Ngày 28 Tháng Tám, Hội đồng xét xử TAND TP Hà Nội đã tuyên án với 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu. Liên quan đến quyền lợi những khách hàng đã mua vé trở về Việt Nam trên các chuyến bay combo, tòa án xác định “dành quyền khởi kiện cho người mua vé máy bay đối với các đơn vị tổ chức chuyến bay, thu tiền”, vì đây là vụ án dân sự.
Nghe thì có lý, nhưng theo đánh giá của một số luật sư thì đây là một sự sắp đặt ngay lúc khởi tố vụ án “chuyến bay giải cứu”.
Cả hệ thống tư pháp Việt Nam gồm tòa án và Viện kiểm sát đã thống nhất không xét đến quyền lợi của hàng chục ngàn người bị hại, là những khách hàng bị ép phải mua vé về nước trên những chuyến bay combo với giá mắc gấp 3, 4 lần, thậm chí mắc gấp 10 lần giá bình thường.
Thế nên, vụ án này chỉ khởi tố tội đưa hối lộ, tội môi giới, và tội nhận hối lộ mà thôi. Chuyện tiền ở đâu để các bị cáo thực hiện hành vi này không được nhắc đến. Theo kết luận điều tra, việc hành khách mua vé quá đắt không phải là hành vi hối lộ, nếu thấy đã phải mua vé mắc hơn quy định của nhà nước thì hành khách có thể yêu cầu nơi bán vé trả lại tiền chênh lệch. Nếu họ không trả thì thưa họ ra tòa dân sự.
Tuy nhiên, theo phân tích của luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp, giá vé máy bay và các dịch vụ khác sẽ biến động theo giá thị trường. Thêm nữa, nhà nước không quy định giá trần, nên doanh nghiệp bán vé muốn nói giá bao nhiêu cũng được, miễn có người đồng ý mua là được. Đó là thỏa thuận dân sự. Do đó rất khó để xác định trách nhiệm hoàn trả tiền của các doanh nghiệp đã thu tiền dịch vụ của công dân về nước.
Theo luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM), muốn đòi tiền, khách hàng phải chứng minh được thiệt hại bằng các chứng từ. Tuy nhiên, có đầy đủ chứng từ vẫn chưa xong, để đòi được thiệt hại thì phải xác định được sự có lỗi trong giao dịch của bên bán vé máy bay. Về phía đơn vị tổ chức chuyến bay vì trục lợi mà đẩy chi phí lên cao nên thỏa thuận đó không ngang bằng và bất hợp pháp.
Để thực hiện việc khởi kiện thì người khởi kiện phải có nghĩa vụ chứng minh quan hệ dân sự đó bị vô hiệu do lừa dối, bị ép buộc. Vì ở vào hoàn cảnh không thể có lựa chọn khác nên khách bay phải mua vé với giá quá đắt, vượt mức thông thường. Như vậy, họ phải chứng minh sự “quá đắt” đó dựa trên sự so sánh.
Thế nhưng, do vé máy bay không có giá trần nên không có gì so sánh để cho rằng nó là một giá “cắt cổ”.
Ngoài ra, để chứng minh phần thiệt hại của mình thì khách bay phải có các chứng từ giấy tờ thể hiện đã nộp tiền, mà là toàn bộ các khoản tiền đã nộp để có được vé máy bay có thể phải gồm tiền mua vé máy bay và phần tiền khác.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, luật sư Trương Anh Tú cho rằng thực tế việc kiện đòi lại tiền là rất khó. Ông nói:
“Vấn đề này phải được giải quyết theo cấu trúc tư duy ngay từ lúc khởi tố điều tra, chứ đến thời điểm này thì rất khó. Hơn nữa không thể nào một người dân nộp 1.000 USD, 2.000 USD mà có thể vận hành cả một chương trình khởi kiện dân sự”.
Đặc biệt, việc này không gộp chung tất cả hành khách thành một vụ được, mà mỗi người phải là một vụ kiện riêng. Ông phân tích thêm:
“Hàng chục nghìn hành khách, hàng chục nghìn vụ kiện như vậy tòa án sẽ quá tải, còn người dân không đủ sức, rơi vào tình trạng một tiền gà ba tiền thóc. Nếu người dân tự làm thì không biết làm kiểu gì, thời gian đâu, nếu mời luật sư thì không đủ chi phí”.