Đó là lời khẳng định của thiếu tướng Nguyễn Văn Thành, Phó cục trưởng C03, nói trước đại diện truyền thông, báo chí trong buổi họp báo thông tin về tình hình, kết quả điều tra vụ án Vạn Thịnh Phát, chiều ngày 2 Tháng Mười.
Theo thiếu tướng Thành, trong vụ án này, Vạn Thịnh Phát đã lừa đảo, chiếm đoạt hơn 30.000 tỉ đồng của hơn 42.000 nhà đầu tư. Ông nói:
“Đây là số lượng bị hại rất lớn. Do vậy, cơ quan điều tra đã có ủy thác cho công an các tỉnh, thành phố làm việc với các bị hại. Đồng thời, qua cuộc họp báo này, chúng tôi đề nghị các nhà đầu tư sớm đến các cơ quan điều tra làm việc, giúp cơ quan điều tra hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu. Hơn 42.000 bị hại sẽ được bảo vệ quyền lợi”.
“Các nhà đầu tư do thiếu thông tin, bỏ ra số tiền rất lớn mua trái phiếu, có nhiều khoản tiền họ rất khó khăn mới có được. Do vậy, phương châm của cơ quan điều tra là sẽ bảo vệ bị hại, thu hồi triệt để bằng mọi biện pháp”, thiếu tướng Thành cho biết thêm.
Theo điều tra, C03 xác định từ năm 2018 – 2020, các bị can có liên quan tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư An Đông, Công ty cổ phần đầu tư Quang Thuận, Công ty cổ phần dịch vụ thương mại TP.HCM, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Sunny World và các tổ chức khác đã có hành vi gian dối, tạo lập 25 gói trái phiếu mã ADC-2018.09, ADC-2018.09.1, ADC-2019.01, QT-2018.12.1, SNWCH1823001 và 20 mã số hiệu từ SET.H2025.01 đến SET.H2025.20 với tổng giá trị 30.081 tỷ đồng để bán cho người mua, huy động tiền và chiếm đoạt.
C03 đề nghị ai còn dư nợ trái phiếu của 25 gói trái phiếu kể trên, đến công an nơi cư trú hoặc nơi làm hợp đồng mua bán trái phiếu để cung cấp thông tin, tài liệu, hợp đồng liên quan.
Theo C03, nếu bị hại không đến làm việc, cung cấp tài liệu, thông tin trước thời điểm kết thúc điều tra vụ án thì C03 không xem xét giải quyết.
Tuy nhiên, trong số 42.000 nhà đầu tư và cũng là bị hại trong vụ án này, có nhiều người không muốn ra cơ quan điều tra khai báo số tiền họ đã mua trái phiếu, vì nhiều nguyên nhân.
Một luật sư giấu tên nhận định:
“Có thể họ sợ khi khai báo một số tiền lớn, họ sẽ bị công an hỏi nguồn gốc số tiền đó từ đâu. Từ đó ‘bể’ ra những chuyện làm ăn không lấy gì trong sáng của họ. Thời buổi này làm ăn đàng hoàng làm sao giàu được, phải có ‘chung chi’, có ‘hối lộ’ thì mọi việc mới trôi chảy. Tiền đã mất rồi, giờ còn bị lôi ra thêm những vụ khác thì không chừng vào tù chung với bà Lan thì khổ”.
Nhiều người không thể quên, vào đầu Tháng Mười năm 2022, cùng bị bắt chung với bà Trương Mỹ Lan, còn có bà Tống Thị Thanh Hoàng, phó tổng giám đốc công ty Cổ Phần Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát, và bà Nguyễn Phương Hồng, trợ lý công ty Cổ Phần Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát.
Danh sách bị bắt còn có tên ông Nguyễn Tiến Thành (chồng bà Hoàng), chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty Cổ Phần Chứng Khoán Tân Việt (TVSI), thành viên Hội Đồng Quản Trị độc lập ngân hàng Thương Mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB). Tuy nhiên, trước đó một ngày, ngày 7 Tháng Mười, ông Thành được cho là “đột quỵ tại nhà” và tử vong ngay sau đó, khi mới 50 tuổi, và rất khỏe mạnh.
Đến ngày 10 Tháng mười, bà Nguyễn Phương Hồng cũng “đột ngột qua đời” trong trại tạm giam, thi thể được trả lại cho gia đình bà Hồng để làm lễ an táng.
Hai cái chết đột ngột đó làm nhiều nhà đầu tư lớn lo sợ rằng, nếu hành động không khéo, người kế tiếp “đột ngột ra đi” là chính họ.
Ngay Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng nêu nghi vấn của họ về những cái chết đột ngột như thế này. Trong báo cáo nhân quyền năm 2022, được công bố ngày 20 Tháng Ba năm 2023, có đề cập đến cái chết bất thường của bà Nguyễn Phương Hồng, và 5 trường hợp tử vong đột ngột khác khi bị công an giam giữ.
Báo cáo viết: “Chính quyền hoặc các đặc vụ của họ đã thực hiện các vụ giết người tùy tiện hoặc trái pháp luật. Truyền thông nhà nước đưa tin ít nhất về vụ 6 người tử vong trong khi bị giam giữ này, nhưng nhà chức trách cho rằng những cái chết này là do tự tử hoặc do các vấn đề sức khỏe”.
Báo cáo cho biết: “Có những thông tin đáng tin cậy rằng các thành viên của lực lượng an ninh đã thực hiện nhiều hành vi lạm quyền”.