Việt Nam: Giới trẻ có xu hướng bỏ ngang đại học, đi học nghề

Sinh viên theo học nghề đầu bếp tại trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist – Ảnh: Tuổi Trẻ

Để có việc làm, phù hợp với xu thế tuyển dụng cần thợ hơn thầy, một số bạn trẻ đang là sinh viên đại học (ĐH) bỗng bỏ ngang, đi học nghề ở cao đẳng hoặc trung cấp. Một cái vòng luẩn quẩn, chứng tỏ cách đào tạo ở ĐH có vấn đề.

Tuổi Trẻ ngày 1 Tháng Tám 2023 gọi đây là tiến trình “liên thông ngược”, thay vì từ trung cấp, cao đẳng đến ĐH, giờ đây một số bạn trẻ chọn học ĐH rồi chuyển sang các bậc cao đẳng, trung cấp. Có bạn rẽ ngang khi đang còn sinh viên, có bạn tốt nghiệp có bằng cử nhân rồi giấu bằng đi học nghề.

Câu chuyện của bạn trẻ Trịnh Nguyên Phương (24 tuổi, quê Đồng Nai) là một ví dụ. Phương đang học năm thứ ba ĐH Sư Phạm khoa tiếng Anh thì bỏ ngang đi học trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist, mặc cho gia đình phản đối.

Hiện nay, dù chưa tốt nghiệp trường này, Phương đã được nhận làm lễ tân chính thức của một khách sạn ở quận 1, Sài Gòn. Phương chọn làm ca tối và ca khuya để ban ngày tiếp tục hoàn thành một số môn học tại trường trung cấp này để lấy bằng tốt nghiệp.

Còn Hà Phước Nhân (27 tuổi, quê Đà Nẵng) có bằng cử nhân ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành tại trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH). Khi vào làm một công ty lữ hành, Nhân thấy mình thiếu kỹ năng chuyên môn nên đăng ký học thêm khóa hướng dẫn du lịch tại trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist.

Học trung cấp, so sánh với ĐH, Nhân thấy mình được thực hành nhiều hơn. Chẳng hạn phần học về các tuyến điểm du lịch, ở trường trung cấp Nhân được học từ 60-100 tiết, trong khi ở trường ĐH chỉ được học khoảng 30 tiết.

Các kỹ năng xử lý tình huống thực tế cũng được dạy kỹ hơn. Tâm sự với Tuổi Trẻ, Nhân cho rằng học xong ĐH rồi mới học trung cấp không phải là bước lùi, mà chỉ là bản thân đang bổ sung những gì còn thiếu cho nghề nghiệp.

Sinh viên theo học nghề pha chế rượu ở trường Hướng Nghiệp Á Âu – Ảnh: Pinterest

Hiệu trưởng trường cao đẳng Du Lịch Sài Gòn, bà Ngô Thị Quỳnh Xuân cho hay mỗi năm đều có khá nhiều bạn từ các trường ĐH chuyển sang. Có bạn đã tốt nghiệp ĐH, có bạn đang học dở dang. Có bạn chuyển sang học khác ngành, cũng có bạn từng là cử nhân ngành du lịch lại chuyển sang cao đẳng học tiếp ngành du lịch.

Khi bà Xuân tìm hiểu lý do thì được biết các bạn đó muốn học ở bậc cao đẳng, trung cấp vì được thực hành nhiều hơn, ra trường có việc làm sớm hơn.

Lý do tương tự cũng được các bạn đang học ĐH hoặc đã tốt nghiệp ĐH sang học tiếp khoa quản trị nhà hàng khách sạn ở trường Hướng Nghiệp Á Âu chia sẻ.

Bà Phan Diễm Linh, phụ trách ban hướng nghiệp, thuộc trường Hướng Nghiệp Á Âu, cho biết phần lớn các bạn đăng ký học lại ở trường nghề vì muốn thực hành nhiều hơn, hoặc đi sâu vào các mảng như nấu ăn, làm bánh, pha chế, chăm sóc sắc đẹp… để có kinh nghiệm ra kinh doanh riêng sau này.

Còn tại trường cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng, TS Lê Đình Kha, Hiệu trưởng trường, chia sẻ sinh viên mới của trường có nhiều người đang học năm nhất, năm hai ở các trường ĐH rẽ ngang sang học sửa chữa xe hơi, điện, cơ khí.

Theo ông Kha, hầu hết các sinh viên này đều sẽ phải học lại từ đầu, theo chương trình của trường cao đẳng. Riêng các học phần về giáo dục thể chất, nếu sinh viên đó đã hòan thành ở bậc đại học thì có thể được xem xét miễn khi học ở cao đẳng.

Sinh viên học nghề đầu bếp tại trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist – Ảnh: Tuổi Trẻ

TS. Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng trường cao đẳng Viễn Đông, phân tích có khoảng 10% tổng số tân sinh viên vào trường có điểm thi tốt nghiệp THPT thuộc loại khá, có thể vào ĐH nhưng lại chọn học cao đẳng để sớm ra trường đi làm. Các em tính toán trong khi đi làm có thể học lên ĐH nếu thấy cần thiết.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục, kết thúc đợt đăng ký xét tuyển ĐH đợt 1, hơn 300,000 thí sinh bỏ xét tuyển ĐH, chiếm gần 1/3 tổng số thí sinh đã dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT).

Cùng ngày, Lao Động cũng cho biết có một số em sau khi tốt nghiệp THPT tự chọn cho mình con đường vừa học vừa làm chứ không vào ĐH.

Là một trong số hơn 300,000 thí sinh không đăng ký bất kỳ nguyện vọng xét tuyển ĐH nào, Lê Ngọc Ánh – học sinh trường THPT Kỳ Lâm (Hà Tĩnh) cho biết, em sẽ học tiếng Hàn hay Nhật để đi lao động xứ người.

Mặc dù được đánh giá là học sinh giỏi, năm nào cũng nhận được học bổng từ nhà trường, Ngọc Ánh chấp nhận từ bỏ con đường vào học ĐH vì biết gia đình không trả nổi học phí cũng tiền sinh hoạt hằng tháng cho em.

Một nữ sinh khác là Trịnh Thuỳ Linh, học sinh trường THPT C Bình Lục (Hà Nam) cũng lựa chọn con đường du học theo hệ vừa học vừa làm, vì thấy nhiều anh chị khoá trước tốt nghiệp ĐH cũng khó có việc làm như ý.

Linh bộc bạch: “Các trường ĐH danh tiếng thì em không vào được. Còn nếu học ĐH ở các trường loại khá thì điều đó đơn giản. Nhưng học xong mà không xin được việc thì rất phí phạm. Do đó, em đã quyết định học tiếng Đức để đi du học”.

Hiện nữ sinh đang học tiếng Đức để du học Đức ngành quản trị khách sạn.

Thuỳ Linh chọn học tiếng Đức để du học theo hệ vừa học vừa làm – Ảnh: Lao Động

Còn em Lục Gia Hưng, học sinh trung tâm Giáo dục thường xuyên Kim Sơn (Quảng Ninh), dự định sau khi tốt nghiệp trung học sẽ học tiếp một nghề em thấy phù hợp với mình là sửa chữa xe hơi.

Với thực tế cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều, nhận thức của học sinh và gia đình rõ ràng đã có sự thay đổi.

Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, số người học nghề trong năm 2022 nhiều hơn 17% so với mục tiêu. Số lượng tuyển sinh trong năm 2022 của hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước ước đạt 2,448,000 người, đạt 117% kế hoạch đề ra.

Trong đó, các trường cao đẳng tuyển được 236,000 người, đạt 103% kế hoạch; các trường trung cấp tuyển được 312,000 người, đạt 104% kế hoạch.

Trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo khác tuyển được 1.9 triệu người, đạt 122% kế hoạch.

Một số ngành nghề có kết quả tuyển sinh tốt trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp cả nước bao gồm sửa chữa máy tính, công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật, du lịch…

Theo thống kê, con số gần 2.45 triệu người học nghề trong năm 2022 là cao nhất kể từ năm 2018 đến nay.

Dự định trong năm 2023, Bộ Lao động đặt mục tiêu có được 2.6 triệu học viên học nghề, tức tăng hơn 150,000 người so với năm 2022.

Mục tiêu này nhằm gia tăng tỷ lệ lao động đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam, hiện mới chỉ chiếm khoảng 26% tổng lao động trong độ tuổi.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Chứng hôi miệng
Chứng hôi miệng là một tình trạng phổ biến, gây khó chịu cho bản thân, những người xung quanh và thậm chí cô lập xã hội, ảnh hưởng đến mọi…
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: