COVID-19: Lời kể của nữ y tá gốc Việt nơi tuyến đầu chống dịch

Đắc Amy. Hình: Amy

CÁT LINH thực hiện

Câu chuyện này được ghi lại qua cuộc nói chuyện với một nữ y tá người Mỹ gốc Việt. Cô làm việc ở tuyến đầu của bệnh viện Medical City of Dallas.

Sáng Chủ Nhật 22-3 là một ngày đi làm bình thường như những ngày khác của Đắc Amy. Bình thường, nhưng lại… không bình thường. Vì hôm đó là ngày đầu tiên cô nhận việc trong khoa COVID-19, trở thành một trong những người ở tuyến đầu của bệnh viện Medical City of Dallas trong trận chiến chống lại coronavirus.

Ngừng lại nơi tủ đồ riêng cá nhân, cất những vật dụng cần thiết, thay bộ trang phục chống dịch của bệnh viện, Amy bước vào khu vực làm việc dành cho y tá. Trước khi bước vào phòng bệnh nhân, thao tác đầu tiên là cô mang chiếc khẩu trang y tế N95, rồi bảo hộ mắt, trùm mái tóc dài lại, mặc áo khoác, mang bao tay, bao chân từ gót lên đầu gối. Sau đó cô bước vào một phòng có máy lọc không khí và áp suất âm (negative pressure) (*).

Dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý với tất cả thông tin cần thiết về dịch bệnh, nhưng với những gì diễn ra trong khoa COVID-19 ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ, với Amy, là thật sự ‘sốc’.

Tại sao? Tại sao với một người trẻ tuổi, khoẻ mạnh, với bệnh cảm cúm (flu) bình thường thì họ vượt qua được? Tại sao bệnh này lại đến với nhân loại? Tại sao họ (bệnh nhân) quá đơn độc trong những giờ khắc đau đớn nhất? Tại sao nó (coronavirus) đã lấy đi cuộc đời của họ lại còn chia cách họ với người thân vào giây phút cuối? Rất nhiều câu hỏi bủa vây tâm trí Amy. Cô uất ức. Cô tức giận. Cô căm ghét căn bệnh ma quái đang từng giờ từng phút huỷ hoại thế giới.

10 năm làm việc ở ICU, Amy thừa kinh nghiệm, thừa cái sự “lì” để trở thành chỗ dựa cho người nhà bệnh nhân khi họ đối diện với “chuyến đi cuối cùng” của người thân của mình.

Có thể nói Amy đã chứng kiến không ít những người bệnh già, yếu, những người có tiền sử bệnh mà y học bó tay… nhưng cô chấp nhận. Cô chấp nhận điều đó như một định mệnh của con người. Cô hiểu đó là “số phận.” Cô hiểu đời người có đi, thì có về. Cô không uất ức dù đau buồn. Thế nhưng, trường hợp này lại khác. Họ còn trẻ, quá trẻ. 34 tuổi, đời họ còn quá dài. Nếu cô là những người ở tuyến đầu trong cuộc chiến chung này của thế giới, thì chẳng lẽ họ là những người ra đi đầu tiên, mở đầu một khám phá mới của y học trong lịch sử chăng?

Rồi mai đây, ai nói rằng cô không phải chứng kiến cái chết của những đứa bé 5 tuổi, 10 tuổi, 12 tuổi…? Cô không dám nghĩ đến điều đó. Cho đến giờ phút này, COVID-19 chưa chạm đến những đứa trẻ ở thành phố Dallas này. “Mà nếu điều đó xảy ra thì sao???” Amy rùng mình chợt nghĩ.

“Lúc đó, có lẽ y tá bác sĩ chỉ có thể ôm nhau khóc như những hình ảnh ở nước Ý mình thấy trên báo chí.”

Là đồng nghiệp với những y bác sĩ ấy, Amy hiểu họ đang cảm thấy bất lực lắm, và stress lắm. Làm sao không đau đớn cho được khi đã chọn công việc cứu người, nhưng hoàn toàn bất lực nhìn tấm phim chụp phổi của người bệnh một màu trắng toát. Đó là những người nhiễm coronavirus ở giai đoạn mà bác sĩ phải nói “chúng tôi xin lỗi, chúng tôi đã cố hết sức…” 

Hơi thở là tài sản duy nhất không thể thay thế và mất đi của con người. Khi đưa những bệnh nhân đó vào máy thở, là họ hoàn toàn không còn khả năng sử dụng tài sản đó. Amy giúp cho họ ngủ và làm tê liệt hoá học (chemically paralyzed). Đây là giai đoạn mà cơ thể họ hoàn toàn “tĩnh”, “tĩnh” đến mức mà huyết áp có thể tuột bất cứ lúc nào. Cẩn trọng từng giây một, để ngay lập tức Amy phải tiếp thuốc giúp cơ thể không còn biết gì của họ tăng huyết áp trở lại. Một ngày, hai ngày, ba ngày, chỉ cần ba ngày liên tục như thế thì 10 đầu ngón tay, chân của họ sẽ chết.

Căn phòng ICU trở thành trận chiến thật sự. Toàn thân của người bệnh như bốc lửa. Amy có cảm giác tay cô sẽ bị phỏng ngay nếu chạm vào mà không có găng tay bảo vệ. Thân nhiệt họ lên đến 103 đến 104 độ. Họ không thể thở được. Cô phải dùng loại mền lạnh (cooling blanket) để làm ấm cơ thể họ.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh

Bất cứ căn bệnh nào, ngay cả tâm bệnh, cũng cần phải có thuốc chữa. Chỉ có là mỗi loại bệnh sẽ cần một loại thuốc khác nhau. Thuốc tây, thuốc bắc, thuốc nam và kể cả những loại thuốc “không cần uống.” Rồi, cộng thêm nghị lực, sức sống mãnh liệt sẽ giúp con người vượt qua tất cả dù là bạo bệnh. Nhưng, với “con quỷ vô hình” coronavirus này lại khác. Amy nhìn thấy những liều thuốc trị sốt rét được đưa…THỬ vào cơ thể bệnh nhân với phản ứng phụ vô cùng nghiêm trọng, đó là nhịp tim của người bệnh dài ra. Do đó chỉ với những bệnh nhân trẻ thì bệnh viện mới có thể “thử” cho cách này. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Cô nghĩ vậy và chấp nhận nó như một sự cầu may.

Chỉ 200mg thuốc chloroquine đập nhuyễn bơm vào bao tử của người bệnh. Nhưng, cũng như lá phổi trắng toát kia, bao tử của họ cũng đã ngưng hoạt động.

Y học bó tay, ít nhất là thời điểm này. Thuốc chloroquine mà bệnh viện quyết định “thử” cho nạn nhân cũng không thể cứu được họ. Nhưng, còn một điều quan trọng mà Amy thấy thật không công bằng cho những người đã ra đi này. Đó là, cho đến ngày bệnh viện buông tay, gia đình của họ vẫn không có được ngay một xác nhận là “người thân tôi chết vì bệnh gì?”.

Tất cả những triệu chứng đó, ho, sốt, khó thở rành rành như “mặt trời mọc đằng Đông lặn đằng Tây” là triệu chứng COVID-19. Nhưng phải đợi đến một tuần lễ sau, kết quả từ CDC mới gửi về cho biết đó là nạn nhân thứ mấy của coronavirus.

Đây là kỷ nguyên của những cái chết giấu tên hay sao?

Bước ra khỏi căn phòng bệnh nhân ICU, Amy cởi bỏ những trang phục bảo hộ y tế trên người. Điều đầu tiên cô làm là rửa tay thật sạch, thật kỹ. Cô bước vào phòng vệ sinh riêng của y bác sĩ, Amy để cho dòng nước ấm gột rửa tất cả những căng thẳng, uất ức vì sự bất lực của khoa học. Nhưng, cô hiểu, cuộc chiến này còn rất dài.

Con đường từ bệnh viện về nhà hôm nay, lặng lẽ hơn mọi ngày.

***

(*) Căn phòng này có một hệ thống thông gió cho phép không khí trong lành đi vào phòng, nhưng vẫn duy trì được áp suất âm so với phần còn lại của tòa nhà, để ngăn không khí chưa qua xử lý thoát ra ngoài. Tiếp theo, khí ô nhiễm sẽ được lọc virus trước khi thoát ra khỏi căn phòng này theo hệ thống thông gió. Điều này góp phần làm giảm khả năng lây lan của virus. Tuy nhiên, để duy trì được áp suất âm, căn phòng này phải kín gió nhất có thể. Theo đó, các khe cửa, ổ cắm điện hay vòi nước phải được bịt kín.

Bên cạnh đó, còn có hai buồng đệm (đó là phòng nhỏ nằm giữa hành lang và buồng cách ly). Trước khi vào trong buồng cách ly, nhân viên y tế sẽ phải đi qua buồng đệm đầu tiên để mặc đồ bảo hộ gồm quần áo chống nước, khẩu trang, găng tay phẫu thuật, giày, và mũ trùm đầu. Đặc biệt, khi vào buồng cách ly, họ sẽ phải tránh tiếp xúc với môi, mắt, nước bọt, nước mũi và các giọt phun từ cơn ho hoặc hắt hơi của bệnh nhân.

Sau khi tiến hành điều trị, nhân viên y tế sẽ rời buồng cách ly bằng buồng đệm thứ hai, nơi kim phẫu thuật và quần áo đã tiếp xúc với bệnh nhân sẽ được lấy ra và đốt. (Theo AFP/ Airinnovations)

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: