Vinhomes vừa nộp đơn xin đăng ký mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ VHM lên Ủy Ban Chứng Khoán Nhà Nước sau hai tháng công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu quỹ.
Dự kiến nếu mua lại thành công toàn bộ số cổ phiếu quỹ, thương vụ này sẽ tiêu tốn hơn 16,000 tỷ VNĐ. Hiện tại, lượng tiền mặt của Vinhomes tính tới Tháng Sáu, 2024 có hơn 17,000 tỷ VNĐ. Nếu thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ thành công, lượng tiền mặt của Vinhomes sẽ giảm mạnh, chỉ còn khoảng 1,000 tỷ VNĐ.
Vì sao Vinhomes phải ‘liều mình’ mua lượng lớn cổ phiếu quỹ?
Kể từ năm 2017 đến nay, đây sẽ là lần đầu tiên lượng tiền mặt của Vinhomes xuống dưới 2,000 tỷ VNĐ.
Thời gian giao dịch mua lại cổ phiếu quỹ của Vinhomes dự kiến diễn ra trong một tháng, từ ngày 23 Tháng Mười đến 21 Tháng Mười Một, thông qua phương thức khớp lệnh trên sàn hoặc thỏa thuận ngoài sàn giao dịch. Nếu chỉ thực hiện khớp lệnh trên thị trường, Vinhomes sẽ phải mua 370 triệu cổ phiếu trong vòng một tháng.
Tuy nhiên, dữ liệu lịch sử cho thấy khối lượng khớp lệnh trung bình của VHM trong Tháng Tám và Tháng Chín (giai đoạn giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất, gần 29%, do ảnh hưởng của thông tin mua lại cổ phiếu quỹ) chỉ đạt gần 249 triệu cổ phiếu (bao gồm cả mua và bán). Như vậy, ngay cả trong điều kiện thị trường sôi động, việc mua đủ 370 triệu cổ phiếu quỹ thông qua khớp lệnh cũng là một thách thức lớn.
Việc Vinhomes dự kiến mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ, nếu được thực hiện và hủy bỏ, sẽ trở thành thương vụ lớn nhất từ trước đến nay trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Quy mô chưa từng có của thương vụ này khiến giới chuyên môn đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ thực sự của Vinhomes.
Rõ ràng, không một doanh nghiệp nào lại tự đẩy mình vào tình thế tài chính bất lợi chỉ để mang lại lợi ích nhỏ cho cổ đông, đặc biệt là trong bối cảnh nợ đang chồng chất và dòng tiền eo hẹp như hiện nay của Vinhomes. Phải chăng, có một vấn đề cấp bách nào đó đang buộc Vinhomes phải thực hiện thương vụ đầy rủi ro này?
Nhiều chuyên gia thị trường phát hiện ra hai tổ chức nước ngoài là GIC (Singapore) và Viking Asia Holdings đang nắm giữ hơn 370 triệu cổ phiếu VHM. Từ đầu năm đến nay, nhiều tổ chức nước ngoài, bao gồm SK và Blackrock, đã rút khỏi cổ phiếu Vinhomes và VinGroup do lo ngại về tình hình tài chính của tập đoàn, đặc biệt là khoản lỗ nặng nề từ VinFast.
Vì thế, có thể Vinhomes có một thỏa thuận buộc phải mua lại cổ phiếu từ hai tổ chức này. Vì xét đến tình hình tài chính hiện tại, Vinhomes khó có thể tự nguyện bỏ ra một khoản tiền lớn để mua lại cổ phiếu quỹ và hủy bỏ.
Đáng chú ý, trong khi nguồn tiền mặt có nguy cơ giảm mạnh, các khoản vay của Vinhomes lại đang gia tăng. Vay ngắn hạn trong nửa đầu năm 2024 đã tăng 41.62% so với cùng kỳ năm trước, lên 25,900 tỷ VNĐ. Tổng vay ngắn hạn và dài hạn cũng tăng hơn 24.3%, đạt hơn 70,500 tỷ VNĐ.
Điều này dẫn đến chi phí lãi vay, tức tiền lãi suất vay Vinhomes phải trả, tăng mạnh, vượt 128% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt hơn 3,100 tỷ VNĐ. Mức tăng chi phí lãi vay cao hơn mức tăng khoản vay cho thấy Vinhomes có thể đang bị “lãi mẹ đẻ lãi con” do phải vay nợ mới có lãi suất cao hơn để trả nợ cũ.
Bên cạnh đó, Vinhomes còn phải đối mặt với nhu cầu vốn lớn để triển khai các dự án quy mô lớn như Vinhomes Vũ Yên, Cổ Loa … cùng với việc hỗ trợ tài chính cho hãng xe “xác Tàu mác Việt” VinFast.
Việc mua lại cổ phiếu quỹ, dù có thể tác động tích cực đến giá cổ phiếu VHM, nhưng lại đặt ra nhiều rủi ro về tài chính cho Vinhomes, đặc biệt trong bối cảnh nguồn tiền mặt có thể bị thu hẹp đáng kể và các khoản nợ đang tăng cao.
Cụ thể, theo Luật Chứng Khoán hiện hành, cổ phiếu quỹ sau khi mua lại sẽ phải hủy niêm yết làm giảm số lượng cổ phiếu lưu hành trên thị trường. Điều này dẫn đến việc lợi nhuận của doanh nghiệp được chia cho ít cổ phiếu hơn, từ đó làm tăng chỉ số EPS (Earning Per Share – lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu).
Theo tính toán trên sổ sách kế toán, việc mua lại 370 triệu cổ phiếu quỹ sẽ giúp EPS của VHM tăng khoảng 9%, và điều này đồng nghĩa với việc, về mặt lý thuyết, giá cổ phiếu cũng sẽ tăng ít nhất 9%.
Tuy nhiên, mức tăng này được xem là quá ít ỏi so với rủi ro mất thanh khoản tiền mặt mà Vinhomes phải đối mặt, đồng thời lợi ích mang lại cho cổ đông cũng không tương xứng với quy mô của thương vụ. Hơn nữa, mức tăng giá này chỉ mang tính chất kỹ thuật trên sổ sách kế toán, không phản ánh hiệu quả kinh doanh thực tế của doanh nghiệp.
Báo cáo tài chính quý 2/2024 của Vinhomes cho thấy VinGroup đã sử dụng cổ phiếu của công ty con để thế chấp cho khoản trái phiếu 2,400 tỷ VNĐ với lãi suất 12%/năm.
Đồng thời, báo cáo tài chính quý 2/2024 của VinGroup cũng tiết lộ 4 khoản vay với tổng giá trị 26,700 tỷ VNĐ đang bị yêu cầu bổ sung tài sản đảm bảo do giá trị tài sản thế chấp (bao gồm cả cổ phiếu công ty con) giảm xuống dưới mức tối thiểu theo thỏa thuận.
Mặc dù VinGroup không công bố rõ danh tính công ty con được sử dụng làm tài sản đảm bảo, nhưng nhiều khả năng VHM chiếm một phần đáng kể.
Nói cách khác, việc giá cổ phiếu VHM giảm mạnh có thể khiến các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu này bị thanh lý, gây áp lực bán tháo cổ phiếu và tạo ra vòng xoáy giảm giá.
Do đó, động thái mua lại cổ phiếu quỹ có thể được xem là một cách để Vinhomes vừa “tung hỏa mù” hỗ trợ giá cổ phiếu VHM, vừa ngăn chặn nguy cơ bán tháo từ hai tổ chức nước ngoài là GIC và Viking Asia Holdings, đồng thời xoa dịu áp lực tài chính.
Bởi nếu GIC và Viking bán ra lượng lớn cổ phiếu, giá VHM sẽ giảm mạnh, kích hoạt hiệu ứng domino: các khoản vay thế chấp bằng cổ phiếu VHM bị thanh lý, tạo thêm áp lực bán và đẩy giá xuống sâu hơn, đẩy Vinhomes vào vòng xoáy khủng hoảng tài chính.
Tiền đâu để mua hơn 370 triệu cổ phiếu quỹ?
Vinhomes tuyên bố sẽ sử dụng tiền thu được từ việc bán sỉ các dự án Vinhomes Đảo Hoàng Gia tại Vũ Yên, Hải Phòng và Vinhomes Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội để tài trợ cho thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ. Tuy nhiên, việc này giống như “đếm cua trong lỗ,” bởi các dự án này chưa được bán mà Vinhomes đã tính toán sử dụng nguồn tiền từ đó.
Nhiều người cho rằng VinGroup đang gặp khó khăn về tài chính, bằng chứng là việc quảng cáo rầm rộ dự án Vinhomes Cổ Loa để thu hút nhà đầu tư, trong khi dự án Vinhomes Ocean Park vẫn còn nhiều khách hàng đang phải gồng lỗ vì mua phải giá cao không thể bán lại, thậm chí một bộ phận còn phải khởi kiện ra tòa án để đòi lại công bằng sau những cáo buộc VinGroup lừa đảo ước tính hơn $1 tỷ.
Nếu thực sự muốn bán sỉ dự án, Vinhomes hoàn toàn có thể thực hiện một cách âm thầm, tương tự như thương vụ bán SV Holding cho MIK, thu về 5,248 tỷ VNĐ chỉ sau 1 tuần thành lập, hay NVY Việt Nam – công ty con đầu tư thứ cấp vào Vinhomes Đảo Hoàng Gia tại Vũ Yên, Hải Phòng – cho một đối tác ẩn danh, mang về doanh thu tài chính hơn 9,000 tỷ VNĐ gần đây. Việc quảng bá rầm rộ, thậm chí là những chi tiết nhỏ như việc đăng ký xây dựng cầu nối cho dự án Cổ Loa, cho thấy VinGroup đang rất cần thu hút sự chú ý và dòng tiền từ nhà đầu tư.
Nếu ông Phạm Nhật Vượng không thể xoay sở đủ tiền để mua lại cổ phiếu quỹ, thương vụ này có nguy cơ trở thành một “cú lừa” lớn trên thị trường chứng khoán. Ngược lại, nếu thương vụ thành công, đó có thể là dấu hiệu cho thấy tình hình tài chính của VinGroup đang xấu đi và tập đoàn đang phải tìm mọi cách để cứu vãn.