Nhiều công ty nước ngoài sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường thế giới đang tìm cách di chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam, sang Trung Quốc hoặc các quốc gia láng giềng vì những thiệt hại to lớn mà họ phải gánh chịu do chính sách phong tỏa kéo dài để chống dịch của nhà cầm quyền Hà Nội.
Trong thời gian thương chiến Mỹ – Trung, các nhà sản xuất đã tìm cách chuyển hoạt động ra khỏi Trung Quốc và dồn tới Việt Nam do bị thu hút bởi mức lương thấp và tiếng đồn chính phủ thân thiện với doanh nghiệp. Tuy nhiên, các lệnh cấm nghiêm ngặt của chính phủ Hà Nội để ngăn chặn làn sóng truyền nhiễm của Covid-19 đã làm tê liệt hoạt động sản xuất kể từ Tháng Bảy. Cuộc “phong tỏa” kéo dài đã buộc các công ty như Nike Inc. và Lululemon Athletica Inc. phải chuyển sản xuất sang các quốc gia khác và khiến một số doanh nghiệp phải suy nghĩ lại về việc phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy ở Việt Nam, tờ báo kinh doanh The Wall Street Journal cho biết.
Công ty Nike sản xuất khoảng một nửa số giày dép của mình tại Việt Nam, tuần trước cho biết họ đã mất 10 tuần sản xuất ở đó vì nhà máy ngừng hoạt động. Theo BTIG Llc, một công ty môi giới của Mỹ, mất 10 tuần sản xuất có nghĩa là khoảng 100 triệu đôi giày Nike không được xuất xưởng. Hiện Nike dự đoán nhu cầu các sản phẩm của Nike sẽ vượt quá nguồn cung trong tám tháng tới.
“Kinh nghiệm của chúng tôi về việc đóng cửa nhà máy liên quan đến Covid cho thấy việc mở cửa trở lại và tăng trở lại quy mô sản xuất đầy đủ sẽ mất nhiều thời gian,” ông Matt Friend, Giám đốc tài chính của Nike, cho biết vào tuần trước. Công ty cho biết họ đang tối đa hóa năng lực sản xuất giày dép ở các nước khác và đang chuyển hoạt động sản xuất hàng may mặc ra khỏi Việt Nam sang những nơi như Trung Quốc.
Một cuộc khảo sát do Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tại Việt Nam thực hiện hồi cuối Tháng Tám với gần 100 đại diện của các công ty trong lĩnh vực sản xuất cho thấy một phần năm đã chuyển hoạt động sản xuất sang các nước khác.
Ông Jonathan Moreno, trưởng nhóm phụ trách mảng sản xuất và dây chuyền cung ứng của AmCham, cho biết: “Mọi người đang nhận ra rằng, cho dù là Trung Quốc hay Việt Nam, bạn không nên bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Từ quan điểm chuỗi cung ứng, bạn không nên để dễ bị tổn thương bởi một quốc gia”.
Các doanh nghiệp phương Tây vẫn đang đoán già đoán non về việc khi nào Việt Nam sẽ dỡ bỏ các quy định hạn chế sản xuất, bao gồm cả việc buộc các nhà máy phải cho công nhân của họ sống bên trong cổng để cách ly với xã hội, hoặc trong một số trường hợp, đóng cửa hoàn toàn nhà máy. Trong các tuyên bố công khai, một số quan chức nói rằng các hạn chế sẽ kéo dài đến Tháng Tám hoặc giữa Tháng Chín, nhưng rồi những thời hạn đó trôi qua mà không có bất kỳ sự thay đổi đáng kể nào trong chính sách phong tỏa.
Chính phủ Việt Nam – năm ngoái khá yên tâm với thành công trong việc điều trị Covid-19 cho khoảng 1,500 trường hợp nhờ phong tỏa một phần xã hội – đã rất chậm trễ trong việc đặt mua vaccine, chậm hơn nhiều quốc gia khác. Gần đây Bộ Y tế Việt Nam dường như đã thừa nhận sai lầm về chính sách vaccine, đã làm chậm việc mua vaccine. Ngày nay, mới chỉ có khoảng 9% người Việt Nam được tiêm chủng đầy đủ so với 65% người Cambodia, theo dữ liệu của Our World in Data.
Năm nay, nhà chức trách Việt Nam, mất cảnh giác trước sự bùng phát dữ dội của các đợt dịch mới, đã quay trở lại áp dụng các biện pháp phong tỏa và ngăn chặn. Vào Tháng Sáu và Tháng Bảy, khi có thông tin rõ ràng rằng biến thể Delta của coronavirus đang lây lan rộng trong cộng đồng dân cư nơi có ít hơn 1% dân chúng được tiêm chủng đầy đủ, chính phủ Hà Nội đã áp đặt các hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn trước, gây khó khăn hơn nhiều so với một số quốc gia có lĩnh vực sản xuất lớn khác.
Ở phía Nam của đất nước, nơi tập trung nhiều nhà máy công nghiệp, các công ty muốn tiếp tục hoạt động thì phải thực hiện các quy trình phức tạp, chẳng hạn như thường xuyên xét nghiệm tìm virus trong công nhân hoặc áp dụng biện pháp “ba tại chỗ”, theo đó người lao động phải ăn, ngủ và làm việc ngay trong nhà máy. Các nhà máy sản xuất giày và may mặc lớn với hàng chục nghìn công nhân nhận thấy họ không thể thường xuyên tổ chức xét nghiệm cho mọi người hoặc chu cấp cho quá nhiều người trong nhà máy hoặc trong các ký túc xá. Nhiều nhà máy đã phải ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng với số ít nhân viên.
Một số công ty đang nỗ lực để giảm bớt sự phụ thuộc vào Việt Nam.
Ông Jeremy Hoff, Giám đốc điều hành của Hooker Furniture Corp, công ty sản xuất một phần đáng kể sản phẩm của mình tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi thực sự đã đa dạng hóa khá nhiều ra bên ngoài Việt Nam. Chúng tôi thậm chí còn quay trở lại Trung Quốc khi cần thiết”.
Ông Andrew Rees, Giám đốc điều hành của công ty giày Crocs Inc., cho biết vào giữa Tháng Chín, họ đang chuyển một số hoạt động sản xuất sang các khu vực khác trên thế giới. Ông nói công ty đã có kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Việt Nam và đang bổ sung thêm các cơ sở ở Indonesia và Ấn Độ. “Sự đa dạng hóa đang diễn ra,” ông Rees nói.
Gần đây, các ca bệnh và tử vong do Covid-19 đã bắt đầu giảm ở Việt Nam, mà chính phủ cho rằng đó là kết quả của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt của họ. Các ca nhiễm hàng ngày của Việt Nam đạt đỉnh vào khoảng đầu Tháng Chín, với khoảng 13,000 ca nhiễm mới hàng ngày, nhưng kể từ đó đã giảm xuống còn khoảng 9,000 ca. Tiêm phòng đang được tăng tốc. Khoảng một phần ba dân số hiện đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Nhà chức trách cho biết thành phố Sài Gòn một trung tâm sản xuất, sẽ giảm bớt các hạn chế vào Thứ Sáu, ngày 1 Tháng Mười.
Nhưng các công ty và nhóm kinh doanh cảnh báo rằng ngay cả khi họ được cho phép khởi động lại hoạt động, cũng phải mất nhiều tháng mới phục hồi lại được toàn bộ hoạt động sản xuất. Rất nhiều người lao động đã trở về quê và có thể không muốn quay lại thành thị nếu họ chưa được tiêm phòng. Các công ty cho biết, các hạn chế đi lại liên tỉnh, cấm di chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác có thể tạo ra những trở ngại trầm trọng hơn nữa cho việc bổ sung lực lượng lao động.
Một số nhà phân tích kinh doanh cho biết biện pháp cứng rắn của Việt Nam trong việc đóng cửa nhà máy có thể làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tại Indonesia, một số nhà máy xuất khẩu vẫn tiếp tục hoạt động hết công suất trong đợt Covid-19 năm nay và việc ngừng hoạt động chỉ diễn ra trong thời gian ngắn. Nhà chức trách Trung Quốc đã ngăn chặn sự bùng phát dịch từ trong trứng nước bằng cách xét nghiệm hàng loạt và đóng cửa có mục tiêu các cảng và các nhà máy cụ thể mà không cần thực hiện các đợt đóng cửa kéo dài hàng tháng tại các khu vực sản xuất giống như Việt Nam đã làm.
Những người khác vẫn lạc quan về Việt Nam. Ông Peter Mumford, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của Eurasia Group, một công ty tư vấn về rủi ro chính trị, cho biết bất chấp những khó khăn hiện tại, Việt Nam có những lợi thế dài hạn – bao gồm sự ổn định chính trị tương đối, cởi mở với đầu tư nước ngoài và có biên giới trên bộ với Trung Quốc – điều đó sẽ tiếp tục thu hút các nhà sản xuất.
Tuy nhiên việc phong tỏa kéo dài ở Việt Nam đã bắt đầu làm thay đổi nhận thức về nguồn cung cấp hàng hóa ổn định ở châu Á. “Khi bạn nghĩ về nỗ lực mà mọi người đã bỏ ra để thoát khỏi Trung Quốc để rồi bây giờ một trong những nơi có thể cung cấp hàng hóa cho bạn lại là Trung Quốc – tôi có nghĩa đó là điều thực sự điên rồ,” ông Roger Rawlins, Giám đốc điều hành của Designer Brands Inc., một nhà bán lẻ giày dép ở Bắc Mỹ, nói tại một hội nghị hồi đầu Tháng Chín.
Đọc thêm: