Định nghĩa về văn hóa thật bao la và chưa bao giờ người ta hoàn toàn đồng ý với nhau, có chăng là cùng đồng thuận ở một hay vài điểm thiết yếu nào đó khi nói về văn hóa. Theo Edward Sapir (1884–1939), nhà nhân loại học, ngôn ngữ học người Mỹ thì văn hóa chính là bản thân con người, cho dù là những người hoang dã nhất sống trong một xã hội tiêu biểu cho một hệ thống phức hợp của tập quán, cách ứng xử và quan điểm được bảo tồn theo truyền thống.
Với William Isaac Thomas (1863–1947), nhà xã hội học nổi tiếng cũng coi văn hóa là các giá trị vật chất và xã hội của bất kỳ nhóm người nào gồm các thiết chế, tập tục, phản ứng cư xử…
Năm 2002, UNESCO đã đưa ra định nghĩa về văn hóa như sau: Văn hóa nên được đề cập đến như là một tập hợp của những đặc trưng về tâm hồn, vật chất, tri thức và xúc cảm của một xã hội hay một nhóm người trong xã hội và nó chứa đựng, ngoài văn học và nghệ thuật, cả cách sống, phương thức chung sống, hệ thống giá trị, truyền thống và đức tin.
Nếu dựa theo những nhận xét về văn hóa như trên thì Việt Nam đang hình thành một thứ văn hóa mới: Văn hóa chém.
“Chém” ở đây hoàn toàn mang nghĩa đen là dùng dao làm hung khí chém người khác trọng thương hay mất mạng. Nếu chém chỉ một hai vụ trong năm thì đó chỉ là bột phát không xứng tầm với hai chữ văn hóa, tuy nhiên, khi việc “chém” xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều đối tượng và lại nhiều lần trong tháng hay năm thì đó chính là sự hình thành một nền văn hóa.
Dĩ nhiên không ai có thể biện minh khi một vụ chém người xảy ra, cái mà mọi người thường hành xử là nhận xét theo cảm quan riêng của mình. Cùng là một vụ nhưng xã hội nhìn nhận nội dung của nó khác nhau, khi xã hội tham gia vào một mô hình, một xu hướng hay hiện tượng tức là đã tiếp tay vào xây dựng một thứ văn hóa tùy vào nội dung của sự việc xảy ra.
Chém trở thành một từ riêng trong các vụ án. Lật lại những trang báo cũ chúng ta không nghi ngờ gì nữa về động từ này. Nó xảy ra liên tục, ngày một nặng hơn và nạn nhân ngày một nhiều và đa dạng hơn. Bắt đầu từ năm 2019, bốn người đã tử vong ở Đan Phượng, Hà Nội do bị chém. Ở Bắc Giang ngày 23/08 là một vụ chém người phụ nữ giữa đường. Trước đó, ngày 08/03/2022 một thanh niên bị hai cha con ở Bắc Giang chém. Ở một tỉnh khác, Tại Nghệ An vào ngày 12/07/2022 một nghi phạm cầm dao chém bốn hàng xóm thương vong trong đêm. Tại Cà Mau ngày 26/08/2022 cũng có vụ chém người đến chết. Ngày 28/06/2022 Tại Long An một thanh niên bị chém tử vong. Ngày 31/08/2022 một nam sinh bị chém chết trong vụ xô xát tại Hải Phòng, mới đây nhất ngày 13/09 tại Đồng Nai: Người chồng chém lìa hai tay vợ.
Theo cơ quan điều tra, trưa ngày 13/9, Bình nghi ngờ chị N.T.T. (27 tuổi, vợ Bình) có quan hệ tình cảm với người khác nên gặng hỏi. Chị T. thừa nhận có quan hệ tình cảm với một thanh niên bên ngoài. Tức giận, Bình vào bếp lấy một con dao trong bếp quay ra chém liên tiếp nhiều nhát vào người vợ. Chị T. thấy vậy đưa tay lên đỡ khiến hai cánh tay bị đứt lìa. Sau khi chém vợ, Bình vội băng bó cho vợ, rồi gọi người thân đưa chị T. đi cấp cứu. Sau đó, Bình ra công an xã đầu thú.
Nếu chịu khó truy tìm thêm người ta sẽ thấy nhiều nữa những vụ chém người công khai và hung thủ xem pháp luật chỉ là trò đùa. Tại sao vậy? Xin thưa, không những pháp luật trở thành trò đùa mà chính người thi hành pháp luật đã tiếp tay vào những vụ bạo hành này.
Bằng cách này hay cách khác, xã hội đen đã và đang được công an dùng như một loại tay chân thi hành những thủ đoạn mà pháp luật không cho phép công an ra mặt thực hiện. Thí dụ như những tranh chấp đất đai, những vụ đàn áp tôn giáo hay ra mặt khủng bố người bất đồng chính kiến, xã hội đen được tung ra với dao búa cùng những hung khí khác nhằm trấn áp đối tượng không khuất phục. Chém thật hay chém dọa cũng mang hình thái bạo hành để từ đó người dân nhìn vào và tự trấn an mình rằng xã hội đen làm được thì mình cầm dao chém người chắc cũng không đến nỗi bị… tử hình!
Những băng nhóm chém nhau trên đường phố không còn là hình ảnh lạ lùng nữa. Có kẻ bị chém trước mặt công an nhưng những anh công an “hiền lành” chứng kiến vụ việc không thể nào làm khác hơn là im lặng và lẩn đi chỗ khác. Ngày lại ngày, hình ảnh này trở thành quen thuộc với người dân và dần dần hình thành thứ văn hóa mang tên văn hóa chém. Chỉ có chém mới hả giận, chỉ có chém mới giải quyết được vấn đề, chỉ có chém mới tỏ ra là phái mạnh, và chỉ có chém bọn chúng mới sợ mà tránh xa.
Cái văn hóa ấy hình như đang được chấp nhận một cách im lặng không những trong dân chúng mà ngay cả trong guồng máy chính quyền nữa. Chính quyền chưa bao giờ xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc nhằm đối phó trước mà chờ đến khi vụ việc xảy ra mới truy bắt, loan tin. Nếu chính quyền có một nền luật pháp đủ mạnh, đủ để dân tin tưởng thì thông tin về những vụ tranh chấp, đổ vỡ gia đình có nguy cơ biến thành án mạng sẽ được người dân chia sẻ trước khi vụ việc xảy ra. “Tai mắt nhân dân” không còn tinh tường như trước do hối lộ, vô trách nhiệm, buông thả thậm chí xem thường của lực lượng thi hành pháp luật đã giúp cho các vụ chém người ngày càng nhiều, càng lộng hành và xem thường luật pháp hơn.
Vụ án mới nhất tuy xảy ra trong phạm vi gia đình nhưng ảnh hưởng xã hội rất lớn. Người vợ dù có ngoại tình hay không, nhưng thái độ thách thức và xem thường chồng đã khiến kẻ thủ ác mờ cả lý trí khi chém lìa hai cánh tay của vợ mình. Anh ta cũng là một con người bình thường dù có ghen tức cách mấy cũng không thể hành xử bạo ngược và vô lương tâm như vậy, nếu xã hội không gieo rắc vào đầu óc anh ta những hình ảnh chém giết công khai trên đường phố. Anh ta sẽ không đành lòng chém cả hai tay người vợ nếu được tiếp xúc với một xã hội biết yêu thương, nâng đỡ lẫn nhau. Cái mà anh ta tin nằm sâu trong tim anh ta là sự vô cảm của xã hội, là tính cách buông xuôi của pháp luật là dư luận vô tâm trên mạng xã hội nếu anh ta không hành xử như một kẻ mạnh, một kẻ chỉ tin vào mình.
Văn hóa chém rồi đây sẽ trở thành vết chàm khi người ta vẫn khăng khăng những trò “chém trâu” để thỏa mãn lòng tin vào thứ mê tín hủ bại. Khi chính quyền nhắm mắt để gia súc như trâu bò lợn bị chém giữa chợ với những cái gọi là “phong tục” chính là lúc văn hóa chém ăn sâu vào tiềm thức người dân. Thứ văn hóa chỉ thích hợp với những phong trào “tiền cách mạng”.