Huawei lại lên thớt!

HIẾU CHÂN

Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã cáo buộc nhiều tội danh mới chống lại tập đoàn công nghệ Trung Quốc, Huawei Technologies, hai công ty con của nó tại Hoa Kỳ và giám đốc tài chính của tập đoàn. Trong số tội danh mới có các cáo buộc Huawei làm tiền phi pháp (racketeering) và âm mưu đánh cắp bí mật kinh doanh của các công ty Mỹ.

Đây là động thái mới nhất của chính phủ Mỹ chống lại một công ty viễn thông khổng lồ mà Mỹ coi là một mối đe dọa an ninh quốc gia; đồng thời củng cố cơ sở pháp lý để Hoa Kỳ đòi dẫn độ giám đốc tài chính của Huawei – bà Mạnh Vãn Châu (Meng Wanzhou) – hiện đang phải ra tòa tại Canada.

Vi phạm lệnh cấm vận

Trong một thông cáo chung đưa ra hôm qua thứ Năm, hai Thượng nghị sĩ Richard Burr (Cộng hòa, North Carolina) và Mark Warner (Dân chủ, Virginia) – đồng lãnh đạo Ủy ban Tình báo Thượng viện – nói rằng bản cáo trạng đã “vẽ lên một chân dung nguy hiểm của một tổ chức bất hợp pháp không hề lưu ý tới pháp luật”.

Huawei bị cáo buộc hoạt động kinh doanh ở những quốc gia bị Hoa Kỳ cấm vận như Bắc Hàn và Iran. Huawei bị cho đã cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho Bắc Hàn và Iran thông qua các nhà thầu địa phương, dùng những “mật danh” như “A2” để chỉ Iran và “A9” để chỉ Bắc Hàn.

Các công tố viên tố cáo Huawei đã hỗ trợ chính phủ Iran “bằng cách thiết lập các thiết bị giám sát, kể cả thiết bị giám sát dùng để theo dõi, nhận diện và bắt giữ những người biểu tình trong các cuộc biểu tình chống chính phủ năm 2019 ở Tehran, thủ đô Iran”.

Huawei còn thiết lập và điều hành một cách không chính thức một công ty tên là Skycom Tech Co. để mua hàng hóa thiết bị của Mỹ, chuyển tới Iran, vi phạm lệnh cấm vận. Huawei nói họ không biết về những hoạt động phi pháp của Skycom nhân danh Huawei nhưng thư từ giao thiệp giữa hai bên chứng tỏ điều ngược lại.

Ăn cắp tài sản trí tuệ

Các tội danh mới mở theo hướng tố cáo Huawei âm mưu ăn cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.

“Những tội danh mới trong vụ án này liên quan tới những nỗ lực kéo dài nhiều thập niên của Huawei và một số công ty con, ở cả Hoa Kỳ và Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, nhằm biển thủ tài sản trí tuệ, từ ít nhất sáu công ty công nghệ Mỹ, trong một cố gắng thúc đẩy và vận hành việc kinh doanh của Huawei”, thông cáo báo chí của bộ Tư pháp cho biết. Các công ty này không được nêu danh tính trong cáo trạng, nhưng một nguồn tin bên trong các cuộc điều tra cho biết đó là sáu công ty công nghệ lớn gồm Cisco Systems, Motorola Solutions, Fujitsu, Quintel Technology, T-Mobile và CNEX Labs.

Theo cáo trạng, Huawei bị tố cáo đã yêu cầu nhân viên mang về những thông tin mật từ các đối thủ cạnh tranh, tặng tiền thưởng cho “những thông tin giá trị nhất ăn cắp được”. Bản cáo trạng dài 56 trang đầy dẫy những ví dụ cho thấy Huawei có kế hoạch ăn cắp bí mật kinh doanh của các công ty Mỹ. Huawei cũng bị tố cáo đã thu hút nhân viên của các công ty cạnh tranh hoặc sử dụng các nhân vật được ủy thác như các giáo sư làm việc ở các viện nghiên cứu để tiếp cận tài sản trí tuệ.

Ví dụ, cáo trạng cho biết, từ đầu thập niên 2000, Huawei đã lấy bộ mã nguồn và hướng dẫn sử dụng các bộ định tuyến internet (router) của một công ty công nghệ không nêu tên có trụ sở tại California rồi tích hợp bộ mã đó vào router của chính mình. Huawei thậm chí còn quảng cáo các router đó là phiên bản giá rẻ của sản phẩm của công ty công nghệ Mỹ. Trong vụ kiện năm 2003, Huawei thừa nhận đã thu hồi các router và gỡ bỏ bộ mã nguồn nhưng công ty đã xóa bộ nhớ của các routers bị thu hồi trước khi gửi chúng trở về Trung Quốc để chúng không thể được sử dụng làm bằng chứng chống lại công ty. Công ty công nghệ Mỹ được đề cập có thể là Cisco Systems, nhà sản xuất linh kiện kết nối mạng hàng đầu thế giới, có trụ sở tại San Jose, California.

Trong một biến cố được báo chí đề cập rộng rãi năm ngoái, một nhân viên của Huawei năm 2012 và 2013 đã nhiều lần cố gắng ăn cắp thông tin kỹ thuật về một cánh tay robot của một nhà cung cấp mạng viễn thông di động không nêu lên, đi xa đến mức định trốn thoát với cánh tay robot đánh cắp được. Những chi tiết nêu trong cáo trạng giống với cáo trạng của một vụ kiện khác ở Seattle năm ngoái mà công ty bị hại là T-Mobile.

Hai công ty con của Huawei tại Mỹ – Huawei Devices USA Inc. và Futurewei Technologies Inc. – năm 2009 cũng đã hợp tác với một công ty Mỹ có trụ sở tại New York và California, chuyên về cải tiến sự tiếp nhận sóng di động của điện thoại. Mặc dù đã có thỏa thuận không tiết lộ, các nhân viên của Huawei đã ăn cắp công nghệ của đối tác rồi sau đó nộp hồ sơ đăng ký bản quyền dựa trên tài sản trí tuệ của công ty bị đánh cắp.

Huawei thậm chí còn cử nhân viên đột nhập lúc nửa đêm vào một triển lãm công nghệ ở Chicago năm 2004 để lén lút chụp ảnh bản mạch các sản phẩm công nghệ của đối thủ.

Các công tố viên cho rằng nỗ lực ăn cắp tài sản trí tuệ của Huawei đã thành công, và nhờ đó công ty đã thủ đắc được những tri thức về công nghệ người máy (robotics), công nghệ ăng-ten vô tuyến và mã nguồn bộ định tuyến internet. Hoạt động ăn cắp giúp Huawei tiết kiệm chi phí và thời gian đầu tư cho nghiên cứu và phát triển, mang lại lợi thế cạnh tranh to lớn.

Các công ty bị mất cắp tài sản trí tuệ hầu như đều đã khởi kiện Huawei ra tòa: Cisco kiện Huawei năm 2003, Motorola kiện năm 2011, Quintel kiện năm 2015 tố cáo Huawei ăn cắp công nghệ chế tạo ăng-ten, v.v…

Phản bác của Huawei

Andy Purdy, quan chức phụ trách an ninh của Huawei tại Mỹ nói bản cáo trạng không đưa ra các tội danh mới mà chỉ là một phần của một chiến dịch rộng lớn hơn chống lại công ty.

Ông Purdy cũng cho rằng, chính phủ Mỹ đang cố gây tổn thương cho Huawei qua việc làm áp lực buộc các đồng minh không sử dụng thiết bị của Huawei và ngăn cản các công ty Mỹ bán linh kiện, phụ tùng cho Huawei. Các biện pháp đó, theo ông Purdy, sẽ gây tổn thương cho nước Mỹ, làm mất công ăn việc làm và giảm sức cạnh tranh trong ngành công nghiệp viễn thông. “Dường như nước Mỹ không nghĩ tới hậu quả,” ông Purdy nói, theo New York Times.

Huawei cũng ra thông báo cho rằng các tội danh mà Bộ Tư pháp đưa ra là không có cơ sở và không công bằng. “Cáo trạng mới là một phần trong nỗ lực của Bộ Tư pháp nhằm hủy hoại không thể hồi phục danh tiếng và việc kinh doanh của Huawei vì những lý do liên quan tới cạnh tranh hơn là tới thực thi pháp luật”, thông báo của Huawei nói, và cho rằng cáo trạng mới “không gì khác hơn là tập hợp lại những vụ án dân sự đã có gần 20 năm qua”.

Hạn chế xuất khẩu sản phẩm cho Huawei

Cùng thời điểm nộp hồ sơ mở rộng tội danh của Huawei hôm thứ Năm 13-2-2020, Bộ Tư pháp Mỹ cũng cho phép gia hạn giấy phép tạm thời cho phép các công ty công nghệ Mỹ tiếp tục cung ứng linh kiện, phụ tùng cho Huawei; giấy phép mới sẽ hết hạn trong tháng 4-2020.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm nay thứ Sáu 14-02 cũng lên tiếng bãi bỏ sự phản đối của bộ này với một quy định của Bộ Thương mại cấm các công ty công nghệ Mỹ cung cấp cho Huawei những sản phẩm mà họ sản xuất ở nước ngoài. Sự thay đổi lập trường của Bộ Quốc phòng đã loại bỏ một rào cản quan trọng, tạo điều kiện cho một đạo luật mới về kiểm soát xuất khẩu nhắm tới ngăn chặn dòng chảy sản phẩm công nghệ Mỹ cho Huawei vì lý do an ninh quốc gia.

Luật hiện hành buộc các công ty Mỹ phải có giấy phép đặc biệt khi xuất sản phẩm sản xuất tại Mỹ cho Huawei, nhưng vẫn được tự do bán sản phẩm sản xuất ở nước ngoài miễn là sản phẩm đó có dưới 25% giá trị là linh kiện sản xuất Mỹ. Luật mới đang được Bộ Thương mại đề nghị quy định giá trị hàm lượng linh kiện, phần mềm của Mỹ trong sản phẩm công nghệ sản xuất ở nước ngoài để bán cho Huawei phải có tỷ lệ dưới 10%, trên mức 10% phải có giấy phép xuất khẩu đặc biệt.

Cốt lõi là 5G

Cuộc đối đầu giữa chính phủ Mỹ và tập đoàn Huawei còn xoay quanh vấn đề ứng dụng mạng viễn thông thế hệ mới, gọi tắt là 5G, phục vụ các công nghệ mới như xe hơi tự lái, internet vạn vật… Huawei là nhà cung cấp hàng đầu thiết bị và công nghệ xây dựng, vận hành mạng viễn thông 5G ở tất cả các châu lục ngoài Bắc Mỹ. Khi tất cả các quốc gia chuyển hệ thống mạng viễn thông sang 5G thì Huawei có lợi thế lớn so với các công ty Mỹ – từ lâu đã là những đầu tàu về sáng tạo và động lực của kinh tế Mỹ.

Tuần trước, trong cuộc họp báo về những mối đe dọa mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ, Bộ trưởng Tư pháp William Barr nói, “Tương lai kinh tế của chúng ta đang gặp nguy hiểm. Nguy cơ thất bại trong cuộc chiến mạng 5G với Trung Quốc lấn át tất cả mọi mối quan tâm khác”.

Trong nhiều năm qua, các quan chức chính phủ và tình báo Mỹ đã cố gắng thuyết phục các công ty và chính phủ nước ngoài rằng các thiết bị của Huawei cho phép Bắc Kinh tiếp cận những thông tin nhạy cảm truyền đi trên mạng, và khuyến cáo không nên cho phép Huawei cung cấp thiết bị xây dựng mạng viễn thông 5G. Tuy nhiên chính phủ Anh quốc và Saudi Arabia – các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, vẫn chọn Huawei làm đối tác xây dựng mạng 5G. Thủ tướng Anh Boris Johnson nói Anh quốc tin họ có thể quản lý rủi ro và chỉ cho phép sử dụng sản phẩm của Huawei trong một số bộ phận của mạng 5G Anh quốc. Chính phủ Đức vẫn đang suy tính xem có nên cho phép Huawei tham gia vào mạng của Đức hay không.

Tuần trước, để gia tăng áp lực, chính phủ Mỹ đã cho phép giải mật trước thời hạn một số hồ sơ tình báo liên quan tới hoạt động do thám trong viễn thông và cung cấp bằng chứng cho các chính phủ Anh và Đức về “cổng sau” (back-door) trong các thiết bị mạng của Huawei, cho phép công ty này theo dõi thông tin trao đổi trên mạng viễn thông mà các nhà cung cấp dịch vụ không nhận biết được.

Ngoài ra, chính phủ Mỹ đang xem xét khả năng hỗ trợ phát triển một hoặc vài công ty sản xuất thiết bị mạng 5G thay thế cho Huawei. Bộ trưởng Barr từ ngỏ ý cho thấy Mỹ có thể đầu tư trực tiếp hoặc hỗ trợ tài chính gián tiếp cho hai công ty châu Âu – Ericsson của Thụy Điển và Nokia của Phần Lan – hiện đang là đối thủ mạnh nhất của Huawei về cung cấp thiết bị mạng.

Tuy nhiên, theo ông Gary Botting, một chuyên gia hàng đầu về luật dẫn độ của Canada, bản cáo trạng với các tội danh mới có khả năng không ảnh hưởng nhiều tới vụ án bà Mạnh, vì theo ông, cáo trạng “vừa quá ít, vừa quá trễ”.

Thẩm phán xét xử vụ án bà Mạnh sẽ quyết định có cho dẫn độ bà ta sang Mỹ hay không tùy vào việc các tội danh mà bà này bị cáo buộc ở Mỹ có phải là tội danh theo luật Canada hay không. Ví dụ, gian lận hoặc biển thủ tiền bạc (racketeering) là một tội hình sự ở Mỹ nhưng không nhất thiết là tội theo luật Canada.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: