Phỉnh, hay còn gọi là Poker, là một trò chơi bài đầy mưu mẹo, nơi người chơi không chỉ dựa vào may mắn mà còn sử dụng các chiến thuật tâm lý để lừa đối thủ, đánh cược vào sự tin tưởng và đánh bại họ.
Có vẻ như Phạm Nhật Vượng, vị tỷ phú của VinGroup, đã sử dụng các con số doanh số xe điện và tăng trưởng cao như những lá bài “phỉnh” để đánh lừa tâm lý nhà đầu tư, tung ra những con số tăng trưởng ấn tượng trên truyền thông Việt Nam cũng những thông tin có lợi cho hãng.
Trong công bố báo chí vừa được đăng tải lên truyền thông Việt Nam, VinFast tiết lộ doanh số xe điện nửa đầu năm 2024 là 21,747 xe nhưng lại không cho biết bao nhiêu phần trăm là bán cho GSM và các công ty liên quan tập đoàn.
Như vậy, doanh số xe VF quý 2/2024 là 12,058 xe, tăng mạnh 24% so với quý I nhưng có thể một phần lớn là do GSM đã đặt trước trong Quý 1, 2024.
Báo cáo Hợp nhất Q1/2024 của Vingroup (VIC) cho thấy khoản phải thu của VinFast từ GSM lên tới 3,200 tỷ VNĐ, chiếm tới 60% tổng doanh thu Quý 1 của VinFast từ GSM là 5,400 tỷ VNĐ. Khoản phải thu là khoản mà GSM còn nợ VinFast và phải thanh toán sau quý một. Tổng doanh thu từ GSM của VinFast trong Quý 1/2024 cũng chiếm tới 74%, cao hơn con số 56% doanh số VinFast bán GSM và các bên liên quan.
Thêm một chi tiết là 75% doanh số của VinFast Quý 1, 2024 chủ yếu đến từ các hãng xe taxi, bao gồm cả GSM. Như vậy, có thể thấy rằng VinFast đã ăn gian khi tính cả lượng xe cho thuê mới vào doanh số, chiếm tới gần 18%, vì các hãng taxi khai thác xe điện của VinFast với hình thức chủ yếu là thuê xe.
Doanh số xe VF Quý 2 2024 cũng đánh dấu mức tăng trưởng 92% so với cùng kỳ năm ngoái là 11,638 xe cũng không có nhiều ý nghĩa.
VinFast đã công bố doanh số xe điện trong Quý 1, 2024 tăng trưởng ấn tượng 444% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, con số này có vẻ hào nhoáng hơn thực tế. Bởi Quý 1, 2023, VinFast mới bắt đầu chuyển đổi sản xuất sang xe điện và chỉ bán được 1,689 xe. Do đó, con số tăng trưởng hơn 400% này không có có gì là tăng trưởng đột biến.
Cũng tương tự, doanh số xe điện của VinFast trong nửa đầu năm 2023 là gần 11,600 xe. Nhưng doanh số Quý 2, 2023 tăng đột biến so với Quý 1 cũng không phải là điều đáng ngạc nhiên. Bởi Quý 2, 2023 là thời điểm VinFast bắt đầu nhồi doanh số vào hãng taxi GSM của ông Vượng, khi GSM đã nhận 7,100 xe từ VinFast, chiếm hơn 61% doanh số bán ra trong nửa đầu năm 2023.
VinFast cắt giảm mục tiêu 20% trong bối cảnh tình hình tài chính và quá trình mở rộng thị trường nhiều tin xấu.
Một thông tin đáng chú ý là VF đã cắt giảm mục tiêu doanh số cả năm từ 100,000 xe xuống còn 80,000 xe với lý do được phía VinFast đưa ra là “Việc điều chỉnh mục tiêu nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững cho VinFast trong bối cảnh kinh tế biến động. Công ty sẽ tập trung triển khai kế hoạch mở rộng thận trọng hơn nhằm tận dụng các cơ hội tại một số thị trường chủ lực giàu tiềm năng, tối ưu quản lý chi phí và nguồn lực, nâng cao hiệu quả hoạt động – kinh doanh.”
Như vậy, trong năm tháng còn lại, VF phải còn cần phải đạt doanh số hơn 58,200 xe, tức xấp xỉ 2.7 lần doanh số nửa đầu 2024. Đây có thể được coi là một mục tiêu không tưởng với dữ liệu lịch sử tăng trưởng của VinFast. Đây cũng là một mức mục tiêu rủi ro cao về mặt pháp lý khi VinFast đang bị một loạt các công ty luật lớn ở Mỹ khởi kiện vì đã công bố quá mức năng lực tài chính, sản xuất để đặt ra mục tiêu doanh số quá khả năng và gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư.
Thông tin giảm mục tiêu doanh số được chú ý một cách “quan ngại” khi VinFast cũng như VinGroup trước đó đã một loạt các tin tức không tốt về tình hình nợ nần tài chính và khó khăn trong việc mở rộng nhiều thị trường.
Mới đây, VinFast đã lần thứ ba liên tiếp hoãn việc xây dựng nhà máy $4 tỷ ở tiểu bang North Carolina, tới tận năm 2028 trước sự nghi ngại về năng lực tài chính của VinFast từ truyền thông tiểu bang North Carolina. Trước đó, theo Reuters cho biết VinFast thúc giục thủ hiến tiểu bang North Carolina vận động hành lang cho khoản vay $1.2 tỷ từ chương trình sản xuất xe công nghệ tiên tiến (AVTM) do Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ quản lý với nguồn vốn $25 tỷ, nhưng chưa thành công.
Kế hoạch xây dựng nhà máy ở Indonesia cũng được đánh giá và mơ hồ thiếu khả thi khi mới đây, VinFast cũng đã phải công bố đang tìm cách vay $250 triệu từ các ngân hàng Indonesia để có tiền xây dựng nhà máy ở thị trường xe hơi số 1 Đông Nam Á này.
Việc VinFast công bố đại lý bán xe đầu tiên ở quốc gia vạn đảo này cũng để lại nhiều nghi hoặc cho rằng đây không phải là dealer địa phương khi cộng đồng mạng phát hiện tại địa chỉ đại lý ở Indonesia trước đó 1 tháng vẫn còn là một cửa hàng nội thất và một cửa hàng bán xe hơi cũ. Giám đốc của đại lý Pt Gallerie Setia Utama là Leo Hendrik Ranti cũng bị nghi ngờ là người của VinFast có thông tin làm ở đại lý Indonesia từ Tháng Giêng năm 2024 nhưng đã đăng tải các hình ảnh VinFast từ tháng 12 trước đó. Điều này cho thấy rằng thực tế VinFast hoàn toàn không gây được sự chú ý từ các dealer ở Indonesia.
Tình hình tài chính và nợ của VinFast và VinGroup cũng không khá khẩm hơn khi mới đây, VinGroup đã phải thanh toán trước hạn $250 triệu của một nửa số trái phiếu quốc tế với lãi suất 3%/năm có giá trị lên tới $500 triệu.
Như vậy, có thể thấy rằng việc tung ra các con số xe điện bán được nửa đầu năm 2024 và những thông tin kế hoạch mở rộng thị trường và quy mô sản xuất “sáo rỗng” chỉ là những lá bài “phỉnh” của ông Phạm Nhật Vượng để đánh lạc hướng các nhà đầu tư. Việc báo cáo thiếu thông tin và kiến thức trên chỉ để vẽ nên một viễn cảnh tăng trưởng ảo tưởng mà lấp liếm đi các thực tế tài chính khủng hoảng và kế hoạch mở rộng thị trường mơ hồ và bất khả thi.