Thưởng được dẫn lời, giựt tít “Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng: Đất nước đang cần tiếng nói trung thực, quả cảm”. Nội dung bài nói chuyện của ông chủ tịch, được nhấn mạnh “Chủ tịch nước nói những hiện thực xã hội như sự vô cảm, tính vị kỷ, thói hưởng thụ, lòng tham lam, sự giả dối và độc ác, là tham nhũng, tiêu cực, sự tàn phá thiên nhiên, tàn phá văn hóa và đi ngược lại xu thế của thời đại… đang đặt ra trách nhiệm lớn lao với các nhà văn”.

Ông Thưởng cũng được báo Tuổi trẻ trích lời, khẳng định nhân dân, đất nước đang cần tiếng nói của tình yêu thương con người, của lòng trung thực, sự quả cảm từ các nhà văn trong cuộc đấu tranh với những “kẻ thù” trên. Như cảm thấy chưa thuyết phục, Thưởng còn dằn thêm “Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo cũng như công bố và tôn vinh những tác phẩm văn học có giá trị”. Nhưng giá trị phải như thế nào, thì không nghe Thưởng nói.

Ngay sau ngày những phát biểu này được tìm thấy trên báo, truyền hình nhà nước, một làn sóng bình luận sôi nổi diễn ra khắp các trang mạng. Thật lòng mà nói, những loại phát ngôn tàn bạo, ngu xuẩn hay loạn thần đã xuất hiện nhiều trong giới lãnh đạo Hà Nội từ nhiều thập niên nay, nhưng những lời “chân thành rót mật” như của Võ Văn Thưởng, quả là một cú chạm làm giật thót toàn dân, vốn bao nhiêu năm nay cứ nghĩ là những ý tứ đó, đã mất hay đã chết trong cấm kỵ lâu rồi.

Không ít người tin rằng Thưởng đang gài bẫy, như một mẻ lưới cuối để vét người còn lương tri trong xã hội Việt Nam, rồi nhét vào người họ án 331 hay 117. Cũng không ít người tin rằng Thưởng đang nói dối, và lừa dối một cách tỏa sáng. Còn lại, là những người ngây thơ, nghĩ trong lòng chế độ cộng sản Việt Nam đang có một chuyển biến gì đó rất đặc biệt, và Thưởng đã hé hộ đôi chút.

Vì sao lại nghĩ Thưởng nói như đang gài bẫy? Đó là bởi trên các trang mạng, người ta vẫn nhắc chuyện còn nóng hổi. Năm 2017, lời ông Võ Văn Thưởng, khi ấy ngồi ở ban Tuyên Giáo Trung ương, đã gây xôn xao về chuyện sẽ sẵn sàng đối thoại với tất cả những ý kiến phản biện. Lúc đó, Thưởng nói cứng “chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận“.

Dân chúng có đoạn bừng bừng trong suy nghĩ âm thầm “chế độ này đổi mới chăng?”. Năm 2018, khi tuyên bố của Thưởng vẫn còn nóng hôi hổi, thì Luật An Ninh Mạng ra đời. Lời “mời tranh luận” của Thưởng mở ra những cuộc bắt bớ tràn lan, và cả vô pháp khắp cả nước. Kể cả trong tòa án, không ai có quyền được tranh luận nữa mà chỉ còn quyền được im lặng nghe bản án của mình.

Năm nay 2023, Thưởng lại đặt ra chuyện phải trung thực và quả cảm gì đó. Lần này cả xã hội như vừa cười run rẩy vừa bàn. Không có ai tin vào chuyện “trung thực, quả cảm” của Thưởng cả. Xét theo tiên lệ, thì có thể năm sau, ắt có thể sẽ sớm có một đạo luật gì đó ra đời, mà đại khái những người trung thực, quả cảm, biết thương người, như những người đã làm đơn hay kêu gọi thẳng tên ông Thưởng với các vụ dừng án tử hình chẳng hạn, họ ắt sớm gặp công an đến tận nhà với các đạo luật mới chăng, đúng như ý Thưởng mấp mé “Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà văn trong sáng tạo”?

Thưởng bị gọi là kẻ giỏi nói dối mang màu “như nói thật”. Ai cũng thấy, Đảng CSVN đã đi qua giai đoạn tuyệt hậu của giai cấp kế thừa sống với chút sự thật và nói một phần sự thật, ít nhất như thời của Võ Văn Kiệt. Thưởng nói các nhà văn phải “quả cảm, trung thực và biết yêu thương con người”, nhưng ông Lê Đình Kình hơn 80 tuổi và hơn 50 tuổi Đảng, ngồi xe lăn mà bị công an vũ trang đầy mình, đạp cửa vào phòng bắn nát người, chưa hề có một nhà văn nào của chế độ viết lời thương xót.

Đó là chuyện người đã chết, còn với người còn sống như nhà văn Nguyên Ngọc, được coi là lão làng cách mạng, vì trung thực, quả cảm, biết thương người, ông Nguyễn Ngọc đã bị đối xử ra sao khi đòi hỏi một chế độ vì dân, một xã hội tự do biểu đạt, Văn đoàn Độc Lập của ông Ngọc đã bị trấn áp  bao nhiêu lần?

Trơ trẽn hơn, Hội nhà văn quơ quào cả tên Văn Cao vào danh sách những “lão thành cách mạnh” vào việc đóng góp cho văn học cách mạng trong các hình ảnh mô tả của Hội nghị ngày 30 Tháng Chín. Nguyễn Quang Thiều chủ tịch Hội nhà văn như mất trí nhớ, quên bẵng giai đoạn Văn Cao bị đày đọa với lịch sử Nhân Văn Giai Phẩm như thế nào, cũng với tiêu chí trung thực, quả cảm và yêu thương con người. Cũng còn thiếu nhiều cái tên khác của những người đã sống, chết, tù đày… với Nhân Văn Giai Phẩm chưa được nhắc tên trong đại hội về trí thức văn học này, dù họ đã sống và vượt qua ngưỡng trung thực, quả cảm mà hôm nay ông Thưởng như chợt nhớ ra.

Nếu Thưởng có ý nghĩ thật về thương người, ắt đã phải có ý kiến về án tử hình của Lê Văn Mạnh, hay Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Họa chăng, thương người hay trung thực theo ý của Thưởng, phải có màu xanh của công an và màu đỏ của búa liềm nhuốm máu?

Nói trên đài Á Châu Tự Do, ông H., một nhà văn bị đày đọa thời cộng sản chưa “thống nhất đất nước”, cho rằng cách nói của Võ Văn Thưởng có thể là dấu hiệu của những chuyển động mới trong chế độ, nhất là sau chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào đầu Tháng Chín vừa qua. Nhiều người đã coi rằng đây là phỏng đoán ngây thơ, thậm chí rằng không học được bài học cộng sản là gì. Người trên Facebook lại cười khẩy “Ông Thiệu lại được nhắc tên nữa rồi” với câu nói bất hủ “Đừng nghe những gì cộng sản nói. Hãy nhìn những gì cộng sản làm”.

Đất nước Việt Nam đã có nhiều lần “đổi mới”, từ thời Nguyễn Văn Linh, đến Võ Văn Kiệt… nhưng cái giá của đổi mới của người dân Việt, đất nước Việt không hề rẻ. Đổi mới của Nguyễn Văn Linh chỉ ngụy trang cho việc cầu xin nối lại quan hệ với kẻ thù xâm lược phương Bắc ở hội nghị Thành Đô. Còn Đổi mới của Võ Văn Kiệt, là đổi lại bằng những năm dài đăng đẳng rút rỉa sức lao động miền Nam để nuôi và xây Hà Nội, sau nhiều năm không có lãnh đạo chủ chốt nào của miền Nam được cầm quyền. Nếu không nói, giai đoạn những ngôn ngữ đổi mới của ông Võ Văn Kiệt đã kết thúc, sau cái chết đầy bí ẩn của ông.

Sẽ chẳng có đổi mới nào từ một quan chức, bởi chế độ Hà Nội là một hệ thống lãnh đạo mang tính tập thể và độc đoán xuyên suốt. Lời của Thưởng sẽ chẳng thể dự báo điều gì tốt đẹp ngoài dối trá, chồng chất dối trá triền miên. Dối trá với nụ cười và gương mặt trắng bệch bất tín nhưng vẫn cố nở nụ cười thuyết phục.

Cuối cùng, thì sau khi ngẫm nghĩ, dân chúng lại vỗ đùi: Lại là một lời nói láo. Dân thì cứ cười vì thấy một chính phủ lừa, chỉ toàn là một lũ lừa. Nhưng còn Thưởng, lẽ nào làm người phải thay mặt một bộ máy cầm quyền để lừa dối bằng gương mặt của chính mình, lại không biết xấu hổ?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: