Văn Giang với Nguyễn Lân Thắng / Phần 2

Tháng 12 năm 2012, luật sư Nguyễn Văn Đài hẹn tôi và Lân Thắng đến quán cà phê Hàm Cá Mập ở sát Hồ Gươm. Đài ngồi ở đó với một nữ nhà báo người Hà Lan.

Nữ nhà báo Hà Lan phỏng vấn chúng tôi về những clip quay ở Văn Giang, cô hào hứng nghe chúng tôi tả lại khung cảnh lúc đó và làm thế nào chúng tôi ghi hình được.

Cô nói rất muốn đến thăm Văn Giang.

Tôi và Thắng nhìn nhau, lúc đó toà án đang xử một vụ đánh người dân Văn Giang, không khí ở đó rất căng thẳng. Nhưng đưa một nhà báo quốc tế đến thực tế nơi xảy ra sự việc cũng là một điều rất nên làm. Chúng tôi suy nghĩ giây lát rồi gật đầu.

Sáng hôm sau tôi và Thắng đến khu phố cổ đón nữ nhà báo Hà Lan và người phiên dịch. Chúng tôi ăn phở rồi đi uống cà phê, nữ nhà báo Hà Lan có vẻ sốt ruột khi thấy chúng tôi nhởn nhơ không có vẻ gì thực hiện chuyến đi cả. Tôi nói người phiên dịch bảo cô ta cứ làm theo chúng tôi. Ăn và uống cà phê xong, tôi bảo Thắng dẫn hai người đó đi bộ tham quan phố cổ. Trước đó tôi đã chỉ cho Thắng cái số nhà ở phố Hàng Ngang có lối đi xuyên sang bên phố Hàng Giầy.

Chúng tôi chia tay nhau, tôi đi bộ về nhà ở ngõ Phất Lộc. Còn ba người kia đi bộ dạo phố.

Nhà Phất Lộc có hai lối đi, một mặt ra Phất Lộc, một mặt ra Lương Ngọc Quyến. Tôi mang cái xe máy ra trước cửa nhà mặt Phất Lộc, rồi lôi máy hàn, hàn cái chân chống xe có cái mẩu tai để gạt đã bị bung ra. Tôi vào nhà như lấy cái gì, rồi thay nhanh quần áo đi ra lối Lương Ngọc Quyến. Xe máy và máy hàn vẫn để ngổn ngang trước cửa nhà, cửa nhà vẫn mở toang.

Tôi đến bãi đậu xe lấy cái xe ô tô của một người bạn đã đậu sẵn ở đó từ hôm trước, đi đến phố Hàng Giầy, đúng giờ hẹn Thắng và hai người kia vừa ra khỏi lối đi xuyên từ Hàng Ngang sang.

Thẳng tiến đến Văn Giang

Lúc đi dạo phố, Thắng đã mua tặng cho người phụ nữ Hà Lan và người phiên dịch nón lá và ủng bảo hộ lao động. Cách làng khoảng 2 cây số, xe đậu lại ở một đoạn đường vắng. Những người nông dân trong làng đã chờ sẵn chở chúng tôi vào. Hai người phụ nữ đội nón lá, đi ủng lao động. Máy ảnh, túi xách người khác cho vào bao tải để ở giữa khung xe chở đi sau.

Những người nông dân chia nhau đi trước quanh làng xem có người lạ hoặc có công an không, lúc đó đã vào lúc 12 giờ 10 trưa, thấy an toàn chúng tôi đưa cô nhà báo Hà Lan được đưa đi xem cánh đồng, phỏng vấn những người dân, đến nơi xảy ra vụ đánh hai nhà báo và người dân.

Chúng tôi chỉ ở làng đến 13 giờ 10 phút là rời đi. Tôi đã nói trước chỉ trong vòng một tiếng đó, đấy là thời gian nếu có người canh gác, theo dõi làng họ sẽ bỏ đi ăn trưa.

Cô nhà báo Hà Lan về lại Hà Nội, khi chia tay cô nói rằng cô cảm thấy không có gì nguy hiểm, bằng chứng chả gặp chuyện gì và suốt quãng thời gian ấy tôi và Lân Thắng vẫn nói chuyện vui vẻ, cười cợt không có vẻ gì lo lắng cả. Tại sao chúng tôi phải làm nhiều chuyện vòng vèo như thế, ngay cả đến ngôi làng cũng thấy bình yên. Cô có thấy gì đáng phải sợ đâu. Cô nhìn cái nón và đôi ủng và cười như muốn nói chúng tôi đã bảo cô làm những việc vô ích.

Thắng bảo thôi cứ lo xa cho lành.

Cô nhà báo Hà Lan dự tính sẽ đi vào miền Trung rồi miền Nam để phỏng vấn một số nơi xảy ra những sự kiện nóng, gặp một số nhà hoạt động báo chí tự do.

Ba ngày sau, luật sư Đài nói với chúng tôi. Cô nhà báo ấy bị doạ sợ chết khiếp, khi vào đến Huế, cô bị đe doạ, bị khủng bố tinh thần. Cô đã liên hệ sứ quán Hà Lan và xin hỗ trợ đưa cô ra khỏi Việt Nam nhanh nhất.

Một năm sau, tôi gặp lại cô nhà báo Hà Lan ấy ở trên đất Hà Lan. Cô nắm tay tôi khóc. Cô nói đời cô chưa bao giờ sợ hãi đến thế. Người ta đi kè kè bên cạnh cô, cô muốn gọi xe hay muốn ăn cũng đều bị những người kia ngăn cản. Cô kể khi cô vào quán ăn, người đi theo nói gì đó, chủ quán nói không phục vụ cô. Cô xin đi nhờ vệ sinh, khi vào nhà vệ sinh trong quán, có người bên ngoài đập cửa nói bằng tiếng Anh nếu cô không rời đi, họ sẽ giết cô.

Cô nói giờ cô mới hiểu tại sao lúc trước chúng tôi lòng vòng như thế, cô bày tỏ sự khâm phục trước thái độ và nụ cười của chúng tôi khi đưa cô đi. Cô bảo làm sao chúng tôi có thể thản nhiên như thế, đến nỗi cô tưởng rằng mọi thứ đều bình thường và chúng tôi muốn thể hiện nên đã làm nhiều thứ cho quan trọng vấn đề.

Cô hỏi người bạn của tôi thế nào rồi, tôi nói anh ấy vẫn đang làm những điều mà cô đã thấy.

Cô nói muốn làm một cuộc họp báo để nói về tự do ngôn luận và hoạt động của những nhà báo tự do, những nhà văn ngoài lề ở Việt Nam để người Hà Lan hiểu về chúng tôi hơn.

Buổi họp báo diễn ra trong liên hoan văn chương Read My World của Hà Lan, vì bất ngờ gặp lại tôi, cô đã cố gắng sắp xếp với ban tổ chức để cho tôi có một khoảng thời gian trong chương trình.

Trong cuộc họp báo ấy, tôi nói rằng tôi đến châu Âu với học bổng nhà văn do Đức cấp. Nhưng hoạt động của những nhà báo tự do mới nguy hiểm hơn người viết văn, bởi họ luôn ở tuyến đầu để lấy tin tức, hình ảnh. Thời buổi mạng xã hội, người ta tìm đọc những tin tức nóng bỏng chứ ít khi để thời gian đọc một bài viết.

Một nữ nhà văn Hà Lan phát biểu rằng, chẳng qua chúng tôi được chú ý bởi vì chúng tôi viết và đưa tin về những cái tiêu cực, không như bà chỉ viết về những điều nhân văn.

Tôi nói.
Là người viết, chúng tôi cũng muốn viết về những điều tốt đẹp để khơi dậy những tính nhân văn trong con người như bà. Tôi đã từng viết những bài viết về trẻ thơ, về quê hương, về cuộc sống, tình yêu và tôi xin nói với bà rằng, những bài viết đó tôi còn được nhiều người like hay chia sẻ gấp chục lần những bài tôi viết về những điều tiêu cực.

Ngay như anh bạn tôi còn đang ở Việt Nam, trước kia anh thường đi chụp những cảnh đẹp, những điều lý thú, vui vẻ trong cuộc sống. Nhưng ở đất nước độc tài còn đầy rẫy những điều bất công, chúng tôi phải có trách nhiệm đưa tin hay viết về những điều ấy. Cái giá phải trả là nhà tù, là bị áp bức. Không ai muốn nổi tiếng hay được chú ý khi viết hay đưa tin về những nỗi đau của dân tộc mình đang chịu, đó là điều bất đắc dĩ, đó là sự đau đớn.

Chúng tôi cũng muốn đất nước mình người dân có cuộc sống công bằng, hạnh phúc và tươi đẹp như đất nước Hà Lan này, để chúng tôi viết về những điều nhân văn, những điều tốt đẹp. Ước mơ của tôi là viết những thứ cho trẻ thơ đọc, những truyện mà khiến trẻ thơ yêu bố mẹ, ông bà, thương mến những người xung quanh. Hôm nay tôi may mắn ở đây, trước mặt quý vị. Nhưng ở Việt Nam ngay tại ngày hôm nay, còn bao người phóng viên tự do, còn bao người người viết tự do, những người nói lên những bất công, họ đang ở trong tù. Tôi xin nói lại, không ai muốn nổi tiếng khi viết về sự khổ đau của nhân dân mình nhất là cái giá phải trả là nhà tù.

Hội trường lúc đó khoảng 60 người, có cả dân biểu, nhà báo, nhà văn. Họ im lặng một lúc, rồi mới vỗ tay. Chắc mọi người thắc mắc vì sao tôi không viết gì khi Lân Thắng bị bắt.

Tôi không dám, bởi tôi sợ nếu tôi viết về người bạn mình. Toà án cộng sản sẽ cay cú vì những gì anh đã làm.

Tôi phải làm ngơ như Thắng chẳng có gì đáng phải nhắc đến cả. Chờ đến lúc phiên toà tăm tối kết án anh xong, tôi mới kể lại những gì anh ấy đã làm.

Xem lại bài 1

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: