So với Quý I/2023, tổng số lao động Việt Nam làm hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong Quý II/2023 tăng gấp rưỡi.
VnExpress ngày 19 Tháng Bảy 2023 dẫn con số từ Bộ Lao động đưa ra là 357,500 người, tăng hơn 152,200 người so Quý I/2023.
Trong số đó, số lao động phổ thông chiếm gần 69%; có trình độ đại học 13%; cao đẳng 5.8%; sơ cấp 6.8% và trung cấp 5.4%.
Công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp đông nhất, khoảng 46%; tiếp đến là dịch vụ 31%; nông lâm ngư nghiệp 4.4%; xây dựng 2.7%; bán buôn bán lẻ 2.6%.
Nghề nghiệp có số lao động nộp hồ sơ nhận trợ cấp thất nghiệp đông nhất là công nhân may/thêu, lắp ráp, bán hàng, kỹ thuật viên điện tử và kế toán.
Mất việc, cắt giảm việc làm cũng khiến số lao động rút BHXH một lần tăng cao, hơn 665,000 người trong sáu tháng qua, theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Xét riêng quý II, lượng người rút BHXH một lần tăng gần 1.5 lần so với Quý I.
Lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp, rút BHXH một lần tăng mạnh, phản ảnh thực trạng nhiều công ty đang mất đơn hàng, phải cắt giảm lao động, kéo dài từ giữa năm 2022 đến nay.
Thống kê giai đoạn 2016-2022, gần 4.85 triệu người đã rời bỏ hệ thống an sinh xã hội. Trong số này, chỉ có 1.3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; còn gần 3.55 triệu người “gia nhập đội ngũ làm nghề tự do”. Đáng chú ý, trong số này có 907,000 lao động từng rút hai lượt BHXH một lần; hơn 61,000 người rút ba lượt BHXH một lần.
Cũng VnExpress ngày 18 Tháng Bảy cho biết có gần 19,000 công chức, viên chức (đa số ở Hà Nội và Sài Gòn), tự nghỉ việc trong một năm, từ Tháng Bảy 2022 đến hết Tháng Sáu 2023. Số công chức, viên chức tự nghỉ việc này tăng gần 260 người mỗi tháng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số gần 19,000 người có 1,967 công chức, còn lại là viên chức, đa số đang làm việc trong ngành giáo dục và y tế và trong độ tuổi dưới 50, gần 50% có trình độ đại học và 16% có trình độ thạc sĩ.
Năm 2022, Việt Nam có 16,000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành. Lĩnh vực y tế đã có gần 10,000 nhân viên tại các cơ sở công lập chuyển sang tư nhân từ đầu năm 2021 đến hết Tháng Sáu 2022.
Tình trạng nhiều công chức, viên chức rời bỏ cơ quan nhà nước diễn ra từ năm 2020 đến nay và có xu hướng tăng. Nếu tính từ đầu năm 2020 đến giữa 2022, Việt Nam có 39,500 cán bộ, công chức, viên chức tự nghỉ việc để chuyển sang làm việc ở khu vực tư nhân.
Dưới thông tin của VnExpress có rất nhiều bình luận của độc giả, cho thấy bức tranh ảm đạm của thị trường lao động Việt Nam. Đa số ý kiến đều cho rằng việc rút BHXH một lần là đúng (theo luật là sau khi nghỉ việc liên tục một năm mà vẫn chưa có việc mới thì mới được lãnh BHXH một lần), vì nếu chờ đến tuổi hưu mới nhận – có khi vài chục năm sau, thì chẳng còn giá trị gì do đồng tiền mất giá, hơn nữa đã bị nghỉ việc thì ai cũng khốn khó, cần tiền.
Bên cạnh đó, lao động Việt thiếu niềm tin vào chính sách bảo hiểm xã hội của nhà cầm quyền, họ sợ nếu không rút nhanh thì quỹ BHXH bị vỡ, họ sẽ bị mất.
Cũng theo luật, chỉ những lao động đóng BHXH dưới 20 năm mới được rút BHXH một lần, vì thế những người bị mất việc trước tuổi nghỉ hưu mà đã đóng tiền BHXH hơn 20 năm thì bắt buộc phải chờ.
Một độc giả tên Tuan Vu cho biết: “Tôi 51 tuổi, 30 năm đóng bảo hiểm. Giờ thất nghiệp mà phải chờ thêm 12 năm nữa mới được hưởng lương hưu, hiện chỉ được hưởng trợ cấp thất nghiệp một năm. Vậy trong chục năm còn lại nếu không kiếm nổi việc làm thì biết trông vào đâu??? Nếu được lấy một cục thì tôi cũng lấy!!!”.
Độc giả Trần Phong trả lời Tuan Vu, đồng thời đặt ra vấn đề khác: “Anh may mắn là đã đóng đủ 30 năm. Còn hàng nghìn lao động khác, họ không thể kiếm được việc làm khi bị cho thôi việc ở tuổi 45 trở đi, quãng thời gian còn lại, làm gì để có thể đóng tiếp thì BHXH không đề cập tới. Và nữa, cứ cho là họ có thể chờ thêm 15 năm nữa để lĩnh lương hưu, nhưng với mức đóng thấp và thời gian đóng ngắn, lương hưu liệu có đủ mua gạo, mua rau?”.
Ngoài ra, những độc giả đang còn làm việc cũng phản ảnh thực trạng “chết lâm sàng” của một số công ty: “Kinh tế khó khăn , thất nghiệp tăng, phòng Kỹ thuật tôi 17 người nghỉ hết 15 người. Ở lại giảm 50% lương nhưng tới nay 4 – 5 tháng rồi chưa có lương. Người lao động nghỉ để hưởng trợ cấp thất nghiệp chắc nhanh hơn lương tháng ở một số công ty” (khaithinh2014);
“Tôi đang làm việc tại Bình Dương , tại đây vài tháng nay có khá nhiều công ty đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự! Đợt cắt giảm tiếp theo này của các công ty phản ảnh thiếu đơn hàng ở mức trầm trọng hơn! Không ít công nhân về quê khi thị trường lao động khó khăn như hiện tại!” (Quốc Trung);
“Bên Trung Quốc lao động 55-65 tuổi vẫn nhận vào làm việc, không cần giấy tờ gì chủ nhận vào hết. Thu nhập bình quân của lao động phổ thông chân tay cũng trên 15 triệu. Trung Quốc có rất nhiều làng nghề, làm đủ loại từ gốm sứ, inox, bánh kẹo – giấy… Nói chung là dễ dàng kiếm việc làm, không có chuyện thanh niên lêu lổng cướp giật.
Còn bên mình thì giấy tờ bằng cấp đủ thứ, chỉ tuyển từ 18-25 hoặc 18-33. Những lao động qua 36 tuổi thường làm những công việc nặng độc hại như gỗ, sơn, bảo vệ, có mức lương thấp… Vấn đề ở đây là cần tạo ra nhiều công ăn việc làm chứ thất nghiệp ở tuổi 36 thì họ phải rút BHXH một lần để chi phí sinh hoạt là bình thường. Cái quy định độ tuổi nghỉ hưu là không phù hợp, nó chỉ phù hợp văn phòng, cơ quan nhà nước…” (Lời Nói Dối);
“Tôi làm nghề xây dựng. Công việc nay đây mai đó. Ngày xưa đi làm không để ý, đến lúc nghỉ việc mới biết là doanh nghiệp lừa-không đóng BHXH cho. Trải qua một vài công ty tôi đều bị quỵt BHXH. Đến bây giờ trải qua gần 20 năm nghề nhưng mới đóng BHXH được 10 năm, trong khi tuổi đã gần U50 rồi. Sau này xác định không có lương hưu mà chỉ rút BHXH một lần thôi” (phung.thehiep2309);
Bình luận về việc công chức, viên chức nghỉ việc tăng thì đa số độc giả cũng tán đồng. Có người thừa nhận từng làm việc trong hệ thống nhà nước nhưng nghỉ việc ra làm tự do thấy cuộc sống tốt hơn và chưa bao giờ hối hận: “Tôi đã nghỉ được hơn ba năm, mặc dù lương nơi tôi từng làm viên chức thuộc vào hàng cao nhất thành phố, nhưng chưa bao giờ tôi hối hận với quyết định của mình” ($trungle);
“Tôi bỏ được gần 10 năm, lập doanh nghiệp riêng. Long đong gây dựng mất 5 năm, lại gặp dịch 2 năm. Nhưng đến bây giờ tôi vẫn thấy mình may mắn vì có quyết định đúng” (John Đi bộ); “Tôi cũng đã nghỉ vì quá mệt mỏi, áp lực, mặc dù ước mơ làm nghề giáo từ nhỏ, tôi đành rời xa bục giảng vì không còn nhiệt huyết nữa” (leminhviet7654321).