Giá dầu giảm 25% do mâu thuẫn Saudi Arabia-Nga

Một điểm khai thác dầu ở Texas. Hôm thứ Hai 09-03-2020 giá dầu đã giảm hơn 25%.

H.C.

Giá dầu thô giảm hơn 25% hôm thứ Hai 09-03 giờ châu Á – mức giảm mạnh nhất kể từ ngày nổ ra cuộc Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất tháng Giêng 1991 – sau khi Saudi Arabia khởi động cuộc chiến tranh giá dầu chống lại Nga bằng cách hạ giá dầu bán ra đồng thời cam kết tăng sản lượng, tăng nguồn cung dầu ra thị trường vốn đã suy yếu nặng nề do nhu cầu dầu mỏ sụt giảm vì ảnh hưởng của đại dịch viêm phổi Vũ Hán.

Mở đầu phiên giao dịch thứ Hai 09-03, tức tối Chủ nhật 08-03 giờ New York, giá dầu thô Brent biển Bắc – được coi là giá chuẩn của thị trường dầu mỏ thế giới – giảm 14,25 USD mỗi thùng, tương đương giảm 31,5%, chỉ còn 31,02 USD/thùng. Đến 01:14 giờ GMT, tức 9:14 PM giờ New York, giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 33,83 USD/thùng, giảm 25%.

Giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (West Texas Intermediate, WTI) – giá chuẩn của thị trường dầu Hoa Kỳ – giảm 11,28 USD, tương đương 27,4%, còn 30 USD/thùng; sau đó vươn lên 30,49 USD/thùng vào lúc 1:15 AM ngày 09-03.

Từ đầu năm 2020 đến nay giá dầu mỏ đã giảm hơn một nửa do tác động của dịch viêm phổi Vũ Hán. Đồ họa WSJ

Các mức giá trên là mức thấp nhất kể từ tháng 02-2016, lúc ông Donald Trump thông báo ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ.

Đà suy sụp nhanh chóng của thị trường dầu mỏ diễn ra ngay sau khi tập đoàn dầu khổng lồ Aramco của Saudi Arabia gửi thông báo cho khách hàng hôm thứ Bảy, thông báo Saudi Arabia sẽ giảm giá dầu từ 6 USD đến 8 USD mỗi thùng và sẽ tăng sản lượng khi thỏa thuận về sản lượng dầu giữa OPEC và Nga hết hạn vào ngày 31-03-2020. Khi thị trường dầu mở cửa giao dịch trở lại vào tối Chủ nhật ở New York thì giá dầu và giá dầu giao sau (future) đều lao dốc mạnh.

Quyết định bất ngờ của Saudi Arabia được đưa ra sau khi hội nghị của các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC+ (gồm các nước trong Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ OPEC và một số nước bên ngoài như Nga) hôm thứ Sáu bị sụp đổ do bất đồng quan điểm.

Hội nghị được tổ chức để bàn việc giảm sản lượng dầu mỏ để vực dậy giá dầu, vốn đã bị giảm sâu trong vài tuần qua do ảnh hưởng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Ở Trung Quốc – nước nhập khẩu nhiều dầu mỏ nhất thế giới, kỳ nghỉ tết âm lịch dài và sau đó sự bùng phát của dịch Vũ Hán đã làm cho tất cả hoạt động sản xuất công nghiệp và giao thông vận tải bị đình trệ hoàn toàn, nhu cầu dầu mỏ của Trung Quốc vì vậy giảm rất mạnh, kéo giá dầu thế giới xuống thấp. Sự bùng phát dịch ở Nhật Bản và Nam Hàn càng làm cho nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ giảm xuống mức chưa từng thấy.

Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc trong năm 2020 này sẽ không tăng so với năm trước; trong khi ngân hàng Goldman Sachs dự báo mức tiêu thụ dầu của thế giới sẽ giảm khoảng 150.000 thùng/ngày (bpd). Đối mặt với tương lai ảm đạm như vậy, OPEC đề nghị các nước sản xuất dầu giảm sản lượng để giá dầu không tiếp tục giảm thêm.

Thế nhưng trong hội nghị, phía Nga đã phản đối yêu cầu giảm sản lượng của các quốc gia OPEC, một phần vì không muốn giảm nguồn thu vào ngân sách – nền kinh tế Nga phụ thuộc rất nhiều vào dầu mỏ – phần vì không muốn mất thị phần vào tay tổ chức OPEC. Bất bình với quan điểm của Nga, Saudi Arabia quyết định tung đòn cân não: chẳng những không giảm mà còn tăng sản lượng lên 10 triệu và chủ động giảm giá dầu hiện đã giảm sâu.

Cần lưu ý rằng, đã có thời kỳ, như thời 2014-2016, Saudi Arabia và Nga từng liên thủ để đấu với Hoa Kỳ, chủ động liên kết tăng sản lượng, giảm giá thành dầu mỏ để loại ra khỏi thị trường các nhà sản xuất dầu từ đá phiến (shale oil) – làm ra dầu với giá thành cao hơn phương pháp khai thác dầu truyền thống. Chiến lược đó không thành công do các nhà sản xuất Hoa Kỳ cải tiến rất nhanh công nghệ fracking của họ và nâng sản lượng dầu đá phiến lên gấp đôi chỉ sau một thập niên, đưa Hoa Kỳ thành nước sản xuất nhiều dầu mỏ nhất thế giới.

Bây giờ thì mối liên thủ giữa Saudi Arabia và Nga không còn nữa. “Saudi Arabia và Nga đang bước vào một cuộc chiến giá dầu, có khả năng sẽ rất hạn chế và mang tính chiến thuật,” một báo cáo của tổ chức nghiên cứu Eurasia Group nhận định. “Rất có khả năng hậu quả của cuộc khủng hoảng này là một tiến trình đau đớn kéo dài vài tuần hoặc vài tháng, cho đến khi giá dầu xuống thấp tới mức mà các bên phải thỏa hiệp với nhau và nối lại thỏa thuận kiềm hãm sản lượng của khối OPEC+”, Eurasia nói thêm.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: