So với Nam Hàn, Mỹ phát triển hơn hẳn về kinh tế lẫn khoa học và công nghệ. Nhưng khi dịch cúm Vũ Hán tràn tới, Nam Hàn đã chủ động ứng phó khá thành công trong khi Mỹ lúng túng và thiệt hại nặng nề. Nhiều người Mỹ muốn biết, tại sao lại như vậy? Bài phân tích chi tiết của Reuters.
Bài 3: Mỹ rối loan, Nam Hàn tiến nhanh
Mỹ: “Rối loạn thật sự”
Ở Hoa Kỳ, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh (HHS) giám sát các hoạt động riêng rẽ của hai cơ quan quan trọng trong việc ứng phó với đại dịch: Trung tâm Kiểm soát và Phòng bệnh CDC chịu trách nhiệm phát triển bộ test-kit và Cơ quan quản lý Thuốc và Thực phẩm FDA chịu trách nhiệm phê chuẩn bộ test-kit trước khi nó được gửi tới các phòng thí nghiệm liên bang và tiểu bang khắp nước. Các phòng thí nghiệm tư nhân và các bệnh viện lớn cũng có thể phát triển bộ test-kit riêng của họ hoặc sử dụng bộ kit của CDC.
Ngày 31-01-2020, chỉ vài ngày sau cuộc họp trong nhà ga ở Seoul, cơ quan CDC của Hoa Kỳ công bố coronavirus là tình trạng y tế khẩn cấp. Công bố này có mặt tốt, cũng có mặt không tốt.
Đến ngày 04-02, FDA bật đèn xanh cho bộ test-kit của CDC, cùng ngày với cơ quan KCDC của Nam Hàn phê chuẩn bộ test-kit của công ty Kogen Biotech.
Nhưng rối loạn bắt đầu từ ngày 08-02 khi các phòng thí nghiệm công của Mỹ than phiền rằng bộ test-kit của CDC không hoạt động được vì một bộ phận nào đó có lỗi, sinh ra những kết quả sai lệch. Ba ngày sau, CDC thông báo họ đang phát triển một bộ phận thay thế. Nhưng đến giữa tháng 02, tình hình vẫn chưa khắc phục được. Bộ HHS bổ nhiệm một đội các khoa học gia bên ngoài để xem xét bộ test-kit của CDC coi nó có khiếm khuyết nào trong khâu sản xuất, thiết kế hoặc phòng thí nghiệm của CDC có bị nhiễm trùng không; nhưng đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân. CDC là nhà cung cấp duy nhất bộ test-kit ở Mỹ, các phòng thí nghiệm khác có thể phát triển bộ test-kit riêng nhưng không được sử dụng khi chưa có sự phê chuẩn của FDA.
Mãi đến cuối tháng 02-2020 CDC vẫn chưa phát hành bộ test-kit mới, trong khi các chuyên gia y tế cộng đồng nói rằng, cơ hội kiềm chế sự lây lan của virus đang khép lại, khi đó coronavirus đã lây cho hơn 60 người.
Việc công bố tình trạng y tế khẩn cấp tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sản xuất dược phẩm đẩy nhanh việc nghiên cứu vaccine và phác đồ điều trị dịch Covid-19, nhưng lại gây trở ngại cho việc chẩn đoán. Nó đòi hỏi việc xét nghiệm chẩn đoán bệnh của các phòng thí nghiệm riêng lẻ, như ở các bệnh viện hoặc trường đại học, phải trải qua sự xem xét kỹ lưỡng hơn bình thường bởi vì rủi ro có thể cao hơn. Bác sĩ Amesh Adalja của Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins nhận xét: “Có tình trạng hỗn loạn thật sự trong việc xét nghiệm chẩn đoán, bộc lộ một khiếm khuyết trong kế hoạch ứng phó với đại dịch của Mỹ”. Theo ông, đó là việc siết chặt các quy định về chẩn đoán trong lúc tạo điều kiện dễ dàng cho vaccine và thuốc điều trị.
Bác sĩ William Schaffner, giáo sư y học dự phòng và bệnh truyền nhiễm Đại học Vanderbilt nói rằng cả CDC và FDA đều bám víu quá lâu vào quy trình truyền thống mà không linh hoạt với tình hình diễn biến nhanh chóng. “Trong trường hợp này, việc tuân thủ quy trình đã thất bại. Con virus này hành động rất khác và nó tràn ngập hệ thống của Mỹ. Nam Hàn có ý thức tốt hơn về những gì đang diễn ra,” bác sĩ Schaffner nói.
Trước những lời phê phán của giới chuyên môn, CDC ra văn bản nói họ không chịu trách nhiệm về sự chậm trễ trong công tác xét nghiệm. CDC nói rằng việc xét nghiệm trên diện rộng liên quan tới vai trò của FDA và khi những ca nhiễm virus đầu tiên được ghi nhận tại Mỹ vào cuối tháng 1 đầu tháng 2, giám đốc CDC, bác sĩ Robert Redfield đã nêu bật nhu cầu FDA phải hành động.
Một đại diện của FDA thì nói rằng, FDA phải thận trọng, không để một số doanh nghiệp lợi dụng tình trạng khẩn cấp để trục lợi.
Nam Hàn tiến nhanh tiến mạnh
Khi nước Mỹ còn lúng túng như gà mắc tóc thì Nam Hàn phê chuẩn bộ test-kit thứ hai do công ty Seegene Inc. phát triển vào ngày 12-02.
Đã có nhiều test-kit trong tay, cơ quan y tế Nam Hàn bắt đầu tấn công con virus phát tán nhanh này và theo dõi, ghi nhận những người có nguy cơ lây nhiễm. Chiến thuật tấn công có test-kit hỗ trợ đã giúp Nam Hàn giảm số ca nhiễm mới trong vài tuần lễ, nêu một mẫu mực cho các nước khác đang vật lộn với dịch bệnh.
Vào giữa tháng 02-2020, tại một giáo phái bí mật ở thành phố Daegu, số người nhiễm virus tăng vọt. Ngày 26-02, chính quyền thành phố Daegu nói họ sẽ xét nghiệm tất cả thành viên của giáo phái này, kể cả những người không có triệu chứng bị bệnh. Đến ngày 10-03, Daegu nói họ đã xét nghiệm gần hết 10.000 tín đồ của giáo phái trong khu vực Daegu, phát hiện 40% dương tính. Sau khi đưa số người này đi chữa trị, thành phố Daegu – chiếm khoảng ba phần tư tổng số ca nhiễm virus ở Nam Hàn – ghi nhận số ca nhiễm mới giảm hẳn. Hôm thứ Tư 11-03, thành phố ghi nhận 43 ca mới nhiễm, rất thấp so với con số 741 ca ngày 29-02.
Hiện nay Nam Hàn có tới năm bộ test-kit được phê chuẩn so với chỉ hai bộ vào ngày 18-02, theo KCDC. “Tôi không ngờ các nhà sản xuất test-kit có thể sản xuất nhanh như vậy,” ông Lee Sang-won của KCDC nói.
(còn tiếp bài cuối)