Chưa bao giờ những lời kêu gọi chính phủ Mỹ cần cân nhắc việc công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, lại rộ lên từ mọi phía. Cũng tương tự như chuyện Việt Nam báo cáo gian dối về nạn buôn người để tránh các lệnh trừng phạt, giờ đây việc Hà Nội ra sức chứng minh đã làm đủ các yêu cầu của một quốc gia tự do và dân chủ, để được công nhận là một nền kinh tế thị trường cũng là một cú lừa vĩ đại mà bất kỳ ai cũng có thể thấy.
Nói tóm tắt, Hà Nội khao khát được công nhận là quốc gia có nền kinh tế thị trường, vì qua đó mới được hưởng đầy đủ những ưu đãi về thương mại, đầu tư theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Quốc gia có nền kinh tế thị trường, là nhà nước không tham gia áp đặt giá cả, áp đặt các quyền lợi nhà nước lên người lao động, và không thao túng để nâng đỡ các công ty quốc doanh…Tối thiểu, quốc gia đó phải có sự cân bằng và công bằng giữa tư nhân, quốc doanh và đầu tư nước ngoài.
Hồi ngày 9 Tháng Bảy, đã có 24 hội đoàn cùng ký thư chung gửi đến Tổng thống Joe Biden và các cơ quan thẩm quyền liên quan, khuyến cáo về việc chớ vội cấp quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội qua các chứng minh bề ngoài và đầy giả tạo.
Trong 6 yếu tố quan trọng để được xét là quốc gia có nền kinh tế thị trường, Việt Nam đều thất bại toàn bộ. Đặc biệt 2 yếu tố quan trọng đầu tiên mà Thư kêu gọi nhấn mạnh: Đó là Hà Nội chưa chứng minh đủ mình là một quốc gia minh bạch về vấn đề tiền tệ, và vẫn bị Bộ Thương mại Hoa Kỳ đặt trong danh sách theo dõi trong việc thao túng tiền tệ.
Vấn đề thứ 2 để lộ rõ sự xảo trá của Hà Nội. Đó là việc không tuân thủ các cam kết về việc để người lao động được thành lập các Công đoàn độc lập. Ngược lại còn đang trấn áp, bỏ tù, thậm chí còn ra chỉ thị mật 24 để đối phó, nếu có công đoàn độc lập xuất hiện.
Bất kỳ ai đấu tranh để chống việc cấp quy chế kinh tế thị trường cho Hà Nội đều hiểu rõ ràng cho Hà Nội một cơ hội dễ dàng thu lợi, qua mặt các tổ chức quốc tế, và vững vàng trong kinh tế hơn, là tạo điều kiện cho bộ máy cầm quyền độc tài thêm sức mạnh để chà đạp người dân, và kiểm soát đất nước nặng nề hơn.
Trong thư ngỏ, có đoạn:
“Trong hai năm qua, Việt Nam đã bị ảnh hưởng bởi nhiều vụ bê bối tài chính và tham nhũng, chủ yếu mang lại lợi ích cho các quan chức cấp cao. Tình trạng tham nhũng này đã làm cạn kiệt nguồn lực quốc gia, cướp đi tiền tiết kiệm của người dân và gây nguy hiểm nghiêm trọng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Vào tháng 10 năm 2023, Hoa Kỳ và Việt Nam đã nâng cấp mối quan hệ song phương lên cái gọi là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Tuy nhiên, ngay sau diễn biến lịch sử này, chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm nghiêm trọng quyền con người. Nhiều nhà hoạt động đã bị bắt và bị tuyên án tù dài hạn theo luật an ninh mơ hồ, khiến nhà cầm quyền đã bị các tổ chức nhân quyền lên án. Chính sách “lợi ích để tạo thay đổi” của Hoa Kỳ dường như là một chiều, với một nhóm thiểu số có liên hệ với Đảng Cộng sản tích lũy được khối tài sản khổng lồ trong thời kỳ bùng nổ kinh tế, trong khi phần lớn dân số vẫn tiếp tục vật lộn với những nhu cầu cơ bản.
Với những vấn đề nghiêm trọng này, chúng tôi mạnh mẽ kêu gọi Tổng Thống không nên cấp quy chế kinh tế thị trường cho Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam vào thời điểm này. Chính phủ Việt Nam phải đạt được những tiến bộ đáng kể về quyền lao động, diệt trừ tham nhũng, tăng cường pháp quyền và cải thiện quyền con người trước khi được xem xét cấp quy chế kinh tế thị trường. Nếu không có những cải cách có ý nghĩa ở Việt Nam, việc cấp quy chế kinh tế thị trường sẽ không mang lại lợi ích cho cả người dân Hoa Kỳ lẫn người dân Việt Nam”.
Báo Sài Gòn Nhỏ có cuộc trao đổi ngắn với Ông Trần Quốc Dzũng, Đại Diện Đảng Việt Tân tại Bắc Mỹ, cũng là một trong 24 tổ chức đồng ký tên trong thư ngỏ gửi chính phủ Mỹ.
Trong cuộc vận động với Hoa Kỳ, Bộ trưởng Công thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã khẳng định rằng Việt Nam đã làm đủ 6 tiêu chí mà Mỹ yêu cầu để có thể đạt được quy chế kinh tế thị trường. Tuy nhiên, trong đó mục thứ 2 nói về việc thành lập công đoàn lao động một cách tự do thì Việt Nam vẫn chưa thể hiện cho thấy rằng họ đang mở rộng việc thành lập công đoàn như vậy, và thậm chí là chỉ thị 24 gần đây có bộ công an còn nhấn mạnh về chuyện phải luôn luôn đối phó với những tình trạng Hội nhóm độc lập do các nước phương tây buộc cam kết.
Ông nghĩ sao nếu như Hoa Kỳ cũng im lặng cho qua chuyện này và cấp quy chế kinh tế thị trường vì vấn đề chiến lược địa chính trị đối với Việt Nam hiện nay?
– Chúng tôi hy vọng Bộ Thương Mại Hoa Kỳ sẽ không làm vậy và cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ cần vận động chính giới Mỹ để nói lên tiếng nói của mình và để chính quyền Hoa Kỳ hiểu Việt Nam phải chấp nhận quyền tự do lập công đoàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động tại Việt Nam, đồng thời cũng bảo vệ quyền lợi của các công ty Mỹ vì có công đoàn độc lập, giá cả của các mặt hàng xuất khẩu sẽ trung thực hơn và Việt Nam sẽ phải cạnh tranh kinh tế một cách công bằng hơn.
Trong mắt thế giới, Cộng sản Việt Nam lúc này như một tên lưu manh và tìm mọi cách để moi tiền, và kiếm tìm những quy chế thuận lợi cho việc phát triển và giữ vững vị trí chính trị của Đảng lãnh đạo. Đã có rất nhiều chứng cứ qua những cam kết về về EVFTA, chuyển đổi năng lượng xanh, Báo cáo về buôn người… Nay là đến Quy chế thị trường của Hoa Kỳ. Ông có nghĩ rằng Hoa Kỳ đang có một chiến lược lớn hơn và âm thầm trong việc tạm cho đi, để chuẩn bị nhận lại và siết chặt qua những những điều khác hay không? Hay Hoa Kỳ chỉ là một con tin tội nghiệp và bất lực trong việc đòi hỏi của Hà Nội?
– Chúng ta biết Hoa Kỳ hiện nay đang muốn kéo Việt Nam đi gần với Mỹ hơn, tuy nhiên, chúng tôi nghĩ phía Hoa Kỳ cũng đã học được bài học dùng kinh tế để mang đến thay đổi qua trường hợp của Trung Quốc. Đồng thời chúng ta cũng phải nhớ Việt Nam rất cần đến Mỹ vì Hoa Kỳ là một thị trường rất lớn đối với Việt Nam và quan hệ với Mỹ có thể giúp cân bằng lại sự lệ thuộc vào Trung Quốc.
Lá thư vận động của hơn 20 tổ chức kêu gọi Hoa Kỳ không cấp quy chế thị trường cho Cộng sản Việt Nam lúc này, có phải là vì những nguồn tin bên trong cho biết Hoa Kỳ đang sẵn sàng bước đến việc cấp quy chế thị trường cho Hà Nội? Và nếu như vậy, một lần nữa Hoa Kỳ lại tạo sự thuận lợi cho chính quyền độc tài, bỏ qua những vấn đề về đàn áp, và thiếu tư cách là đối tác thị trường công bằng với Hoa Kỳ hay không?
– Chúng tôi chỉ có thế nói rằng Hoa Kỳ không nên cấp quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam trong lúc này vì nó không mang lại lợi ích cho người dân Hoa Kỳ lẫn người dân Việt Nam, thậm chí nó còn khiến nhà cầm quyền Hà Nội giữ nguyên tình trạng kinh tế hiện nay thay vì cải tổ, chấp nhận quyền tự do thành lập công đoàn độc lập, ngăn chặn Trung Quốc dùng Việt Nam để tránh né những trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ, nói chung là chính quyền Việt Nam phải đặt quyền lợi đất nước và người dân lên trên quyền lợi của Đảng CSVN.
Xin cám ơn ông Trần Quốc Dzũng.