Ngày 7 Tháng Mười Một, trong phiên chất vấn ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an, đại biểu Hà Hồng Hạnh (đoàn Khánh Hòa) nêu rõ, hàng loạt vụ việc liên quan đến thanh thiếu niên sử dụng ma túy bị phát hiện trong thời gian gần đây khiến nhiều cử tri lo lắng. Điều này cho thấy nguy cơ ma túy xâm nhập vào môi trường học đường đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Đáng lo hơn, ngay tại cổng trường, hoặc gần các cơ sở giáo dục, nhiều quầy hàng rong bán thực phẩm có pha trộn nhiều loại ma túy nhằm lôi kéo, dụ dỗ học sinh, sinh viên sử dụng.
Ý bà Hạnh muốn đặt câu hỏi với ông Tô Lâm rằng, ông ta có thấy điều đó không, và trên cương vị là người đứng đầu Bộ Công an, ông có kế hoạch nào để đánh mạnh vào bọn tội phạm này không.
Trả lời bà Hạnh, ông Tô Lâm cho biết, hiện nay tình trạng sử dụng trái phép ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Theo thống kê, tính đến Tháng Chín 2023, toàn quốc có khoảng 213,000 người nghiện và người sử dụng trái phép chất ma túy; Trong đó, trên 81,000 người ở độ tuổi từ 16 – 30 tuổi, chiếm khoảng 38%.
Trong khi đó, ma túy tổng hợp ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu, dễ sử dụng, dễ mang vào trường học và núp bóng dưới những cái tên rất mỹ miều, gây tò mò như tem giấy, bùa lưỡi, nước vôi, trà sữa… khiến cử tri và phụ huynh học sinh rất lo lắng.
Câu trả lời của ông Tô Lâm khiến nhiều đại biểu trố mắt ngạc nhiên, vì ông ta cầm giấy đọc những con số thống kê một cách vô cảm, xem như đó không phải là chuyện của ông ta phải giải quyết.
Về giải pháp đấu tranh phòng chống ma túy, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết công an đã tập trung ngăn chặn nguồn cung từ bên ngoài vào và đặc biệt coi trọng giảm nguồn cầu, vì giới trẻ, thanh niên và học sinh là đối tượng rất quan trọng để thực hiện các biện pháp giảm cầu về ma túy.
Vẫn theo ông Tô Lâm, để ngăn chặn nạn ma túy, công an đã thực hiện các giải pháp như tăng cường tuyên truyền về Luật Phòng, chống ma túy, các chất mới; thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý vi phạm sử dụng trái phép chất ma túy ở trường học, trong quán bar, karaoke, vũ trường, triệt phá tụ điểm tổ chức sử dụng ma túy trái phép của các địa phương.
Thực tế, tệ nạn ma túy trong giới học sinh, sinh viên còn tệ hơn những gì ông Tô Lâm báo cáo. Những buổi “ra quân dẹp ma túy” của công an tại các quán bar, karaoke, vũ trường đều đạt được kết quả rất thấp. Nhiều người tin rằng có nhiều công an biến chất, đã báo trước cho chủ nhân những tụ điểm ăn chơi lịch kiểm tra của công an, để họ phòng tránh.
Thế nên, thường những buổi ra quân như thế, công an chỉ bắt được “cò con”, chứ các “đại bàng” biết trước đã lặn từ lâu.
Cuối Tháng Mười vừa qua, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận điều trị trường hợp nam bệnh nhân 27 tuổi, ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng đau đầu, chóng mặt, nhịp tim chậm, phản xạ căng cơ tăng, nhiễm toan chuyển hóa do kích thích mất nước…
Bệnh nhân cho biết triệu chứng này xuất hiện sau khi hút hai điếu thuốc lá (bao bì “Get high” – siêu phê, trên điếu thuốc có chữ bom).
Kết quả xét nghiệm gói thuốc lá điếu mà bệnh nhân mang đến cho thấy trong sợi thuốc lá có các chất ma túy tổng hợp thế hệ mới MDMB-BUTINACA và ADB-BUTINACA. Đây đều là những chất thuộc nhóm ma túy cần sa tổng hợp được phát hiện trong một số sản phẩm thuốc lá điện tử từng gây ngộ độc nghiêm trọng cho nhiều học sinh, sinh viên.
Trước đó, Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận không ít bệnh nhân có biểu hiện ngộ độc liên quan đến việc sử dụng ma túy tổng hợp. Trung tâm đã tiến hành cấp cứu cho nữ sinh 20 tuổi ở Hà Nội trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não, tổn thương gan do hút thuốc lá điện tử có chứa chất ma túy.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai – cho biết Trung tâm từng tiếp nhận những bệnh nhân bị ngộ độc ma túy đá với tổn thương tim mạch rất phức tạp, rất khó điều trị, dễ tử vong. Đặc biệt, không chỉ sử dụng ma túy dài ngày mà có những bệnh nhân chỉ dùng một lần đã dẫn tới phá hủy nội tạng và tử vong.
Trên thực tế, các loại ma tuý tổng hợp đang ngày càng đa dạng về chủng loại, giá thành rẻ, dễ cất giấu và dễ len lỏi vào môi trường học đường với các tên gọi: “Tem giấy”, “Bùa lưỡi”, “Nước vui” hay “Trà sữa”. Đây đều là cách gọi biến tướng của các loại ma tuý tổng hợp mới, được các đối tượng xấu đưa vào môi trường học đường. Đặc điểm chung của chúng là giá thành rẻ, dễ cất giấu và tạo ảo giác cực mạnh khi sử dụng.