WESTMINSTER, California (NV) – Hội Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại vừa có buổi họp mặt thường niên vào sáng Thứ Bảy, 14 Tháng Mười, tại phòng sinh hoạt khu Summerset Mobile Home Park trong không khí thân tình, ấm cúng thầy trò của nhiều thế hệ.
Được thành lập từ năm 1977 và cho tới nay các hội viên vẫn gặp gỡ nhau hàng năm nhưng đây là lần đầu tiên mọi người gặp lại nhau sau cơn đại dịch.
Giáo Sư Nguyễn Duy Linh chia sẻ: “Sau ba năm bị COVID-19 hành hạ tơi bời, tôi thấy thật sự không còn gì hạnh phúc hơn là được gặp lại những khuôn mặt thân quen của đồng nghiệp và của học trò. Tôi cảm thấy vô cùng sung sướng được có mặt trong gian phòng có hơn 100 người mà tôi nhận diện và nhớ tên họ được trên hai phần ba.”
Giáo Sư Dương Ngọc Sum nói: “Buổi họp mặt nào của Hội Sư Phạm Sài Gòn Hải Ngoại cũng đáng quý vì lần gặp gỡ sau sẽ có thay đổi không lớn thì nhỏ. Lần này chúng tôi có một mát lớn là sự ra đi vĩnh viễn của Giáo Sư Nguyễn Quý Bổng.”
Giáo Sư Nguyễn Tử Quý cho biết ông coi trọng những lần gặp gỡ hàng năm.
“Đây chính là cái lý do để tôi trông ngóng, tập thể dục giữ gìn sức khỏe, tập ca hát để trình diễn giúp vui cho mọi người,” ông nói.
Ông Nguyễn Ngọc An, hội trưởng, cho biết hôm nay có đủ anh chị em đồng môn từ khóa 1 đến 13.
Ông nói: “Tôi thuộc khóa 11 và chúng tôi gọi khóa 13 là khóa ‘nửa đường gẫy cánh’ vì đang học dang dở thì ‘bị’ 30 Tháng Tư, 1975.”
Trong vài người ở xa nhất đến đây tham dự là bà Lê Thị Tuyết Hồng từ Việt Nam bay sang.
Bà Hồng cho biết bà rất xúc động khi gặp lại những thầy và bạn học từ 1975 đến giờ.
“Ở Việt Nam chúng tôi cũng có hội và có đông đủ thầy cô và bạn bè hơn, nhưng những người ở đây, đã gần 50 năm mới gặp nên tôi có nhiều cảm xúc hơn,” bà Hồng nói.
Ông Trần Tư Bình, ở Oklahoma, tâm sự: “Đây là cái mà tiền bạc không thể nào mua được. Chỉ có gặp lại bạn bè thuở đi học mới có dịp nhắc lại những kỷ niệm mà không ai quên được. Với chúng tôi, trường có quán bác Tư là một địa điểm quan trọng. Bên trong quán có một cái hết sức bí mật là bảng ‘Phong Thần’ ghi tên họ của những người còn thiếu tiền bác Tư.”
Ông cười: “Mà được vô bảng ‘Phong Thần’ thì phải là người rất có uy tín chứ đâu phải muốn uống nước thiếu bác Tư là dễ đâu.”
“Đó, tôi quý những buổi họp mặt này lắm. Mới ngày nào còn phá phách trong trường mà bây giờ toàn ông nội, bà ngoại hết rồi.”
“Còn gì quý hơn khi các thầy cô được sống lại tuổi học trò,” ông vui vẻ nói.
Theo ông, hai người nữa cũng ở Việt Nam sang họp mặt là bà Kim Ngân và ông Nguyễn Văn Chúc.
Có người không học trường sư phạm ngày nào cũng quý không khí hôm nay.
Bà Phạm Tường Vi ở Pennsylvania, nói: “Tôi đưa mẹ tôi đến đây và lập tức mê không khí này. Ở Pennsylvania đâu có những ‘khoảnh khắc Việt Nam,’ những buổi gặp gỡ như thế này và phụ nữ cũng không thể mặc áo dài dẹp như ở đây vì trên tôi lạnh lắm, có mặc áo dài thì cũng mặc áo ấm rất dầy nên không thấy đẹp.”
Có người còn học sư phạm ở Sài Gòn khi thành phố… chưa có trường sư phạm.
Bà Huỳnh Thanh Loan, sinh viên khóa 1, cho biết khi bà bắt đầu học, trường có tên là Quốc Gia Sư Phạm.
“Rối sau này, khi mỗi tỉnh đều có đại học sư phạm, trường tôi mới đổi tên thành Sư Phạm Sài Gòn,” bà tiếp. “Nhưng tên gì thì tôi vẫn là sinh viên khóa đầu tiên và tôi luôn quý trường, quý thầy.”
Bà Huỳnh Thanh Tú, từ Texas bay sang, cho biết bà phải ra máy bay từ 2 giờ sáng để kịp dự buổi họp mặt.
“Tôi quý những dịp gặp gỡ như hôm nay nhiều lắm. Vừa gặp thầy, gặp bạn mà lại vừa gặp chị tôi là bà Thanh Loan. Mấy chị em tôi cùng là nhà giáo.”
Trong buổi họp mặt, có một vị giáo sư không có mặt nhưng ai cũng quý trọng và nhớ là Giáo Sư Doãn Quốc Sỹ.