YouTuber Dưa Leo bị bắt và phạt tiền vì nói “sai sự thật”

Dưa Leo – Nguyễn Phúc Gia Huy (ảnh Facebook)

Nghệ sĩ hài độc thoại Dưa Leo, tên thật là Nguyễn Phúc Gia Huy, 41 tuổi, vừa bị Công an quận 10, TP.HCM, đưa đi thẩm vấn suốt nhiều giờ và kết thúc bằng một văn bản phạt hành chính với số tiền 7.5 triệu đồng.

Trong một bản tin rập khuôn xuất hiện trên hầu hết các tờ báo trong nước, những dòng ngắn ngủi và sơ sài, cho biết “Ngày 18/8, Công an quận 10 (TPHCM) cho biết, đơn vị đã xử phạt hành chính với Nguyễn Phúc Gia Huy (còn gọi là YouTuber Dưa Leo hay nghệ sĩ hài độc thoại, 41 tuổi) về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật theo điểm a, khoản 1, điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, với số tiền là 7,5 triệu đồng”.

Tuy nhiên bản tin của công an đưa ra, không nói rõ là ông Dưa Leo bị phạt ở những bài viết hay video cụ thể nào. Một người quen của ông Dưa Leo nói hầu hết các bài nói chuyện video trên kênh YouTube có tên Dưa Leo dù có vẻ là bình thường, nhưng vẫn chạm vào lằn ranh của những vấn đề nhạy cảm, nhưng khéo léo không đi quá. Chính vì điều này mà số đông những người theo dõi trẻ trong nước rất thích và ủng hộ, do tìm thấy các ngôn từ lý giải và phân tích mang tính khai phóng.

Dưa Leo ở Công an quận 10 (ảnh: Tuổi Trẻ)

Ba bản video gần đây trên kênh Dưa Leo được các nhà quan sát thời sự giấu tên nhận định, có thể là nguyên nhân của sự việc thẩm vấn và xử phạt lần này, là ba bản nói về sự kiện Chuyến bay giải cứu. Đó là Vì sao họ ác với đồng bào, Chuyến bay giải cứu: Khi nào trả tiền cho dân, và Tài sản 29 tỷ: Gia cảnh khó khăn?. Việc vạch trần sai trái và chỉ trích không ngại miệng của ông Dưa Leo qua các video này, vốn mỗi bản có đến hàng trăm ngàn người theo dõi, có thể đã khiến phía công an bắt đầu cảm thấy khó chịu. Vì câu chuyện Chuyến bay giải cứu được coi là khép lại sau phiên tòa, Hà Nội thì muốn được người dân hả hê và quên đi, chứ không thể để những câu hỏi treo lơ lửng về trách nhiệm và hậu sự của sự kiện này, như qua các video của ông Dưa Leo.

Trong thông tin phát đi, Công an quận 10 nói đã làm việc với ông Dưa Leo về việc “đăng tải clip trên kênh YouTube Dưa Leo có nội dung thông tin sai sự thật trên mạng”. Nhưng chính việc không nói rõ là vi phạm với video nào, nội dung gì, cho thấy công an muốn trấn áp những người có tiếng nói bất lợi về vụ Chuyến bay giải cứu, nhưng lại không dám đưa chi tiết, vì sợ dư luận lại chú ý và ồn ào.

Theo Báo Sài Gòn Giải Phóng, công an nói đã ban hành quyết định xử phạt hành chính ông Dưa Leo về hành vi đăng tải thông tin sai sự thật với số tiền là 7.5 triệu đồng. Đồng thời, Dưa Leo phải gỡ bỏ các thông tin đã đăng tải sai sự thật. Nhưng sau nhiều giờ sự kiện này diễn ra, vẫn chưa thấy có video nào trên YouTube Dưa Leo bị ẩn, kể cả một trong những bản video gây “nhột” là phần nói về đời sống người Thượng ở Đắk Lắk. Dù không đá động gì đến vụ đột kích của người Thượng vào đồn công an ngày 11 Tháng Sáu, nhưng nội dung video lại nhấn mạnh việc cần tôn trọng con người và văn hóa riêng của đồng bào Tây Nguyên, đồng quan điểm với các tổ chức nhân quyền trên thế giới đang kêu gọi thái độ và hành động của Hà Nội trong việc đàn áp khu vực này.

Năm 2022, ông Dưa Leo ghi dấu một sự kiện độc đáo ở Việt Nam, là kiện thành công tờ báo Nhân Dân, tiếng nói của đảng cầm quyền. Vì năm 2011, báo này có bài viết nặc danh vu cáo ông là “âm mưu phá hoại uy tín đảng và nhà nước, cấu kết với Việt Tân và lợi dụng việc khai trí để tuyên truyền chống phá chế độ”. Ông Dưa Leo đã chính thức mời luật sư Lê Ngọc Luân đại diện cho mình để đòi bồi thường danh dự và yêu cầu gỡ bài.

Trong thời gian này, Dưa Leo cũng tận dụng kênh video của mình để mở rộng dư luận, đòi công bằng với báo Nhân Dân. Cuối cùng, báo Nhân Dân thua cuộc nhưng xin ông Dưa Leo không đưa tin chi tiết về các thỏa thuận chấp nhận thua cuộc. Được biết, Dưa Leo cũng phải gỡ những video chỉ trích của mình, còn phía Nhân Dân gỡ hết bài nói về Dưa Leo, chấp nhận xin lỗi kín, yêu cầu không đưa tin lên truyền thông.

Dưa Leo và luật sư Lê Ngọc Luân trong vụ kiện báo Nhân Dân. (ảnh Facebook)

Một nguồn tin riêng của Saigon Nhỏ cho biết, thật ra, vụ bắt giữ ông Dưa Leo đã diễn ra vào ngày 16 Tháng Tám, chứ không phải theo giấy xử phạt là ngày 18 Tháng Tám. Công an đã bắt cóc ông mà không có bất kỳ giấy tờ hợp pháp nào ở một quán ăn gần nhà trên đường Tô Hiến Thành, quận 10. Sau đó, Dưa Leo bị đưa về công an thẩm vấn gần 12 tiếng đồng hồ. “Anh Leo không nói rõ, nhưng tụi em biết là ảnh bị đánh trong đồn, một bên tai của ảnh vẫn còn bị ù”, một người quen với Dưa Leo, xin giấu tên, kể lại.

Saigon Nhỏ có liên lạc với ông Dưa Leo để xin phỏng vấn, nhưng không có hồi âm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: